Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

GỬI VỊ XUYÊN THÁNG HAI


Xin hãy đừng quên, những ngày này 39 năm trước, có những người lính, cả những người dân, những người phụ nữ và những đứa trẻ vô tội, đi mãi không về! 
GỬI VỊ XUYÊN THÁNG HAI
Xin một ngày được gạt hết tình riêng
Thứ tình vụn nếu không có cũng không ai chết được
Để gửi trọn về Vị Xuyên một ngày tháng hai đau buốt
Đất mẹ chảy máu ròng...
Bao nhiêu năm rồi vẫn đau một vết thương lòng
Bao lớp người lớn lên không được biết về ngày tháng hai năm ấy
Một ngày mùa xuân đớn đau đến vậy
Tiếng súng nào vang, ai đích thực quân thù
Xin ai kia đừng có mắt như mù
Rước voi về giày mả tổ lịch sử ngàn năm chẳng bao giờ tha thứ
Xin trả cho nước Việt tôi những trang sử hào hùng không còn bị sửa
Sự thực ngủ lâu rồi, giờ lên tiếng đi thôi
Xin thắp một nén nhang dâng lên Tổ Quốc tôi
Và lớp lớp cha ông bao người nằm xuống
Xin tạc dạ khắc lòng một sáng xuân Vị Xuyên máu con Lạc cháu Hồng đã đổ
Xin gọi tên kẻ thù sau hai chữ "bạn vàng"
Và lớp lớp chúng tôi, Tổ Quốc cần là sẽ sẵn sàng...
17/02/2017

***
Xin được nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ ”Gửi em ở cuối sông Hồng”, về tác giả Dương Soái. Sinh năm 1950 và lớn lên trên quê hương Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên), một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, nơi hạ du sông Hồng lắng đọng phù sa, bước vào tuổi 18, Dương Soái thoát ly gia đình, gia nhập đoàn công nhân địa chất. 11 năm thầm lặng đi tìm quặng mỏ nơi núi rừng Hoàng Liên Sơn (ngày nay thuộc địa phận hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái) cũng là ngần ấy năm anh làm thơ, gia tài lúc đó mới có độ vài chục bài. Thơ Dương Soái nặng nghĩa tình, đăng trên nhiều tạp chí, tờ báo, được nhiều giải thưởng văn học ở tỉnh và ở trung ương.
Tháng 2 năm 1979, Dương Soái chuyển sang làm phóng viên chiến trường ở mặt trận biên giới Lào Cai, tận mắt chứng kiến cảnh chiến tranh khốc liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của bộ đội ta, đặc biệt là các chiến sĩ chặn giữ chốt. Vào một ngày, lúc tạm yên giữa hai trận đánh, dưới mái nhà lá ở Phố Lu, trong tâm trạng của một người lính nơi chiến trận, anh đã viết bài thơ tràn đầy cảm xúc nhớ thương gửi người yêu ở hậu phương, nơi quê hương Duy Tiên - Hà Nam ở cuối sông Hồng (xin trích một số đoạn trong bài thơ):
Gửi em ở cuối sông Hồng (Lời bài thơ)
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước 

Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
...
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
Ngay sau khi gửi đi, "Gửi em ở cuối sông Hồng" đã được đăng ở rất nhiều tờ báo, tạp chí và các tuyển tập văn thơ; điều đặc biệt là bài thơ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, luôn có trong ba lô bộ đội ta hồi đó. Dương Soái còn nhớ mãi, vào một buổi sang năm 1980, anh nghe một người bạn báo tin: "Gửi em ở cuối sông Hồng của anh đã được Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc rồi. Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát đi. Hay lắm!". Dương Soái phấn chấn và cảm động vô cùng. Thế là đứa con tinh thần sâu nặng nghĩa tình của anh đã được cả nước biết đến, đã đến với các chiến sĩ trên khắp vùng biên cương Tổ quốc đang ngày đêm canh thù, với nỗi nhớ quê hương vời vợi. Bài hát liên tục được thính giả cả nước yêu cầu nhà đài phát lại. Từ đó, tên Dương Soái đã gắn liền với "Gửi em ở cuối sông Hồng" cùng Nhạc sĩ Thuận Yến.
Vào một ngày năm 1981, anh Sum người Mường, Giám đốc nhà máy thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái) gọi điện và mời Dương Soái đến nhà uống rượu, lí do là có khách quý. Dương Soái đến, thật bất ngờ và mừng rỡ, khách chính là vợ chồng Nhạc sĩ Thuận Yến. Vừa lên hồ Thác Bà nghỉ mát, Nhạc sĩ đã vội tìm cho bằng được Nhà thơ để cảm ơn và bày tỏ những lời tri kỉ. Lần đầu tiên hai tác giả của "Gửi em ở cuối sông Hồng" gặp nhau và uống rượu. Dương Soái thầm cám ơn Nhạc sĩ Thuận Yến, người đã nhuận sắc và chắp cánh cho thơ ông bay xa, rồi đọng mãi trong lòng những người yêu nhạc, yêu thơ. Bởi rằng, mở đầu bài thơ, anh viết: "Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", là nói về một địa chỉ cụ thể, một trong nhiều trận địa tuyến đầu rát bỏng lửa đạn; khi Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc có sửa đôi chữ, thành: "Anh ở biên cương/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" thì "Gửi em ở cuối sông Hồng" mang được tính phổ rộng hơn, thơ theo nhạc tràn khắp dải biên cương phía đầu nguồn sông Hồng Tổ quốc. Và nữa, trong thơ, Dương Soái thể hiện nỗi nhớ thương của người lính về người yêu ở hậu phương, thì trong nhạc, Nhạc sĩ Thuận Yến đã thêm phần "hồi âm" nỗi nhớ thương của người con gái hậu phương gửi người chiến sĩ nơi biên cương. Bài thơ đã trở thành bài hát giao duyên nam/nữ, rộn rã âm hưởng âm nhạc hiện đại, lại đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện rất rõ trong sinh hoạt dân ca, dân nhạc truyền thống của trai/gái vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có dân ca vùng ngã ba sông Móng quê hương Hà Nam.
"Gửi em ở cuối sông Hồng" thi với nhạc hòa quyện, thể hiện được tính thời sự, thời đại, mang đậm tính dân tộc nên thấm đẫm tâm hồn Việt, sẽ còn sống mãi với thời gian.
Gửi em ở cuối sông Hồng (lời bài hát)
1-
Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở nơi đấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ.
Anh ở biên cương biết là em năm ngóng tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lời em mong.
Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa Đông-Bắc
Em thương anh nơi chiến hào gặp rét
Và em thương anh chiều nay đang đứng gác
Lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không
Hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy.
Có gì đâu tấm lòng người chiến sĩ
Có tình yêu bốn mùa sưởi ấm (bốn mùa vẫn ấm)
Dù gió mưa (dù mùa đông)
Vì rằng em luôn ở bên anh.
2-
Em ở phương xa nơi con sông Hồng chảy về với biển
Ở trên anh đầu nguồn biên giới, cuối dòng sông nơi ấy quê nhà
Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Đem lòng mình gửi về miền biên giới
Sông chẳng nói nên lời nhưng nặng tình yêu thương.
Anh ở biên cương sương lạnh giá biết mùa Đông tới
Nơi quê hương em bước vào vụ mới
Rằng anh thương em đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, cấy lúa thẳng hàng không
Hỡi em yêu ở cuối sông Hồng.
Thấy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ
Biết là anh nhớ về em đó (nhớ về anh đó)
Là chiến công (là niềm tin)
Là tình yêu anh gửi cho em
Là tình yêu em gửi cho anh
Anh gửi cho em...
Em gửi cho anh...
Anh gửi cho em...


Không có nhận xét nào: