Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

HAI LẦN “DIỆN KIẾN” ÔNG LÊ DUẨN


Thấy đài báo từng bừng đưa tin kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh TBT Lê Duẩn, mình sực nhớ, té ra mình cũng có 2 lần tình cờ gặp ông, nói như nhà đài là “vinh dự diện kiến”, ông Lê Duẩn. Tuy 2 lần gặp rất ngắn ngủi, nhưng ấn tượng về ông rất sâu đậm.

Lần thứ nhất, vào khoảng tháng 4 hay tháng 5 năm 1960, ông ghé vào thăm HTX nông nghiệp Vũ La, lúc đó là mô hình mẫu. Nói ghé thăm vì không có chuẩn bị đón tiếp, cũng không biết ông là ai. Lúc này mình là giáo viên, nhưng vẫn là người của HTX, nên có họp hành quan trọng thường được tham dự để làm thư ký. Thấy mấy người đi cùng giới thiệu, có đc BA ở Trung ương về tìm hiểu tình hình HTX. Lúc đó chả biết đc BA là ai, nhưng thấy ông Bối bí thư tỉnh ủy báo cáo rất cung kính, biết là nhân vật quan trọng. Ông cao, gầy, da sạm nắng, mặc chiếc áo cộc tay trắng, bỏ ngoài quần. Ông không đi thăm ruộng đồng hay trại chăn nuôi, chỉ ngồi nghe rồi hỏi chuyện. Ông có đôi mắt sáng, nghe ai nói thì nhìn thẳng vào người ấy với thái độ rất chăm chú cầu thị, và luôn luôn đặt câu hỏi rất nghiêm túc. Có điều ông nói trẹo trọ rất khó nghe, mỗi lần ông hỏi, anh cán bộ trẻ ngồi bên phải “dịch” lại, mấy cán bộ HTX mới hiểu. Ông nói rất ít và hỏi rất nhiều. Một số vấn đề ông hỏi đi hỏi lại, rất tỉ mỉ: Dân có muốn vào HTX thật không? Điều gì làm nông dân muốn vào HTX? Tại sao một số gia đình chưa vào HTX? Vào HTX thì có gì hơn? Thu nhập một ngày công lao động được bao nhiêu? Người già thì làm gì? Có nhà trẻ cho các cháu không? Có nhà y tế của HTX không? Ngoài nông nghiệp, có nghề gì không? Ngoài lúa, có trồng những cây gì? Lãnh đạo HTX thì khó nhất là cái gì? Sản xuất của HTX thì có công cụ gì mới hơn, khác hơn làm cá thể.v.v.. Phải nói rằng lúc đó HTX cấp thấp, tức là chưa công hữu hóa ruộng đất, trâu bò, nông cụ (chưa phải tình trạng cha chung không ai khóc), lại mua được máy bơm nước, làm mương dẫn nước, cấy 2 vụ lúa… Cán bộ HTX rất trong sạch, tận tâm… nên mùa màng bội thu. Các câu chuyện, con số báo cáo là thật. Ông Ba làm việc chừng 2 tiếng, vui vẻ bắt tay mọi người, cười tươi ra về… (Nay nghĩ lại thấy lạ: Cái gì ban đầu mới làm cũng tốt, sau càng “chỉ đạo nhân rộng điển hình”, thì càng ngày càng hư hỏng đi)!?

Mãi sau đó ĐH lần thứ 3 Đảng Lao động VN, vào tháng 10/1960, thấy ảnh ông in trên báo là Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCHTƯ, mới: Ồ, té ra ông BA dạo ấy là ông Lê Duẩn! Trông ảnh ông vẫn gầy gầy, da rám nắng, đôi mắt sáng, không khác gì hôm gặp.

Lần thứ hai, vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày.. (không nhớ), tháng 3/1980, lúc học sinh trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội đang học, thì bất thần ông đến thăm. Không ai biết trước, cũng không có chuẩn bị đón tiếp gì cả. Ông đi cùng một người vào văn phòng trường, Các giáo viên trên lớp cả, chỉ có dăm bảy giáo viên, nhân viên ở văn phòng. Gọi là văn phòng cho oai, chứ trường là nhà cấp 4; VP là một gian kê cái bàn bóng bàn ở giữa, hai bên là 2 dẫy ghế băng, đồ đạc vứt ngổn ngang trong phòng. Mình thấy ông khác xưa quá: Ông mặc áo đại cán màu xám, trông to béo, da trắng hơn, mới 20 năm mà ông già quá. Có điều vẫn như xưa, là ông luôn vui vẻ, tươi cười bắt tay từng người rất thân tình...Dường như ông chẳng để ý gì đến các thứ trong phòng, ông ngồi xuống ghế băng, mọi người vây quanh. Lần này thì ông không hỏi gì cả, chỉ nói, nói say sưa, liên tục, như tranh thủ tuôn chảy hết những suy nghĩ chất chứa trong óc, chia sẻ bằng hết cho mọi người. Ông vừa nói vừa khua tay trên mặt bàn bóng bàn đầy phấn, tay áo bẩn hết. Ông không để ý, là các cô giáo nghe chắc không hiểu gì mấy, ông vẫn nói say sưa... Nay mình vẫn ấn tượng về những điều ông nói. Có lẽ ông là nhà lãnh đạo có những triết lý về con người, về giáo dục sâu sắc hơn các vị khác.

Trước đó mình đã rất thích bài nói của ông ở ĐH Sư phạm “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”. Nó mới lạ, sâu sắc, không khuôn sáo. Lần này cũng thu lượm được mấy ý hay. Ông nói đại ý: Thời bình thì y tế và giáo dục là quan trong nhất. Con người sống hạnh phúc cần có sức khỏe và tâm hồn phong phú. Giáo dục xây dựng nên tâm hồn con người cả về mặt Lý trí và Tình cảm. Con người sống cần có Lao động, Tình thương và Lẽ phải. Giáo dục gia đình rất quan trọng, nhất là về tình cảm, không gì thay thế được tình thương của Mẹ với con, “bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con”… Tình thương phải hình thành từ đó… Đến trường tiếp tục phát triển những tình cảm lớn lao: tình thương bạn bè, thương đồng bào, đất nước…Có tình cảm mới có sáng tạo. Sáng kiến là gì, là khi tình cảm thôi thúc, ta tha thiết, tha thiết đến tận nơi trong óc rồi thí sẽ bật ra sáng kiến… Ông là người đặc biệt coi trọng giáo dục tình cảm. Lý trí và Tình cảm không tách rời nhau, nhưng tình cảm mới là động lực cho hành động của con người…

Lê Duẩn là một nhân vật lớn lao. Lịch sử sẽ đánh giá về ông. Mình đâu dám bàn, chỉ nhớ lại một vài ấn tượng sâu sắc trong hai lần tình cờ gặp ông.
7/4/2017

Không có nhận xét nào: