Tài liệu này được công bố (bằng tiếng Việt, lần đầu tiên trên mạng) trên cơ sở bài phát biểu tại trường Đại học Quốc
gia Moskva về các quan hệ quốc tế (MGIMO) trong chuyến đi thăm chính thức của ông
Mohammad Khatami (cựu Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran) tại nước Nga những ngày 12-15 tháng Ba năm 2001.
Chúng tôi hy vọng phần nào đó giúp chúng ta thấy được tầm nhìn về văn hóa,
chính trị và triết học của một trong các nhà lãnh đạo đất nước Iran, nhất là
trong những ngày này, khi Iran đang là tâm điểm của toàn thế giới.
Mohammad Khatami
(cựu Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran)
Trong bài phát biểu nổi tiếng của mình năm 1830 nhân lễ dựng tượng đài
Pushkin ở Moskva, F. Dostoevski đã nói “Pushkin, tâm hồn của dân tộc Nga, đã
hiểu biết một cách tinh tế những lý tưởng của các dân tộc khác. Nhưng ông đã
biết chấp nhận và vận dụng những lý tưởng đó theo nhịp tâm hồn của mình”.
Dostoevski đã coi khả năng đó là bằng chứng cho sứ mệnh toàn thế giới của nhân
dân Nga.
Ngày nay ở Liên Hiệp Quốc, ở UNESCO và các tổ chức quốc tế khác về chính trị
và khoa học người ta cũng đang thảo luận vấn đề đối thoại giữa các nền văn hóa
và văn minh. Đó chỉ là cách diễn đạt khác những gì mà Dostoevski đã tìm thấy
trong tâm hồn Pushkin và trong tâm hồn nhân dân Nga. Đối thoại với các quốc gia
và các dân tộc khác có nghĩa là quan tâm đến các yếu tố và các điểm đặc thù
tổng quát nhất của họ. Và như thế, đối thoại với nước Nga cũng đòi hỏi phải có
sự hiểu biết những nét đặc thù của tư tưởng Nga, tinh thần, nghệ thuật và văn
hóa Nga. Trong trường hợp đó chúng ta phải đặt câu hỏi, đâu là những yếu tố cơ
bản của đời sống chính trị, xã hội và triết học Nga, và chúng được thể hiện ra
sao?
Hôm nay chúng ta nói câu chuyện này với nhau trong trường Đại học, và bằng
kinh nghiệm của mình tất cả chúng ta đều thấu hiểu rằng được nói chuyện trong
bầu không khí như thế này là điều thật thoải mái và thật thú vị. Lẽ nào nguyên
nhân của sự thoải mái và thú vị ấy lại chẳng phải là ở chỗ trường Đại học là
nơi mà sự tự do được trải nghiệm với cách hiểu rộng rãi nhất của từ đó. Và mối
quan hệ giữa tự do và trường Đại học là thế nào? Nhà trường là nơi chúng ta học
tập, thu nhận kinh nghiệm, tiến hành khảo sát, đọc sách, tranh luận, đồng thuận
và phản biện những người khác. Tất cả những cái đó là mầm mống cho những vườn
quả xum xuê của Tự do. Và như thế, nếu trường Đại học là ngôi nhà của tự do,
thì chính Chúa Trời đã cho phép chúng ta dành một ít thời gian cho câu chuyện
về tự do và cho khái niệm đồng hành bất ly cách của nó là công bằng.
Ở đây có điều quan trọng là chúng ta phải ghi nhận rằng trong thế giới quan
của nhiều vị đại diện cho tư tưởng chính trị và triết học của thế kỷ XX và thời
đại chúng ta có một số điểm đối lập giữa tự do và công bằng và thậm chí có sự
đối kháng nhất định giữa các khái niệm đó và câu chuyện được đặt ra là nhất
thiết phải hy sinh cái này vì lợi ích của cái kia. Xin cho phép tôi không cần
phải nhắc lại những định nghĩa cổ điển nổi tiếng về tự do và công bằng và xin
được nhập đề luôn vào câu chuyện về mối tương quan giữa hai khái niệm đó. Vấn
đề này không phải là vấn đề đặc biệt về lịch sử của nước Nga, Iran, châu Á,
châu Mỹ và châu Âu.
Ngược lại, ngày hôm nay nó đang thách thức tư duy của chúng ta và tất cả
chúng ta đều hiểu rằng đó không phải chỉ là vấn đề lý thuyết triết học. Toàn bộ
thời kỳ chiến tranh lạnh, toàn bộ nền văn học được viết ra trong những năm
tháng đó và có liên quan đến các sự kiện của thời kỳ đó, tất cả những kinh
nghiệm cay đắng và xương máu cùng với nỗi sợ hãi vĩ đại mà trong suốt bao nhiêu
năm tháng đã phủ bóng đen không những xuống châu Âu và châu Mỹ, mà là xuống
toàn thế giới, cái bóng đen đe dọa sự tồn vong của toàn thể loài người (nỗi sợ
hãi đó dù đã phần nào dịu lại, song đến nay vẫn cứ tồn tại), thì tòan bộ cuộc
sống của loài người vẫn là đã và đang tồn tại dưới ảnh hưởng của vấn đề đó.
Mâu thuẫn giữa tự do và công bằng có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau.
Nếu ta định quy mâu thuẫn đó vào một dạng đơn giản hơn thì ở đây ta có thể nói
rằng trong hai khái niệm nói trên – tự do hoặc công bằng – khái niệm nào chiếm
ưu thế trong quan hệ xã hội. Khái niệm nào cần phải được coi là cơ bản hàng
đầu, mà các nguyên tắc khác phải xuất phát từ nó và phải tính đến nó? Nói khác
đi, nguyên tắc nào áp đảo các nguyên tắc khác và điều khiển các nguyên tắc
khác? Tự do hay là công bằng? Hãy cứ cho rằng chúng ta lý giải khái niệm tự do
như nhau và khái niệm công bằng như nhau. Tất nhiên, điều đó là rất đáng ngờ.
Nhưng điều đó cũng là cần thiết để cuộc thảo luận của chúng ta tiến triển. Nếu
chúng ta chỉ hạn chế trong việc xem xét một cách sơ lược vấn đề tự do, thì cần
nhận thấy rằng các nhà đại diện cho tư tưởng chính trị đang lý giải tự do theo
hai phạm trù, tức là có tự do tiêu cực và tự do tích cực. Họ coi tiêu cực là
thứ tự do không có sự can thiệp của người khác vào chuyện cá nhân. Nói khác đi,
nếu tôi bị ngăn cản làm cái việc tôi có thể làm mà không có sự cấm đoán từ phía
những người khác, thì điều đó hạn chế tự do của tôi. Trong trường hợp này con
người chỉ bị mất tự do chính trị khi mà, do sự can thiệp của người khác, người
đó không thể theo đuổi được mục tiêu của mình và không đạt được mục tiêu đó.
Như vậy, tự do có nghĩa là miễn dịch đối với sự cấm đoán từ phía những người
khác. Tất nhiên, người ta cũng nói thêm rằng phạm vi hoạt động của thứ tự do ấy
cần được hạn định bằng luật pháp, bởi lẽ nếu không thế thì tự do lại chuyển
sang dạng đối lập. Còn tự do tích cực thì chủ yếu có nghĩa là mình muốn tự mình
định đoạt cuộc sống và số phận của mình, tự mình đưa ra quyết định cần thiết để
những người khác không làm thay mình chuyện đó.
Còn bây giờ tôi xin nói đến công bằng. Một trong những
yếu tố căn bản tạo thành khái niệm công bằng, được mọi người công nhận, đó là
“sự chia sẻ ngang nhau những gánh nặng công dân, tức là chia sẻ những hạn chế
về mặt tự do mà chúng ta phải chấp nhận trong đời sống xã hội”, hoặc là sự bình
đẳng trước pháp luật và sự độc lập của tòa án. Còn một định nghĩa nữa về công
bằng được quy về chỗ phải nắm được những thế mạnh có được nhờ sự phụ thuộc vào
đất nước đó. Nói gọn lại thì công bằng là việc dành cho mỗi người cái mà anh ta
phải có theo quyền con người và quyền công dân, bao gồm cả quyền tự nhiên,
quyền xã hội và quyền thỏa thuận. Không thể nào phủ định rằng đứng đầu các
quyền này, những quyền có thể tạo ra một danh mục dài dằng dặc, là quyền tự do.
Vì thế tiền đề của công bằng là đem lại tự do cho công dân, bởi lẽ theo cách
hiểu tiêu cực và tích cực thì tự do là cơ sở đảm bảo công bằng. Như vậy là công
bằng có nghĩa là phân chia công bằng những quyền lợi và khả năng trong các lĩnh
vực tinh thần và vật chất, trong giáo dục, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, và
chủ yếu nhất là trong lĩnh vực quyền công dân, trong việc bảo vệ danh dự và
phẩm chất cá nhân trước bất kỳ một quái vật nào và bất kỳ một thế lực siêu nhân
nào.
Vì thế công bằng phải là, không những là và không chỉ là việc phân chia
miếng cơm manh áo, mà còn là phân chia quyền lợi được tham gia vào việc quyết
định sinh mệnh chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thu hẹp vai trò của công bằng kinh
tế, mà ngược lại, công bằng kinh tế là đối tượng được quan tâm đặc biệt, bởi vì
nó có thể là công cụ dân túy để làm suy yếu quyết tâm của nhân dân tham gia vào
việc quyết định số phận chính trị và văn hóa của mình, mà do vậy quyền lãnh đạo
chính trị bị rơi vào tay một số người, dẫn tới việc hình thành hệ thống lãnh
đạo của các ông trùm, họ đưa ra những chuẩn mực và những luật lệ riêng và tước
đoạt của những người nghèo khốn khó cả tự do lẫn cả công bằng.
Công bằng theo ý nghĩa tiêu cực có nghĩa là phủ định sự phân biệt, còn theo
ý nghĩa tích cực là phân chia công bằng mọi khả năng, mọi nguồn của cải, văn
hóa và tự do. Như vậy, chúng ta có thể nói về mối tương quan giữa tự do và công
bằng trên bình diện là công bằng tạo ra tiền đề để tiến tới tự do và để con
người sử dụng một cách công bằng quyền tự do, còn tự do thì phải là tự do công
bằng, còn con người khi sử dụng quyền tự do thì phải thể hiện được xu hướng
công bằng.
Tất nhiên, ngoài những định nghĩa mới về chính trị học và xã hội học ta còn
có thể tìm được những cách giải thuyết sâu sắc hơn nữa về tự do và công bằng mà
các nhà Tiên tri vĩ đại đã nói ra, rồi sau đó được bổ sung và phát triển bởi
các nhà huyền học và thần học có khả năng tư duy tôn giáo sâu sắc. Tôi muốn nói
rằng việc tự do thoát khỏi tất cả những gì mang dấu ấn của sự phụ thuộc và của
sự giải phóng nội tâm khỏi mọi sự phụ thuộc, ngoài việc chịu khuất phục trước
cái đẹp, tri thức, sáng tạo, lòng tốt và sự công bằng, cuối cùng đều cho chúng
ta ý niệm về Đấng Tối thượng và đều khẳng định sự tồn tại của Người. Trong cách
hiểu này khái niệm nô lệ của Chúa Trời phải được hiểu là tự do chân chính. Đồng
thời sự bất công cao nhất là ở chỗ phải từ bỏ Chúa Trời và phải hướng tới các
thần tượng khác cả nội tâm lẫn ngoại thể. Hơn nữa cách tiếp cận như vậy đối với
tự do không hề mâu thuẫn với tự do chính trị và công bằng xã hội, bởi vì chế độ
chuyên chế và sự phân biệt đối xử là những biểu hiện của chế độ đa Chúa, mà
Chúa Trời lệnh cho chúng ta phải từ bỏ điều đó.
Định chế có trách nhiệm phối hợp mối tương quan giữa công bằng và tự do
chính là nhà nước, bởi lẽ nhà nước là cơ quan duy nhất của quyền lực hợp pháp,
tồn tại trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước là định chế của con người mà chúng
ta cần phải phê phán và kiểm soát trong khuôn khổ tư duy của con người. Bất kỳ
một ý niệm nào về nhà nước như về một hiện tượng siêu việt và thần thánh xét
cho cùng chỉ dẫn tới sự hủy diệt tự do và công bằng mà thôi. Những nhà nước
kiểu đó, mà những mẫu hình sáng rõ của họ chúng ta đã nhìn thấy trong thế kỷ
XX, đã cho chúng ta những câu trả lời rõ ràng và đanh thép đối với tất cả mọi
câu hỏi, và nếu như ai đó không thể nhắc lại được những câu trả lời ấy một cách
đầy đủ và đúng đắn hoặc là có ý định đối lập lại những câu trả lời đó một cách
đầy đủ và chính xác hoặc là muốn thử sức đối lập lại thì bị đàn áp.
Trong lịch sử chúng ta đã thấy nhiều tấm gương của những nhà nước tự nâng
mình lên đến Ngưỡng thần thánh và chính vì thế mà không coi mình là có bất kỳ
một ràng buộc nào cả. Họ đàn áp nhân dân và do đó mà trở thành cội nguồn của
hai thứ tai họa: thứ nhất là phải đàn áp, thứ hai là phải truyền bá tính thần
thánh đến tất cả những người lãnh đạo và cả các chính phủ, chia sẻ quyền lực vô
trách nhiệm với họ.
Cái ranh giới ngăn cách cuộc sống chính trị-xã hội với
cái chết được xác định ở chỗ là những vấn đề chính trị-xã hội có còn sống động
nữa hay không. Nếu xã hội không còn khả năng để cho các nhà tư tưởng, các nhà
hoạt động văn hóa, khoa học và những người công dân bình thường đặt ra các vấn
đề của mình thì xã hội ấy đã mất đi cuộc sống chính trị xã hội. Công bằng và tự
do trong cách lý giải rộng rãi về ngữ nghĩa và nội dung có thể chỉ được duy trì và tồn tại thông qua những vấn đề tự do và triết học, nếu không
thế thì chúng bị đẩy vào chỗ không tồn tại được nữa. Những vấn đề về tự do và
công bằng và thường xuyên phê phán việc thực hiện những khái niệm đó trong xã
hội dẫn tới chỗ trong khuôn khổ cuộc đời thường người ta bắt đầu thức nhận được
toàn bộ sự sâu sắc và vĩ đại của những khái niệm này. Vậy là những khái niệm
này đang vượt dần ra ngoài quyền lực của các nhà triết học và lớp thượng lưu xã
hội, những người này đã từng điều tiết chúng suốt mấy ngàn năm, các khái niệm
đó đang trở thành tài sản của những người dân thường, những người chỉ biết ăn
bánh mỳ để thưởng thức công bằng và uống nước để thưởng thức tự do. Mặc dầu,
như trong kinh thánh có nói “con người ta không thể chỉ sống bằng bánh mỳ, mà
còn phải có lời của Chúa Trời nữa”, con người đã không sống bằng bánh mỳ, nhưng
cũng không phủ nhận nó. Bánh mỳ được trộn với công bằng thì không những chỉ là
một bộ phận của tiềm năng con người, củng cố cho cơ thể con người, nhưng nó còn
được hòa trộn với thứ công bằng làm trỗi dậy tâm hồn của con người. Còn nước
uống thì không phải chỉ làm cho miệng hết khát, mà còn có thể tưới tắm cho cả
tâm hồn khô cạn. Tất cả chúng ta đều biết rằng những đau khổ của con người vì
“khô hạn tự do” và “đói kém công bằng” còn nặng nề hơn là thiếu thốn bánh mỳ và nước uống thường nhật. Nếu chúng ta tô điểm cho bữa
cơm đạm bạc của dân thường bằng ổ bánh mỳ của sự công bằng và cốc nước của nền
tự do – một thứ xa xỉ phẩm hào phóng và vĩ đại chưa bao giờ bị quên lãng trong
nỗi buồn âm ỉ của sự nghèo đói và chính đó là sự hào phóng khiêm tốn, thì công
việc này sẽ cho phép đưa người dân đến với các khái niệm này. Khi đó chúng ta
có thể viết lại câu chuyện thần thoại về quan pháp đình giáo hội trong “Anh em
nhà Karamazov”. Những con người như thế không bao giờ rời bỏ tự do để chạy trốn
vào thế giới quen thuộc của mình, vì trong thế giới ấy không hề có dấu vết để
tạo ra ánh sáng tự do và nỗi khiếp sợ xuất phát từ những lo âu mà dù muốn hay
không muốn thì lo âu cũng kéo theo mình tự do.
Tiểu thuyết là thể loại văn học phản ánh được một cách tuyệt vời kinh nghiệm
của tự do. Nói một cách đơn giản thể loại đó phụ thuộc vào tự do. Thể loại đó
kể chuyện cuộc đời con người. Mặc dù câu chuyện Ông nói đến những điều mà trong
nhiều năm trước đó các tiểu thuyết gia thông minh đã thấy có dấu hiệu và đã nói
đến. Không thể phủ nhận được phần đóng góp của nước Nga trong việc hình thành
và phát triển tiểu thuyết trong cuộc tiến hóa của thể loại văn học này. Trong
nhiều năm trước khi xuất hiện các nhà theo chủ nghĩa hiện sinh thì Richardson
rồi sau đó là Dostoevski đã bước vào con đường đầy những ngõ ngách hiểm hóc của
sự tồn tại con người. Từ rất lâu trước khi có trường phái lịch sử Đức thì
Balzac đã bắt đầu nhìn nhận con người với tư cách là “sinh vật lịch sử”, còn
Tolstoi thì nói về ảnh hưởng của cái phi lý đến hành vi con người và đến những
quyết đoán của con người. Cái điều mà chúng ta biết đến và gọi tên là “tâm hồn
Nga” là nguồn gốc làm nảy sinh ra những điều được mô tả và được suy ngẫm từ
1842 đến 1883 trong các trước tác của Gogol, Turgenev, Dostoevski và Tolstoi,
cái tinh thần mà họ đã thổi vào văn học thế giới. Tinh thần ấy là sự hòa trộn
tuyệt vời của chủ nghĩa hiện thực chân thành và mạnh mẽ với cảm quan tinh tế,
là sự hiểu biết nỗi đau của trái tim người với khao khát được cất cánh bay lên
trời xanh tới những lý tưởng cao cả tột bậc. Chúng ta cũng cần phải đưa thêm
tên tuổi của Pushkin vào danh sách các tác giả nêu trên. Pushkin bao giờ cũng
được xếp hàng đầu trong danh mục các nhà văn Nga. Còn về Dostoevski thì đã có
người nói rằng “Có thể là cho đến nay vẫn chưa ra đời một con người nào có trái
tim to lớn và nồng cháy như của Dostoevski. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là
nhà văn có tâm hồn hứng khởi nhất trong thời đại chúng ta, còn những tiểu
thuyết của ông là một trong những tư liệu vĩ đại của tính người và của Thiên
Chúa giáo”. Giả thử như ông không sáng tạo ra được cái gì, mà chỉ nói được một
câu là “Cái đẹp cứu vớt thế giới”, thì ông đã có thể được xếp vào cùng hàng với
các nhà triết học vĩ đại nhất của loài người. Thế giới ngày nay cần con người
đó, con người nói rằng “Đôi khi con người giống như cây cỏ khát nước, con người
khao khát niềm tin và đi tìm kiếm niềm tin, bởi vì chính trong nỗi bất hạnh
chân lý làm tỏa sáng con người”. Nỗi bất hạnh của con người hiện đại là ở chỗ
nó đã mất đi khả năng trò chuyện một cách thánh thiện với Trời Đất vẫn mở rộng
vòng tay cho con người. Ở nước Nga, ở châu Âu và nói chung trong nền văn học
mới tiểu thuyết chủ yếu là người thông tin của tự do và công bằng. Cái còn lại
sau cuộc chiến tranh của Napoléon chống nước Nga là bộ tiểu thuyết của L.
Tolstoi “Chiến tranh và hòa bình”, chứ không phải là những chiến lợi phẩm, là
chiến thắng hay là chiến bại.
Chúng ta, cả những người thường lẫn các nhà lãnh đạo chính trị, cần phải nỗ
lực hết mình vào việc tạo ra khả năng để được bước vào những vườn cây ngát
hương của các nhà tư tưởng, các nghệ sĩ và các nhà văn vĩ đại, những vườn cây
mà có thể lấy điển hình là những vườn cây nổi tiếng của Iran và những vườn cây
già xum xuê của nước Nga. Trong những vườn cây ấy chúng ta sẽ được làm quen với
nhân loại và lịch sử, chúng ta cần được làm quen như vậy, bởi vì như
Dostoievski đã nói “Chúng ta được liên kết bởi những bó giây chắc chắn với quá
khứ lịch sử của mình và với khái niệm tổng quát về con người”.
Lê Đức Mẫn dịch
Ghi chú: * Tiêu đề của NSGV
Lời người dịch
Khatami giành được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên khi ông giành được 70% số phiếu bầu. Khatami đã đặt những bước đệm cho sự tự do hóa và cải cách tại Iran. Trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống, ông có xu hướng ủng hộ cho sự tự do ngôn luận và một xã hội dân sự, xây dựng những quan hệ ngoại giao theo hướng tích cực với các quốc gia khác, bao gồm những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và châu Á, một chính sách kinh tế ủng hộ thị trường tự do và đầu tư nước ngoài.
Khatami được biết đến với đề nghị về Sự đối thoại giữa các nền văn minh. Liên hiệp quốc đã tuyên bố năm 2001 là Năm đối thoại giữa các nền văn minh của Liên hiệp quốc theo gợi ý của Khatami.
Ngày 8 tháng 2 năm 2009, Khatami thông báo ông sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 của Iran, nhưng sau đó đã rút lui khỏi cuộc đua sau lời đề nghị của người bạn và cố vấn lâu năm, cựu thủ tướng của Iran, Mir-Hossein Mousavi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét