Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Chỉ đơn giản, vì họ là người “bên thua cuộc” (*)

Hình ảnh phố xá Nha Trang 1970 s. Cinéma Tân Tân trên đường Độc Lập, Nha Trang 1970s

- Nghề nghiệp liên quan đến bệnh tật. Thời trẻ và trước đây bác làm công việc gì? 
- Trẻ đi lính. Sau đạp xích lô & xe ba gác bác sỹ à?
- Giờ vẫn còn đạp xe a? 
- Túc tắc, ai gọi thì đi thôi. 
- Hơn 80 rồi còn gì. Bác đi lính lâu không?
- 12 năm. Lên Trung sỹ nhất thì… 
- Thống nhất? 
- Dạ. 
-  “Rớt tú tài anh đi trung sĩ
    Em ở nhà lấy Mỹ sanh con
    Bao giờ yên chuyện nước non
    Anh về anh có Mỹ con anh bồng ...”

Nghe câu ca đó bác có buồn không? Có đúng với hoàn cảnh của mình không?
- Cải lương mà bác sỹ. 
- Lương Trung sỹ hồi đó bao nhiêu đồng bạc Đức Thánh Trần ạ ?

- Hai mươi ngàn. 
- Đủ nuôi vợ con không, nếu có ?
- Đủ chơ. Có con thì còn được phụ cấp nuôi con nữa. 200 đồng 1 đứa. Nếu nhiều con thì số tiền tăng lên. 
- Sao bác không lấy vợ? Vàng bao nhiêu cây hồi đó? 
- Không nhớ. Nhưng Honda Dam 16 ngàn đồng. 
- Như rứa là tháng lương mua được 1 Honda còn dư. Bác có mua chiếc nào không? 
- Có chơ. Chưa vợ con lại thích vi vu. Tui mang tiền về cho má, má biểu mua chiếc Dam mà chạy. 
- Giờ bác có tiếc khi nhớ về thời đó không? 
- Tiếc chi nữa bác sỹ. Đời nó thế thì mình chấp nhận thôi. 
- Đúng. Có tiếc cũng không quay lại được nữa. Cứ vui vẻ lạc quan như thế là có sức khoẻ đó. 
À, mà khoẻ như ri, anh kiếm bà nào còn ngon lành làm bạn “tâm giao” lúc mưa gió hiu hiu chứ? (mình đổi sang gọi anh)
- Hì hì. Bác sỹ vui tính quá. Thôi. Mình hết đát rồi, vương vấn nợ đời chi nữa….

Chẳng hẹn mà có 2 Trung sỹ nhất (sinh năm 1935, 1936) đều đến khám. Cả 2 đều người Nha Trang từng đi lính 10 & 12 năm. Một là lính quân nhu, một địa phương quân. 


Sau 1975, “học tập tại chổ 1 tuần, mươi ngày” rồi giải ngủ về làm dân. Năm 1977-1978 đều “phải đi kinh tế mới”. Ở vùng kinh tế mới 1980 khổ quá nên trở về Nha Trang. Nhưng sau đó, một bác phải quay lại vì có đến 5 đứa con mà chẳng tìm được việc làm. Nhà cửa thì mất rồi. Nay vẫn ở vùng kinh tế mới cách Nha Trang hơn 50km. Bác này có dáng gầy khắc khổ, đen trũi, nhưng cơ bắp còn săn chắc. Bác ấy chỉ bị vi-rút áp-tơ gây lở niêm mạc miệng. Chắc ăn uống kham khổ. Đến lần đầu, hỏi sao ở xa thế mà bác biết chổ này? "Mình gốc Nha Trang mà"!
Bác còn lại (nhân vật trong đối thoại trên) không có gia đình nên ở lại Nha Trang chạy xe bagar cho đến bây giờ. Nay ở "cùng đứa cháu gọi bác, học sắp ra trường". 
 Hơn 80 tuổi nhưng cơ bắp vẫn chắc. Da dẻ trắng trẻo. Hai bầu ngực căng và 2 nhúm lông ngực rậm, dài quanh đầu ti rất ấn tượng. 
Chắc đạp xe thồ nặng kéo dài nên giờ “lung nó đau ê ẩm lúc trở gió”. Lần này vô là “mấy cái xương sườn nó nhưc nhức bác sỹ à”. Cả hai đều không hút thuốc lá...
Ơn giời, nhờ lao động chăm chỉ và vô tư nên dù tuổi 80s mà sức khoẻ các bác ấy còn hơn khối thanh niên.
Nếu không có chiến tranh và “không có ngày 30 tháng tư” những “trung sỹ” như 2 bác này sau giải ngũ, chắc sẽ có cuộc sống đầy đủ mà không chịu nhiều thiệt thòi hậu chiến.
 
Từ 1975 đến nay, họ không chỉ mất nhà cửa mà còn không được hưởng quyền lợi gì từ những chính sách sau này. Chỉ đơn giản - họ là người “bên thua cuộc”.

______
P/S:- Em Nguyễn Lai biết những cựu binh nào hoàn cảnh khó khăn, không có BHYT, khi “nhức mỏi” chẳng biết kêu ai, thì inbox tui tư vấn chổ thăm bệnh nhé !

- Hình ảnh phố xá Nha Trang 1970 s
- (*) Tiêu đề của NSGV
 Hào Song Trần (bác sĩ)

Không có nhận xét nào: