Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

GIA CÁT KHỔNG MINH Ở TRUNG NAM HẢI

 


Pete Pho
Gần 2000 năm trước, Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên cơ đồ Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.
50 năm trước, Henry Kissinger giúp Richard Nixon bình thiên hạ. Kissinger cũng hơi giống Khổng Minh thời hiện đại của Mỹ. Những đánh giá về Henry Kissinger có sự khác biệt rất lớn. Tuy vậy, nhiều học giả đã xếp Kissinger là Ngoại trưởng Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất kể từ năm 1965.
Và hôm nay, một ngôi sao rực sáng trên chính trường Trung Nam Hải. Cũng có thể ví là Gia Cát Khổng Minh thời nay của triều đại họ Tập. Đấy chính là Vương Hỗ Ninh. Vương Hỗ Ninh được coi là vị "quốc sư" đắc lực cho 3 đời các lãnh đạo quốc gia cao (Trung Quốc) Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình và được quốc tế nhìn nhận là "túi khôn cấp cao nhất Trung Nam Hải". Vương Hỗ Ninh là nhà lý luận viết lên cả ba luận thuyết: Thuyết ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học và Giấc mộng Trung Hoa. Ông là một quân sư thân cận nhất của Tập. Báo Mỹ còn gọi Vương là "Kissinger của Trung Quốc", hàm ý không chỉ giúp ông Tập về lý luận, mà còn là nhà thiết kế ra chính sách đối ngoại cho Tập.
Tên của họ Vương là “Hỗ Ninh", nghĩa gốc là thành phố Thượng Hải yên ổn (滬 Hỗ, tên gọi tắt của Thượng Hải, 寧 Ninh trong chữ an ninh). Quê quán sinh trưởng của tổ tiên Vương Hỗ Ninh ở thành phố Lai Châu, tỉnh Sơn Đông, nhưng ông ra đời ở thành phố Thượng Hải, là giáo thụ, thạc sĩ luật pháp học chuyên ngành chính trị quốc tế của Đại học Phục Đán. Chính vì sinh ra ở Thượng Hải, nên bố mẹ ông đã đặt cho cái tên “Hỗ Ninh” đầy chất yêu thương Thượng Hải. Đất Thượng Hải cũng là vườn ươm ra những nhân tài Trung Hoa, nhất là những chính khách, những gian hùng, nhà tư bản đỏ, xã hội đen…Ninh là một trong những tinh hoa của mảnh đất linh thiêng ấy.
Những bí mật hôn nhân của Vương Hỗ Ninh cũng đầy ly kỳ. Người vợ đầu tiên của Ninh không liên quan gì đến chính trị và học thuật, và cũng không có ngôn ngữ chung với ông. Người ta ước tính rằng Ninh kết hôn trước khi vào đại học trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và thế giới bên ngoài không biết tên của cô. Người vợ thứ hai là Chu Kỳ (周琪) có cha làm quan to ở Bộ Quốc an, hai người đều cùng một thời kỳ vào làm tại Trung Nam Hải. Chắc để giải quyết sinh lý trong một môi trường khô khan, tẻ nhạt. Họ âm thầm kết hôn nhưng không có con rồi ly hôn. Hiện nay Chu Kỳ à nghiên cứu viên tại Sở Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về Hoa Kỳ. Người vợ ba là Tiếu Giai Linh (肖佳灵), người Hồ Nam, nhỏ hơn Vương Hỗ Ninh 10 tuổi, từng là học sinh của Vương. Họ cũng kết hôn bí mật vào năm 1998. Sau khi kết hôn, bà Tiếu được cử đi Đại học Tokyo Nhật Bản nghiên cứu sau tiến sĩ, không ngờ bị tình báo Nhật Bản theo dõi, muốn lợi dụng. Sự việc bị Bộ Quốc an Trung Quốc phát hiện, sau khi báo cáo Bắc Kinh mới biết bà Tiếu Giai Linh là vợ của ông Vương Hỗ Ninh, sự kiện gây kinh động Trung Nam Hải, lệnh cho bà Tiếu gấp rút về nước. Hiện nay Tiếu Giai Linh là Phó giáo thụ Học viện sự vụ công cộng và Quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán. Người vợ thứ tư của Ninh là một người đẹp ở Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông, nhỏ hơn Vương Hỗ Ninh 30 tuổi. Tính danh cụ thể bảo mật, được cho là phục vụ viên của phòng phục vụ Cục Cảnh vệ Trung ương, cấm cung trong nhà sau khi kết hôn với Vương, rồi làm nội trợ toàn thời gian.
Gần đây, một người nổi tiếng trong giới truyền thông Mỹ Hugh Hewitt đã viết một bài báo về Vương Hỗ Ninh được lan truyền trong giới chuyên gia an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Hugh Hewitt cho rằng Vương đứng sau Tập Cận Bình, là "người nguy hiểm nhất trên thế giới."
Vào ngày 16 tháng 12, Hewitt đăng một chuyên mục trên tờ "Washington Post" và chỉ ra rằng gần đây một tác giả với bút danh "N. S. Lyons" đã đăng một bài báo về Vương Hỗ Ninh trên "Tạp chí Palladium" của Mỹ. Bài báo hiện đã được lan truyền giữa các chuyên gia an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bao gồm cả Đại diện Hoa Kỳ Mike Gallagher cũng đang đọc bài báo này. Cũng giống như các chính phủ nước ngoài đang nghiên cứu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Cố vấn An ninh Quốc gia, các chuyên gia này biết rằng các trợ lý chính của các nhà lãnh đạo cũng quan trọng như các nhà lãnh đạo và thường những trợ lý này sẽ lập lộ trình hàng tháng hoặc hàng năm trước khi sự cố xảy ra.
Hewitt nói rằng mặc dù ít được biết đến nhưng Vương Hỗ Ninh là người chịu trách nhiệm hoạch định các chính sách tương lai của Trung Quốc và có ảnh hưởng đặc biệt đối với nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Mọi khái niệm chính trị mang tính biểu tượng của Tập Cận Bình đều do ông đưa ra, bao gồm "Giấc mơ Trung Hoa", phong trào chống tham nhũng, sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường", ngoại giao chiến lang và thậm chí là "Tư tưởng Tập Cận Bình". Ông tin rằng điều này có nghĩa là Vương Hỗ Ninh chịu trách nhiệm hoạch định các chính sách tương lai của Trung Quốc và thậm chí áp đặt thực thi các ý tưởng của mình.
Bài báo đề cập rằng nếu quan sát kỹ, mọi người có thể nhận thấy Vương Hỗ Ninh có thể được nhìn thấy trong bất kỳ bức ảnh nào về hành trình hoặc các cuộc họp quan trọng của Tập Cận Bình. Lyons đã giới thiệu trong bài báo rằng Vương Hỗ Ninh thích ẩn mình trong bóng tối và không thích xuất hiện công khai trước công chúng. Ông ta là một người mất ngủ trầm trọng và tham công tiếc việc. Bạn bè và đồng nghiệp cũ nói ông là người sống nội tâm và rất thận trọng trong mọi việc.
Vương Hỗ Ninh giảng dạy tại Đại học Phúc Đán sau khi tốt nghiệp. Năm 1995, ông được Giang Trạch Dân đề bạt đến Bắc Kinh dưới sự tiến cử mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Nhóm Thượng Hải là Hồ Bang Quốc và Tăng Thanh Hồng. Kể từ đó, Vương Hỗ Ninh gần như cắt đứt mọi liên lạc trước đây, ngừng xuất bản và phát biểu trước công chúng, đồng thời thực hiện chính sách nghiêm ngặt không bao giờ nói chuyện với người nước ngoài. "Dưới tấm màn đen được thiết kế cẩn mật này, rất ít người ở phương Tây biết về Vương Hỗ Ninh ."
Lyons mô tả Vương Hỗ Ninh là một "trí thức công chúng" có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay. "Trong cuộc đấu tranh phe phái tàn khốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc Vương Hỗ Ninh có thể giữ cương vị quan chức cấp cao của ba đời lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là một hiện tượng chưa từng có."
Vương Hỗ Ninh được Giang Trạch Dân lôi kéo vào nhóm Thượng Hải của Giang Trạch Dân. Sau khi Tập lên ngôi năm 2012 thì ra tay thanh trừ băng nhóm đối lập này ví dụ như quan to khét tiếng nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, nguyên thứ trưởng bộ công an Tôn Lực Quân, “Sói Tây Bắc” nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Quách Bá Hùng, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thượng tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Từ Tài Hậu… Phe Đoàn Thanh niên Cộng sản của Hồ Cẩm Đào cũng bị gạt ra ngoài lề nghiêm trọng, và Đại quản gia thư ký số một của Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch cũng đã bị bỏ tù. Nhưng Vương Hỗ Ninh vẫn yên vị và leo lên vị trí cao hơn”.
Sự cố Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, Vương Hỗ Ninh đã dần trở thành một nhân vật chính trong chính sách chống lại chủ nghĩa tự do toàn cầu. Vương Hỗ Ninh chủ quản những quan điểm như: Trung Quốc cần tạo ra các giá trị cốt lõi mới và tích hợp chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội với các giá trị Nho giáo truyền thống của Trung Quốc và tư tưởng pháp gia, những tư tưởng tối cao về chủ quyền và quyền lực của nhà nước phương Tây, và chủ nghĩa dân tộc để chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do phương Tây.
“Sự suy tàn của nước Mỹ" là lý thuyết của Vương Hỗ Ninh giống như lý thuyết “Đông thăng, Tây giáng” nói về “Sự trỗi dậy của phương Đông và sự sụp đổ của phương Tây" của Tập Cận Bình. Vương Hỗ Ninh học chuyên Pháp văn, có óc quan sát nhạy bén, khả năng đọc hiểu cao và nghiên cứu sâu về triết học phương Tây. Sau khi đến Hoa Kỳ với tư cách là một học giả thỉnh giảng khi còn là giáo sư tại Khoa Chính trị Quốc tế, ông đã xuất bản một cuốn sách vào năm 1991 về quan điểm của mình đối với nền dân chủ Hoa Kỳ. Tên cuốn sách là "Mỹ chống lại Mỹ" Vương Hỗ Ninh tin rằng Hoa Kỳ đã suy tàn 30 năm trước vì "chủ nghĩa tự do", "chủ nghĩa hư vô" và "chủ nghĩa cá nhân".
Bài báo của Lyons đề cập rằng, Vương Hỗ Ninh không ngờ rằng mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ "tự do hóa" dựa trên bầu cử dân chủ, tự do báo chí và tôn trọng nhân quyền, nhưng người dân Trung Quốc đã triệt để theo đuổi quyền tự chủ cơ bản của "người tiêu dùng" hiện đại. Ông tuyên bố rằng Trung Quốc hiện đã bị "nuốt chửng bởi chủ nghĩa cá nhân hư vô và hàng hóa", và điều này đã trở thành "cơn ác mộng” của Vương Hỗ Ninh.
Lyons tin rằng hầu hết các "Công trình sư linh hồn" khác trong lịch sử đã thất bại, phong trào này đại diện cho tư tưởng vận động -tư duy về văn hoá của Vương Hỗ Ninh trong 30 năm qua, điểm khởi đầu cho việc hoạch định chính sách-và đặt cược của ông vào việc thiết kế và tạo ra giá trị xã hội mới. Xác suất thành công của nó gần như bằng không.
Nhà phê bình Đường Thanh hiện tại đã từng giới thiệu bài báo của Lyons về Vương Hỗ Ninh trong một chương trình Youtube. Đường Thanh cho rằng Vương Hỗ Ninh từ lâu đã tin rằng Hoa Kỳ đã thoái hoá. Đây có thể là nguồn gốc dẫn đến câu nói của Tập Cận Bình “Đông thăng, Tây giáng”, tức phương Đông sẽ mạnh lên, phương Tây sẽ suy sụp.
Đường Thanh nói: “Đánh phú hộ, đánh minh tinh, chấn chỉnh doanh nghiệp khoa học kỹ thuật, chấn chỉnh kinh tế tư nhân, chấn chỉnh ngành giải trí, Tập Cận Bình đã tung ra những quả đấm liên hoàn chấn động thế giới. Đây không phải là phát minh và sáng tạo của Tập Cận Bình. Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ vị quốc sư nép sau hậu trường của Tập Cận Bình - Vương Hỗ Ninh, một bóng ma điên rồ nhưng có vỏ ngoài nhẹ nhàng mềm mỏng, không vênh váo huyênh hoang và hết sức khiêm hư.
Đường Thanh tin rằng ngay cả khi Vương Hỗ Ninh thuyết phục Tập Cận Bình phát động một loạt chiến dịch như "thịnh vượng chung", đàn áp các công ty công nghệ cao và mạng xã hội của Trung Quốc, bóp nghẹt ngành giáo dục và đào tạo, đàn áp những người nổi tiếng trong ngành giải trí, tất cả những điều này chỉ để duy trì sự tồn vong của ĐCSTQ, nhưng để giải quyết các vấn đề hiện tại của Trung Quốc là một "nhiệm vụ bất khả thi" bởi vì "Chủ nghĩa Mác không ăn khớp với các giá trị truyền thống của Trung Quốc."
Đường Thanh nói: ĐCSTQ ra đời cùng với sự khủng hoảng về sự tồn tại của chế độ. Sự chồng chất của cuộc khủng hoảng này đã làm tăng tác động lên không chỉ gấp đôi. ĐCSTQ sợ nhất mất đảng, dùng mọi cách để duy trì sự tồn vong của đảng với bất kỳ thủ đoạn nào. Nó có thể có hiệu quả tạm thời trong các giải pháp hiện tại, nhưng uống rượu độc giải khát, chỉ mong giải cơn khát trước mắt mà không để ý tới hậu hoạn về sau, thì cuối cùng sẽ đẩy nhanh sự tàn lụi của chính nó.
( Ảnh minh họa: Ảnh 4 người gồm thầy Cố Dục Tú, Người là thầy về thơ phú và thư pháp của lão. Thầy có hé lộ với lão nhiều chuyện thâm cung thần bí về triều đại Giang Trạch Dân, Dân là học trò của thầy thời học sinh. Cựu chủ tịch nước này đã ghé thăm thầy tại tư gia ở thành phố Philadelphia, USA tháng 10 năm 1997. Người phụ nữ là Trương Mạn, nghệ sĩ Opera Broadway, New York. Người đàn ông là con cháu lão họa sĩ Tề Bạch Thạch. Lão PP hồi ấy đã hơi nổi tiếng chém gió trên văn đàn New York nên hay được mời nhậu nhẹt rượu chè là vậy)
Pete Pho

Không có nhận xét nào: