Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

TRAO ĐỔI VỀ BÀI “DALAI LAMA NÓI VỀ CĂNG THẲNG VIỆT - TRUNG” CỦA BBC.



Khi đưa tin, người ta có thể biên tập, không thể đưa hết mọi lời nói trong một buổi trao đổi suốt mấy giờ đồng hồ. Nhưng cố ý suy diễn, dẫn đến hiểu sai lời người khác, nhất là lời của Đức Dalai Lama là điều đáng trách. Nếu lời của Ngài thực sự có ý “không nên xây đền chùa trên đảo để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông” thì Ngài cũng đã nói rất tế nhị chứ không như BBC và nhiều trang mạng khác đã đưa tin”. 

Ngày 26/09/2012 trang mạng chính thức của Đức Dalai Lama đã đăng bài “Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với một nhóm người Việt Nam”. Trong đó nêu lại nội dung chính của cuộc trao đổi hôm 24/09/1012 của Ngài với một đoàn 102 người thuộc Câu lạc bộ giám đốc điều hành (CEO)Việt Nam.

 

Bìa sách và chữ ký của Đức Dalai Lama ký tặng 



Ngay hôm sau, ngày 27/09/2012, BBC đã đưa lại thông tin trên với tiêu đề “Dalai Lama nói về căng thẳng Việt – Trung”. Tuy nhiên điều đáng nói là trong bài này, BBC đã giương “băng rôn” lên đầu với dòng chữ in đậm - “Đức Dalai Lama cho rằng không nên xây đền chùa trên đảo để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, trong buổi giảng cho một đoàn đến từ Việt Nam”.

Tiếp ngay theo BBC nhiều trang mạng khác cũng đăng lại với nội dung của “băng rôn” kia, trong đó có  vietnamese.ruvr.ru/  chuaphuclam.vn/ trankinhnghi.blogspot.com vietduongnhan.blogspot.com   …

Theo thiển ý của tôi, đấy là ý kiến chủ quan, cố ý suy diễn của BBC dẫn đến hiểu sai vấn đề. Trong bài  “Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với một nhóm người Việt Nam” đăng trên  trang mạng chính thức của Đức Dalai Lama không có ý nào như vậy. Non Sông Gấm Vóc đã dịch và đăng bài viết trên ngày 08/10/2012. Tôi có người nhà là thành viên của đoàn 102 người nói trên, nên biết khá rõ việc chuẩn bị, đi lại, mục đích … cũng như nội dung của cuộc gặp gỡ hôm 24/09/1012 của Ngài Dalai Lama với đoàn 102 người thuộc Câu lạc bộ giám đốc điều hành Việt Nam

Trong thực tế, một người đàn ông trong đoàn đã hỏi Đức Dalai Lama như sau: Hiện nay Hoàng Sa và Trường Sa của chúng tôi đã bị Trung Quốc xâm chiếm, chúng tôi được biết Tây Tạng của Ngài cũng đã bị Trung Quốc xâm lược. Theo kinh nghiệm của Ngài, phải đối phó với Trung Quốc như thế nào? Liệu sự thù hận và oán giận có giúp gì cho người Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc hay không?

Câu trả lời của Đức Dalai Lama là: “Sự tức giận sẽ không giải quyết được gì cả, tức giận không thể thay đổi những suy nghĩ của người  Trung Quốc. Tốt hơn hết cố gắng ảnh hưởng đến họ, bằng phương cách thân thiện, tôi không nói là không thể giải quyết vấn đề bằng sự kiên cường.”. Ngài nhắc lại rằng vào năm 1979, Trung Quốc đã muốn dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng phải đối mặt với một quân đội Việt Nam kiên cường, được tôi luyện trong chiến đấu”.

Lý do người đàn ông kia hỏi như vậy là vì biết chủ trương nhất quán của Đức Dalai Lama là tranh đấu bất bạo động với chính quyền Trung Quốc trong việc giành lại lãnh thổ cho người Tây Tạng.

Sau đấy người đàn ông này đã hỏi tiếp:  “Nhiều người Việt Nam muốn mời Ngài đến và thiết lập một tu viện, hay ngôi đền trên một trong những hải đảo của Việt Nam ở Trường Sa, ý Ngài thấy thế nào?

Vị lãnh đạo tinh thần cho biết: "Trong thực tế, tôi không thực sự hỗ trợ ý tưởng xây dựng các tu viện hoặc đền chùa, tôi sẽ thích nhìn thấy một trung tâm học thuật, nơi có thể một trung tâm nghiên cứu triết học Phật giáo, Đạo giáo, đạo đức thế tục. Gần đây tôi đã vấn cho cư dân của Ladakh, biến các tu viện của họ thành các trung tâm học thuật. nếu có một cơ hội để thiết lập một trung tâm như vậy, sẽ là tốt hơn để làm điều đó ở Sài Gòn hay Hà Nội, thay vì trên một trong những hòn đảo này”. Ngài cười và nói thêm – “Tôi không thích nơi xa xôi, vắng vẻ".

Vậy là đã rõ, Đức Dalai Lama “không thực sự hỗ trợ ý tưởng xây dựng các tu viện hoặc đền chùavì Ngài thích nhìn thấy một trung tâm học thuật, nơi có thể một trung tâm nghiên cứu triết học Phật giáo, Đạo giáo, đạo đức thế tục. Mà “một trung tâm học thuật” thì rõ là không nên đặt ở  “nơi xa xôi, vắng vẻ " là hợp logic.

Ý - “ tôi không thích nơi xa xôi, vắng vẻ " này đã không được đưa vào nội dung của bài viết trên mạng chính thức của Đức Dalai Lama, nhưng nó đã thực sự được Ngài nói ra, mọi người đều nghe thấy.

Khi đưa tin, người ta có thể biên tập, không thể đưa hết mọi lời nói trong một buổi trao đổi suốt mấy giờ đồng hồ. Nhưng cố ý suy diễn, dẫn đến hiểu sai lời người khác, nhất là lời của Đức Dalai Lama là điều đáng trách. Nếu lời của Ngài thực sự có ý “không nên xây đền chùa trên đảo để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông” thì Ngài cũng đã nói rất tế nhị chứ không như BBC và nhiều trang mạng khác đã đưa tin.

Về “chủ trương nhất quán của Đức Dalai Lama là tranh đấu bất bạo động (với chính quyền Trung Quốc trong việc giành lại lãnh thổ cho người Tây Tạng)” chúng tôi thấy có điều cần trao đổi thêm. Tuy nhiên xin để dành cho một dịp khác.

Việt Minh.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Hoan nghênh góp ý của một thành viên trong đoàn đã trực tiếp gặp Dalai Lama.làm sáng tỏ thêm sự thật. Đúng là mọi sự không thể chính xác khi đã qua nguồn tin thứ 3,4.5...Nhưng tin tức là tin tức.