Cuộc tranh luận lần thứ hai
(kết thúc lúc 9:37AM giờ VN; xem trên trang NBC News) là một võ đài thật sự.
Hai đối thủ tấn công nhau quyết liệt không thương tiếc. So với cuộc tranh luận
đầu tiên thì cuộc tranh luận này dữ dội và khốc liệt hơn. Như một trận ác đấu.
Donald Trump vẫn áp dụng chiến thuật áp đảo bằng cách liên tục cắt lời. Trump
thiếu bình tĩnh. Ông gần như không ngồi. Ông nhăn nhó, căng thẳng, đi lòng vòng
một cách bồn chồn, micro luôn cầm sát miệng để chực cướp lời. Khi trả lời,
Trump đi đường vòng, tránh đề cập trực tiếp nội dung câu hỏi. Khi được hỏi sẽ
làm gì với Syria nếu đắc cử, Trump không trả lời thẳng mà dồn “đạn” công kích
cá nhân Hillary. Ứng cử viên Dân chủ kiểm soát “sân khấu” tốt hơn. Bà tự tin và
không bị sập bẫy khiêu khích của Trump. Tuy nhiên, Hillary đã không thắng được
Trump như lần tranh luận trước. Trump không bị hố nhiều như cuộc tranh luận đầu
tiên. Ông đã chuẩn bị tốt cho hiệp hai này. Tỷ số trận đấu có thể được xem là
huề.
Điều đáng chú ý nhất ở cuộc
tranh luận này là câu hỏi cuối cùng của một cử tri, rằng điều tích cực mà hai
người biểu thị sự tôn trọng nhau là gì. Hillary nói bà tôn trọng con cái Trump.
Trong khi đó, Trump nói: “Tôi sẽ nói thế này về Hillary. Bà ấy không từ bỏ. Bà ấy
không khoan nhượng. Tôi nể trọng điều đó. Tôi nói như thế này: bà ấy là một chiến
binh. Tôi không đồng ý với hầu hết những gì bà ấy chiến đấu để giành được. Tôi
rất không đồng ý với cách bà ấy phán xét trong nhiều trường hợp nhưng bà ấy chiến
đấu rất quyết liệt và bà ấy không từ bỏ cũng như không khoan nhượng. Tôi cho rằng
đó là một phẩm chất rất tốt”.
Như trên võ đài quyền anh,
sau khi đấm nhau máu me đầm đìa, lúc kết thúc trận, hai võ sĩ lại bắt tay và thậm
chí ôm nhau. Cuộc chiến của họ là trận so găng không khoan nhượng để quyết định
kẻ thắng người thua. Họ luôn tìm cách móc vào quai hàm đối thủ để hạ đo ván. Điều
đó không ngăn được họ nể nhau nếu đối thủ đánh trúng mình hoặc đối thủ né được
đòn của mình. Họ vừa đánh nhau vừa đánh giá mức độ thông minh và khéo léo của đối
thủ. Tuy nhiên, họ xem nhau như đối thủ chứ không phải kẻ thù.
Sau khi gục ngã hay chiến thắng,
họ thường thể hiện sự nể phục dành cho đối thủ, đặc biệt khi đối thủ ngang tài
ngang sức. Họ hiểu cả hai đều nỗ lực nhiều như thế nào. Người Mỹ luôn thích chiến
thắng và giành vị trí dẫn đầu. Văn hóa cạnh tranh khốc liệt luôn đẩy họ đến nỗ
lực chiến thắng, trước hết là chiến thắng bản thân. Có thể hiểu tại sao họ luôn
khao khát chiến thắng và tự hào với chiến thắng. Tuy nhiên, họ không lấy chiến
thắng để sỉ nhục kẻ thua trận. Đó không chỉ là thói quen trong văn hóa ứng xử của
người Mỹ. Nó còn là kết quả của một nền giáo dục. Trong nhiều trường hợp, kẻ
thua trận thường để lại rất nhiều bài học cho kẻ chiến thắng (và ngược lại).
……
Ảnh: NYTimes
Theo FB Manh Kim
1 nhận xét:
Bài viết hay!
Đăng nhận xét