Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

CHUYỆN HY HỮU Ở VIỆT NAM: Cướp Máy Bay Quân Sự C 130


 Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có 2 vụ cướp máy bay quân sự vượt biên liên quan và liên lụy đến học sinh miền Nam (HSMN) làm rúng động ngành Hàng không lúc bấy giờ, nhưng hồi ấy, chúng tôi biết, nghe và để trong bụng chứ không dám kể, kể là chết tươi liền.
Hôm nay kể về vụ cướp máy bay (liên quan đến HSMN) tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cướp máy bay quân sự C 130 ( Lockheed C 130 Hercules )

Người thực hiện vụ cướp là HSMN : Thượng úy Phi đội trưởng  Phi đội C 130 Trung đoàn vận tải Quân sự E.918.
 Anh Tiêu Khánh Nha là lứa HSMN xuống tàu tập kết ra Bắc năm 1955, trải qua nhiều trường HSMN trên đất Bắc, sau đó anh được tuyển vào không quân và lái các loại máy bay vận tải Quân sự. Sau ngày giải phóng miền Nam ta tiếp thu rất nhiều máy bay của Mỹ để lại tại sân bay Tân Sơn Nhất,  anh Nha là phi công rất giỏi đã nhanh chóng tiếp thu kỷ thuật và làm chủ được C 130 trong thời gian ngắn.

Đầu những năm 1979 khi ta đánh bọn Polpot ở chiến trường Campodia, Đơn vị cử anh Nha hàng ngày lái máy bay C 130 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua Pnompenh để chở dụng cụ chiến tranh, tham gia thả bom diệt khơ me đỏ, khi về chở thương bệnh binh, mỗi ngày thực hiện hàng chục chuyến bay như vậy nhưng anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó đơn vị báo cáo thành tích của anh và đề nghị Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ làm hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho anh. Nghe đồn rằng Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng do Chủ tịch nước ký  đã qua khỏi cầu Long Biên và đơn vị chuẩn bị làm Lễ đón nhận.

Đùng một cái, sau vụ Tàu xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đề ra chủ trương bài Hoa, một chiến dịch "Nạn Kiều" từ Nam chí Bắc bài xích người Việt gốc Hoa được tiến hành và hàng ngàn người Hoa buộc phải rời khỏi VN thời kỳ đó. Ba của Tiêu Khánh Nha là người Việt gốc Hoa, Ông tham gia hoạt động và có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp nên gia đình được tập kết ra Bắc. Thế là mọi chuyện phong tặng danh hiệu Anh hùng phải dừng lại. Trong vòng 10 ngày Tiêu Khánh Nha bị cắt bay, gia đình bị buộc chuyển ra khỏi  khu tập thể Quân đội tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ huy đơn vị đã máy móc thực hiện chỉ thị của trên, giống y như thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1954  mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã thực hiện, giết nhầm bao nhiêu cơ sở và cán bộ Cách mạng thời kỳ ấy.

 Từ một người lính bay, yêu bầu trời, đam mê nghề bay và sẳn sàng hy sinh cho Tổ Quốc, bổng nhiên bị cắt bay, xin việc gì cũng không được, bị bạn bè xa lánh (vì sợ liên lụy) Tiêu Khánh Nha sinh ra buồn và bất mãn chế độ nên vạch ra kế hoạch cướp máy bay để vượt biên, tìm đến một thế giới khác.

Một buổi sáng đẹp trời, ngày 24/11/1979 ở căn cứ Không quân Sân Bay TSN, Tiêu Khánh Nha cùng gia đình và 11 người khác vào Hanga nơi đang sửa chữa máy bay và lên chiếc C130 rút súng ngắn khống chế  viên sĩ quan cơ giới trên không, sau đó cho máy bay lăn ra đường băng.  Cậu cảnh vệ được giao nhiệm vụ canh gác máy bay thấy hiện tượng bất thường, xông đến đứng chặn ngay trước mũi máy bay.  Số người không tặc trên máy bay nhảy xuống khống chế và trói cậu đưa lên máy bay, sau đó máy bay lăn ra đường băng và cất cánh đi Singapore. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chiếc C 130 rời mặt đất và bay ở độ cao thấp để tránh Rada phát hiện,  sau đó bay thẳng ra Vũng Tàu và qua Singapore, đó là con đường ngắn nhất rời khỏi Việt Nam.

 Sau khi đến Singapore nhóm đề nghị gặp Đại sứ quán Mỹ và xin tị nạn chính trị, tất cả 13 người được Đại diện ĐSQ đồng ý tiếp nhận định cư tại Mỹ; riêng trường hợp của vệ binh Tạo, cậu luôn chửi bới nhóm cướp máy bay là đồ phản quốc và nằng nặc xin quay về Tổ quốc. Sau đó anh Nha và vợ đến xin lỗi Tạo và cởi đồng hồ đeo tay, vợ Nha móc hết tiền, vàng để tặng cho Tạo, nhưng anh từ chối. Tuần sau phái đoàn Quân sự ta qua để nhận lại máy bay và Tạo quay về Việt Nam. Tạo về lại đơn vị cũ làm việc một thời gian rồi lãnh đạo đơn vị cho xuất ngũ, vì nghi ngờ CIA cài cắm Tạo vào đơn vị.

Không thể tin được, hàng ngàn người VN bất chấp hiểm nguy tính mạng để tìm cách vượt biên, trái lại Tạo có cơ hội trời cho nhưng đã từ chối để quay về Tổ Quốc.  Sau đó đơn vị không tin dùng và cho xuất ngũ. Tạo về quê Nam Định một thời gian và xin đi làm vệ sinh tại Bệnh viện Phòng không - Không quân ở Hà Nội.

Buồn thay cho số phận của những con người, yêu Tổ Quốc mà phải chịu khốn khó!  Lý lịch 3 đời của một con người quan trọng đến thế sao ?

Pham Nam
 (Cựu phi công)

Không có nhận xét nào: