Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

"CANH GÀ THỌ XƯƠNG" VÀ NHỮNG NGƯỜI LỚN TÀN NHẪN

Đầu tuần, đọc bài báo về món mới: canh gà Thọ Xương. Mới đầu cũng định đùa chút, nhưng thấy đáng ngờ lắm. Vì có lý nào, một cô giáo tốt nghiệp Đại học hẳn hoi, thạc sỹ hẳn hoi, dạy ở một trường có tiếng của Thủ đô hẳn hoi, mà lại dạy học trò cái thứ người ta vẫn đưa vào truyện tiếu lâm như thế. Hượm đã, không đùa được, vì biết rằng, cái chuyện này không đùa được!

Quả thế, đến cuối tuần, full version mới được đưa đầy đủ. Cô giáo có thiếu sót, nhưng cô không dạy các em kiến thức sai! (Nếu còn phân tích và tranh cãi, xin nói luôn: tôi tin thế!)

Nhưng rõ ràng là câu chuyện đã đi quá xa rồi. Cô giáo đã xin nghỉ dạy, đã tắt máy về quê, và thậm chí phải nhập viện vì suy sụp tinh thần. Trường của cô giáo, cũng liên đới bị đem ra mổ xẻ, soi xét về chất lượng. Người ta lại có dịp hả hê mà thở dài: “Ôi chất lượng giáo dục thời nay…”.


 
Nhưng.

Có một đối tượng quan trọng mà bài báo không nhắc đến, những bậc phụ huynh (hoặc sẽ làm phụ huynh) không nhắc đến – đó là các em học sinh ở lớp cô giáo đó, ở trường đó, và ở khắp cả đất nước này.


Vâng, có thể các em chưa được uốn nắn nghiêm khắc trong một bài học, một tiết học.


Vâng, bố mẹ các em đã phải giật mình, đã phải lên tiếng, đã phải “đấu tranh quyết liệt” cho môi trường giáo dục của con em mình. Nhưng các em đã không được học một bài học cần thiết, vô cùng cần thiết, về LÒNG VỊ THA. Nếu người lớn đã hoảng hốt vì một sai sót trong bài giảng, thì có hàng đống trẻ con đang HOẢNG LOẠN thực sự trong sự phản ứng quá mạnh mẽ và TÀN NHẪN của bố mẹ chúng với một lỗi lầm của một con người.


Tôi tự hỏi, trong 2 bài học đó, bài học nào quan trọng hơn? Vị tha đúng lúc, hay tàn nhẫn vô tư?


Tôi tự hỏi, trước khi đưa sự việc ra báo chí, các vị phụ huynh đó có lần giở lại từng trang vở của bọn nhỏ, để xem cô giáo đó đã dạy con mình như thế nào trong suốt thời gian qua?


Tôi tự hỏi, thái độ phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt và phải nói là đầy sắc sảo này, tại sao rất ít khi tôi thấy được ở những sự việc tiêu cực, thối nát, và đáng lên án hơn nhiều vẫn còn đầy rẫy trong xã hội?


Và tôi tự hỏi, nếu vội vàng, quy chụp, và tàn nhẫn là đặc tính của thế-hệ-người-lớn bây giờ, thì đâu mới là thời điểm đánh dấu sự thất bại của ngành giáo dục? Bây giờ, hay 20 năm trước?


Tuần thứ 2 liên tiếp, câu chuyện cuối tuần lại phải nói về giáo dục. Và vẫn chưa thể là một chuyện vui, dù nó bắt đầu từ một sự việc gây cười…


-- GIA HIỀN
 
Bài liên quan:

Không có nhận xét nào: