Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

TRỞ NÊN NGƯỜI VIỆT VỚI NGƯỜI VIỆT

 


Linh mục Léopold Cadière đặt chân đến Việt Nam năm 1892, lúc mới 23 tuổi đời và được bổ nhiệm phục vụ tại giáo phận Huế. Vào giai đoạn đó, “đại đa số các thừa sai cao niên rất thông thạo tiếng Pháp. Nhưng nhiều vị chỉ biết tiếng qua loa tiếng Việt và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nghiên cứu cấu trúc của nó”. Có những thừa sai chỉ hiểu sơ sơ những câu nói thông thường và hầu như không thể nói tiếng Việt, nên luôn luôn phải có thông dịch viên.

Thể theo đường hướng nhập thể của Đức Giêsu và nguyên tắc hội nhập của vị đại Tông đồ Phaolô “Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp”, L. Cadière quyết định “trở nên người Việt với người Việt”. Cha quyết tâm chọn Việt Nam làm quê hương và cống hiến cả hồn lẫn xác cho miền đất rất thân thương, nhưng quá nhiều khốn khổ này. Đến giai đoạn cuối đời, khi bị quản chế tại Vinh cùng với sáu thừa sai khác (1947-1953) và khi Chính quyền Cách mạng đề nghị các vị trở về Pháp, cha nhất định xin ở lại để được cùng sống chết với anh chị em Việt Nam: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này. Cho tôi được ở lại và chết ở đây”.
Đâu là lý do của sự chọn lựa khác thường này? Năm 1942, nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm thụ phong linh mục, Cadière hé mở cho chúng ta thấy động lực thâm sâu dẫn cha đến quyết định học tiếng, nghiên cứu tôn giáo, văn hóa và lịch sử Việt Nam để rồi gắn bó, yêu thương và nhất quyết sống chết với những người dân hiền lành, cần cù, dễ thương… nhưng lại quá lao đao, khốn khổ. Nhìn lại tất cả quãng đường hội nhập cam go, Cadière chân thành thổ lộ nỗi niềm tâm sự đối với tiếng Việt và người Việt:
“Tôi hiểu người Việt, bởi vì tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã học tiếng Việt ngay từ khi mới đặt chân đến nơi đây và hiện nay tôi vẫn tiếp tục học, và tôi nhận thức rằng tiếng Việt rất tế nhị về phương diện cấu trúc, rất phong phú về phương diện ngữ vựng, mà đến nay nhiều người vẫn lầm tưởng coi thường… Tôi đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam và tôi thấy rằng, suốt những thế kỷ dài, đặc biệt từ khi thành lập triều Nguyễn, nước Việt được chống đỡ bởi lý tưởng cao cả về phát triển và tiến bộ (…).
Tôi yêu người Việt vì họ thông minh và lanh lợi(…). Tôi yêu người Việt vì những đức hạnh của họ (...). Tôi yêu người Việt vì tính tình của họ (…). Cuối cùng, tôi yêu người Việt vì những bất hạnh của họ. Biết bao khổ đau: biết bao cực nhọc, biết bao khốn khổ của người dân Việt, những nỗi cực nhọc đôi khi chính đáng, nhưng thông thường là do số phận hay một định mệnh nghiệt ngã nào đó!"
Ngay từ khi mới đặt chân đến Việt Nam, Cadière đã ao ước “trở thành đồng hương” của những người dân hiền lành và chất phác ở Bình-Trị-Thiên.

Cha ước mong không những làm sao nói sõi tiếng Việt, mà còn có thể suy tư bằng tiếng Việt và thấu hiểu “cái hồn” của nó. Chính vì vậy, cha quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng cách phát âm, cấu trúc, ngữ pháp, ngữ nghĩa và tinh thần của tiếng Việt.

Trên thực tế, Cadière đã cống hiến tất cả cuộc đời cho ngôn ngữ học nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung. Cha say mê “quan sát cặn kẽ những sự kiện quan trọng trong từng lời ăn tiếng nói của người Việt mà không vướng bận bất cứ một định kiến sai trái nào của người châu Âu, kể cả những điều mà họ tin là “hợp lý” và “văn minh” nhất".
Khi đọc các quyển sách của người Pháp viết về tiếng Việt, Cadière nhận thấy “một sai lầm chủ quan” chung của các tác giả này là nhìn tiếng Việt theo lăng kính của người châu Âu, vì thế thường xử lý các vấn đề ngữ pháp tiếng Việt đứng trên quan điểm ngữ học của người Pháp: “Những quyển sách ấy vốn được viết ra để giúp người Pháp học tiếng Việt, cho nên đều xử lý các vấn đề ngữ pháp theo quan điểm của người Pháp, căn cứ vào cách nói của họ, cách sắp xếp ngôn từ của họ, cách tư duy của họ. Họ trình bày như thể tiếng Việt Nam cũng có một cấu trúc y hệt như tiếng Pháp. Và lạ hơn nữa là ngay những quyển sách ngữ pháp do chính người Việt soạn cho học sinh người Việt học cũng được viết y hệt như thế. Cho đến nay vẫn chưa có một ai nghĩ đến việc soạn ra một quyển sách ngữ pháp tiếng Việt dựa trên cơ cấu của chính tiếng Việt để dẫn dắt người học đến chỗ tư duy thực sự bằng tiếng Việt". Và Cadière nhắc lại với các đồng hương đang nghiên cứu tiếng Việt: “Đừng quên rằng lối diễn tả và cấu trúc của tiếng Việt hoàn toàn khác với tiếng Pháp, tinh thần người Việt đi theo một lộ trình khác với người Pháp"
Léopold Cadière đã chọn lựa một phương pháp khác: Nghiên cứu tiếng Việt từ lời ăn tiếng nói của người Việt, cố gắng tư duy bằng chính tiếng Việt và lấy cái quan điểm chủ quan của người Việt làm thước đo. Theo cha, mỗi ngôn ngữ có những đặc trưng riêng và các thứ tiếng trên thế giới có thể khác nhau một cách bất ngờ không sao tưởng tượng được. Không bao giờ có thể lấy ngôn ngữ châu Âu làm thước đo cho ngôn ngữ Á Đông. Mỗi ngôn ngữ hình thành và phát triển như một gia tài văn hóa độc đáo, một sản phẩm chung của nhân dân. Do đó, qua tiếng nói hàng ngày người ta khám phá cái hồn và những quy tắc ngữ pháp riêng của mỗi ngôn ngữ.

Với định hướng đó, Cadière hết sức trân trọng kho tàng văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, hò vè, chuyện dân gian…), đồng thời hăng say đi vào lòng đại chúng, cẩn thận ghi chép từng lời ăn tiếng nói của họ, không bỏ qua một sắc thái nào của ngôn ngữ đời thường, bởi vì ngôn ngữ là cái gương phản chiếu tâm thức của một dân tộc...
Cadière là một trong số các tác giả tiến bộ lúc đó đã cho rằng văn hóa phản ảnh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như các cộng đồng. Nó bao gồm nhiều yếu tố độc đáo, phức tạp, phong phú và cấu tạo nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ cũng lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình. Chính vì vậy, có rất nhiều văn hoá khác nhau, do đó cũng có nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hoá.
Tôn trọng nét độc đáo của mỗi niềm tin
Một đóng góp quan trọng khác của Cadière cho công tác nghiên cứu dân tộc học và tôn giáo học tại Việt Nam đó là gắn liền niềm tin tôn giáo với truyền thống văn hóa dân tộc. Văn hóa mang ý nghĩa tổng quát và bao trùm trên cuộc sống con người. Văn hóa chính là cách thế riêng biệt để hiện hữu, để làm người cũng như để biểu lộ những mối tương quan với Trời, Đất và Người. Do đó, văn hóa là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được nếp sống tôn giáo của người Việt Nam.

Chính từ quan điểm đó, khi nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, Cadière đã nhận ra ngay tính đặc thù, đa dạng, phong phú, phức tạp, trộn lẫn hài hòa, chằng chịt các mối tương quan… khiến người ta có cảm tương như bị lạc vào núi rừng Trường Sơn: “Tôn giáo người Việt, với giả thiết người ta có thể dùng ở số ít, cho ta cái cảm giác tương tự như khi ta lạc vào núi rừng Trường Sơn: đó đây, những thân cây khổng lồ mà rễ của chúng đâm tới đâu nào ai biết được và chúng đỡ nâng cả một vòm lá phủ tràn bóng mát; những cành cây sà xuống mặt đất và đâm rễ chằng chịt; dây leo bò từ cây này sang cây khác, mà người ta chẳng biết chúng khởi đầu từ đâu và dường như cũng chẳng biết chúng đi về đâu (…); những chồi non thanh tao hiếm thấy; những bông hoa đại đóa, những bông hoa lạ lùng phủ đầy mặt đất, điểm rộ những chóp cây cao bát ngát như cả một tàn lửa hoặc nép mình giữa hai nạng cây; những vỏ cây sần sùi, đen đủi, nhầy nhụa gây khiếp đảm…”.
“Cũng thế, đối với người Việt Nam, thuộc tất cả các tầng lớp xã hội, tâm tình tôn giáo biểu lộ một cách mãnh liệt và chế ngự toàn diện cuộc sống: nó thấm nhập các hành vi thường nhật, từ những cái lớn nhất cho đến những cái tầm thường nhất, nơi những mạng lưới sít sao trong thực hành. Khi thì nó bộc lộ giữa thanh thiên bạch nhật, trong vẻ tráng lễ của các nghi lễ chính thức, nơi các đình chùa được nhà nước công nhận, khi thì âm thầm, lén lút, nơi gốc cây, hòn đá. Cũng có lúc người ta khấn vái kêu cầu, bằng ngôn ngữ trang trọng, kèm theo âm nhạc và vũ khúc, nhưng cũng có lúc người ta chỉ lâm râm khấn vái khi đi ngang qua ngôi miếu đáng sợ, hoặc chỉ đơn thuần phát lời nguyện ước thâm sâu tự đáy lòng. Người ta bái lạy, một cách chậm rãi, trang nghiêm, tôn kính, cúi đầu cung kính với áo thụng bằng lụa, khăn mão uy nghi; hoặc tìm đến thầy bói mù lòa, cô đồng ngây ngất bí ẩn, hay tìm đến thầy bùa, thầy pháp, bói quẻ chân gà, xin xăm xin thẻ ở sãi nhà chùa (…). Và cái đa dạng khách quan ấy phức tạp thêm bởi một chuỗi thực hành ở các địa phương mà người ta khó lòng nghiên cứu tường tận. Tất cả giống như một cánh rừng lớn ẩn chứa nhiều loại thảo mộc mà chẳng ai biết được"
Mặc dù là một người châu Âu và hơn nữa một thừa sai Công giáo, L. Cadière không gay gắt chỉ trích, phê phán, kết án hay chế nhạo các hình thức thờ bái mang dáng vẻ ma thuật hay các tập tục có vẻ “ấu trĩ” của tôn giáo bình dân. Trái lại, cha cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng và coi chúng như một cách thế văn hóa riêng biệt để diễn tả niềm tin nơi Đấng Toàn Năng. Trong “Chỉ dẫn thực hành cho các thừa sai” cha đề cập đến thái độ tôn trọng đối với các biểu hiện tình cảm tôn giáo của dân Việt: “Nhà thừa sai dấn thân vào lãnh vực nghiên cứu tôn giáo cần phải hiểu biểu hiện lịch sử kỳ lạ nhất, những giải thích kỳ quặc nhất, những niềm tin đáng ngạc nhiên nhất. Ông nên lắng nghe tất cả với sự tò mò thích thú. Ông cần bắt chước các bác sĩ, khi đi khám bệnh luôn hỏi han bệnh nhân, kích thích lời giải thích, không bao giờ ngắt lời họ, không nói ngược lại họ, ngay cả khi họ kể lể những nỗi đau đớn tưởng tượng, hoặc sai lầm trong những chi tiết và những kết luận về tình trạng sức khỏe của mình. Nhà thừa sai không bao giờ được quên rằng những niềm tin mà người ta trình bày với ông là chân thành. Chúng biểu lộ một trong những tình cảm cao đẹp nhất của nhân loại, tình cảm tôn giáo, và dưới danh hiệu này, chúng có quyền được tôn trọng. Do đó không bao giờ được chỉ trích, chế giễu một cách ác ý"
Cadière cần mẫn đi điền dã, tỉ mỉ ghi chép, kiên nhẫn quan sát và nhận ra nhiều sắc thái, nhiều cấp độ biểu lộ niềm tin tôn giáo ở Việt Nam. Cha trân trọng tất cả những hình thức biểu lộ niềm tin tôn giáo rất đa dạng ấy. Tuy nhiên, trong “cánh rừng tôn giáo” vừa bao la, vừa bí ẩn đó, cha sáng suốt nhận ra nhiều cấp độ và phận vị khác nhau. Việc tế Trời, cầu Trời với việc cúng tế quỷ thần là một thí dụ điển hình. Vì vậy, cha viết: “Khi người ta cầu khấn Trời, đơn giản họ chỉ cầu xin. Nhưng khi họ cầu khấn quỷ thần hoặc vong linh người chết thì việc cầu xin lại đi đôi với lễ vật dâng cúng như để tạ ơn hoặc nguôi lòng họ. Quả thật cung cách ấy hàm ý một sự khác biệt đối với quỷ thần và vong linh của người quá cố (…). Cả hai cách xử thế có lẽ phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt, như đặt trời vào vị thế cao hơn nhiều so với các thần linh và vong linh. Chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ ngần ấy đủ để đặt Trời ở một địa vị bên trên thần linh và vong linh, một hữu thể hoàn toàn siêu việt"
Cadierè là người Pháp, nhưng rất am tường tục miếu thờ thần thánh ở xứ Việt. Ông không cho đó là mê tín dị đoan mà là đời sống tâm linh.
Ông viết: “Phải có lần được nghe tiếng kêu la hãi hùng của dân làng vội vã tán loạn, tìm con, tìm người già lão; phải có lần thấy ánh lửa đỏ ngầu vút lên trong đám khói đen cuồng nộ cùng tiếng mắt tre kèo, cột, mái nhà nổ vang như tiếng đại bác để rồi hôm sau thấy tận mắt cảnh tang thương của những vết tích còn lại, nhất là phải tự thân gánh chịu cái tai ương khủng khiếp ấy thì mới hiểu được người Việt sợ hoả hoạn như thế nào, thì mới biết tại sao họ đã nghĩ những tai ương kia là do thần thánh, thì mới hiểu được cách họ xử thế đối với mọi tai ương xảy đến, kể cả những trường hợp nhỏ nhặt nhất”.

Hoặc: “Ai đã không từng chứng kiến ít nhất là một lần trong đời những trận ngập lụt đột ngột, nhiều khi hàng giờ, nước phủ trùm hết cả vùng, kéo theo đàn gia súc, mang trôi đi nhà cửa, phủ lấp ruộng đồng, làm thối vữa ngay trước mắt mình khoai lúa, mùa màng cóp nhặt được, để rồi sau đó hàng tháng dài đói khát, khốn cùng, dịch bệnh giết chết hàng loạt dân làng”.
Thế mới biết tại sao người Việt phải tin hà bá, phải cúng thần mốc, phải thờ những viên đá trấn.
"Tôi hiểu người Việt bởi vì tôi nghiên cứu kỹ về họ... Nghiên cứu và hiểu họ nên tôi yêu mến họ... Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ... ”.
Công lao to lớn về nghiên cứu văn hoá Việt, văn hoá Huế của Cadierè làm cho nhiều thế hệ người Việt Nam tôn vinh, ngưỡng mộ. Bản dịch ra tiếng Việt của NXB Thuận Hoá Những người bạn của cố đô Huế không bỏ sót một bài nào, kể cả những bài các tác giả Pháp và Việt viết theo quan điểm riêng của họ. Đây là một bộ sách giá trị trong di sản cố đô Huế.
Chính nhờ các công trình nghiên cứu uyên thâm của Cadierè, khởi đầu bằng tiếng Pháp, thế giới mới biết đến một phần văn hoá, lịch sử Việt Nam, nhất là văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử của Huế và miền Trung Việt Nam.
Với cái nhìn rộng mở và sự trân trọng tính cá biệt nơi mỗi văn hóa, cũng như mỗi tôn giáo, Léopold Cadière đã khám phá những nét rất độc đáo của tâm hồn người dân Việt. Dưới con mắt của cha, người Việt là một con người tâm linh, một hữu thể tôn giáo. Trong “Triết lý dân gian Việt Nam”, cha nhận định sâu sắc: “Trong cuộc sống của người Việt Nam, chẳng một điều gì thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo chiếm hữu họ ngay từ khi mở mắt chào đời, dẫn dắt họ đi suốt đường đời cho đến lúc nhắm mắt. Thậm chí, cả ngay sau khi đã ly trần, tôn giáo vẫn còn phủ bóng trên họ. Khi nhận ra nguồn cội sâu xa mà các thần linh thuộc thế giới siêu nhiên đã gieo vãi trong tâm hồn người Việt Nam, người ta không thể phủ nhận rằng dân tộc này là một dân tộc hết sức sùng đạo”.
Bất chấp mọi khó khăn và nghịch cảnh, “Cố Cả” Cadière đã hoàn thành tốt đẹp cả hai sứ vụ: nhà thừa sai gương mẫu và nhà nghiên cứu nghiêm túc. Chính tình yêu chân thành và sâu đậm của cha đối với con người Việt Nam đã biến cha thành một vị thừa sai gương mẫu, cũng như một nhà dân tộc học can đảm đi tiên phong và khai mở nhiều lãnh vực. Nhất là, đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân Việt Nam và nhất quyết chọn vùng đất khốn khổ này làm quê hương.
...Muốn hiểu văn hóa của dân tộc nào thì điều kiện tiên quyết là phải am tường ngôn ngữ của họ, hơn nữa cần phải cảm nhận được “cái hồn” của ngôn ngữ đó.

Đối với lãnh vực tâm linh thì vấn đề càng tế nhị và khó khăn hơn. “Để có thể cảm nhận những sắc thái tinh tế và thâm sâu của tình cảm tôn giáo thì phải biết những sắc thái của ngôn ngữ. Để hiểu đúng đối tượng của một niềm tin, cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của những từ diễn tả niềm tin này. Để đi sâu vào những uẩn khúc của tâm thức tôn giáo, cần phải đặt rất nhiều câu hỏi một cách rõ ràng, nhưng với tất cả sự tinh tế, mà một người chỉ bập bẹ tiếng Việt không thể làm được"
HT Sưu tầm & Tổng hợp
(Nguồn: vns.edu.vn / amp.cand.com.vn)

Không có nhận xét nào: