Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

12 CON THIÊN NGA THẢ Ở HỒ THIỀN QUANG GIỜ RA SAO?


Chúng ta đều biết một đàn thiên nga trắng và đen đã được thả tại khu vực phía sau đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong buổi sáng (5/2/2018) khiến rất đông người dân và du khách bất ngờ. Nhiều du khách, người dân tỏ ra thích thú với hình ảnh đàn thiên nga bơi lội, vỗ cánh trên mặt hồ. Được biết đàn thiên nga này lúc đầu không được thả tự do hoàn toàn ra hồ mà đã được quây lưới nhốt. 

Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với hình ảnh mới mẻ này.

Một số người cao tuổi thì cho rằng Hồ Gươm nổi tiếng với truyền thuyết rùa vàng và hình ảnh cụ rùa gắn liền với tên tuổi, lịch sử của hồ nên việc thả thiên nga là không hợp lý.

Hơn 22h ngày 5/2, một nhóm công nhân đã đưa 12 con thiên nga lên ôtô, rời khỏi Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

"Việc thí điểm thả thiên nga ở Hồ Gươm tạm dừng do nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt một số nhà khoa học cho rằng loài này không phù hợp với lịch sử, văn hóa của Hồ Gươm", lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội chia sẻ.

 Tranh cãi đã nổ ra. GS Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia sinh học đồng thời cũng là người được lãnh đạo Hà Nội tham vấn ý tưởng cho rằng, "thả thiên nga ở Hồ Gươm là hợp lý, tạo cảnh quan đẹp, không ảnh hưởng đến môi trường".
Không đồng tình, PGS Hà Đình Đức cho rằng Hồ Gươm là địa điểm văn hóa, tâm linh của cả nước nên đưa con vật gì vào phải thận trọng. Ông gợi ý chỉ nên thả thiên nga trong mấy ngày Tết tạo không khí vui vẻ, không nên nuôi lâu dài.
Cũng theo ông Đức, loài thiên nga đã được thuần hóa nên không có khả năng kiếm ăn và thường sống ở phương Bắc, không có khả năng chịu nóng vào mùa hè, cần có bộ phận chuyên chăm sóc khá phức tạp, tốn kém.

"Hồ Gươm không phải là nơi có thể thả con gì cũng được. Nếu nuôi thiên nga ở đây lâu dài sẽ biến thành hồ thiên nga, hay ít nữa họ lại thả sâm cầm. Hãy để Hồ Gươm như vốn có", ông Đức nói.

Trong khi đó, hơn 10.000 lượt độc giả VnExpress ủng hộ việc thả thiên nga trên Hồ Gươm.
Đàn thiên nga ngay sau đó đã được chuyển sang thả ở hồ Thiền Quang, cách đó không xa.
Hôm vừa qua tôi đã ra hồ Thiền Quang quan sát thiên nga. Trái với lo ngại của nhiều người, đàn thiên nga đang dần thích nghi với môi trường hồ. Hỏi người dân sống quanh hồ và những nhân viên quản lý hồ ở đây thì được biết đàn thiên nga sống tự do trong hồ, không bị quây nhốt. Quan sát thấy hồ có rất nhiều cá nhỏ, môi trường nước hồ khá tốt, người dân thân thiện với đàn thiên nga và chúng không có vẻ gì sợ người. Có đôi còn lên bờ nằm, hoặc đứng hàng giờ đồng hồ. Thiên nga đen hay đi theo đàn, có một đôi đen luôn đi với nhau. Thiên nga trắng có vẻ không gắn kết mấy.

Hy vọng Công ty Thoát nước Hà Nội thả thêm thiên nga vào hồ, kể cả hồ Gươm, tạo cảnh quan phục vụ du khách và người dân tham quan. GS. Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia sinh học đồng thời cũng là người được lãnh đạo Hà Nội tham vấn ý tưởng thả thiên nga cho biết: thiên nga là loài chịu được cái lạnh ở Hà Nội vào mùa đông, sống 24/24 dưới nước nên không gây ảnh hưởng đến giao thông trên bờ.

GS. Dũng đã nói nếu thí điểm thả phù hợp thì sẽ đề nghị Hà Nội tăng số lượng lên đến 50 con.
Hiện chỉ có 11 con thiên nga:5 trắng, 6 đen. 1 con thiên nga đen nghe nói bị vướng lưỡi câu vào chân nên đang đi dưỡng thương (?)








***
Thiên nga là một nhóm chim cỡ lớn thuộc họ Vịt, cùng với ngỗng và vịt. Thiên nga và ngỗng có quan hệ gần gũi và cùng được xếp vào phân họ Ngỗng theo nhiều tài liệu sinh học.

Trên thế giới, có 6 loài thiên nga khác nhau. Hầu hết chúng có chân màu ghi đen đậm, ngoại trừ hai loài ở Nam Mỹ, có chân màu hồng. Bên cạnh đó, mỏ của thiên nga cũng vô cùng đa dạng, cả về màu sắc và hình dáng.

Biểu tượng của sự chung thủy, lãng mạn

Thiên nga là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thuỷ vì tập tính ghép đôi suốt đời. Theo các nhà khoa học, câu chuyện thiên nga gắn bó với một bạn tình “tới hơi thở cuối cùng” là hoàn toàn có thực. Nếu một con thiên nga qua đời, bạn đời của nó có thể sẽ than khóc và sống độc thân đến hết đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng, đã có khá nhiều "vụ ly dị" đình đám của thiên nga được ghi nhận trong lịch sử.

Trả lời phỏng vấn báo chí, GS. Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia sinh học đồng thời cũng là người được lãnh đạo Hà Nội tham vấn ý tưởng thả thiên nga cho biết: Loài thiên nga thả xuống Hồ Gươm là thiên nga có nguồn gốc từ nước Bỉ, có giá thành khoảng 20 triệu đồng/con.

Thiên nga bắt đầu sinh sản trong khoảng từ 3 – 4 tuổi, với số trứng trung bình trong mỗi ổ là 3-8 quả. Những quả trứng này sẽ phải mất từ 35-42 ngày để nở thành con.

Là loài chim thường sinh sống ở khu vực ôn đới, thiên nga cực kỳ ưa chuộng mức nhiệt hiện tại của mùa đông Hà Nội. Cũng bởi lý do này, bạn sẽ khó có thể tìm được một chú thiên nga ở khu vực có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, như Châu Phi và Nam Cực.

Một đại gia ở Quốc Oai (Hà Nội) đã chi gần 40 triệu đồng mua một đôi thiên nga đen trưởng thành về nuôi thả ở hồ của mình để ngắm vì mê vẻ đẹp của loài chim này.

Ngồi ngắm đôi thiên nga đen đang thong dong bơi trong hồ, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - chủ một khu du lịch ở Quốc Oai, chia sẻ, thiên nga trắng cũng đẹp, nhưng với ông thì thiên nga đen mang một vẻ đẹp gì đó rất sang trọng, quyền quý.

Anh Trần Nhữ Giáp, chủ vườn chim ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết, thiên nga là loài chim rất gần gũi với con người và cực kỳ hiền hòa nếu thuần hóa được chúng. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, chim thiên nga đen vẫn là loài chim cực quý và hiếm.
Theo anh Giáp, đặc điểm bên ngoài của thiên nga đen khác hoàn toàn với thiên nga trắng. Chúng có màu đen hoàn toàn, ngoại trừ vài lông trắng trên cánh, mỏ màu hồng đậm, cổ rất dài, chân màu ghi đen. Chúng là loài sống đơn lẻ hay sống theo bầy với số lượng hàng chục cho đến hàng trăm con. Hiện thiên nga đen sống khá nhiều ở Tây Nam nước Úc và ở các nước châu Âu.

“Tôi rất mê sưu tầm các loài chim quý trên thế giới nên cách đây không lâu, tôi có nhập thiên nga đen từ Bỉ về nuôi phục vụ đam mê của mình và cũng là để nhân giống loại chim này cung cấp cho thị trường Việt”, anh Giáp cho hay.

Anh chia sẻ, loại thiên nga đen này rất dễ nuôi với các loại thức ăn là ngô, thóc, cám, bèo, các loại rau. Đặc biệt, thiên nga đen có sức đề kháng tốt, hầu như rất ít mắc các bệnh thông thường của thủy cầm.

Nguyen Hong Long tổng hợp
ảnh của tác giả 

Không có nhận xét nào: