Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Cảm nghĩ khi đọc "Cảm thương những tâm hồn ái quốc"

   Lời tựa:Tôi rất xúc động khi đọc Cảm thương những tâm hồn ái quốc (1) của tác giả Khuyết Danh. Dù không có năng khiếu văn học nhưng tôi xin được bắt chước, cóp nhặt vài lời bình bài Văn Tế các Nghĩa sĩ Cần Giuộc để loạn bình bài Cảm thương những tâm hồn ái quốc của tác giả Khuyết Danh, với mong muốn bày tỏ lòng mến mộ đến những "nghĩa sĩ" đã tham gia tuần hành chống Trung Quốc gây hấn trong tháng 6 vừa qua. Xin các tác giả và bạn đọc lượng thứ. 

Ẩn Danh

   
   Trong câu chuyện của những người bạn tôi, mỗi khi đối diện trước một vấn đề gì khó khăn, anh em thường buột miệng nói rằng: “phải  liều mình như chẳng có” chứ. Nhớ hồi còn đi học, có anh cán bộ Đoàn khởi xướng một thái độ trong tình yêu là “phải… liều mình như chẳng có”, làm bạn bè nhớ mãi.

   Thế hệ chúng tôi cảm được kiểu nói chuyện giữa bạn bè với nhau như vậy. Và không ai không biết cụm từ “liều mình như chẳng có” kia là của cụ Đồ Chiểu, trong bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc học thuở cấp ba.

   Nhắc chuyện vận dụng câu cú của cụ Đồ Chiểu trong ngôn ngữ bè bạn đời thường, để thấy được sự đồng cảm của cuộc sống hôm nay với ngôn ngữ văn cổ ngày xưa, thấy dường như quanh mình, chuyện “vận dụng lời của Đồ Chiểu” là hết sức bình thường.

   Và ngày hôm nay chúng ta lại được chứng kiến một sự vận dụng sáng tạo, thật đặc biệt nữa bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài văn Cảm thương những tâm hồn ái quốc đã mượn tinh thần bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc không dùng để tế những người đã chết mà “ dùng âm hưởng văn tế để bày tỏ niềm yêu mến và sự cảm phục ... đối với những hành động ái quốc..." và nó "có ý nghĩa tôn vinh trong nỗi buồn, tự tấm lòng".

Ấy là sự sống tự nhiên của văn chương trong đời sống người dân, được thực chứng qua nhiều thế hệ vẫn còn tồn tại. Nhưng để có được điều đó, tức có được một sự đồng cảm, một mảnh đất sống của Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc trong ngôn ngữ đời thường thuộc lớp thế hệ sau cụ Đồ ngót một thế kỷ, nhìn theo góc độ hàn lâm, ắt có nhiều điều đặc biệt.

Ngay cả những nhà phê bình già dặn, sự thận trọng vẫn đòi hỏi họ lấy môi trường cuộc sống và thời gian trên mỗi tác phẩm để nhìn nhận một phần giá trị không chối cãi được của tác phẩm đó. Nói thế để thấy cuộc sống làm nên văn chương. Cuộc sống ở đây được hiểu là môi trường sống cùng thời và đời sống nội tâm, tư duy của người viết trong hoạt động sáng tạo của mình.


Vì thế, chất sống trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chính là sự thật cuộc sống xảy ra vào thời của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trang văn của cụ đã nói lên những gì cụ muốn gửi gắm lại thế hệ mai sau. Do đó, đọc Cảm thương những tâm hồn ái quốc trước hết, là để cảm nhận văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, và sau đó là thấy được sự thật trớ trêu của xã hội ngày nay – đó là để bày tỏ lòng yêu nước, người dân phải vượt qua nỗi sợ hãi bị bắt bớ, giam cầm, bị đuổi học, bị chụp mũ là “thế lực thù địch”…

Văn tế dùng cho những người đáng kính trọng. Người viết văn tế luôn tự coi mình thấp hơn nhân vật trong bài văn. Cách hiểu này đã xem sự ra đời bài Cảm thương những tâm hồn ái quốc là phá cách: Tác giả Khuyết Danh viết lối văn tế để cảm thương những tâm hồn ái quốc - một đối tượng bấy lâu vẫn được gọi là lòng yêu nước.

Quy định của bài văn tế là phải thể hiện được lý do đáng kính trọng của cái chết (có như thế mới được tế).

Và nhân vật chính trong bài Cảm thương những tâm hồn ái quốc có một lý do rất đặc biệt để bột phát biểu tình, tuần hành chống Trung Quốc gây hấn được tác giả gọi là “trận nghĩa”:

Bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biển, chưa chắc còn danh nổi như phao

Một trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung, tuy bị cấm ngăn mà tiếng vang như mõ.

Tác giả so sánh bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biển với một trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung hẳn là còn khập khiễng. Nhưng đó là điều mà tác giả muốn đặt ra để thấy sự khác biệt giữa hành động một trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung của nhóm người tuần hành này với những vất vả mưu sinh của người dân VN bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biển. Trong khi bao nhiêu năm qua ngư dân VN đã và đang bị hải giám TQ cướp bóc tàu thuyền, ngư cụ; bị giam giữ đòi tiền chuộc… khi hành nghề trên ngư trường VN, hoặc vất vả mưu sinh khi đất đai bị mất dần vì khai mỏ, làm thủy điện, rừng đầu nguồn đã bị lấy cho nước ngoài thuê mà không được mấy ai biết đến - chưa chắc còn danh nổi như phao; thì chỉ với một “trận nghĩa” của một nhóm người dám xuống đường tuần hành dù bị cấm ngăn mà tiếng vang như mõ.
 Đặt sự so sánh giữa bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biểnmột trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung hợp với phép đối trong văn biền ngẫu cũng là nhằm ca ngợi ý nghĩa to lớn của cuộc tuần hành lần này của người dân:

Mỗi đợt tuần hành
Trăm năm nhắc nhở.

Thực ra, hành động của người dân bột phát bởi nhiều lý do bị dồn nén trong tâm trạng:

Bóng giặc chập chờn hải đảo, nỗi lo xâm lược phập phồng đã mấy mươi năm, trông tin quan như trời hạn mong mưa.

Mùi “4 tốt”, “16 chữ” vấy vá đã bao lần, ghét thói đại Hán gian thâm như nhà nông ghét cỏ.

Vì ai tham nhũng lan tràn, gian trá lên ngôi
Chẳng lẽ triều đình khứ dân, ai người mãi quốc?...

Sống cùng thời, tác giả Khuyết Danh cảm được cái tâm lý:

Bữa thấy tàu hải giám cắt cáp Bình Minh, muốn tới ăn gan.
Ngày xem tàu ngư chính bắt nạt Viking, muốn ra cắn cổ.

Cái nhìn của người dân đối với ngoại xâm hết sức bình thường như thế đó, mà lại rất có quan điểm của con dân yêu nước:

Tấc đất ngọn rau ơn Nước, tài bồi cho mỗi dân ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Nhưng nếu chỉ vì tức giận ngoại xâm mà bột phát đứng lên tuần hành, biểu tình, hẳn những người biểu tình chưa đánh động mãnh liệt đến niềm cảm kích của tác giả. Điều quan trọng hơn là hành động biểu thị lòng yêu nước của họ đã bị chính quyền ngăn cản, cấm đoán một cách thô bạo cả trước, trong và sau khi tuần hành:

Chi nhọc quan quản dùi cui, còi huýt, đạp dây thừng lướt tới, coi nguy hiểm như không
Nào sợ dân vệ, công an, hàng nối hàng, lịch lãm chưa từng có.

Một chắc xuống đường rằng ái quốc, nào hay bị “nhắc nhở”, cầm chân.

– lòng yêu nước đã bị độc quyền, đã bị định hướng một cách thô bạo.

Họ vốn là những người bình dị, nhưng nghĩa khí trong từng con người đã khiến tác giả phải đặt bút viết rằng:

Vốn chẳng được cảm thông, ủng hộ, tự phát mà đứng lên
Chẳng qua tức nước, vỡ bờ, vị nghĩa ra lời tuyên cáo
Tự giương khẩu hiệu, trật tự ôn hòa, nào đợi tập rèn
Bốn chủ nhật biểu tình, hồn hậu suy tư, đâu chờ bày bố.
Trong khi có những người vì vô cảm mà im hơi lặng tiếng, thì những người tuần hành đáng kính trọng chứ. Trong khi hơn bảy trăm tờ báo im lặng khiếp nhược trước ngoại xâm, thì những người “tay ngang” ở:

Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, đồng thanh phẫn uất
Ngoái nhìn Melbourne, Tokyo, Paris, du học sinh Việt Nam ào ào phản đối xâm lăng.
Chi nhọc quan quản dùi cui, còi huýt, đạp dây thừng lướt tới, coi nguy hiểm như không
Nào sợ dân vệ, công an, hàng nối hàng, lịch lãm chưa từng có.

Hành động ấy, nhân cách ấy đáng trân trọng lắm chứ.

Bởi thế, tác giả Khuyết danh mới dồn tâm lực trau chuốt công phu, để “ dùng âm hưởng văn tế để bày tỏ niềm yêu mến và sự cảm phục của tôi đối với những hành động ái quốc”.

 Không ai khen kẻ bột phát làm càn, nhưng lịch sử và lòng người luôn trân trọng những con người đã hành động quyết liệt, bất vụ lợi để bày tỏ lòng ái quốc khi đất nước bị xâm phạm:

Ngoài cật mong manh áo vải, nào đợi được lệnh cấp trên,
Trong tay cầm biểu ngữ chống xâm lăng, chi nài đề tên ghi tuổi.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này ra sức tuần hành
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay cứu nước.
Chẳng phải vì bị xúi giục, cho tiền, lợi dụng mà chống bọn bành trướng Bắc Kinh
Vốn chẳng liên quan gì đến phường Việt gian, phản động mà biểu tình làm loạn.
……..
Trẻ già hát Quốc ca, đả đảo giặc Tàu, làm cho Ích Tắc, Chiêu Thống hồn kinh
Anh trước chị sau, hừng hực niềm tin, trối kệ lời loa kêu giải tán.

Bốn cặp câu văn biền ngẫu trên, tác giả rất kiệm lời mà tái hiện được quang cảnh cuộc tuần hành của người dân, kết quả, sự dấn thân, tác động nhất định của “trận nghĩa” bột phát này đối với chính quyền và lực lượng ngoại xâm hùng mạnh. Đâu phải dễ dàng làm cho “ Ích Tắc, Chiêu Thống hồn kinh”. Cũng đâu phải chỉ biểu tình, tuần hành (vốn là biện pháp bày tỏ phổ thông nhất của chế độ dân chủ) mà không làm cho giặc bành trướng phải lo sợ.

Khí phách của người biểu tình, tinh thần dấn thân của họ phải quyết liệt lắm, dũng cảm lắm mới lập nên kỳ tích như vậy. Trong khi “triều đình” lánh mặt, trông tin quan như trời hạn trông mưa, thì nhân dân vùng lên bột phát:

Vốn chẳng được cảm thông, ủng hộ, tự phát mà đứng lên
Chẳng qua tức nước, vỡ bờ, vị nghĩa ra lời tuyên cáo

nên chắc chắn sẽ bị ngăn cản. Nhưng hành động ấy lẫm liệt, chiến công ấy đáng kể, và những người biểu tình “tự phát dứng lên” ấy đáng được viết ngợi ca, ghi lại công trạng và niềm mến phục cho mai sau.

Tôi cứ nghĩ nhờ áp dụng thể loại văn tế buộc phải có một đoạn tả về những người đang sống tiếc thương người đã khuất hoặc những gì đã mất nên tác giả đã nói ra được tâm trạng bi tráng, khắc khoải của người dân hiện nay:

Nửa thác Bản Giốc năm canh sao vắng lặng, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;

Bãi Gạc Ma một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo sóng cả.

Đảo Lý Sơn, mẹ già ngồi khóc con trai, ngọn đèn khuya leo lét vạn chài

Miền Phú Yên, vợ thảng thốt chờ chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Tại sao người dân lại không cam tâm “để nhà nước lo”, mà bột phát biểu tình làm gì cho khổ thân như vậy, có thể hỏi thế được chăng? Có thể đem những chuyện:

Sống làm chi theo quân tà đạo, tùy tiện cho thuê rừng, dâng nguồn bauxite, thấy lại thêm buồn;

Sống làm chi luồn cúi bá quyền, ham nhân công Tàu, nhập siêu hàng Trung Hoa, nghe càng thêm hổ.

Nay thót tim nghĩ đến phố Trung Quốc ở Ninh Bình

Mai tím mặt Bình Dương mở Đông Đô Đại Phố…

để trả lời được chăng?

Tôi vẫn nghĩ rằng: dòng máu bao thế hệ người Việt vẫn là dòng máu trung kiên, không chấp nhận thói phản trắc, ăn ở hai lòng. Cho nên, dẫu “triều đình’ lúc này có cam tâm lặng lẽ “giao hảo song phương”, “luồn cúi bá quyền” thì người dân vẫn còn đó dòng máu trung kiên, chính trực.

Dòng máu đó biết sôi lên đúng lúc, nó khiến cho những người dân không còn là những thân phận “cui cút làm ăn” nữa, họ đã thoát xác, hóa thân thành những người hùng, bằng những hành động không thể dùng kiến thức, kinh nghiệm trận mạc, hay một thứ lập ngôn chủ nghĩa nào đo được.

Bởi thế, nên tác giả đã dùng thiên kiến chủ quan của mình để hỏi và nhận định:

Vì ai khiến nhân dân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương;
Vì ai xui non nước tan tành, chia năm xẻ bảy?
Vì ai để giáo dục suy đồi, cương thường đổ vỡ
Vì ai mấy chục nghìn tỉ của dân chìm theo Vinashin
Vì ai tham nhũng lan tràn, gian trá lên ngôi

Thà đặng câu địch khái, noi theo cha chú cũng vinh
Hơn chịu chữ Tàu gian, ở với “man di” rất khổ.

Có những cái chết vinh, cũng có những sự chọn lựa sống nhục. Thái độ sống ấy bao giờ cũng thời sự, và cũng không phải lúc nào, với ai, cũng chọn lựa được một thái độ sống vinh nhục rõ ràng. Bởi thế mà những cuộc tuần hành chống Trung Quốc vừa qua sẽ được mọi người nhớ mãi. Tác giả Khuyết Danh đã nói lên tiếng nói mến phục người “nghĩa sĩ”, nhưng cũng là thể hiện thái độ của mình. Có khi, vào những thời điểm, một tiếng nói đúng đắn của mình cũng lưu danh muôn thuở.

   Văn chương yêu nước mỗi thời kỳ có những tầng ý nghĩa riêng và sự sâu sắc tùy thuộc vào người viết. Tác giả Khuyết Danh viết Cảm thương những tâm hồn ái quốc nhưng tâm sự đâu chỉ gói gọn trong một bài văn. Thái độ sống và lòng yêu nước, nung đúc dòng máu trung kiên hay chấp nhận thói sống vô cảm là những lựa chọn vượt thời gian, luôn cần thiết cho mọi con người có ý thức với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước.

VM.

(1) -     http://boxitvn.blogspot.com/2011/07/cam-thuong-nhung-tam-hon-ai-quoc.html





Không có nhận xét nào: