Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

CHUYỆN TÌM KIẾM MIG - 21 SAU 47 NĂM MẤT TÍCH : XUẤT HÀNH ĐẦU XUÂN – NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC

Nguyen Le Anh - Người hùng của nhóm leo Tam Đảo tìm kiếm máy bay Mig - 21


Câu chuyện tìm kiếm máy bay và hài cốt của các phi công Yuri Nikolaevich Poyarkov và Công Phương Thảo có vẻ như đi vào bế tắc. Mấy tháng rồi mà chỉ biết thêm được là đúng hai anh đã rơi trên vùng trời Tam Đảo vào cái ngày định mệnh 30/4/1971 ấy, và chúng tôi đã liên hệ được với người cháu của phi công Thảo (anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, hồi trẻ ở với người bác nhưng thế hệ các cụ cũng đã mất cả). Trái với sự nhiệt tình và lòng cảm thông của một số nhà báo chuyên viết về chủ đề quân đội thì cơ quan chủ quản tức là bên Phòng không-Không quân không hề biểu hiện sự “lăn tăn” nào cả, thấy bảo cũng dễ hiểu thôi mặc dù tôi thì không hiểu thật! Trách ai ư, chẳng thể trách ai…
Thế rồi cái Tết nguyên đán và mùa xuân Mậu Tuất đã mang tới những tin vui. Lại một lần nữa Facebook thể hiện “sức mạnh” đáng sợ của MXH, 
mấy status cũ
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1537769196285012?
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1538262422902356

đến được với một bạn đọc Đặng Tuấn, bạn trẻ này là người quê ở đúng vùng núi Tam Đảo đó và trong buổi tất niên tại gia đình bạn này đã kể lại câu chuyện phi công Poyarkov với những người lớn tuổi trong họ. Hóa ra cái chuyện mà thông tin thiếu vô cùng này lại là chuyện “cơm bữa” hàng chục năm nay ở làng Mỹ Yên của cậu bé Tuấn.
Sau khi Tuấn liên hệ qua điện thoại với anh Nguyễn Lê Anh – cựu quân nhân và nhà toán học kiêm người leo núi thâm niên 20 năm và cũng là người tích cực nhất trong việc tìm kiếm thi hài 2 phi công nói trên – và theo dự đoán ban đầu thì vị trí rơi máy bay đã khá trùng hợp với địa điểm rơi theo tính toán toán học của anh đã tính dựa vào số lượng thông tin ít ỏi ban đầu. Thế là chúng tôi quyết định khai xuân, lên đường bằng việc lần theo dấu vết các phi công…
Thật lạ là đêm hôm trước khi bác Lê Anh báo với tôi sáng mai đi sớm là lúc tôi bắt đầu đau cột sống cực nặng – một chuyện trước kia tôi chưa từng trải qua! Tôi đã trộm nghĩ, có khi vì mình mới thoáng có ý nghĩ “ngại, Tết chả muốn đi”… thế là bị vong linh các liệt sỹ nhắc nhở đấy! Không ngồi, không nằm yên được cả đêm! Lạ thế, sáng hôm sau vừa ngồi lên xe thế là hết sạch cơn đau!


Qua đón anh Lê Anh thì nhà toán học chuyên làm việc về đêm lần này lại than phiền là đau đầu suốt từ hôm qua, cho đến bây giờ chưa đỡ! Dọc đường anh phải dừng lại mua thuốc hai lần, chúng tôi cứ đùa là “cứ tìm ra manh mối các anh đi, thì các anh sẽ cho bác hết đau đầu!” Biết đâu đấy…

Đại Từ là một huyện miền núi của Thái Nguyên, nơi tuy ngành làm nông (nhất là chè) cũng khá lâu đời, nhưng có một nghề khác rất giỏi, đó là nghề lien quan tới khoáng sản! Có lẽ nó bắt nguồn từ việc đàn ông Đại Từ quen đi rừng núi, quen nhìn mạch đá, sau này quan chế biến quặng… đến mức ít mỏ vàng hay hợp kim nào lại không có mấy tay thợ cứng người Đại Từ tham gia, khắp cả đất nước này, sang đến cả Lào. Chúng tôi đi qua Bờ Đậu, qua vùng có nhà máy Núi Pháo lừng lững hai bên đường tỉnh lộ, đến một vùng miền núi nhưng vẫn bám theo hồ Núi Cốc, là triền bên kia của dãy Tam Đảo – làng Mỹ Yên (trước kia tên là An Mỹ). Để gặp lại những chú bác của Tuấn, để ngược dòng ký ức tìm tới các anh…
Trong đêm ba mươi đó, khi Tuấn hỏi về chiếc máy bay rơi thì những người trong họ, nam nữ đều nói là biết, quá biết nữa là đằng khác! Nó nằm ở trên núi, độ cao khoảng 1400m, cách ngôi nhà Tuấn độ 5km đường chim bay thôi, nhưng đi lên đấy thì vất vả đấy, nhưng hoàn toàn không phải vô vọng, chỉ độ 3-4 tiếng đi bộ đường rừng, phải leo thôi. Quan trọng nhất là ai cũng biết có cái “bãi nhôm” đó – nơi chiếc máy bay rơi! Hóa ra điều bí mật với cả quân chủng, cả miền bắc lại là chuyện “thường ngày ở huyện” ở cái làng này! (Hay chứng tỏ là chả có ai có ý định tìm bao giờ??)
Làng này từ thời đánh Mỹ có một nghề đó là thu gom vật liệu kim loại, chủ yếu là nhôm-dura. Có cái “may” là vùng này Mỹ ít thả bom – cũng đúng thôi, núi rừng thì thả bao nhiêu bom cho đủ mà chả để làm gì – nhưng máy bay cả ta và nhất là Mỹ hay thả thùng dầu phụ xuống nơi này, và đó là vật liệu quý báu để làm mâm, làm dao, làm khay bát, nồi xong… trong cái thời gian khó ấy! Thế là thành nghề, đàn ông đi khắp nơi để kiếm những gì “trên trời rơi xuống” – chưa kể một nghề khác lâu đời hơn là săn thú, bởi dãy Tam Đảo ngày ấy còn nhiều thú hoang lắm! Sau này ở những vùng lân cận có máy bay rơi là dân An Mỹ - Đại Từ sẵn sang có mặt để thu mua ngay! Chỗ máy bay rơi theo những người họ hàng của Tuấn kể nằm ở xã Hoàng Nông là xã bên, nhưng ngày trước người làng đi khắp nơi, nơi máy bay rơi đó trên cao không có dân ở, gần nhất là những bản người Dao. Người đầu tiên tìm ra máy bay rơi là ông H. – nay cụ cũng đã mất lâu lắm rồi – có lẽ cũng nhiều năm sau khi vụ việc xảy ra. Sau đó đến lượt các con ông lên đó tìm mang về những mảnh vụn máy bay, rồi sau thì rất nhiều người làng cũng tìm ra nơi máy bay rơi. Những người chú của Tuấn còn sinh ra sau khi máy bay rơi, nhưng họ cũng đã đến đó với một nghề khác hản – “đi gụ” – đó là tìm các rễ một loại cây như thông, từ chúng họ nấu ra một loại dầu gụ bán đi làm hương liệu quý, mà ngày nay hầu như không còn kiếm được nữa! Và họ đã loanh quanh ở chỗ máy bay rơi hàng tháng trời, nhưng lúc đó là đầu những năm 90…
Nơi máy bay rơi là một khu vực rừng nhưng khá quang đãng (tức là cây to nhưng thưa) rộng cỡ một sân bóng đá. Đầu 90 thì cây to cũng đã ít rồi, nhưng dây leo chằng chịt khó mà đi lại, chưa kể bẫy thú cài cắm nhiều nơi, tuy vậy họ ở đó hàng tháng trời nên cũng rành (dù là thế nhưng rừng bao la nên mỗi người chỉ biết cái góc của mình thôi!). Khu này là nơi đàn sơn dương của Tam Đảo rất hay chạy tới để trú ngụ! Theo lời kể của mấy thợ “đi gụ” thì không còn thấy hình dáng của cái máy bay đâu nữa, nhưng các mảnh thì vẫn còn vương vãi, họ đã từng vác cưa kim loại lên cưa để mang về được mấy mảnh làm thành dụng cụ gia đình. Hồi đó tất nhiên ai biết người nấy, chả ai lại kể toáng lên là mình đi “cưa máy bay” – và trong thâm tâm họ đều nghĩ đó là máy bay Mỹ rơi (vì có thấy ai nói về “máy bay ta rơi” bao giờ đâu?!). Ấn tượng sâu lắng nhất đối với họ là có cái động cơ bằng kim loại đúc nguyên khối, vì quá nặng nên không ai có thể mang đi đâu được, và vì quá bền đến mức chả có cưa kim loại nào làm nó hư hại đươc! Có một chiếc giày thủng, có cái cây mọc xuyên qua, đến lúc ấy đã hai chục năm rồi, cái cây đã to như bắp đùi, căng hết cả chiếc giày ra. Và ấn tượng nữa là hai chiếc bánh xe, vì là cao su nguyên khối nên nặng lắm, chả ai lấy làm gì cả, hai ông cậu của Tuấn lăn qua lăn lại nó để chơi, rồi lăn luôn nó xuống vực. Các thứ không “phân kim" được như bạt, kính… họ nhiều lần thu gom lại để… đốt!
Chúng tôi đã thực sự vui mừng khi tiếp xúc được với những nhân chứng biết rõ “bãi nhôm” đó, và càng vui nữa khi họ sẵn sàng dẫn chúng tôi lên tới tận nơi, họ khẳng định rằng tuy nhiều năm đã trôi qua (gần 30 năm đấy) nhưng vị trí thì họ không nhầm được đâu, và thể nào cũng còn tìm được những bộ phận nào đó của chiếc máy bay xấu số. Nhưng tin xấu do một lão làng báo, là sau này “đã có người đưa quân Hà Bắc mang bình ô xy lên hàn cắt kim loại rồi) – thế này thì khả năng cái động cơ quá quan trọng kia nay chỉ còn lại trong ký ức mà thôi. Nhưng đó cũng mới chỉ là thông tin như vậy, kể cả có đưa được bình ô xy lên “khò” cái cục to tướng ấy cũng chả đơn giản lắm đâu, vẫn có thể hy vọng. Và kiểu gì thì các liệt sỹ sẽ chỉ dẫn cho đoàn tìm kiếm được các vật chứng dù nhỏ, dù to nhưng sẽ vô cùng quan trọng, để khẳng định đó chính là chiếc Mig-21 của anh Thảo!
Và đầu năm Mậu Tuất những người “đi gụ” năm nào nay đã là những trung niên U50, U60 vẫn rất sẵn lòng đi ngược về ký ức những năm trai trẻ, họ nhất trí sẽ lại lên “bãi nhôm” năm xưa một lần nữa, để kiểm tra đường lên, để xác định lại vị trí máy bay rơi năm xưa… Họ bảo trước kia không ai biết là máy bay ta, cũng chả rõ rơi lâu chưa, chả thấy còn xác phi công, chứ không thì đã báo với chính quyền lâu rồi. Ngay làng bên thôi có phi công Mỹ rơi xuống, bị dân quân căm quá mà vây lại đánh, chính cô Hội trưởng hội phụ nữ thôn đó đã ôm lấy tay phi công để chắn đòn cho hắn. Sau này mấy chục năm sau người Mỹ đó đã quay lại, cảm tạ cô hội trưởng năm nào và trả nghĩa dân làng bằng con đường nối ra tỉnh lộ. Còn đây lại phi công ta với thầy giáo người Liên Xô, nếu biết thì họ đã hết lòng… Và bây giờ dân Mỹ Yên vẫn sẵn sàng hết lòng!
Người dân Mỹ Yên sẽ lên đó trước (để qua mấy hôm Tết đi và qua đợt mưa xuân này đi cho bớt vắt, bớt trơn…), rồi sau nếu mọi sự đúng như dự đoán thì họ sẽ dẫn bác Lê Anh cùng với một đoàn lên để “mục sở thị” tận nơi, xem có đủ bằng chứng kết luận về điểm rơi máy bay không và chiếc máy bay rơi ấy có đúng là chiếc Mig-21 của anh Thảo không!? Sẽ còn rất khó khăn đấy, nhưng cũng như trong nhiều trường hợp, cứ tìm đi rồi vong hồn các liệt sỹ sẽ giúp những người có tâm. Và nếu qua đó có thể chứng minh được thực sự đó là máy bay của anh Thảo rơi ở đó, thì có lẽ những cơ quan hữu quan cũng nên vào cuộc đi thôi, bởi nghĩa tử là nghĩa tận, tình nghĩa của chúng ta đối với liệt sỹ Poyarkov và Công Phương Thảo bắt buộc không được quên những người đã vì tất cả chúng ta mà ngã xuống! Việc đầu tiên mà những người tìm kiếm làm được sẽ là thắp hương cho các anh ở chính chỗ chiếc máy bay đã rơi...
Xin những người khác có thêm thông tin về vụ máy bay rơi hay có ý tưởng gì về việc tìm kiếm này liên hệ chia sẻ với bác Nguyễn Lê Anh – cũng có thể đoán trước là sau khi rời làng Mỹ Yên hiếu khách thì bác cũng quên luôn cái việc bị đau đầu từ lâu. ĐT của Nguyen Leanh: 0989099943. Công cuộc tìm kiếm sẽ bắt đầu sớm nhất có thể (phụ thuộc thời tiết mưa xuân).
Tháng giêng không phải để “ăn chơi” mà ý trời sẽ dành tháng này cho những hành động quyết liệt. Mong được các anh phù hộ và chúng tôi sẽ được gặp may mắn! A Di Đà Phật!

Không có nhận xét nào: