Câu hỏi này có thể ít người nghĩ tới, hoặc khó trả lời.
Cần nói thêm là chữ “đảng viên” ở đây phải hiểu là “đảng viên cộng sản”. Thời
“kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” này cái gì cũng có giá của nó. Tôi
cho là nó “vô giá”. Chữ “vô giá” ở đây có thể hiểu là “rất có giá trị” hoặc phải
trả bằng “rất nhiều tiền”; và cũng có thể hiểu là “chẳng có giá trị” gì.
Thời kháng chiến chống Pháp, đảng viên có thể bị bắt, tù đày, bị giết. Họ phải hoạt động bí mật, được dân che chở, nuôi dưỡng. Đảng viên là những người dễ bị hiểm nguy nhất. Đến 1954 VN bị chia cắt thành 2 miền, ở miền Bắc đảng viên vẫn là những người được dân tin tưởng. Đa số họ là những người gương mẫu. Ngày ấy vào đoàn (thanh niên) còn khó chứ nói gì đến vào đảng. Phải là đoàn viên mới được vào đại học, đi học nước ngoài. Giống như bây giờ, muốn lên “sĩ quan” phục vụ lâu dài trong quân đội, công an, thì phải là đảng viên. Thế nên muốn thăng tiến trong sự nghiệp, điều kiện bắt anh (chị) phải vào đảng. Rồi ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể, tổ chức quần chúng thuộc nhà nước, nếu muốn thăng tiến cũng phải vào đảng. Vậy là đảng viên đã và đang rất có giá.
Thời bao cấp, một trong 5 tiêu chuẩn chọn chồng của chị em là phải đảng viên (5Đ : "Đôm" – nhà, Đảng viên, Đạp – xe đạp, Đài, Đồng hồ).
Từ những
năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã được nghe nói: “tòa hình sự VN không thể xử án đảng
viên” (chưa được kiểm chứng). Có thể đây là quy tắc bất thành văn. Bởi vậy khi
đảng viên phạm tội và phải ra tòa, tổ chức đảng phải khai trừ họ trước khi họ bị
đưa ra xử. Điều này đã làm chậm quá trình xét xử các tội phạm là đảng viên. Chức
càng to càng chậm xử. Thông thường các đảng viên đương chức khi bị phạm tội họ
thường bị cách chức, chuyển công tác khác; hay chỉ bị phê bình, khiển trách nội
bộ chứ ít khi bị khai trừ (ra khỏi đảng). Khi đảng viên bị khai trừ tức họ cũng mất khả năng
trở lại chính trường (cũng là cơ hội làm giàu). Đây là mất mác rất lớn của đảng
viên. Trong vụ án
“Nông trường Sông Hậu”, bà Ba Sương, giám đốc nông trường này đã bị
cách chức, khai trừ ra khỏi đảng và bị đưa ra tòa án hình sự. Mới gần đây, nhờ
được công luận bênh vực bà được miễn truy tố và được phục hồi đảng tịch (danh
hiệu đảng viên). Bà Ba Sương đã cảm ơn các đồng chí trong chi bộ. Nhiều người
đã không hiểu nỗi việc cảm ơn này; bởi chính các đồng chí này trước đây đã
“đánh” bà tơi tả. Có người bảo bà Ba Sương dại (vì trở vô đảng), rồi nói bà cảm ơn không đúng đối tượng.
Tôi nghĩ Bà Ba Sương không còn ở tuổi “trẻ người – non dạ”
nữa. Có thể với bà Ba Sương và nhiều đảng viên khác, danh hiệu đảng viên là “vô
giá”.
Nhiều đảng
viên còn tại chức, cũng như khi đã về hưu, dù không có đóng góp gì cho xã hội nữa,
nhưng theo năm tháng họ cứ lần lượt nhận huy hiệu “40, 50, 60 năm tuổi đảng”. Cũng tổ
chức trao tặng, gắn huy hiệu rất long trọng. Và họ vẫn rất vinh dự, tự hào về
điều đó (sic).
Thời bao cấp, các cơ quan, trường học hay tổ
chức cho công chức học tập chính trị, Nghị quyết của đảng. Lần ấy chúng tôi được một vị tuyên huấn tuyên truyền về đảng.
Để nói về cái giá của đảng viên ông này kể một ví dụ điển hình: "Năm 1966, trong Cách mạng Văn
hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán
nặng nề là "tên số hai trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị
cách tuột hết mọi chức vụ. Từ năm 1969 đến năm 1972, hai vợ chồng ông bị đưa về
Giang Tây, con cái đều bị đưa đi cải tạo ở các tỉnh khác.
Tháng 3 năm 1973, ông rời Giang Tây, quay trở
lại Trung Nam Hải (Bắc Kinh), sau khi được phục hồi công tác. Ông được bầu vào
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông
trở lại cương vị Phó Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm
bệnh nặng, ông chủ trì công việc của Quốc vụ viện.
Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai mất, thế lực
chống đối viện cớ Đặng có tư tưởng phản cách mạng và tác động đến Mao Trạch Đông.
Vì vậy ông bị Mao Trạch Đông gọi đến trị tội. Cũng như lần
trước Đặng Tiểu Bình đã khôn khéo chọn cách mất hết các chức vụ, chỉ xin danh hiệu đảng viên và hộ
khẩu Bắc Kinh.
Sau khi nhóm người được gọi là "bè lũ
bốn tên" bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình nhờ còn là đảng viên nên được khôi phục
tất cả các chức vụ: Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ
tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng. Từ đây, ông bắt đầu đưa Trung Quốc
bước vào kỉ nguyên cải cách mở cửa.
Sau khi trở lại chính trường, năm 1978 Đặng
Tiểu Bình tung ra chương trình “Bốn hiện đại hóa”…
Không
rõ thực hư câu chuyện như thế nào (?). Nhưng qua câu chuyện này ta có thể hiểu,
với Đặng Tiểu Bình, và nhiều người khác nữa, danh hiệu đảng viên là vô giá, nó
là cứu cánh, là chìa khóa đưa họ đến quyền lực, tiền tài, danh vọng …
Tuy
nhiên ở VN, từ sau Đại hội đảng lần thứ VI, bắt đầu thời kì mở cửa, đổi mới, kinh tế
thị trường định hướng XHCN đảng dần thay đổi. Trước hết đảng coi mình đứng trên
Tổ quốc, bằng cách đặt cờ đảng lên trước cờ Tổ quốc. Bắt quân đội, công an thề trung
với đảng thay vì trung với nước. Trong
thực tế người dân không trung với đảng, luật pháp không thể xử họ nhưng không
trung với nước, phản bội Tổ quốc, luật có thể xử họ tội tử hình. Công an thì
chỉ biết “còn đảng còn mình”. Đảng ngày càng xa dân, mất lòng tin trong dân.
Sau bao đợt chỉnh huấn, học tập, ra quân, chỉnh đốn; cờ đảng, khẩu hiệu tung hô
đảng treo khắp nơi, mọi lúc nhưng vẫn không đem lại kết quả. Đảng ngày càng tự
đẩy dân ra xa mình.
Năm
1945 chỉ với 5 nghìn đảng viên, đảng đã lãnh đạo, đoàn kết được toàn dân làm
cuộc cách mạng tháng 8 thành công. Nay với 3 triệu đảng viên mà đảng nhìn đâu
cũng thấy "thế lực thù địch". Xã hội rối ren…
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng đã tuyên bố trong bài phát biểu đọc tại hội nghị của đảng : “Một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, làm giàu nhanh, quan liêu, xa
dân...”.
Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang khi vận động tranh cử Ðại biểu Quốc hội tại Mỹ Tho đã tuyên bố: “Người ta
thường nói, một con sâu làm rầu nồi canh, trong đảng chúng ta có một bầy sâu,
làm sao đất nước chịu nổi.”
Ngày 16 tháng 3 năm
2012, tại trường đảng, Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Ðảng Cộng Sản Trung Quốc
là nơi tập trung mọi thối nát.” Ông Tập còn nhận xét thêm, đảng cầm quyền suốt
hơn 63 năm qua tại quốc gia nầy nhưng “thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và
vô trách nhiệm”.
Hai quốc gia quan trọng
nhất của thế giới cộng sản còn lại đến ngày nay, hiện có ba vị lãnh đạo cao cấp
cùng xác nhận bằng ngôn ngữ khác nhau rằng: Ðảng Cộng Sản là nơi tập trung mọi
thối nát, là nơi ẩn náu bọn sâu dân mọt nước. Một sự thật phũ phàng, không ai
có thể chối cãi!
Thực ra điều này đã được
người dân nói ra đã hơn 30 mươi năm trước. Thời ấy đảng có quy định lấy ý kiến
“quần chúng” – là những người ngoài đảng, khi kết nạp hoặc kỷ luật đảng viên. Lần
ấy tại một trường ĐH, chi bộ đảng lấy ý kiến quần chúng để kỷ luật một đảng
viên. Có quần chúng đã đề nghị đảng hãy giữ đảng viên ấy lại trong đảng để giáo
dục, đừng đưa ra quần chúng kẻo làm quần chúng mất trong sạch. Một thực tế là đảng
lựa chọn từ quần chúng những người tốt, trong sạch kết nạp vào hàng ngũ đảng,
nhưng sau một thời gian nhiều người trong hàng ngũ đảng mau chóng tha hóa, biến chất, hư
hỏng…
Sự thật là đảng đã hiểu sai và làm sai với
khái niệm “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”, đã để đảng đứng trên dân tộc và
nhân dân. Đảng đã tạo ra một hệ thống chính trị lạm quyền, lộng quyền, chuyên
quyền, cường quyền, độc quyền, đặc quyền đặc lợi. Đảng tự coi là siêu chính
phủ, siêu quốc hội.
Việt Nam hiện nay là quốc gia đứng ở cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí, tự do ngôn luận... Là quốc gia hà khắc nhất Đông Nam Á
.
Quan hệ giữa đảng và
nhân dân hiện nay là quan hệ giữa chủ và tớ, thống trị và bị trị.
Còn người nông dân VN, cách đây 80 năm khi đi
theo đảng, họ được đảng nêu khẩu hiệu hứa hẹn “người cày có ruộng”, vậy mà đến
nay, người nông dân vẫn là người làm thuê có thời hạn (20 năm). Hơn nữa đất
thuê có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, lúc khiếu kiện thì công an xua đuổi, bắt
bớ… Dân mất đất, vô nghề nghiệp kéo nhau ra thành phố tìm việc thì vẫn là kiếp
làm thuê… Ngay trong nội bộ đảng cũng thể hiện rõ sự độc đoán thông qua 19 điều
cấm đảng viên (mà trong đó có những điều vi phạm Hiến pháp, vi phạm Điều lệ
Đảng).
Một số tình hình không bình thường nói trên
cho thấy rõ là đến nay đảng đã tự tha hóa, tự chuyển hóa để chỉ còn phục vụ cho
một nhóm lợi ích. Đảng đã tự đánh mất mình, tự mất tín nhiệm trước nhân dân,
trước dân tộc, hoàn toàn không phải do thế lực thù địch nào chống phá.
Bây
giờ người ta bảo “ ông A đảng viên, thế mà tốt” hay “bà B là công an mà lễ
phép với dân nhỉ”. Một thực tế là các tổ chức đảng không còn là nơi chống tiêu
cực, tham nhũng. Hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng là nhờ dân, báo chí phát
hiện, tố cáo mà không phải từ người đứng đầu tổ chức đảng, đơn vị. Quá trình xử lý các vụ
tham nhũng kéo dài, không dứt điểm. Ban đầu, tội thì rõ nhưng càng về sau càng
“teo” đi nên việc xử lý không mang tính răn đe.
Bây giờ nhiều đảng viên đã tìm cách xa rời
đảng. Họ bỏ sinh hoạt đảng khi chuyển công tác, đi nước ngoài, về hưu… Nhiều
thanh niên không tha thiết vào đảng. Với một bộ phận người dân, danh hiệu đảng
viên chẳng có giá trị gì.
Có nhiều người khi ở đỉnh cao nhất của chức
quyền nói đã không mấy ai nghe, ai làm theo; khi họ về hưu hay rời quyền lực
chẳng còn ai nhớ hoặc nhắc đến. Bởi những gì họ nói là sáo rỗng, giáo điều, không còn giá trị thực tiễn. Bởi giá trị, phẩm chất đạo đức của một người
(ngày nay) không đồng nghĩa với danh hiệu đảng viên, hay có huy hiệu bao nhiêu
năm “tuổi đảng”, với chức vụ này nọ mà là ở phẩm chất đạo đức, những đóng góp cụ thể của
họ cho tiến bộ xã hội, cho dân chủ, dân quyền...
Đảng viên là cái gì nếu đảng viên mà bàng quan với
cuộc sống người dân, thấy người dân khổ mà không xót, thấy bất công trắng trợn
mà không lên tiếng, thấy kẻ cường hào mới đang chà đạp nhân dân, chà đạp pháp
luật mà làm ngơ, đảng viên ấy cũng chỉ là thứ danh hão.
Văn Nga
Văn Nga
3 nhận xét:
Vào lúc này, 3 triệu đảng viên của đảng vẫn còn có quyền lực, nhưng đa số những người này vào đảng vì lý do họ muốn thăng quan tiến chức chứ không phải vì lý tuởng. Đảng hiện nay “đông” nhưng không mạnh. Mổi ngày, có hàng chục cuộc chống đối, biểu tình, hay rối loạn chống lại các nhà lãnh đạo đảng thối nát hay chuyên quyền tại các địa phương, các cuộc biểu dương này thường bị triệt hạ bằng vũ lực.
NLĐ) - Ngày 3-6, nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Long An xác nhận qua 4 năm triển khai thực hiện quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra các cấp của tỉnh đã thi hành kỷ luật 616 đảng viên do vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Về mức xử lý kỷ luật, có 254 đảng viên bị khiển trách, cảnh cáo 251 đảng viên, cách chức 46, khai trừ 65. Các đảng viên này tập trung vào một số vi phạm: nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm về kỷ luật phát ngôn, khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại tố cáo, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về dân số kế hoạch hóa gia đình, kết hôn người nước ngoài và vi phạm về cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp…
Đơn vị có cán bộ đảng viên vi phạm bị kỷ luật nhiều nhất là Chi cục QLTT tỉnh Long An, với trên 10 người.
Khai trừ hết con số đó cũng chẳng thấm vào đâu với con số cả triệu đảng viên đang có và hàng trăm ngàn đối tượng đảng,cảm tình đảng đang chuẩn bị kết nạp,khai trừ càng nhiều thì kỷ cương sẽ càng được lập lại nhất là những cấp bí thư tỉnh,thành phố,huyện,xã..trong các ban nghành như quản lí nhà đất,công an,Cảnh sát giao thông,Hải Quan,đầu tư môi trường,kiểm lâm,và các doanh nghiệp do nhà nước quản lí và còn như hầu hết các bộ phận khác..cũng không có ngoại lệ,..họ không bao giờ có khái niệm thế nào là tổ quốc và danh dự cũa một dân tộc họ là những tội phạm cũa thời đại ngày nay. Chúng ta cần phải mạnh dạn loại trừ,nếu không thì chính cái bọn chỉ có tài tham nhũng vòi vỉnh đầy bằng cấp ấy sẽ chui rút trong cơ chế ngậm dấm ăn tận xương tủy hút hết sinh lực cũa dân tộc và tàn phá hết mọi nền tảng văn hóa đạo đức đang kiến thiết lại đất nước Việt Nam.
Đăng nhận xét