Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA - ÔNG THUYẾT NÓI GÌ?

Chu Mộng Long

ông Nguyễn Minh Thuyết


Hôm qua, tại Hội trường Khách sạn Hoàng Yến, Quy Nhơn, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa mới, nói trước cử tọa về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới: "Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nhu cầu tất yếu, giống như cái áo cũ và lỗi thời thì phải thay áo mới vậy!"

Vậy mà trong nhiều bài viết về giáo dục, tôi từng nói, chiếc áo giáo dục đã rách tươm, cái trò giật gấu vá vai càng làm cho nó méo mó một cách thảm hại.
Thì ra theo ông Thuyết, ngành giáo dục của ta luôn mặc áo mới, vì áo vừa cũ đã phải thay ngay cho sang, quyết không mặc áo vá!

Chiếc áo lần này trị giá 80 triệu USD, tương đương 1.819 tỉ VNĐ. Có lẽ thuộc loại sang nhất toàn cầu.
Không sang sao được khi chương trình 2000 vừa kết thúc phổ cập đến lớp 12 mới chỉ được 2 năm thì vào tháng 5/2011, Bộ của ta đã đưa ra Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 với kinh phí dự kiến 70 ngàn tỉ VNĐ.
Do bị phản ứng gay gắt nên 3 năm sau, ngày 14/4/2014 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình bản Dự thảo mới ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội hạ giá từ 70 ngàn tỉ xuống còn trên 34 ngàn tỉ VNĐ. Bây giờ thì cái dự án thay áo mới ấy chuyển sang anh Nhạ với giá 1.819 tỉ VNĐ.

Thôi thì coi như cái giá ấy cũng đã có thể cạnh tranh với Ngọc Trinh và Hoàng Kiều. Giáo dục mà ví như mode quần áo thì nó đã thuộc giới showbiz.
Thú thật, thưa ông Thuyết, cứ cho so sánh của ông là đúng thì tôi lại tiếc cho chiếc áo cũ. Chiếc áo cũ đang mặc với số tiền cao như núi, lẽ nào lại cũ nhanh, rách nhanh đến mức phải thay áo mới? Hãy nghe GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân thống kê trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 28/08/2015 về các đại dự án giáo dục như sau:
“Phân tích 80 dự án cho thấy vốn ODA trong giai đoạn 2004 - 2014 chủ yếu tập trung vào giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Giáo dục mầm non và đào tạo dạy nghề chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu tài trợ từ nguồn vốn ODA. Nhận xét này trùng hợp với báo cáo của Bộ Tài chính.

Có 12 dự án đã kết thúc, trong đó 5 dành cho giáo dục đại học với vốn ODA là 210,4 triệu USD, và 7 dành cho giáo dục trung học và giáo dục tiểu học với vốn ODA là 482,7 triệu USD. Báo cáo kết quả và đánh giá hiệu quả của 12 dự án này với vốn ODA gần 700 triệu USD rất sơ lược thậm chí còn chưa có.
Rất khó đánh giá kết quả và hiệu quả của các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Báo cáo của các bộ và các trường rất sơ lược, thậm chí không có, về nội dung này.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết vốn ODA được dùng để xây dựng trường lớp, cung cấp đồ gỗ, trang thiết bị trường học, để in sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cần làm rõ, với sự tham gia của các bộ, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Nguồn vốn vay ODA, gần 1,8 tỷ USD, đối với giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2004 - 2014, và hơn 2,7 tỷ USD nếu tính từ năm 1993, đã hỗ trợ ra sao việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Chính phủ về cải cách, đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế?”. [Tại đây: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx…].

Chương trình, sách giáo khoa 2000 là do ông Thuyết làm Tổng chủ biên, nay cải cách Chương trình và sách giáo khoa mới cũng do ông làm Tổng chủ biên. Có nghĩa là, chiếc áo cũ là do ông may mà áo mới cũng là do ông may. Tôi không tin với số tiền ấy, với thời gian ấy, chiếc áo kia đã có thể cũ hay lỗi thời buộc phải thay áo mới, hiện đại. Tôi thì tin hơn ở lời Albert Einstein: "Không thể sửa sai bằng chính bàn tay kẻ đã làm sai!". Hãy đánh giá nghiêm túc, trung thực Chương trình, sách giáo khoa 2000 đi đã và dẹp ngay bàn tay đứa nào đã làm sai thì may ra mới có cái đúng, cái mới, ông Thuyết ạ!

NHỮNG CÂU HỎI SÁNG TẠO TRỊ GIÁ NGÀN TỈ

Sách giáo khoa phổ thông của quý ngài giáo sư có những câu hỏi thông minh đến mức trẻ em thông minh nhất cũng thành ngớ ngẩn.

Họ có loại câu hỏi đọc - hiểu văn bản thế này:
1 - Bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" kể lại câu chuyện gì?
(Ngữ văn 6 tập 2, tr.67)
2 - Văn bản "Nhà sàn" thuyết minh về đối tượng nào?
(Ngữ văn 10 tập 2, tr.70)

Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ hiển nhiên là kể chuyện đêm nay Bác không ngủ. Văn bản Nhà sàn hiển nhiên là thuyết minh về cái nhà sàn. Có thế mà cũng không nghĩ ra!

Không chỉ môn Ngữ văn, các môn khác cũng chẳng thua. Chẳng hạn bài tập Vật lý 7, phần Điện học cũng có dạng câu hỏi tương tự:
"Trong các nhà máy dệt thường có những bộ phận chải các sợi vải. Ở điều kiện bình thường, các sợi vải này dễ bị chập dính vào nhau và bị rối. Giải thích tại sao. Có thể áp dụng biện pháp gì để khắc phục hiện tượng bất lợi này?"
(Bài tập Vật lý 7, tr.37)

Câu trả lời của sách giải là: các sợi vải dễ bị chập là do sự nhiễm điện. Biện pháp khắc phục là các nhà máy dệt thường có những bộ phận chải các sợi vải.
Không thể liệt kê hết loại câu hỏi như vậy!

Sở dĩ nói quý ngài làm trẻ em thông minh nhất cũng thành ngớ ngẩn là vì không phải quý ngài ra câu hỏi khó mà vì cách hỏi bất ngờ, giống như hỏi: "Năm điều Bác Hồ dạy gồm có mấy điều"! Trẻ em ngẫm nghĩ một hồi rồi ngớ ra không biết mình dở hơi hay quý ngài giáo sư dở hơi.

Tôi có người bạn đi làm Phó giáo sư về kể lại, khi đưa phong bì 20 triệu cho mỗi quý ngài trong Hội đồng, một quý ngài cầm lấy rồi hỏi: 20 triệu đồng là mấy triệu?

Bộ Dục luôn tự hào về thành tích giáo dục hiện đại, khai phóng với những câu hỏi cối xay như vậy. Nay càng hiện đại, khai phóng hơn nữa với ông chủ cối xay Nguyễn Minh Thuyết, trong đó có thêm một môn học bắt buộc mà ai cũng ngỡ ngàng: môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo!

Tôi đang hình dung cái môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo này có lẽ ông Thuyết học được từ cái món đi trên mẻ chai của gã tâm thần Phan Quốc Việt.


Tôi sẽ có bài riêng về môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo để kính biếu ông Thuyết làm của dưỡng già! 

Không có nhận xét nào: