Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

ĐỐI THOẠI với MARX và ENGELS

Tác giả bên 2 pho tượng đồng Karl Marx và Friedrich Engels
 tại quản trường Alexander 

Không biết tại sao lúc sắp đến xem 2 pho tượng đồng Karl Marx và Friedrich Engels tại quản trường Alexander mình thấy hồi hộp, lo lắng... Chả là nghĩ rằng 2 Cụ rất thiêng. Cái gì được thờ phụng, khấn vái, tín ngưỡng lâu ngày... cũng trở thành thiêng và những người sùng kính thần tượng, luôn là những hung thần khủng bố tinh thần, đe dọa cả mạng sống của những ai bất tín. Cứ nhìn bọn IS giết bất cứ ai đụng đến Thánh Ala hay ngài Mohamet thì biết... Thế nên đến gặp 2 Cụ, mình phải cung kính, cho áo trong quần, đi đứng nghiêm trang, chắp tay đứng xa xa chiêm ngưỡng, Cụ Marx thì ngồi trầm ngâm, cau có; Cụ Engels đứng đăm chiêu, mặt buồn xa xăm... Mình run run nói:
- Thưa hai Ngài Các Mác và Phri - đờ - rích Ăng ghen...
- Phát âm cho đúng! Mà sao gọi chúng ta là Ngài? – Engels nhắc nhở, giọng nghiêm trang.

- Anh từ đâu đến? Marx hỏi, giọng trầm, nhân hậu.
- Dạ thưa hai Ngài, tôi đến từ Việt Nam...

- ÔI! Việt Nam! Việt Nam... Đó là nơi trung thành thờ phụng học thuyết của ta nhất trên thế giới này – Marx sung sướng reo lên – Thế anh có là đảng viên không?
- Thưa Cụ có là đảng viên Đảng Lao động, sau này đổi thành Đảng CSVN ạ. Mà tôi hơn 50 năm tuổi đảng rồi cơ đấy...

- Ôi, thế thì gọi chúng ta là đồng chí chứ, sao lại “Ngài”? Đồng chí Việt Nam lại gần đây, vào đây... Marx thật nhân từ, gần gũi... Mình mạnh dạn bước tới, đặt tay lên tay Marx.
- Đồng chí hơn 50 năm tuổi đảng là rất đáng quý trọng... Engels nói.

- Dạ, thưa hai đồng chí, 50, 60 hay 70 tuổi đảng cũng không ý nghĩa gì đâu ạ. Nếu anh có ý kiến phê phán những sai lầm của Đảng về nhận thức học thuyết Mac –Lê hay vạch trần sự sa đọa của những đảng viên nắm quyền lực bị tha hóa, là bị bọn dư luận viên bảo là "phản động" và chửi bới, gọi thằng nọ thằng kia; còn nếu dám đấu tranh chống những hành động bất công của những kẻ nhân danh chính quyền đến cưỡng chế, giải tỏa... là bị đàn áp đánh đập. Như đồng chí Kình ở xã Đồng Tâm, hơn 50 năm tuổi đảng, 83 tuổi đời, mà dám đấu tranh, cũng bị bọn đảng viên trẻ đánh cho gẫy xương đùi làm 3 khúc, nhét giẻ vào mồm, còng tay, khiêng vứt lên xe ô tô như con vật... 

 Marx chau mày:
- Đồng chí Việt Nam nói gì ta không hiểu, sao phê phán mà lại là "phản động"? Nhờ có phê phán và luôn luôn phê phán ta mới thành Karl Marx chứ! Thế “dư luận viên” là gì mà hỗn xược vậy? Đấu tranh là hạnh phúc, sao đồng chí Kình lại bị đối xử như vậy? Bọn đó là loại người nào? Mà sao lại gọi học thuyết của ta là “Mác – Lê”? Ai cho phép gọi lung tung, tùy tiện như vậy?
- Thưa đồng chí, vì Đảng CSVN muốn đốt cháy giai đoạn phát triển TBCN, đi tắt, đón đầu, nhảy vọt lên CNXH, nên vận dụng lý luận của Lenine và nhiều thứ khác với học thuyết của đồng chí, thành lý luận của Đảng...Có hẳn Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, đề xuất chứ không nói lung tung đâu ạ...

- Ta tiên đoán, xã hội loài người phát triển đến giai đoạn TBCN cực thịnh, khi lực lượng sản xuất vô cùng lớn mạnh, con người đạt đỉnh cao của văn minh, phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, trí tuệ và đạo đức; may móc, thiết bị cực kỳ tinh xảo, trí thông minh của con người được gửi vào trong các thiết bị, để nó trở thành trí tuệ nhân tạo, thay con người làm nhiều việc vất vả, của cải dư thừa... Một xã hội người với người là bạn, không còn áp bức, bất công, phân biệt đối xử, tham lam, ích kỷ, lấy những giá trị cao quý của loài người làm chuẩn mực... Đó mới là xã hội XHCN, xã hội của những con người Tự do phát triển... Sao lại có chuyện “đi tắt, đón đầu”, “nhảy vọt” lên CNXH?
- Thế cái các anh gọi là CNXH hiện nay nó thế nào?- Engels nghiêm khắc hỏi.
- Thưa hai đồng chí. Có thể thể nói về kinh tế, đã đi từ thất bại này đến thất bại khác ạ. Phương thức sản xuất công hữu hóa, tập thể hóa, nhà nước quản lý toàn bộ nền sản xuất, kế hoạch hóa, duy ý chí... nên năng suất ngày một thua kém TBCN..., và như hai đồng chí thấy CNXH ở Liên xô và các nước châu Âu sụp đổ hoàn toàn, lại quay về CNTB... Về xã hội thì khi Đảng CS cầm quyền thực hiện chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, khiến xã hội phân hóa, thù ghét nhau và gây rất nhiều thảm họa...

- Ta biết tình hình chung rồi. Ta muốn hỏi về cái XHCN của Việt Nam cơ. – Engels lạnh lùng, ngắt lời.
- Thưa hai đồng chí, tình hình Việt Nam cũng theo quy luật chung đó, nhưng không bị sụp đổ như các nước châu Âu, có lẽ là do đặc thù của “Phương thức sản xuất châu Á”, nên còn đảng CS Trung quốc, Triều tiên nữa...
- Ô hay, nói về CNXH của Việt Nam cơ mà – Engels có vẻ cáu.
- Thưa 2 đồng chí, cái gọi là CNXH ở Việt Nam hiện nay, về phương thức sản xuất thì các tập đoàn nhà nước thua lỗ, phá sản hàng loạt, nhiều cái càng làm càng lỗ; kinh tế tư nhân phát triển mạnh, giai cấp tư sản đang hình thành và cướp đoạt tài nguyên quốc gia rất trắng trợn, bóc lột người lao động rất thô bạo; đặc biệt tư bản nước ngoài đầu tư vào chiếm đoạt giá trị thăng dư khủng khiếp... 

- Tình cảnh người lao động thế nào? – Engels hỏi.
- Gần như “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” đồng chi viết năm 1844 ấy ạ.
- Trời ơi! Thế sao công nhân không nổi dậy, đấu tranh? – Engels giận dữ.
- Thưa hai đồng chí, đến trí thức đòi tranh luận, phản biện còn bị chụp mũ phản động; còn công nhân mà bãi công, biểu tình thì bị đàn áp...

- Đảng CS lại đi đàn áp quần chúng vùng lên đấu tranh chống bất công là sao?- Engels lại hỏi. Marx vẫn trầm ngâm...
- Thưa hai đồng chí, vì Đảng CS lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không có đảng đối lập hay cạnh tranh; không có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, nên Đảng ngày càng độc quyền, độc đoán, người ta gọi Đảng là “ông vua tập thể”...

- Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối... Engels lẩm nhẩm... Marx thở dài:
- Ta đã dự báo - dự báo thôi nhé, giai đoạn phát triển tột cùng của CNTB mới hy vọng chuyển lên CNXH và đó là CNXH khoa học. Còn cái CNXH các anh đang xây dựng là thứ CNXH gì ta không hiểu. Mà ta đã phân tích, có nhiều thứ CNXH giả mạo, đó là kiểu XHCN phong kiến, CNXH độc tài trại lính... anh hiểu chưa?
- Dạ hiểu rồi ạ, trải nghiệm mấy chục năm nên không chỉ hiểu mà thấm thía, thấu hiểu lắm ạ.

- Anh nói cụ thể vài nét về cái gọi là CNXH ở Việt Nam xem nó hình thù ra sao? – Engels nói.
- Dạ, về học thuyết, gọi là chủ nghĩa Mác – lê – Tư tưởng Hồ Chí Minh; về kinh tế gọi là “Kinh tế thì trường định hướng XHCN”; về cơ chế gọi là Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối; về xã hội, bất công, phân hóa xã hội ngày càng lớn; y tế, giáo dục, dịch vụ công ngày càng tăng thu phí; người già, người thất nghiệp, trẻ mồ côi tự kiếm sống rất tội nghiệp; người lao động trong nước bị bóc lột, đối xử bất công không có nghiệp đoàn độc lập để đấu tranh; xuất khẩu lao động làm thuê cho tư bản nước ngoài ngày càng nhiều; GDP tăng khá, những thặng dư giá trị thì vào tay giới chủ; quan chức trong bộ máy chính quyền thì bổ nhiệm theo nguyên tắc:”Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”...

- Thôi thôi! Đồng chí càng nói ta càng không hiểu. Cái thứ đồng chí vừa nói, nó là CNTB hoang dã, sao dám gọi là CNXH – Marx vốn điềm tĩnh bỗng phát khùng lên. Engels lắc đầu, phẩy tay, có ý xua đuổi mình đi...

Mình hãi quá, vội thưa: Tôi rất xin lỗi, đã làm phiền lòng hai Ngài! Tôi xin lui ạ.

Hai Cụ có vẻ trầm ngâm, liếc nhìn những tấm phù điêu xung quanh, thể hiện giai cấp vô sản đang quằn quại và vùng lên... với vẻ mắt buồn bã...

Berlin, 18/7/ 2017
Mạc Văn Trang


Không có nhận xét nào: