(ảnh của tác giả)
(Trích từ tự truyện: DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH, chưa xuất bản)
… Lần ấy P. Thắng, nhân viên chính trị của tiểu đoàn, nhận lệnh đi công tác một tháng. Theo thông lệ, cậu ta bàn giao lại việc cho tôi, nhân viên quân lực. Tuy không phải đảng viên nhưng tôi thông thuộc hết mọi thủ tục để hoàn thiện bộ hồ sơ cho một đảng viên mới, chính là nhờ một tháng làm thay ấy.
Vốn là người chu đáo, trước khi đi, Thắng bỏ ra một buổi chiều dặn kỹ tôi phải làm gì. Bấy giờ tôi mới biết: Trọn vẹn một bộ hồ sơ để kết nạp ai đó vào đảng, từ đơn xin gia nhập đảng, lời của hai đảng viên giới thiệu, đến tất cả những trích biên bản cuộc họp, (họp quần chúng, họp chi đoàn, liên chi đoàn, chi bộ, chi ủy…) đều do nhân viên chính trị làm.
Tức là bịa ra hoàn toàn.
Càng bịa giỏi càng được coi là có năng lực. Tôi đọc qua vài cái trích biên bản mẫu và hỏi lại Thắng có phải đều do cậu ta bịa ra, thì cậu ta gật đầu: “Bịa tất! Làm quái gì có cuộc họp nào”- Thắng nhấn mạnh để tôi cứ yên trí mà làm.
Đúng vào tháng cuối năm nên trong những chỉ tiêu tiểu đoàn phải hoàn thành, có chỉ tiêu phát triển đảng. Tiểu đoàn phó chính trị Đoàn Văn Bàn gọi tôi sang, bảo: “Thằng Thắng bận thì ông phải làm vậy, mặc dù ông không phải là đảng viên. Ông làm việc với bọn chỉ huy đại đội xem có đứa nào thì giới thiệu để kết nạp đảng cho đủ chỉ tiêu mẹ nó đi. Ưu tiên bọn sắp ra quân. Tất cả còn thiếu hơn chục thằng nữa. Chỉ nay mai là trung đoàn lại réo lên hỏi cho mà xem”.
Tôi nhận nhiệm vụ một cách miễn cưỡng.
Ngay lập tức tôi nhấc máy gọi cho các đại phó phụ trách chính trị của đại đội, nói tinh thần của chỉ huy tiểu đoàn. Chỉ ngay tuần sau có vài đại đội đã đưa lên danh sách những chiến sỹ mà họ cho là xứng đáng kết nạp. Riêng đại đội Một và Ba, có hai ông đại trưởng ngang bướng thì tôi phải xuống trực tiếp. Tại C1, đại trưởng Nguyễn Văn Thục, tiếp tôi như tiếp quan khâm sai. Nghe tôi trình bày, ông cười cười bảo: “Tưởng việc gì chứ việc ấy thì cần đéo gì phải lo. Mày cứ ở đây với tao, cơm no rượu say rồi tao tìm cho -Ông ghé tai tôi bảo tiếp: Đ. mẹ, tao bảo mấy thằng đàn em, những thằng vẫn hầu hạ tao như hầu bố ấy, là tao đéo có gì cho chúng mày đâu, đ. mẹ, chỉ có TÍ ĐẢNG cho chúng mày cầm về mà làm vốn. Đ. mẹ, về quê mà không có tí ấy thì chỉ có mà ăn cứt, mấy thằng cán bộ xã nó cho cả nhà ăn cứt khơ khớ…May quá, tiện dịp này mày giúp tao tống mấy thằng ấy vào đảng cho xong đi nhé”.
Sau bữa, ông Thục chống ba toong tự tạo khệnh khạng kéo tôi cùng đi ra hiện trường, nơi lính tráng đang đào ao. Chúng tôi ngồi trên bờ nhìn xuống. Ông Thục nói to, chõ xuống dưới: “Thằng nào muốn vào đảng thì đào ao cho khỏe”. Rồi ông vừa cười hô hố vừa chỉ thiên chỉ địa: “Thằng kia, thằng kia, thằng kia…(Y như hồi bé tôi chọn vịt cho mẹ đem đi chợ, cứ con nào cổ ngỏng cao là tóm) -ông Thục quay sang tôi-thế đã đủ chưa?”. Tôi bảo tạm đủ, ông mới thôi.
Sau khi nhận đủ số hồ sơ, tôi phải làm cái việc mà Thắng làm trong suốt thời gian cậu ta là nhân viên chính trị và trước đó Hải làm ròng rã bốn năm còn trước nữa thì tôi không biết, là bịa ra những tờ “trích biên bản cuộc họp”. Trong bộ hồ sơ tổng cộng có bảy loại giấy tờ, thì có tới 4 cái trích biên bản, ba cái còn lại gồm bản xác minh lý lịch, đơn xin vào đảng và lời giới thiệu của hai đảng viên chính thức. Thiếu một cái là chưa xong. Chỉ có bản xác minh là do người được cử đi xác minh thực hiện, còn lại ngay cả đơn xin vào đảng, lời đảm bảo của hai đảng viên phần lớn cũng do nhân viên chính trị viết hộ. Bởi vì có nhiều trường hợp người được chọn, khi gọi lên viết đơn thì cả buổi cũng chỉ đủ chữ để viết Đảng cộng sản Việt Nam rồi ngồi cắn bút. Thà viết giúp cho nhanh. Những người chấp nhận đứng tên giới thiệu thì lười, chỉ muốn có sẵn rồi ký toẹt cho xong, đôi khi không thèm ngó qua để biết nội dung lời đảm bảo viết giúp ấy.
Sau đây là mẫu ghi nội dung của một bản “trích biên bản cuộc họp”:
-Cấp họp (chi đoàn, liên chi đoàn, chi bộ, chi uỷ …)
-Thời gian họp:
-Địa điểm họp:
-Thành phần họp:
-Nội dung họp:
-Diễn biến cuộc họp:
-Kết luận:
Chỉ có thời gian là thay đổi, còn địa điểm thì tùy theo cấp họp mà ghi tại hội trường hay tại sở chỉ huy … Riêng thành phần họp, nếu là chi bộ hoặc chi ủy thì phải lưu ý vấn đề quá bán. Ví dụ tổng số có 5 người mà vắng 3 là không ổn, không đúng nguyên tắc. Cho nên nhất thiết chỉ được vắng nhiều nhất là 2. Nội dung thì chỉ có một: Xét kết nạp đảng viên mới. Câu mào đầu thì cả trăm bản đều giống nhau: “Sau khi đọc đơn, lời giới thiệu, bản xác minh lý lịch … (của cấp bên dưới cấp đang họp, ví dụ cuộc họp Liên chi đoàn thì xét đề nghị cấp Chi đoàn, cứ thế lân lên) hội nghị đã thảo luận sổi nổi (nhất định phải có từ sôi nổi, hoặc thay bằng từ tương đương như kỹ lưỡng…) và đi đến thống nhất ý kiến…
Mặt mạnh: độ vài ba cái gạch đầu dòng.
Mặt yếu: Cũng độ vài ba cái gạch đầu dòng, khuyết điểm hay được nhắc tới là tính còn trầm. Tùy sự biến báo của nhân viên chính trị mà mặt yếu có thể là còn ngại đấu tranh (mặc dù đấu tranh thì còn lâu mới được xét vào đảng), còn rụt rè, còn có lúc chưa thật yên tâm…
Kết luận: Xét theo điều lệ … Đồng chí A đủ tiêu chuẩn để đứng trong hàng ngũ tiên phong của đảng. Biểu quyết 100 phần trăm số phiếu tán thành. (Thỉnh thoảng cũng phải rút xuống 80% cho ra vẻ). Nay kính chuyển lên (nếu là chi đoàn thì cấp kính chuyển là Liên chi đoàn, nếu là Liên chi đoàn thì cấp kính chuyển là Chi bộ … cứ thế cấp kính chuyển cuối cùng là Đảng ủy cấp trên), xét kết nạp đồng chí A. trong thời gian sớm nhất.
Người trích biển bản là nhân viên chính trị, ký và ghi rõ họ tên. Còn người chủ tọa thì tùy cấp họp mà ghi tên rồi khi đủ cả chục bộ hồ sơ thì chuyển cho họ kí một thể.
Sau khi bộ hồ sơ hoàn chỉnh, nhiệm vụ tiếp theo của nhân viên chính trị là gọi những đảng viên tương lai lên để chỉ học thuộc đúng một câu thề trong lễ kết nạp. Việc đó hóa ra cũng vô cùng khó. Thông thường phải mất cả tuần. Có lần tôi thấy P.Thắng cáu tiết quát ai đó nhặng cả lên: “Mày không mở được miệng ra à? Chỉ có đọc thôi mà cũng tắc tị thì sau này lãnh đạo được đéo ai”.
Vì tôi chỉ làm giúp, nên trong những trường hợp ấy, tôi luôn nhẹ nhàng bảo: “Từ ngày mai là em lãnh đạo những người như anh rồi đó, là thành viên của đội tiên phong rồi đó, cố lên”.
Suốt cái tháng cuối năm ấy, tôi “chế” được cả thảy hơn chục bộ hồ sơ “đẹp như mơ”, có bút tích, chữ ký của tôi với cái tên Tạ Duy Anh chưa bao giờ được công nhận về mặt hành chính. Nhiều năm sau thỉnh thoảng tôi vẫn thấy khoái trá với ý nghĩ: “Mình chỉ làm thay có một tháng, trong phạm vi một tiểu đoàn, mà đã góp cho đội ngũ trùng trùng điệp điệp hơn chục thành viên, vẻ vang là cái chắc”.
________________________________
Nhân đảng kỉ niệm 90 tuổi, xin được kể công một chút?
1 nhận xét:
Công bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi, tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN.
Hồi tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc Hội Liên bang Nam Tư, cố Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.
Vì thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳn. Tôi thực sự đã mất hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa.
Tôi “thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên”. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%!
Đăng nhận xét