Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Một viên đá xây dựng đầu tiên cho Việt Nam‏

   N D T ( Kỹ sư điện, Canada ).


Viên đá đầu tiên cho xây dựng lại đất nước VN

  Trong email góp ý kiến vào kiến nghị, gửi cho mạng Bauxitevn ngày 15- 07-2011, tôi có đặt vấn đề hòa giải dân tộc và nói là để đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng lại đất nước, trong thời hạn ngắn, đảng CSVN có thể hàn gắn đau thương để tạo nên sự đoàn kết bằng một lời xin lỗi với toàn dân bao gồm cả 'Ngụy' nghĩa là bao gồm cả những người dân miền Nam, những người Bắc khi xưa đi di cư tìm tự do và những Việt kiều đi di tản tìm tự do và hiện đang sống tại hải ngoại. Tôi rất vui mừng khi thấy viên đá này đã vừa được đặt bởi những người biểu tình ở Hà Nội hôm 24 tháng 07 vừa qua, bằng sự tưởng niệm các liệt sĩ nước Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng sa vào năm 1974 cùng với các liệt sĩ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bỏ mình vì Trường sa vào năm 1988. Ngày 24 tháng 07 cũng đã được đánh dấu bởi sự giải thoát khỏi sợi dây xích của sợ hãi, nhằm kèm kẹp nhân dân, và bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào trăm hoa đua nở cho tự do ngôn luận. Nói tóm lại, ngày 24 tháng 07 năm 2011 có thể nói là vừa mở ra một trang sử mới. Nhân dịp này tôi cũng xin kiểm điểm lại đoạn đường lịch sử vừa qua của đất nước.

Thỏa ước Yalta và sự chia cắt Việt Nam


   Năm 1954, Chu Ân Lai đã bắt cộng sản VN ký hiệp định Genève chấp nhận sự chia cắt nước Việt Nam, một sự chia cắt đã được mặc cả, có thể nói là từ trước, giữa các cường quốc trên đầu chúng ta. Thật vậy, từ lúc vừa kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, Nga và Mỹ đã ký thỏa ước Yalta để chia nhau những vùng ảnh hưởng trên thế giới. Trong thỏa ước này Mỹ đã ký hố với Staline vì thế mặc dầu quân Mỹ đã tiến vào Berlin, đồng thời cũng đã đến một số nước Đông Âu trước Nga, nhưng đã được lệnh dừng lại không được tiến vào Đông Đức và các nước Đông Âu kia vì các vùng này đã được thỏa hiệp Yalta qui định là thuộc về Nga. Nhưng Pháp thì không ngây thơ như Mỹ, bởi vì tướng De Gaulle đã không thèm để ý đến thỏa hiệp này, đã cho áp dụng chính sách "dính máu ăn phần", nghĩa là vùng nào trong nước Đức mà quân Pháp đến trước, đánh trước và giải phóng được trước thì vùng đó thuộc về Pháp, vì thế mà sau đó một phần của nước Đức đã thuộc vào vùng ảnh hưởng của Pháp và do quân đội Pháp chiếm giữ. Theo tinh thần của giải pháp Yalta thì tất cả những vùng tranh chấp sau đó, sẽ bị chia cắt theo một tỷ lệ mà các cường quốc trong hai khối sẽ mặc cả với nhau. Theo sự mặc cả này thì miền Bắc Việt Nam thuộc quỹ đạo cộng sản, còn miền Nam Việt Nam thuộc quỹ đạo quốc gia. Bị dính vào quỹ đạo này rồi thì rất khó mà ra. Chính vì thế mà chế độ Ngô Đình Diệm đã bị Mỹ bật đèn xanh cho tướng lãnh miền Nam lật đổ vào năm 1963 khi, hình như ông Ngô Đình Nhu, em ông Diệm, tốt nghiệp về chính trị ở trường 'École de Chartres' nổi tiếng của Pháp đã muốn qua mặt Mỹ, tìm cách liên lạc với miền Bắc để đề nghị giải pháp dân tộc anh em trong nhà nói chuyện thẳng với nhau. Không biết có phải, vì không có trình độ học vấn của Ngô Đình Nhu, thành ra Bác Hồ đã không nhìn ra vấn đề nên đã chủ trương một mất một còn đánh chiếm miền Nam.

Cộng sản Việt Nam bị sa lầy

    Khi bị Chu Ân Lai gây sức ép vào năm 1954, đáng lẽ Bác phải biết là chân đang bị dính bùn, phải tìm cách rút ra trước khi bị sa lầy. Blogger N.Q.Lập http://quechoa.info/2011/07/23/hi%e1%ba%bfn-phap-nam-1946-va-cong-ham-quai-chieu/, vừa qua nghĩ là công hàm do Phạm văn Đồng ký năm 1958 là một quái chiêu của Bác để tránh sức ép của TQ, bằng chứng là Bác giả vờ không biết và đã không ký vào đó. Nếu vậy có nghĩa là từ lúc đó Bác đã ý thức được thêm là chân sắp sửa bị lún vào bùn sâu hơn, thế thì tại sao, vào năm 1960 Bác lại gửi quân vào Nam đánh, mặc dầu biết là như vậy sẽ chỉ làm cho miền Bắc lệ thuộc vào TQ nhiều hơn, đó là chưa kể gây cảnh tương tàn giữa anh em trong nhà, cái này có thể gọi là mù quáng không, đó là chưa nói đến chuyện để lại vấn đề nan giải cho con cháu. Ở bên này nếu để một vấn đề không giải quyết cho thế hệ sau thì người ta gọi là vô trách nhiệm, nếu để họa lại cho con cháu thì gọi là vô ý thức, nếu nói mà không làm được thì gọi là 'nói phét' mà nói phét thì ai nói mà chẳng được. Hiến pháp ngày hôm nay của Việt Nam còn thua cả hiến pháp năm 1946, còn ba chữ tự do, độc lập và dân chủ, bây giờ vẫn chỉ là ba chữ rỗng, vì thế có thể nói là Bác Hồ đã nói láo ăn tiền.

   Nói cho cùng thì cả hai cuộc chiến với Pháp và với Mỹ đều không cần thiết

   Chuyện Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian vì sau chiến tranh thế giới thứ II, với sự thành lập của Liên Hiệp Quốc thì trước sau gì các đế quốc thực dân cũng phải trả độc lập cho các nước thuộc địa. Nhưng vào thời điểm đó các lãnh tụ cộng sản Việtnam chưa có thể nhận định ra được như vậy, vì thế không thể trách được khi họ chọn giải pháp phải đánh đuổi Pháp, lúc đó là thượng sách. Tóm lại là không thể phủ nhận vai trò hướng dẫn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp của Bác Hồ trong giai đoạn này.

   Nhưng đối với cuộc chiến với Mỹ thì khác, vì đây là một cuộc chiến do CSVN khiêu khích gây nên. Nếu cộng sản miền Bắc không xâm nhập đánh miền Nam thì Mỹ cũng đâu có đổ bộ vào miền Nam làm gì, nếu cộng sản miền Bắc rút quân khỏi miền Nam thì Mỹ cũng sẽ rút. Xin nhắc lại là vào thời Ngô Đình Diệm (trước 1963), không có quân Mỹ ở miền Nam, sau đảo chánh lật đổ ông Diệm, CS miền Bắc lợi dụng tình hình bất ổn đã gửi quân vào để thôn tính, các tướng lãnh miền Nam tranh quyền không lo việc triều chính. Vì sợ mất miền Nam có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các quốc gia khác đồng minh của Mỹ trong vùng ĐNA đã buộc Mỹ phải đổ bộ quân vào VN ( 1965) để cứu. Năm 1975, lúc CSVN vi phạm hiệp định Paris đánh chiếm miền Nam thì quân Mỹ đã không còn ở VN nữa vì đã rút trước đó sau khi ký hiệp định vào năm 1973. Thành ra cái gọi là 'đánh đuổi được Mỹ' chỉ là cái danh hão vì miền Nam đã bị Mỹ bỏ rơi vì tham những, vì dân Mỹ chán ghét chiến tranh, vì phong trào phản chiến lan tràn trên đất Mỹ. Trong cuộc chiến này, nước Mỹ đã tốn hơn 50000 sinh mạng lính cùng với một số lớn thương phế binh và một sự hao tổn ngân sách không nhỏ, cho nên đây cũng chỉ là một cuộc chiến bất đắc dĩ đối với nước Mỹ.

Tại sao ngày 24/07/11 lại không có động tĩnh gì ở TP Ho Chi Minh

   Để giải thích tại sao vừa rồi hôm 24/07/11, miền Nam lại yên lặng, có thể một phần lý do là vì thiếu lãnh tụ. Hiện thời thì tinh hoa ở trong nước nằm ở miền Bắc, trong khi tinh hoa ở miền Nam thì đã di tản gần hết do đi tìm tự do ở hải ngoại, hoặc là đã tự tử như trường hợp của luật sư Trần văn Tuyên - một lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng. Năm 1975, lúc CS miền Bắc chiếm miền Nam, trước khi ra đi, luật sư Tuyên đã tuyên bố với đài BBC là: Tôi ra đi là muốn để lịch sử xử tôi, tức là ông không chấp nhận để CS xử vì ông với CSVN không thể đội trời chung. Lý do là vào năm 1945, CSVN kêu gọi các đảng phái liên minh đoàn kết để chống Pháp, mục đích thực là để làm cho đảng viên các đảng khác xuất đầu lộ diện, hầu dễ bề thanh toán họ một cách dễ dàng trong một cuộc hành quyết dã man có thể ví với cái gọi là ' la nuit des longs couteaux' trong đó hai thành phần trong chính thể 'Nazi' Đức quốc xã của Hitler, áo nâu và áo đen, thanh toán lẫn nhau. Ai đã từng sống vào thời đó ở Hà Nội, trong đó có bố mẹ tôi, đều được chứng kiến cảnh đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng bị CS giết xác nằm đầy đường. Vì sự lừa đảo này mà người ta có câu truyền tụng là 'nói dối như Vẹm'. Chữ Vẹm là viết tắt của chữ Việt minh là một chữ 'bidon' tức là rỗng vì không có thứ đảng viên nào khác trong đó ngoài đảng viên CS.

Kết luận

    Năm 1958, khi Trung Quốc đe dọa Đài Loan, Mỹ đã cho Hạm đội thứ 07 vào eo biển Đài Loan và Trung Quốc, mặc dầu là một nước lớn so với Đài Loan, đã không dám ra tay. Năm 1960, không biết lấy đó làm gương, mặc dầu biết là miền Nam là đồng minh của Mỹ, nhưng ông Hồ vẫn cho quân xâm nhập để đánh và đã dẫn đến việc Mỹ oanh tạc miền Bắc vào những năm đầu thập niên 1970, gây nên tang thương cho cả hai miền của đất nước. Có thể nói là Bác Hồ và đảng cộng sản VN có tội lớn với nhân dân Việt Nam trong giai đoạn này. Nếu các đảng phái không bị diệt ngay từ đầu thì Việt Nam ngày hôm nay đã là một nước dân chủ với đa đảng cho nên đáng lý ra ông Hồ còn phải bị kết thêm tội diệt dân chủ. Trong tương lai, nếu muốn đoàn kết toàn dân bao gồm cả 'Ngụy' thì phải tránh nói đến Bác Hồ càng ít càng tốt, hoặc nên quên ông ta đi thì tốt hơn vì lịch sử nước ta có thiếu gì anh hùng dân tộc để lấy làm gương soi sáng. Mặt khác, chúng ta cùng chung một tổ quốc, chúng ta đã bị chia rẽ, bởi bị đứng giữa hai khối quốc gia/cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thành ra tất cả người VN, kể cả đảng viên cộng sản đều là nạn nhân, vì thế hơn bao giờ hết, chúng ta phải đoàn kết lại với nhau để cải thiện đất nước, thay vì chia rẽ.

Việt Nam muôn năm!

N D T ( Canada ). Bài này thể hiện quan điểm của tác giả NDT.
Tác giả gửi trực tiếp cho NSGV.







3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tác giả cho rằng 2 cuộc chiến vừa qua ở VN là không cần thiết, theo tôi đó là suy nghĩ võ đoán.
Nếu không có chiến tranh Nam-Bắc thì miền Nam có thể như Đại Hàn hiện nay, còn miền Bắc sẽ như Triều Tiên hay Cu Ba hiện nay. Ta có muốn điều này không?

Sơn Hà Nội nói...

Tác giả bài này cần tìm hiểu thêm về lịch sử cận đại Việt Nam trước khi viết bài, phân tích và lập luận chưa chính xác. Có thể gửi trao đổi này lên lichsuvn.info/forum, sẽ được bổ sung chỉnh lý thêm

Nặc danh nói...

Lịch sử của một dân tộc, một đất nước...là không thể thay đổi. Bởi lịch sử là quá khứ là do con người tạo ra. Về cơ bản nó cũng giống như số phận một con người. Lịch sử một quốc gia bị tác động bởi các quốc gia khác, cũng như số phận của con người cụ thể bị chi phối bởi những người chung quanh và môi trường xã hội. Nhưng lịch sử phát triển của mỗi nước là do người dân nước đó (đại diện là người lãnh đạo)tạo ra; cũng như sự thành công hay thất bại của một người là do chính người ấy chọn lựa. Có người đã nói: từ khi ta mở mắt thức dậy là ta đã lựa chọn rồi- ăn sáng món gì, mặc áo nào, đeo cavac màu nào, đi làm bằng xe bus hay oto riêng...? Những lựa chọn này của ta hiện nay ảnh hưởng đến lựa chọn sau này của ta trong tương lai. Vậy cho nên nói "2 cuộc chiến với Pháp và Mỹ là không cần thiết" là không khách quan.
Cũng như nói các cuộc biểu tình ở miền Nam vừa qua không diễn ra vì thiếu lãnh tụ vì họ đi di tản gần hết là ngây thơ.
Chính sách cải tạo, giam giữ, phân biệt đối xử của CSVN với người của VNCH là sai lầm, dã man. Nhưng thử hỏi nếu miền Nam thắng thì người miền Bắc có được đối xử tốt hơn?
Chúng ta, người VN, không có tố chất văn minh để đối xử với nhau như người Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Chúng ta cũng không khôn khéo như Trung cộng để duy trì "một quốc gia hai chế độ" sau 1975.
Người dân miền Bắc không hận thù Mỹ, không căm ghét người miền Nam, cựu lính Mỹ cũng không hận thù VC...Tại sao người của VNCH ghét cờ đỏ sao vàng, khi nó là cờ của VN. Cờ đỏ sao vàng là cờ Tổ quốc - không phải cờ Đảng CS. Người VN cũng không thích cờ búa liềm.
người HN