Bắc Kinh và Tokyo không ngừng lên gân vào dịp tròn một năm Nhật Bản mua lại ba hòn đảo tranh chấp trong quần đảo Senkaku /Điếu Ngư/. Bắc Kinh cử đến biển Hoa Đông tám tàu hải giám. Đây là nhóm tàu lớn nhất của Trung Quốc có mặt tại khu vực. Một ngày trước đó, máy bay không người lái của Trung Quốc lần đầu tiên đã bay qua Senkaku. Phía Tokyo tuyên bố sẽ bố trí đại diện chính quyền thường xuyên trên các hòn đảo không người ở.
Việc trao đổi những "quà tặng" nhân ngày Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo tranh chấp là hành động mang tính biểu tượng. Mối quan hệ Bắc Kinh-Tokyo đang đạt mức tột đỉnh của "Kỷ băng hà" với nguyên nhân chính là xung đột hải đảo. Tảng băng đã không tan nổi sau cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 5 tháng 9, diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St Petersburg. Cuộc trao đổi không được lên kế hoạch trước cũng chính do những căng thẳng trong quan hệ song phương. Vào phút chót cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo có quyết định bắt tay. Nhưng dường như, chỉ để xác nhận thêm sự cáo buộc lẫn nhau.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Valery Kistanov cho rằng, tuyên bố của Tokyo về bố trí nhân viên chính phủ, sự xuất hiện cùng lúc tám tàu vũ trang và máy bay không người lái Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp mới chỉ là chóp đỉnh của tảng băng trôi: “Cả hai nước đang tăng cường lực lượng quốc phòng, cạnh tranh trong cuộc chạy đua vũ trang. Trung Quốc xây tàu sân bay, Nhật Bản đóng tàu chở trực thăng có tiềm năng chuyển thành tàu sân bay. Trong năm nay, Nhật Bản dự kiến xét lại phương hướng chính sách quốc phòng và những điều khoản mang tính hòa bình của Hiến pháp, có cân nhắc cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đều ra Sách trắng về quốc phòng. Hai bên cáo buộc lẫn nhau có hành vi phi pháp tại vùng đảo không người ở. Trung Quốc lên án Nhật Bản chiếm giữ đảo bất hợp pháp. Nhật Bản phản ứng gay gắt với việc Trung Quốc điều tàu đến khu vực và thậm chí cáo buộc các tàu đột nhập lãnh hải Nhật Bản. Tokyo hoàn toàn không công nhận sự tồn tại các tranh chấp.”
Hôm thứ Ba tuần này, Tokyo đã trao cho Bắc Kinh công hàm phản đối nhóm tàu bơi vào vùng biển Nhật Bản. Như mọi lần, Bắc Kinh bác bỏ công hàm này. Thông qua các kênh chính thức, Bắc Kinh đã gọi chuyến đi thứ 59 chỉ trong vòng một năm của các tàu hải giám Trung Quốc kể từ khi Nhật Bản quốc hữu ba đảo, là "bước đột phá lịch sử".
Xung khắc địa chính trị, - trữ lượng đáng kể dầu khí và kim loại hiếm được phát hiện ở khu vực Điếu Ngư-Senkaku, đã phủ bóng đen lên cả lĩnh vực thể thao. Bắc Kinh lảng tránh chúc mừng Tokyo được chọn làm thủ đô Olympic-2020. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đề nghị lấy bình luận từ Uỷ ban Olympic Trung Quốc. Đến lượt mình, ủy ban quốc gia cũng không chúc mừng Nhật Bản và kiềm chế nhận xét. Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức với Tokyo.
“Gia vị” dân tộc đang được Trung Quốc và Nhật Bản đổ thêm vào cuộc tranh chấp lãnh thổ. Việc lợi dụng những tình cảm yêu nước đẩy hai nước tới đỉnh cao sự thù hằn. Khoảng 93% người Nhật có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, còn 90% người Trung Quốc tỏ ra căm ghét người Nhật. Đó là kết quả cuộc khảo sát gần đây ở hai nước. Ông Valery Kistanov cho biết, các khảo sát được thực hiện đều đặn chín năm qua, nhưng lần đầu tiên ghi nhận thái độ thù địch nghiêm trọng như vậy: “Nhật Bản và Trung Quốc đều sửng sốt với kết quả thăm dò ý kiến. Những con số chứng minh về mức độ rất cao sự thiếu tin cậy, ác cảm, nếu không nói là sự thù địch lẫn nhau. Những cảm xúc tiêu cực đang tiếp tục tăng.”
Số người Trung Quốc không hài lòng với tình hình ở biển Hoa Đông tăng gấp đôi trong năm, lên đến 80 phần trăm. Hơn một phần ba người Trung Quốc cho rằng, trong tương lai hai nước sẽ đối mặt với một cuộc xung đột vũ trang. Một nửa số người Nhật không chia sẻ giả thiết này bởi có lẽ họ e ngại sự thất bại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, là điều mà các phương tiện truyền thông Nhật Bản không ngừng nhắc đến.
Theo «The Voice of Russia»
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét