Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng...
Những ca từ và giai điệu đẹp lãng mạn,
bao người say, bao người hát và vẫn được biết đến là nhạc phẩm đầu tay của nhạc
sĩ Anh Bằng, phổ thơ Nguyễn Bính. Nhưng với bài viết dưới đây của nhà thơ, nhạc
sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, “Nỗi lòng người đi”
lại có một cái tên khác, một nhạc sĩ khác...”
* *
*
Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, có một
người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi – Hà Nội. Ông tự giới
thiệu là Khúc Ngọc Chân. Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng
là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành
lập. Các anh em của ông là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi
tiếng từ lâu. Ông Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang
– Hải Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá tại
đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời
của ca khúc "Nỗi lòng người đi" mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là "Tôi xa Hà Nội'.
Khúc Ngọc Chân sinh năm 1936 tại phố
Tô Tịch – Hà Nội. Ở Hà Nội, khi ông Chân vào thanh xuân cũng là khi cuộc chiến
đấu chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, các thanh niên Hà Nội nơm
nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường. Để thoát khỏi cảnh cưỡng ép này,
gia đình đã nhờ người thân xin cho ông vào làm nghề sửa chữa máy vô tuyến điện
trong thành Hà Nội. Làm ở đây, vừa không bị bắt đi lính, lại chỉ phải làm có nửa
ngày, nửa ngày tự do có thể làm gì tùy thích. Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến
học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ
Tấn cũng đều đến học thầy Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một
thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa.
Họ đã có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể quên
những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp
buộc phải ký hiệp định Genève. Ông Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ
nhung người yêu khiến cho ông cảm xúc bâng khuâng.
Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết
gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam.
Ông tìm xuống Hải Phòng để sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những
ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết "Tôi xa Hà
Nội" tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong
suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi
vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành
khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa.
Chàng tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi.
Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó
đã khiến cho Hoàng Dương viết ra "Hướng về Hà Nội" nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân
cũng viết "Tôi xa Hà Nội" nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại
cái cảm xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento -
Espressivo):
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân
tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái
em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây
đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…
Không biết trong những ngày ngắn ngủi
bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi
nhau, nàng cứ vào trước, chàng hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn.
Nàng hãy gắng chờ đợi giữa đô hội phồn hoa:
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng
mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi
giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Ông Chân kể rằng khi viết "Ngậm đắng
nuốt cay nhiều rồi" là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt
lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Đến khi ông viết "Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời" cũng là tưởng tượng về cánh tay giơ cao của
Nữ thần Tự do. Ông viết trong một thầm ước mong manh cho ngày gặp lại không biết
đến khi nào. Viết vì thương nàng cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ:
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo
khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu
não đi trong bùi ngùi
Ca khúc được viết xong, Khúc Ngọc
Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy
đã là cuối tháng 11.1954.
Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống
tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến
Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập
bùng guitar và hát "Tôi xa Hà Nội" cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp
bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu
thuyết của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào biển
cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu đượm buồn
kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ nàng thì cứ thắp
sáng trong những đêm trường cô đơn. Nỗi nhớ buộc chàng phải thốt lên thành thơ,
khi nhớ lại cảnh tiễn đưa nàng:
Đưa tiễn em đi mưa bụi bay
Tâm tư dằng xé lệ dâng đầy
Em đi gói ghém niềm chua chát
Anh ở ôm ghì nỗi đắng cay
Chiến họa trường kỳ đến thảm khốc
Tình đau vô hạn khó phôi pha
Một thời bức xúc triệu đôi lứa
Vật đổi sao dời nhớ khó khuây.
Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu
sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một
quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được
nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với
bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay
như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc
chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận khác khi được nhạc
sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc Ngọc Chân đâu ngờ gia đình
ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội
vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với nàng đành lỡ dở theo thời gian.
Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân
vào học đàn cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng
vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ hàng
thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh
hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi lập”. Theo người thân của
người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp hương, thầm khóc cho cuộc tình chia
phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách
gì mà ca khúc "Tôi xa Hà Nội" của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông
sửa thành nhịp 4/4 theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn. Ông Chân
nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà lại ghi tên ông là
tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao hưởng cho đến khi về hưu.
Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng, nên những ca từ rất thực của ông
diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen
mang đậm nỗi ấm ức của bao người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng
đổi tên ca khúc thành "Nỗi lòng người đi" nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất
nước bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay "Nỗi lòng người đi" (vốn là
Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.
Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua
nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ
rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm
1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước
khi di cư vào Nam. Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston,
bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố
vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston. Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo
thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe
được ca khúc "Tôi xa Hà Nội" do một thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ
mà lại không biết xuất xứ. Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được
giai điệu này. Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa
phải xa Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm trạng
của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc
của ca khúc "Tôi xa Hà Nội" thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow. Còn về ca từ, Anh
Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu
đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định
Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết,
nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này. Trong ca từ, Anh
Bằng có sửa vài chỗ. Chỗ thì cho lãng mạn hơn theo ý của ông. Đấy là câu “Khua
nước chơi như ngày xưa” thành “Khua nước trong như ngày xưa”. Hồ Gươm đã được gọi
là Hồ Lục Thủy, tức là hồ nước xanh tự ngàn xưa, nên chữ “trong” không đúng với
hiện thực mà là tưởng tượng ra thôi. Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết: “Mộng với
tay cao hơn trời - Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “tôi hái hoa
tiên cho đời” thì đúng là ca ngợi cuộc sống Sài Gòn lúc đó, để cho người miền
Nam thấy đang hưởng một cuộc sống “phồn hoa” tuy “giả tạo”. Cuối cùng, Anh Bằng
đã đổi tên ca khúc "Tôi xa Hà Nội" thành "Nỗi lòng người đi", rất phù hợp với tâm
trạng những người xa Hà Nội khi ấy ở Sài Gòn. Và nhờ "Nỗi lòng người đi", Anh Bằng
đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “Lê - Minh - Bằng”
tức là trung tâm do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh - Minh Kỳ - Anh Bằng khởi xướng, chuyên
làm đĩa nhạc và dạy âm nhạc ở Sài Gòn từ 1966 đến 1975.
Ông Chân kể lại câu chuyện này với
tôi không hề có ý đòi hỏi gì về bản quyền và tranh chấp với Anh Bằng. Ông chỉ
muốn kể ra một sự thực của một ca khúc do ông viết ra. Sau ngày thống nhất, sau
khi đã đến thắp hương cho bà Hằng, và xót xa cảnh ngộ của bà khi vào Sài Gòn phải
làm “gái bar”, rồi phải giữ mình để mất đi cô đơn trong bạo bệnh, cũng phải sau
20 năm nữa, không quên được mối tình đầu đẹp đẽ và lãng mạn, ông Chân lại viết
ra những vần thơ thương nhớ người yêu, cũng như sau "Tôi xa Hà Nội", ông còn viết "Biển và em", "Thu Hà Nội" vẫn với “air nhạc” như "Tôi xa Hà Nội" để nhớ bà. Ông đã
rơm rớm khi đọc bài tưởng nhớ bà mang tên “Tình thoảng gió”:
Tình thoảng gió như tình đời trong
bụi
Đời mà nhơ thì bụi vẫn còn nhơ
Ai yêu đương thoang thoảng vào giấc
mơ
Còn giữ lại trong đời khi thoảng
gió
Chỉ giây phút rồi liền sau đó
Tình bay đi và gió cũng bay đi
Bao nâng niu âu yếm hỏi làm gì
Người còn đó để tình bay theo gió
Có những phút nhìn đời không màu đỏ
Bởi thiên tình mà ai có biết không
Lụi tàn ngọn lửa đêm đông
Ngẫm tình thoảng giá nhìn không thấy
đời
Sống chơi vơi mà chết cũng chơi vơi
Tuổi xuân ngày ấy buồn ơi là buồn
Có lẽ nước mắt trong bài thơ này
cũng đủ để nói hết nỗi lòng của chàng và nàng chia ly thuở đó. Bà Nguyễn Thu Hằng
thì đã ra đi ôm theo mối tình đầu trong tâm trạng cô đơn. Ông Chân vì không có
bà Hằng cũng đành phải lập gia đình khác, nhưng đâu có hạnh phúc trọn vẹn. Người
vợ đầu của ông bây giờ đã cùng cô con gái sang Phần Lan. Năm 1974, ông Chân mới
“đi bước nữa” cùng một bác sĩ là giáo sư Đại học Y khoa. Bà tuy không làm nghệ
thuật nhưng rất yêu nghệ thuật. Nghe câu chuyện mối tình đầu của ông Chân, bà đồng
ý để ông Chân kể ra câu chuyện sáng tác ca khúc "Tôi xa Hà Nội" với cuộc đời. Người
thay ông Chân nhận làm tác giả ca khúc và đổi tên là "Nỗi lòng người đi", là nhạc
sĩ Anh Bằng thì đã nhờ những giai điệu này mà nổi tiếng, có cuộc sống tốt từ đó
đến nay. Việc nhận thay vô thức này đã tặng cho ông Chân một cuộc sống bình an
trên đất Bắc từ 1954 đến nay.
Cũng chả cần gì phải nói thêm về sự chia sẻ,
tranh chấp hồ đồ. Chỉ có một điều muôn thuở là “cái gì của Caesar thì trả lại
cho Caesar”. Bài viết này tuy đã muộn nhưng vẫn còn chưa muộn vì nhạc sĩ Anh Bằng
vẫn còn có thể có một lời nào đó với nhân gian về câu chuyện này. Và hơn nữa,
vì lý do cấp phép ca khúc được lưu hành sẽ lĩnh hội và cho phép "Tôi xa Hà Nội" của
Khúc Ngọc Chân được lưu hành như một ca khúc hay về Hà Nội thời kỳ đó.
Nguyễn Thụy Kha (KTNN số 804)
Mời nghe "Tôi xa Hà Nội" của Anh Bằng (hay Khúc Ngọc Chân?):
Mời nghe "Tôi xa Hà Nội" của Anh Bằng (hay Khúc Ngọc Chân?):
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét