Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Làm người yêu nước chân chính như Fidel Castro đâu khó?


09/09/2010 Kami.

Theo: Kami posts


” … Khi trả lời câu hỏi ” Liệu hệ thống kinh tế của Cuba có còn đáng để xuất cảng ra nước ngoài hay không?” thì cựu Chủ tịch Fidel Castro đã không ngần ngại tuyên bố thẳng thắn với phóng viên Jeffrey Goldberg rằng : “Mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa”.


- Xem thêm: Chuyện của những du học sinh Việt nam tại Cuba


***


Thật sự tôi không tin vào mắt mình nữa khi tôi đọc bản tin trên trang VOA news với tựa đề “”Cựu Chủ tịch Cuba tuyên bố mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa ” hôm nay (09/9/2010). Đây là bản tin ngắn trên trang web site của Đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) cho biết, phóng viên Jeffrey Goldberg của Tạp chí The Atlantic trong một cuộc phỏng vấn với cựu Chủ tịch Fidel Castro đã cho biết, trong một bữa ăn trưa sau một cuộc thảo luận kéo dài 3 giờ đồng hồ về vấn đề Iran và Trung Đông. Khi trả lời câu hỏi “ Liệu hệ thống kinh tế của Cuba có còn đáng để xuất cảng ra nước ngoài hay không?” thì cựu Chủ tịch Fidel Castro đã không ngần ngại tuyên bố thẳng thắn với phóng viên Jeffrey Goldberg rằng : “Mô hình Cuba không còn hoạt động được nữa”.


Ngoài ra, bản tin còn cho biết thêm rằng tuy nhiên ông Fidel Castro không giải thích thêm và phía Chính phủ Cuba hiện chưa đưa ra lời bình luận nào về bài viết của ông Goldberg. Đồng thời theo bà Julia Sweig, một chuyên gia về Cuba tại Hội đồng các Quan hệ Đối ngoại, người có mặt tại cuộc gặp gỡ nói là bình luận của ông Fidel Castro có vẻ như một sự thừa nhận là theo “mô hình Cuba”, nhà nước đóng một vai trò quá lớn trong đời sống kinh tế của đảo quốc này không thể còn hoạt động được nữa.


Đường phố thủ đô La Havana giờ cao điểm
Ngược dòng lịch sử cách mạng XHCN đi theo học thuyết Marx -Lenin khoảng 20 năm trước đây, với sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống XHCN, vốn từng có một thời oanh liệt, đã từng là đối thủ đáng sợ và là mối đe dọa của hệ thống các nước dân chủ đứng đầu là Hoa kỳ. Điều kỳ lạ là sự sụp đổ của tất cả các nước XHCN ở Đông Âu với người anh cả là Liên xô, hầu như không chịu ảnh hưởng nhiều từ những tác động bên ngoài của các thế lực phản động quốc tế, mà hầu như là do sự suy sụp dẫn tới tự sụp đổ, bởi một cơ chế và mô hình kinh tế chính trị không phù hợp quy luật khách quan, không đáp ứng nổi nhu cầu tối thiểu của đời sống xã hội và cuộc sống của nhân dân, đó là hậu quả của nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp, nên kinh tế đặc trưng của CNXH theo học thuyết Marx – Lenin.


Tuy nhiêntrong cơn hỗn loạn ấy, còn 4 quốc gia thành viên phe XHCN còn sống sót đó là Trung quốc, Việt nam, Bắc Triều tiên và Cu ba vẫn tồn tại đến giờ phút này. Trong số 4 nước trên duy chỉ có Cu ba và Bắc Triều tiên (xin không nói tới BTT vì là chế độ độc tài loại điên khùng)vẫn cố bám lấy học thuyết Marx – Lênin với nguyên tắc cơ bản là kinh tế tập thể, chống bóc lột và sở hữu công cộng đối với tất cả tư liệu sản xuất. Hai quốc gia này, họ theo đuổi hệ tư tưởng CNXH chính thống, đó là hệ thống tư tưởng duy nhất có quyền tự gọi mình là “chủ nghĩa xã hội”. Đó là quan điểm lập trường Marxist-Leninist-Stalinist-Maoist … liên quan đến chủ nghĩa xã hội, tuyệt nhiên không chấp nhận bất cứ vai trò loại nào đó của thị trường mà theo họ là sản phẩm xấu xa của CNTB. Không những thế, Cu ba đã từng lên tiếng công kích Việt nam và Trung quốc khi hai quốc gia này tự đổi mới (quay lại với cái cũ), đi theo con đường kinh tế TBCN, chấp nhận bóc lột và sở hữu tư nhân trong hầu hết các lĩnh vực là bè lũ thiếu kiên định và phản bội Chủ nghĩa Marx – Lê nin.

Người Cuba sôi động và cởi mở


Việc bảo thủ của những nhà lãnh đạo hai nước Bắc Triều tiên và Cu ba trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng đất nước tiêu điều, dân chúng đói khát, thiếu thốn và nghèo khổ như Việt nam những năm trước đổi mới 1986. Với việc từ bỏ kinh tế XHCN của Trung quốc và Việt nam đã mang lại cho đất nước và con người những cải thiện đáng kể, gặp hái được những thành quả kinh tế đáng khâm phục. Đặc biệt là điều đó đã nâng vị thế của đất nước mình lên cao trong quan hệ quốc tế.


Trong hai nước Việt nam và Trung quốc cũng có sự khác biệt đáng kể về việc điều hành kinh tế. Trung quốc có tiến bộ phi thường về kinh tế, tháng 7/2010 đã chiếm vị tí nền kih tế lớn thứ 2 trên thế giới từ tay người Nhật. Nguyên nhân chính được cho là chính quyền Trung quốc đã khuyến khích và ủng hộ kinh tế tư nhân ở mức cao nhất có thể có. Ngược lại với khối kinh tế nhà nước họ giảm thiểu tới mức thấp nhất có thể, bằng chứng mới nhất là với kinh tế nhà nước sắp tới Trung quốc có kế hoach thuê lãnh đạo người nước ngoài cho các tập đoàn kinh tế chủ lực của nhà nước để tăng hiệu quả kinh tế.


Với tuyên bố mạnh mẽ của cựu Chủ tịch Cu ba Fidel Castro khi cho rằng mô hình kinh tế của Cu ba không thể hoạt động được nữa, với những người cộng sản “giả cầy” ở Việt nam là một điều đau xót về mặt thực tiễn đối với những người bấy lâu nay vẫn dùng cái chiêu bài CNXH theo học thuyết Marx – Lenin mà Bác Hồ đã chọn cho dân tộc là đúng đắn, để lòe bịp nhân dân lao khổ, ít có điều kiện tiếp cân với các thông tin trung thực.


Việc bày tỏ của Chủ tịch Fidel Castro xin đừng coi đó là lời thú nhận sự thất bại và phá sản của quốc gia cuối cùng còn cố bám giữ Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Marx -Lê nin, xin hãy coi đó là cũng hiệu lệnh cho công cuộc đổi mới của đất nước Cu ba tươi đẹp, một thời trước cách mạng 1959 đã từng mệnh danh là hòn ngọc của vùng biển Caribian. Hy vọng, với sự thay đổi về quan điểm của người lãnh đạo đứng đầu đất nước này sẽ đưa nhân dân Cu ba tiến lên với một cuộc sống thoát khỏi đói nghèo và nhanh chóng hòa vào dòng chảy của xã hội loài người tiến bộ, văn minh.


Tôi có ấn tượng tốt với nhân dân Cu ba nói chung và cựu Chủ tịch Fidel Castro nói riêng, đặc biệt là câu nói nổi tiếng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đó là ” Với Việt nam, nhân dân Cu ba sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả máu của mình”. Tuy nhiên bay giờ cũng vẫn không đồng tình, ủng hộ với cái tư tưởng bảo thủ và tham quyền cố vị của Chủ tịch Fidel, cái mà vốn là đặc trưng cố hữu của những người cộng sản.


Hãy biết thương đồng loại và người dân của đất nước mình, giá như không có trận ốm thập tử nhất sinh vài năm vừa qua, dẫn đến việc Chủ tịch Fidel phải nhường vai trò lãnh đạo cho người em trai Raul Castro thì Chủ tịch Fidel không có thời gian nghiên cứu các tài liệu lý luận, các tin tức thời sự để cho vốn kiến thức cũ rích mà nhân loại đã vứt bỏ vào sọt rác để đi đến một quyết định đúng đắn như hôm nay. Điều buồn cười nhất là đối với những lãnh đạo cộng sản ở quốc gia nào cũng thế, khi họ được nghỉ ngơi, có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kiến thức và tin tức bỗng họ hóa thân thành những con người hoàn toàn khác không ngu ngốc như so với lúc họ đương chức, đương quyền(?!)


Thiết nghĩ đây cũng là bài học cho các nhà lãnh đạo vốn ít học nhưng thừa sự dốt nát, nhưng bù lại lại có rất nhiều bằng cấp các loại ở Việt nam. Xin các đồng chí hãy bắt đầu nhớ lịa và làm đúng khẩu hiệu nổi tiếng của Lê nin “Học, học nữa, học mãi …” để bổ xung kiến thức cho minh để phụng sự đất nước tốt hơn. Hãy xóa bỏ ngay các khoảng ngăn cách, các bức tường lửa và cho tự do báo chí để người dân có thể tìm đến những thông tin họ muốn biết để nâng cao dân trí xã hội, chứ xin đừng để tình trạng quan trí của Đại biểu Quốc hội , đại biểu của nhan dân mà đến bây giờ còn chưa biết search google là gì?


Đời con người ta ai mà không có lúc lầm lạc, vấp ngã. Ngày xưa Vua chúa còn có lúc nhầm nữa huống chi là Bác Hồ. Vào thời điểm khi cách mạng XHCN trên toàn cầu đang ở thế thượng phong thì Bác Hồ nhầm khi chọn CNXH cho đất nước và dân tộc Việt nam là chuyện đương nhiên, vì Bác chỉ là con người bình thường như mọi người chúng ta, có hơn là hơn ở chỗ nằm trong lăng mà thôi. Nhưng ngày nay, thời và thế đã khác, Chủ nghĩa cộng sản mà núp dưới cái từ Chủ nghĩa xã hội một thời từng là ước mơ của bao thế hệ con người đã bị lật tẩy, nó đã bị phơi bày những cái tàn ác, xấu xa và đã bị loài người lên án và đưa vào danh sách tội ác chống nhân loại.


Với Chủ nghĩa cộng sản là chuyên chính và áp bức, cái chủ nghĩa quái dị ấy đã tước đoạt mọi quyền tự do của con người, hơn nữa đẩy con người vào đói khổ, nghèo nàn và lạc hậu. Chủ nghĩa xã hội ấy bây giờ chỉ còn là cái dĩ vãng, người ta nhớ đến vào những ngày giỗ mà thôi. Điều đơn giản như vậy mà ai ai từ người già đến trẻ con trên trái đất này cũng biết. Vậy mà hôm nay ở Việt nam còn có những kẻ ảo tưởng và lừa mọi người rằng kiên định với cái đang nằm trong sọt rác để bảo vệ quyền lãnh đạo đất nước, để thỏa mãn cơn thèm khát quyền lực của một vài cá nhân bọn họ lại là vì nhân dân.(?!)


Xin các đồng chí lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam, các đảng viên cộng sản và toàn thể nhân dân hãy dũng cảm như cựu Chủ tịch Cu ba Fidel và hãy nhắc lại câu khẩu hiệu bất tử một thời của Fidel Castro mà mỗi người cộng sản đều ghi nhớ “Tổ quốc hay là chết!”. Cái đó đồng nhĩa với sự quyết tâm vứt bỏ cái CNXH “giả cầy” mà Bác Hồ đã chót chọn nhầm. Sai thì phải sửa, người biết sai mà sửa cho đúng là người đáng kính trọng cho dù họ là cộng sản hay không cộng sản.


Tuy lời thú nhận của cựu Chủ tịch Fidel Castro là quá muộn màng, khi mà sau hơn năm 50 năm ông ta mới chợt hiểu ra, xong muộn còn hơn không, xin hãy nghĩ rằng đó là sự ngộ nhận của một lãnh tụ gọi là vĩ đại về một chủ thuyết có vẻ hào nhoáng bên ngoài dễ đánh lừa mọi người trong quá khứ. Chắc chắn suy nghĩ & lời phát biểu này của Fidel Castro là đúng đắn, sẽ được đông đảo người dân Cu ba đồng tình và ủng hộ nhiệt thành.


Chỉ đơn giản như thế, nhân dân sẽ biết ơn và gọi các đồng chí bằng cái câu trìu mến như họ đã từng dành cho Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn văn Trỗi, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên … và nhiều người khác nữa, đó là câu “Những người yêu nước chân chính”


Ngày 10/9 /2010






Nỗi buồn tướng Vịnh


09/09/2010
Hà Văn Thịnh

Tôi là người viết nhiều. Vậy mà, sau khi nghe, đọc những điều ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói “với Trung Quốc” ngày 25.8, ngòi bút của tôi bỗng như bị khô mực, ý tưởng bỗng trở nên rối loạn. Tôi hoang mang khi không thể phân định được những lẽ đúng sai mà tướng Vịnh đã nói, đã ám chỉ. Vì đã có rất nhiều bài bình luận về chuyện này, nên tôi không đi vào chi tiết, chỉ lạm bàn dưới dạng tản văn…


1. Cái nguyên tắc “ba không” mà tướng Vịnh đưa ra đã lạc hậu và xưa cũ lắm rồi. Chính trị, ngoại giao thì cũng chỉ là “cuộc đời lớn” của chính con người – hình đồng dạng của sự ứng xử trong đời. Cay đắng nhất của kiếp người là mỗi chúng ta có rất nhiều “bạn”, nhưng lúc gian khó, tuyệt vọng, tất cả các dạng thức “bạn” đó đều bỏ chạy.


Đừng trách người mà hãy tự trách mình: Bắt cá nhiều tay như thế thì chẳng khác gì câu thành ngữ của phương Tây – một con chim trong tay hơn rất nhiều con trên cây. Làm bạn với tất cả mọi quốc gia cũng chẳng khác gì nói tôi yêu tất cả loài người – bao gồm cả tội phạm ma túy, trộm cướp, găng-tơ, những kẻ giết người…

Cách nói đó cũng là “mô hình” chung của mệnh đề rất quen tai: một số đồng chí chưa tốt, một số con sâu. Nó phản ánh cái nửa vời, cái đoản kiến của tư duy, cái lập lờ của tình cảm (chân thành), cái bối rối của phương pháp tiếp cận, cái dại dột cũ mòn trước một thế giới đang được rạch ròi hóa, cụ thể hóa.


Chưa bao giờ đất nước Việt Nam cần một đồng minh chiến lược như lúc này. Đừng tự hào vì “tài năng” đi giữa Liên Xô – Trung Quốc để mưu lợi một cách cơ hội nữa. Vì dẫu có thành công trong một giai đoạn nào đó thì về lâu dài, chẳng ai tin anh. Đã không tin thì không thể có hợp tác chân thành, không thể có sự hết mình với tư cách là đồng minh.


Trong cuốn sách Biểu tượng thất truyền, Dan Brown có cho biết rằng thuở xa xưa, những người thợ điêu khắc đã “sửa chữa” sai lầm của mình khi tạc tượng (đá nứt nẻ, mẻ, sứt) bằng cách nấu sáp nóng chảy để xóa mờ các dấu vết chắp vá, hàn kết. Vì vậy, một pho tượng có giá trị là pho tượng được khẳng định rằng nó “không có sáp” (sine sera) – và, đó là nguồn gốc của chữ “chân thành” trong tiếng Anh (sincerely). Như vậy, nếu không có chân thành, nếu quan hệ ngoại giao mà khi nào cũng ngập tràn sáp, ngập tràn sự nửa vời của son phấn thì cái kết cục tất yếu sẽ là sự tan chảy dưới ánh nắng mặt trời nghiệt ngã của chân lý. Mà chân lý là cụ thể: Không thể chân thành với tất cả mọi hạng người, nhưng nhất thiết phải có sự chân thành trong quan hệ đồng minh chiến lược theo nguyên tắc ràng buộc của các lợi ích chiến lược, đó là con đường sống còn khi tình thế hiểm nguy, phức tạp trở thành mối đe dọa lừng lững trên đầu mình. Làm gì bảo vệ được lợi ích chiến lược nếu bấy giờ mình là kẻ thân cô, thế cô vì cứ muốn ôm chân cả kẻ thù và bạn hữu? Bài học từ Hoàng Sa năm 1974, từ chiến tranh biên giới năm 1979, từ Trường Sa năm 1988…, chẳng lẽ chưa đủ thuyết phục về cái cách tìm sai “bạn” đồng minh chiến lược hay sao? Hãy giở Hiệp ước hữu nghị Việt – Xô, 3.11.1978 ra sẽ thấy Liên Xô đã cam kết thế nào và đã rất “lấy làm tiếc” khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ra sao.


2. Tướng Vịnh tuyên bố với phóng viên mạng Hoàn cầu của Trung Quốc rằng “về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ”(!)?


Có lẽ, tướng Vịnh chưa bao giờ đọc lịch sử để biết các chính khách phương Tây ăn nói ra sao? Ví dụ, khi phê phán Chính phủ Pháp vong ân bội nghĩa về chuyện Mỹ cứu nước Pháp khỏi phát xít Đức năm 1945 mà quay ra phê phán Mỹ quyết liệt trong chuyện tấn công Iraq, TT Bush nói: “Người Pháp là dân tộc không thích nghĩ về quá khứ” (tức là ăn cháo đái bát!). Hoặc, để đe dọa Liên Xô, trong diễn văn nhậm chức năm 1981, R. Reagan nói rằng “và, các kẻ thù tiềm tàng của nước Mỹ cần phải biết rằng chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh vì chúng ta biết rõ đó là cách tốt nhất để khỏi phải đem sức mạnh đó ra dùng”…


Cụm từ “không bao giờ” là cụm từ hầu như không có trong tự điển ngoại giao, bởi vì nó không đúng, nó vô lý và nó… dại khờ, nói trắng ra là ngu xuẩn. Không có cái gì được hạn định bởi không bao giờ! Đó là chân lý của muôn đời vì sự biến thiên của nhận thức, sự không tưởng có thật đã được lịch sử chứng minh rất nhiều lần. Tại sao lại không thể nói là “trong một tương lai xác định (có thể nhìn thấy được), Việt Nam chưa có ý định liên minh quân sự với bất kỳ nước nào”? Nói như tướng Vịnh chẳng khác gì ném vào mặt Ngoại trưởng Mỹ một cái gì đó thật đau lòng, bởi chỉ cách đó mấy ngày, chính bà Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, và người Trung Hoa đã tức tối vô cùng. Họ tức tối có nghĩa là Việt Nam đã giành điểm tối đa. Vì sao lại không hiểu cái lẽ tối thiểu thông thường đó?


3. Không thể hòa giải với Trung Quốc chừng nào họ không thật tâm giải quyết cái lưỡi bò, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự níu kéo chỉ là vô ích.


Xin hỏi tướng Vịnh là nếu nhà hàng xóm lấn chiếm đất đai của ông, đánh đập vợ con ông thì ông có hữu nghị với họ không, khi họ không trả lại phần đất lấn chiếm, khi họ cứ tiếp tục đánh đập, hãm hại những người thân thiết (ngư dân Việt Nam)? Chắc chắn là không. Đừng có ảo tưởng tin vào lòng tốt của bá quyền đại Hán. Một trong những đại Hán có thể “nói chuyện” được nhất là tướng Lưu Á Châu đã nói thẳng ra rằng “Mục đích duy nhất của quyền lực là thay đổi để có quyền lực lớn hơn nữa” (Viet Studies).


Làm sao tướng Vịnh có thể nói “sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có quốc phòng (Tân Hoa xã dịch là phát triển quân sự), Việt Nam ủng hộ và vui mừng”? Thứ nhất, nếu Tân Hoa xã dịch sai thì ông phải đính chính cho công luận biết. Thứ hai, chẳng có nước nào lại vui mừng khi nước láng giềng tăng cường sức mạnh quân sự trừ phi giữa hai nước đã có hiệp ước liên minh quân sự. Thứ ba, những điều tướng Vịnh nói chỉ diễn ra mấy ngày sau khi Trung Quốc thăm dò dầu khí cách bờ biển Quảng Ngãi có 90 hải lý – trắng trợn chà đạp chủ quyền, an ninh của Việt Nam, nên không thể chấp nhận được. Vui mừng cái nỗi gì khi chúng nó ba bề bốn bên toa rập, bao vây và ép Việt Nam như ép mía trên mọi lĩnh vực? Không thể nhân nhượng, không thể đan tay vào nhau (bó tay) hoặc cúi mình khúm núm đưa cả hai tay ra vồ lấy một tay của người ta được nữa (cứ nhìn ảnh sẽ thấy).


Đôi khi tôi chợt nghĩ hoang mang rằng phải chăng rất nhiều người đang sợ sự phát triển của lòng yêu nước? Họ sợ vì cho rằng một khi lòng yêu nước được dâng lên vô bờ bến sẽ trở thành những đợt sóng có sức mạnh phi thường cuốn trôi đi tất cả mọi rác rưởi của sự ngu tối, đớn hèn, tham lam, thiển cận? Ước gì điều tôi nghĩ bị sai.


Cách đây mấy năm, con gái tôi đi học quân sự về nói: “Ba ơi, các thầy nói “thằng Clinton”, “thằng Bush”; trong khi ba dặn không được nói như thế, làm sao hở ba”? Tôi không thể trả lời. Cách đây ít ngày, con trai tôi đi học quân sự về, kể: “Các thầy nói các em chuẩn bị tinh thần chứ rất có thể Tàu nó sẽ đánh mình”. Lời kể đó là liều doping cần thiết để cho tôi viết những dòng này. Ít nhất, tôi tin, không ít sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã ý thức được mối nguy hiểm cận kề. Tại sao tướng Vịnh lại không hiểu?


Cách đây hàng chục năm, tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Tố Hữu viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong đó có bốn câu thật hay, tôi xin đọc lại cho tướng Vịnh nghe: Tưởng lại đưa anh ra chiến trường/ Đường về vó ngựa thẳng dây cương/ Ngày mai ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không bao giờ lầm tưởng. Là người lính, ông luôn thẳng dây cương trước mọi kẻ thù chứ chẳng bao giờ bó gối, đan tay. Chắc ông sẽ không tin “Ngày mai ai biết chiều nay phải vĩnh biệt” những can trường, sự hy sinh và lòng dũng cảm vô bờ của người lính trước những đe dọa, chà đạp thô bạo của kẻ thù? Bởi đó quả là nỗi buồn xa xót đến tận cùng trong mọi trái tim Việt đang nhức nhối, đớn đau…


Huế, 5.9.2010


HVT



Không có nhận xét nào: