Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Chuyện cải cách ruộng đất ở Liên Xô

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là một đề tài vốn nhạy cảm, và cũng đã được nhiều người tìm hiểu. Tuy nhiên chúng ta lại biết rất ít về CCRĐ ở Liên Xô. Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn trích trong tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô, do nhà xuất bản Tác phẩm mới phát hành năm 1990, để bạn đọc tham khảo.


Trích từ tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô


… Chuyện xảy ra đã từ lâu lắm rồi. Bấy giờ một tốp thanh niên cộng sản, trong đó có bác, được phái lên vùng thượng nguồn sông Lena làm công tác tiêu diệt giai cấp phú nông ở trên đấy. Chàng trai Tisa (tức bác Tikhôn bây giờ) lúc ấy chỉ là cậu công nhân tra dầu mỡ ở xí nghiệp đường sắt tại nhà ga thị trấn Dima. Khi nhận công tác thanh toán giai cấp phú nông, anh cảm thấy hãnh diện được trở thành đại diện cho giai cấp vô sản. Anh quên bẵng mất mình vốn gốc rễ nông dân. Một cán bộ có cặp mắt sưng vù lên giọng nghiêm nghị báo cho Tisa rằng đối với phú nông, sau khi phân loại sẽ phải phát vãng, không cho họ được tiếp tục cư trú tại nơi cũ nữa. Do hoàn cảnh đặc biệt của miền  Xibia, không thể phát vãng họ đi xa hơn được. (chẳng lẽ lại đưa họ đến vùng trung tâm Radan hay Xmôlenxcơ?). Người ta đành chỉ thay đổi nơi cư trú của họ trong phạm vi Xibia. Dọc triền sông Lena, bọn phú nông ở hạ lưu được phát vãng lên vùng thượng lưu và ngược lại, bọn phú nông ở thượng lưu được phát vãng xuống vùng hạ lưu. Họ được chở đi bằng sà - lan, có người áp giải.


Khi đến nơi cư trú mới, họ phải kí giấy cam đoan không được đi đâu khỏi khu vực quy định. Nhưng vì vẫn ôm hi vọng có ngày được trở về bản quán, nên những kẻ bị phát vãng không thiết gì sinh cơ lập nghiệp ở nơi cư trú mới. Cho nên nhiều phú nông ở hạ lưu đã chết và được chôn cất trên thượng nguồn. Ngược lại nhiều phú nông ở thượng nguồn đã chết và được chôn cất dưới hạ lưu. Cả hai trường hợp bọn họ đều nằm ở nghĩa trang bên cạnh tổ tiên của người khác.

Trong toàn bộ cuộc đấu tranh giai cấp ấy, chàng trai vô sản hai mươi tuổi đất Xibia là Tisa đã tham gia một cách tích cực. Khi ấy anh còn là một thanh niên ngực nở, bụng thon, chiếc thắt lưng đeo vũ khí bó chặt ngang người. Tuy tinh thần tiễu trừ phú nông lên rất cao, Tisa và đồng đội không sao vét nỗi cho đủ số phú nông như cấp trên quy định. Tất nhiên có những tên phú nông thực thụ. Chúng bóc lột bần cố nông tàn tệ. Những tên như thế, Tisa không hề thương xót. Anh thấy rõ trừng trị chúng là cần thiết cho xã hội. Nhưng những tên như vậy chỉ có rất ít. Trong những vùng ven sông Lena mà Tisa đã đến, bất cứ người dân nào, khi cần, cũng có thể săn bắt, đánh cá hoặc đào bới và đãi quặng. Hầu như không có ai là cố nông. Do đấy cũng không có mấy phú nông. Trong việc tìm tòi, lùng kiếm phú nông, gay go nhất cho Tisa là thời gian đội đến làng Têtêrêpca, một làng nhỏ xíu trên thượng nguồn sông Lena. Cả làng chỉ có một trăm hai chục người dân và đau khổ thay, không có một phú nông nào.

Một cốt cán địa phương có tên là Xpirin, do quá tích cực, tha thiết muốn được giúp đỡ đội công tác, đã cung cấp một đối tượng thích hợp cho cuộc vận động thanh toán phú nông, đấy là tên Dalôghin. Nhưng Xpirin làm việc này với một vẻ hằn học, khiến Tisa lại thấy khinh bỉ.

Ngôi nhà của Dalôghin ở bìa làng. Một dinh cơ khá lớn. Khắp làng Têtêrêpca duy nhất có nhà này lợp tôn, lèo cửa sổ gỗ chạm trỗ cầu kỳ, cánh cửa sổ sơn mầu xanh biếc và đục thành những hình quả tim. Sáu cửa sổ trông ra đường làng thì đều có bầy trên bậu cửa những thùng sắt tây trồng thiên trúc quỳ, hoa mầu hồng nhạt, những chiếc hộp từ thời trước cách mạng vốn để đựng kẹo cứng. Tối đến các cánh cửa sổ đều được đóng lại và cài lại bằng những cái chốt to và nặng.  Hàng rào quanh nhà được ken bằng những tấm ván thuyền với những lỗ cọc ván đều dặn. Cổng rất rộng, hai bên là hai chiếc cột to, đầu đẽo thành hình bác giác, trông có vẻ kiên cố, và chắc là làm anh cốt cán Xpirin ngứa mắt, vì nhà của anh ta chỉ là một chiếc lều lụp xụp, mái dột và hàng rào chung quanh thì xiêu vẹo.

Hôm ấy, trong khi khảo sát đời sống của dân làng Têtêrêpca, Tisa đến nhà Dalôghin. Mọi người đi vắng chỉ có mỗi cô con gái út của ông già Xêvátchian tên là Đasa, cô đang nhào bột để làm mằn thắn, và cắt bột bằng một chiếc cốc. Hai cánh tay cô dính đầy bột. Bột mì bám vào làm trắng cả khoảng da vốn xạm nắng giữa hai bầu vú, ló ra sau chiếc cổ áo khoét rộng của chiếc áo liền váy không tay. Cả đôi má đỏ ửng có lúm đồng tiền cũng được phủ một lớp bột trắng. Cặp mắt cô gái Đasa xanh biếc, giống như hai hạt ngọc.

_  Anh vào đây nhào bột làm bánh mằn thắn với em nào! – Đssa gọi giọng nghịch ngợm. – Hay là các ông chỉ huy Hồng quân không biết làm bánh?

Theo quan niệm của Đasa, cái người thắt cái thắt lưng to bản từ trên huyện cử xuống kia tất phải là một cán bộ chỉ huy đầy quyền uy. Nhưng cô muốn tỏ ra không sợ anh ta.

_ Sao lại không biết? – Tisa mỉm cười, quay cái trục cán, cầm cái cốc ấn mạnh vào thỏi bột, cắt thành một hình tròn khá đẹp. Anh bốc một nhúm thịt đỏ tươi đặt lên làm nhân, dùng ngón tay bóp các cạnh lại. Tisa cố làm đúng như mẹ anh đã dạy, để chiếc bánh có hình như chiếc tai trẻ con trong suốt. Anh đưa chiếc bánh cho Đasa xem.
_ Thế này chứ gì?
_ Đúng. Nhưng cũng chưa thật đúng .. – Đasa cười phá lên. Bột chưa mịn vì em đã cán kĩ đâu nào. Đến lúc hấp nhân sẽ lồi ra cho mà xem.
_ Còn cô thì cả người lồ lộ ra hết … Tisa đối đáp lại. Lúc ấy cô gái lại đứng đúng vào chỗ có nắng chiếu vào. Bụi bột và các thứ bụi khác bay lượn khiến chiếc áo liền váy của Đasa lấp loáng, bập bềnh như một vật sống. Và bên dưới cái ánh lấp loáng ấy, thân thể cô hiện ra thành một hình màu sẫm lộ rõ những đường cong mềm mại.

Toàn thân Đasa toát lên mùi bột, mùi hành, mùi thịt và cả một mùi hương của tuổi trẻ đang khao khát yêu đương. Tisa tin chắc vào ưu thế của chiếc thắt lưng to bản anh đeo ngang người. Anh ôm ngang lưng cô gái, định kéo lại sát mình, nhưng bị luôn một cái tát, nhẹ thôi nhưng đầy hàm ý.
_ Đi đâu mà vội vã thế, đồng chí chỉ huy Hồng quân? … Đasa mỉm một nụ cười hiền hậu.

Vừa lúc ấy người cửa có tiếng chân người, tiếng cọ đế ủng vào bậc thềm để bùn đất rơi ra, tiếng cười nói ồn ào. Đasa bước nhanh đến sát Tisa, giật chiếc khăn quàng trên đầu cô ra, lau vội vết bột hình bàn tay in trên má anh. Cái cử chỉ vội vã và vụng trộm ấy lập tức tạo nên mối quan hệ đồng lõa giữa hai người.

Ông già Xêvátchian cùng với bà vợ, ba người con trai, mấy cô con dâu bước vào. Theo sau là cả một lũ trẻ con. Và căn phòng, mới lúc nãy còn rộng thênh thang bỗng trở nên chật chội. Họ vừa ở ngoài đồng về. Đasa bèn gạt những chiếc bánh mằn thắn vào nồi nước trên bếp đang sôi sùng sục.

_ Tôi đến để điều tra … - trước những cặp mắt chờ đợi của những người trong gia đình Dalôghin, Tisa thở dài nặng nhọc và vừa nói vừa móc trong túi quần ngựa ra cuốn sổ có kẹp chiếc bút chì.
_  Đasa! Sao con không mời khách ngồi? – ông già Xêvátchian cau mày mắng con gái. Chắc ông đã nhìn thấy Tisa trong làng Têtêrêpca, vì cả làng chỉ có mỗi một xóm nhỏ, làm sao không nhìn thấy được? Và ông cũng đã biết anh thanh niên này đến đay nhằm mục đích gì rồi.
_ Xin mời cậu ngồi, - bà vợ ông già nói, giọng không một chút niềm nở.

 Dù sao Tisa cũng là người địa phương, anh biết rằng tục lệ tiếp khách ở đây đầu tiên là hãy đánh chén đã. Những chiếc bánh mằn thắn được múc trong nồi gang ra và được bày vào một cái chậu to vẽ hoa đặt giữa bàn. Đasa cầm chai rót ra các cốc một thứ rượu ngang trong vắt như sương móc.

_ Cụ nấu rượu này bằng gì?- Tisa buồn bã hỏi.
_ Bằng lúa mì cậu ạ, - ông già Xêvátchian đáp, - dùng lúa mì thì rượu mới ngon thế này.
_ Nghĩa là cụ có cả ống ruột gà và các thiết bị khác nữa chứ?- Tisa hỏi tiếp và nỗi buồn lúc nãy lại tăng thêm.
_  Đã đành là phải có tất cả những thứ ấy rồi, - ông già Xêvátchian đáp vẻ tự  hào, rồi đưa ngón tay nhót một chiếc bánh mằn thắn đặt vào dưới chòm râu.

_  Cụ phải nộp thôi, Tisa nói, nốc cạn cốc rượu và khoan khoái cảm thấy cổ họng hơi nóng lên.
_  Tôi sẽ nộp nếu có lệnh của trên.
_  Có lệnh từ lâu rồi, - Tisa nói và rót thêm cốc thứ hai.
_  Lệnh ở trên về chúng tôi chậm lắm, phải một thời gian rất lâu mới về đến cái làng này. – ông già Xêvátchian cau mày. - Dòng sông Lena này dài lắm. còn việc nộp lương thực cho nhà nước thì cậu yên tâm. Đasa con đem giấy biên lai ra đây. Bố để sau bức tượng thánh ấy.

Tisa xem kỹ những tờ biên lai. Đúng thủ tục cả, không có gì có thể hoạnh họe được.
_  Ngày mai cụ đem tất cả các thiết bị ra trụ sở ủy ban xã rồi nộp tiền phạt, - Tisa nói.
_  Nếu vậy thì những nhà khác cũng phải đem chứ? – bà vợ nói chen vào.
_  Còn những ai cũng có những thiết bị nấu rượu như thế này nữa? – Tisa nhất bút chì lên.
_  Dòng họ Dalôghin chưa ai có thói đi tố giác người khác bao giờ, - ông già Xêvátchian trừng mắt nhìn bà vợ, - cậu hãy tự đi điều tra từng nhà xem. Chứ chúng tôi sẽ không mách gì thêm nữa đâu.
_  Gia súc của cụ có bao nhiêu đầu con? – Tisa hỏi.
_  Ơn chúa có ba ngựa và ba bò thôi.
_  Còn lợn và cừu?
_  Mỗi thứ một chục con. Có cả một con dê nữa, nếu cũng tính nó là gia súc.
_  Gà và ngỗng thì bao nhiêu?
_  Đếm làm sao nổi? Gia đình tôi đông con cháu, ở chung một nhà chật ních. Thỉnh thoảng cũng làm bữa tươi cải thiện, cho nên gà trống gà mái cũng bớt đi. Với lại làng chúng tôi đây chỉ có một xóm. Gà ngỗng các nhà cứ lẫn lộn với nhau hết. Có hôm nhà tôi bắt một con ngỗng đem thịt mà chẳng biết có phải ngỗng của nhà mình không hay của người láng giềng … ông già Xêvátchian chau mày.
_  Nhà cụ phong lưu thật, - Tisa lấy đầu bút chì gãi gãi vào chỗ sau tai.
_  Chẳng lẽ sống phong lưu lại không được hay sao? – ông già lạnh lùng nói. – Cũng chẳng phải tôi được phong lưu như thế này từ thuở nhỏ đâu. Tôi cũng đã từng làm chân chèo thuyền trên sông Lena, rồi làm công nhật cho người ta. Nhưng chính tôi lại chưa hề thuê ai làm công cho tôi bao giờ! Tất cả những thứ tôi có trong cái nhà này đều do hai bàn tay của tôi làm nên. Cậu nhìn bàn tay tôi đây này. Bánh mằn thắn đang nóng còn bốc khói, ấy thế mà tôi vẫn cầm dược, không hề bị bỏng. Do làm lụng cực nhọc nên da tay tôi đã dày cộm lên.
_  Thế trong thời kì nội chiến, ông theo bên nào? – Tisa hỏi trong lòng thầm hy vọng.
_  Tôi không theo bên nào cả. Già rồi. Hồi ấy tôi cũng đã ngoài sáu chục tuổi đầu rồi còn gì.
_  Sao ông lại bảo không theo bên nào? – bà cụ lại nói chen vào câu chuyện. – Ông quên rồi à? Nhà mình chả đã giấu bộ đội Hồng quân bị thương là gì? …
_  Đấy là vì họ bị thương. Vì mấy anh bị thương nên chúng tôi giúp đỡ chứ không phải vì họ là bộ đội Hồng quân, - ông già nói giọng cáu kỉnh.
Khi Tisa về, cô gái Đasa chạy theo ra đến sân ngoài, để giữ con chó vừa mới sổng ra. Cô đột nhiên nói khẽ vào tai anh:
_  Trưa mai anh đến chỗ dốc Xiên nhé … em sẽ hái anh đào dại ở chỗ ấy …

Anh đào dại trên dốc Xiên thật đặc sắc! Cây nào cũng trĩu những quả chín mọng màu đen sẫm. Mưa đêm làm chúng rụng xuống đầy mặt đất. Chỉ cần bứt một chùm to, bỏ vào miệng, dùng lưỡi nhằn bỏ hột thì lập tức cả vòm miệng phía trên bị một lớp keo ngọt lịm bít kín. Tisa vịn các cành xuống thấp để Đasa hái quả được dễ dàng. Thỉnh thoảng cô gái lại rú lên một cách rất trẻ con, khi những giọt nước mưa đêm qua còn đọng lại trên đám cành lá rơi xuống người, chui vào cổ áo của chiếc áo liền váy không tay, rồi lăn xuống lưng, tạo cảm giác nhột nhột. Chỉ một loáng hai giỏ đã đầy ắp.
_  Còn lẫn nhiều lá quá! Đasa thở dài, - Đành phải nhặt ra vậy.

Bỗng nhiên cô bước đến sát Tisa, đặt hai tay lên vai anh kéo lại. Cặp mắt xanh lục của Đasa  gần mắt anh đến nỗi, Tisa nhìn thấy trong mắt cô gái cả những tia máu nhỏ xíu, giống như những đường gân trong đá ngọc xanh …

Rồi họ nằm xuống bên cạnh nhau, giữa hai cái giỏ đầy ắp anh đào dại. Do lỡ tay, Tisa làm nghiêng một cái giỏ. Anh đào đổ tung tóe lên giữa bộ ngực trần của Đasa, và Tisa đã đớp những quả anh đào nằm trên đó.

Đasa và anh còn gặp nhau nhiều lần nữa, khi ở trong rừng anh đào dại, khi trong rừng sơn trà, và lúc chia tay nhau bao giờ họ cũng về mỗi người một hướng để khỏi ai biết mối tình của họ.
_  Anh sẽ không làm phiền gia đình của em chứ?- một hôm Đasa hỏi người yêu. – Phú nông gì nhà em cơ chứ, phải không, anh Tisa?

 Ngay lúc ấy trong óc Tisa bỗng nảy ra một ý nghĩ tồi tệ: hay là lão Xêvátchian phái con gái đến mua chuộc mình, để làm cho mình mất cảnh giác chăng? Dù sao lão ta cũng mắc tội nấu rượu lậu mặc dù đã đập vỡ nồi cất và đã nộp tiền phạt. Nhưng liệu lão ta có giấu một cái nồi khác nữa không? Với lại tuy lão ta không thuê người làm công nhưng so với người khác, lão rất giầu. Tisa cố gạt đi mối nghi kỵ về Đasa, nhưng thỉnh thoảng nó lại trỗi dậy: vì đấy là một ý nghĩ tiện lợi.

Tisa được người thủ trưởng có cặp mắt sưng tấy gọi lên huyện. Anh ta không tiếc lời phê phán thái độ nhân nhượng của Tisa với các phần tử phú nông. Vừa nó, anh ta vừa gõ báng khẩu súng lục lên mặt chiếc bàn gỗ hồng sắc tịch thu được ở đâu đó. Mặt bàn đầy vết sức sẹo, chắc do anh ta gõ báng súng lên nhiều quá.

_  Chúng tôi không đòi hỏi cậu phải làm gì nhiều, mà chỉ yêu cầu cậu thực hiện đầy đủ những điều đã quy định. Ở làng Xưtsôpca cậu có tìm ra được phú nông không? Có chứ gì? Rồi ở Krutơgorie nữa? Có chứ gì? Vậy tại sao ở làng Têtêrêpca này cậu lại không tìm ra được? Chẳng lẽ ở đây lại không có phú nông? Chẳng lẽ Têtêrêpca lại là một thiên đường một xã hội không giai cấp? Cậu phải mở to mắt ra … Cậu đã ở đây một tháng trời. Hay là cuộc sống ở đấy đã làm cậu rã rời?

Người thủ trưởng luôn miệng ho do hút thuốc lá liên tục. Anh ta kéo bình nước lại gần định rót, nhưng bỗng nhiên anh ta chững người lại: cái bình rỗng không và bên trong, một con ruồi đang vo ve, đập cánh vào bình thủy tinh. Người thủ trưởng nổi khùng lên với Tisa, vì anh đã chứng kiến sự bất lực của cấp trên dù chỉ trong một việc hết sức nhỏ. Người thủ trưởng cau có hỏi:
_  Hay chính cậu là dòng dõi phú nông? Phải kiểm tra cậu mới được.

Vào thời kì ấy, một câu nói kiểu như vậy là một lời đe dọa khủng khiếp. Sau cuộc tẩy não ấy, về đến Têtêrêpca, Tisa vội vã họp với hai cốt cán địa phương. Cốt cán thứ nhất là Êrughin. Anh đã từng là đội viên du kích đỏ và hiện nay là một trong những người nghèo nhất làng, do anh bị cụt một chân và lại dộc thân. Tuy nhiên cái nghèo không làm anh hằn học, ghen ghét với những người khá giả hơn, như thường thấy ở những kẻ nghèo do lười biếng chứ không phải do hoàn cảnh rủi ro. Cốt cán thứ hai là Xpirin, chính thuộc loại người mà trong đáy lòng luôn có một nỗi ghen ghét với những ai giầu hơn. Anh cũng là thương binh trong cuộc nội chiến. Một viên đạn xuyên qua cánh tay trái, khiến cho các ngón tay bên trái không co duỗi được nữa. Có người nói, chính anh đã tự bắn vào mình. Anh theo Hồng quân, nhưng chỉ mới tham gia được ít bữa, anh đã bị thương. Khi chính quyền Xô-viết thắng lợi, anh lập tức ưỡn ngực lên, khiến người ta tưởng như tên tướng Bạch vệ Côntsắc bị đập tan chính do công lao của anh, của Xpirin vậy. Bao quanh một lũ con đông đúc, đứa lớn chỉ cao hơn đứa bé một ngón tay, với một chị vợ lúc nào cũng bụng to, quần áo quanh năm xốc xếch, Xpirin luôn luôn cáu kỉnh. Anh ta oán giận cuộc đời đã không ban cho anh những thứ anh thèm muốn.

Tisa đặt lên bàn bản danh sách dân làng Têtêrêpca rồi nói giọng buồn bã nhưng kiên quyết:

_  Nào, ta hãy cố tìm xem ai là phú nông.

(Còn tiếp)

Trích từ tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô
Nhà xuất bản Tác phẩm mới - Hà Nội.  năm 1990.
Chuyển ngữ: Vũ Đình Phòng

Cải cách ruộng đất ở Việt Nam


Lần đầu tiên một đề tài vốn nhạy cảm trở thành chủ đề triển lãm được khai mạc hôm 8/9 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội về "Cải cách ruộng đất 1946 -1957".
Theo thông cáo báo chí của Bảo tàng thì mục đích của triển lãm là "Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật gốc và có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc" trong giai đoạn 1946-1957 nhân 69 năm ngày Việt Nam độc lập và kỷ niệm 60 năm "cuộc vận động cách mạng cải cách ruộng đất".

Trả lời BBC Việt Ngữ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết chủ đề triển lãm nói về những thành quả của cải cách ruộng đất như "mang lại tư liệu sản xuất cho người lao động" theo khẩu hiệu "người cày có ruộng".
Ông cũng cho biết tại triển lãm này còn có cả những tư liệu về những sai lầm và sửa sai liên quan chiến dịch cải cách ruộng đất của giới lãnh đạo Việt Nam.

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập... được Đảng Lao động Việt Nam  Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 1953–1956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ. Cải cách ruộng đất đi kèm với phong trào chỉnh đốn Đảng lúc đó.
Đây là một trong những phương cách chính yếu mà những người theo chủ nghĩa cộng sản nghĩ rằng phải thực hiện để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Dựa theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc (1946–1949), cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc.
Chiến dịch càng lên cao điểm càng mất kiểm soát dẫn đến tình trạng vô chính phủ, nhiều oan sai và cô lập, đối xử nhục hình với gia đình người bị đấu tố. Hơn 70% người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông là quy sai. Điển hình như:
Trường hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng  Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong "Tuần Lễ Vàng", gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.
Sau 3 năm tiến hành, cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Tuy nhiên, việc áp đặt giáo điều các biện pháp dập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã gây ra nhiều phương hại và tổn thất. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, gây tác hại đến sự đoàn kết dân tộc của người Việt, ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân với Đảng Lao Động Việt Nam. Suốt 1 năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.
Tổng số cán bộ, đảng viên bị xử lý, sau khi chỉnh đốn là 84.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 55%. Nhiều chi bộ tốt bị coi là chi bộ phản động, bí thư hoặc chi ủy viên chịu hình phạt nặng nề: tù hoặc bắn. Tình hình chỉnh đốn ở cấp huyện và cấp tỉnh cũng rất bi đát. Số cán bộ lãnh đạo các cấp này bị xử lý oan sai cũng chiếm tỷ lệ lớn. Hà Tĩnh là tỉnh cá biệt, có 19 cán bộ tỉnh ủy viên, công an, huyện đội dự chỉnh đốn đều bị xử lý.
 Tổng cộng chiến dịch Cải cách ruộng đất tịch thu của địa chủ 810.000 ha ruộng, 106.448 trâu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà. Số tài sản này được phân chia cho 2.104.138 hộ bần nông, trung bình mỗi hộ được 0,38 ha.
Số lượng người bị giết trong chương trình Cái cách ruộng đất là không thể thống kê chính xác và còn gây tranh cãi. Nhưng theo chủ trương ở một số địa phương phải tìm cho ra tỷ lệ 5,68%  địa chủ,  "Việt gian" để mang ra đấu tố thì con số sẽ không ít.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác việc thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng to lớn. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan. Mức 5,68% địa chủ trong dân số địa phương là cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%. Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn". Những sai lầm này, như đã được đề cập đến trong bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã làm Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân.

Tham khảo Videoclip: Cải cách ruộng đất ở Việt Nam:

Không có nhận xét nào: