Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Ý KIẾN CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG VỀ GIẢ THUYẾT ÔNG TẬP CẬN BÌNH ĐANG TRONG TIẾN TRÌNH XÓA BỎ CNXH Ở TRUNG QUỐC


Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (fb Nguyen Dang Hung) là một nhà trí thức lớn của Việt Nam ở nước ngoài. Ông theo chuyên ngành cơ học tính toán, có nhiều cống hiến với nền cơ học chất rắn thế giới, là giáo sư giảng dạy, chủ nhiệm bộ môn Cơ học phá hủy thuộc Khoa kỹ thuật hàng không không gian, Đại học Liege, Bỉ.
Ông cũng là người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực phản biện xã hội ở Việt Nam. Năm 2015 ông cùng với 126 người khác, trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Nguyễn Đình Cống, GS Chu Hảo, GS Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, GS Trần Văn Thọ, Đại sứ Nguyễn Trung, GS Phạm Xuân Yêm... gửi một bức thư ngỏ đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII đề nghị đổi tên đảng, đổi tên nước, trả tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ…
Ông hiện đã về hưu và đang sống tại Việt Nam.
Vừa qua ông có gửi cho tôi ý kiến tranh luận về giả thuyết của tôi. Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình đang trong tiến trình dân chủ hóa ở Trung quốc, hay có thể nói theo nghĩa nào đó là ông Tập đang trở thành một nhà cải cách ở Trung quốc tương tự như ông Gorbachov nhưng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng phản bác ý kiến đó của tôi.
Trân trọng ý kiến tâm huyết của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và cũng để mọi người cùng tranh luận trên góc độ khoa học, tôi xin đăng toàn văn ý kiến của giáo sư Hưng ở phần bên trên, sau đó tóm tắt luận điểm của tôi bên dưới.
Mong mọi người cùng tham gia tranh luận về góc độ học thuật và cố gắng tránh các quy chụp ngoài học thuật.
I. NGUYÊN VĂN Ý KIẾN CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG
Tác giả Trần Đinh Thu gần đây đã cho đăng tải nhiều bài khá sắc sảo về tranh chấp Trung Cộng – Hoa Kỳ. Những phân tích của ông đã tạo ra nhiều chú ý trên mạng.
Trong bài này, Trần Đình Thu có phân tích mới về Tập Cận Bình. Ông cho rằng: “… Tập Cận Bình là một nhà cải cách. Ông ấy muốn chứng minh với nhân dân Trung quốc rằng việc duy trì nền kinh tế XHCN ở Trung quốc là không thể, cũng như việc duy trì thể chế chính trị một đảng cầm quyền ở Trung quốc là không ổn. Ông ấy cần toàn bộ nhân dân Trung quốc hiểu điều ấy và toàn bộ giới lãnh đạo Trung quốc ủng hộ điều ấy…”
Việc cho rằng việc “triệu tập hàng trăm quan chức cấp cao từ tất cả các tỉnh thành, vùng tự trị và lãnh đạo các cơ quan đảng đến tham dự cuộc họp dự kiến kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh” là dấu hiệu cho thấy họ Tập đang củng cố chỗ đứng của mình để thực hiện ý đồ cải cách theo hướng cải tổ đân chủ hóa Trung Quốc, chối bỏ mô hình độc tài toàn trị hiện nay, là điều cần nhiều bàn cãi.
Trần Đinh Thu chỉ suy diễn theo trực giác chính trị của mình chứ không đưa ra bằng chứng nào thuyết phục bạn đọc.
Đây là một giả thuyết chính trị tầm cỡ khiến nhiều người quan tâm.
Theo tôi chưa có bằng chứng rõ nét về xu hướng cải cách của Tập Cận Bình. Nếu ta nhìn những hành xử chính trị trong những năm gần đây thì theo tôi có xu thế ngược lại…
1. Họ Tập đã dùng mọi cơ hội để bước lên ghế độc tôn chính trị và thực tế trở thành một Mao Trạch Đông của thế kỷ. Đây là hướng độc tôn cầm quyền chứ không phải hướng phân bố quyền lực, vì nước vì dân!
Xu thế cải cách dân chủ hóa như ta đã thấy thời Gorbachov bên Liên Xô hay các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Mông Cổ thì ngược lại trong những năm 90. Chiến dịch đả hổ diệt ruồi thực chất là thanh toán địch thủ cạnh tranh quyền lực chứ không phải thay đổi cơ chế chính trị để “nhốt” quyền lực, kiểm soát có căn cơ nguồn gốc phát sinh ra tham nhũng. Thành phần phản biện theo xu hướng dân chủ lại bị đàn áp nặng nề hơn trước. Chủ thuyết “giấc mơ Trung Hoa” chỉ là một chiều bài dân túy, nhằm phổ biến tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan dựa trên căn bản tuyên truyền lừa mị nhân đân Trung Quốc…
2. Tuy bị Donald Trump đập te tua về kinh tế thương mại họ Tập đã phải rút lui phòng ngự chiến thuật chứ không thay đổi chiến lược bành trướng sai lầm chết người tại Biển Đông Nam Á. Cách hành xử của Trung Cộng tại Tây Tạng, Tân Cương ngay cả Hông Kông và Đài Loan không thay đổi mà có phần thô bạo hơn trước đây.
3. Họ Tập hay huênh hoang tuyên bố về các chính sách khằng định các mưu đồ «Một vành đai, Một con đường”, quan điểm về xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ tôi đọc được về tôn trọng nhân quyền, về quyền tự do tư tưởng cho nhân dân Trung Quốc. Tôi có cảm tưởng họ Tập không biết gì về các giá trị dân chủ, tam quyền phân lập, khác xa với Gorbachov. Các thành viên lãnh đạo chung quanh ông ta cũng không có tư duy cải cách gì, không như các thành viên Bộ chính trị Liên Xô thời Gorbachov như Edouard Chevardnadze, Alexandre Nikolaïevitch Iakovlev hay Boris Elsine! Tóm lại gán cho Tập Cận Bình khả năng cải cách theo chiều hướng cấp tiến là khá khiên cưỡng vậy!
4. Theo tôi, Tập Cận Bình chỉ là một nhà lãnh đạo mang đậm nét dân tộc chủ nghĩa, khó có thể đủ tri thức và bản lĩnh để giúp dân tộc Trung Hoa thoát khỏi nền chính trị toàn trị, mang nặng dấu ấn của đế chế toàn trị của phong kiến ngàn năm Trung Hoa.
5. Việc họ Tập triệu tập hàng trăm quan chức cấp cao là dể xoa dịu nỗi lo của tập đoàn lãnh đạo Trung Cộng trong khung cảnh kinh tế ảm đạm, tăng trưởng thực có thể là số âm trong năm qua dưới sức công phá của chiến tranh thương mại và công nghê mà Mỹ đã quyết định khởi động một cách toàn diện. Các đối thủ của họ Tập đã phê phán các quyết sách nóng vội, chủ quan của tập đoàn lãnh đạo do Tập Cận Bình khời xướng. Vượt ra khuôn khổ chờ thời của Đặng Tiểu Bình là một sai lầm vì Trung Cộng còn quá nhiều yếu kém, còn quá tùy thuộc vào phương Tây. Tập Cận Bình đang phải đối phó với nguy cơ bị truất phế. Ông ta đã phải vuốt ve phe diều hâu quân đội, cho phép đưa ra những tuyên bố hung hãng quá lố bịch. Trên thực chất, khả năng quân sự Tàu chỉ có thể rung cây nhát khỉ các nước yếu như Việt Nam hay Phlippines chứ làm gì dám đụng đến Mỹ hay Nhật được. Còn lâu mới dám đụng đến Đai Loan với kế hoạch tự vệ lấy đập Tam Hiệp làm mục tiêu!
Những rêu rao quân sự hôm nay của quân đội Trung Cộng làm ta nghĩ đến thời Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh, nghe theo Nghĩa Hòa Đoàn hù họa phương Tây, phiêu lưu khiêu khích để cho liên minh tám nước (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung) lấy cớ, tràn quân vào chiếm đóng Bắc Kinh!
II. TÓM TẮT NHỮNG LUẬN ĐIỂM CHÍNH CỦA TÔI - TRẦN ĐÌNH THU
Về vấn đề Tập Cận Bình có thể là một nhà cải cách tôi từng đưa ra trong một số status trên trang này. Qua theo dõi các sự kiện xảy ra tôi nhận thấy một số sự kiện lạ sau đây:
1. Ông Tập Cận Bình quy hàng quá nhanh chóng. Chiến tranh thương mại nổ ra từ tháng 7/2018 nhưng đến tháng 12/2018 ông đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với bản yêu sách hoàn toàn do phía Mỹ đưa ra. Đó là chưa kể ông cử nhiều phái đoàn đàm phán trước đó. Điều này khác với những nhà độc tài cứng rắn khác là họ không bao giờ chấp nhận đàm phán nhanh chóng như vậy. Chẳng hạn với Hugo Chavez hay Maduro của Venezuela, những người này chưa hề tỏ ý đàm phán với Mỹ.
2. Ông Tập Cận Bình chủ động tuyên bố tình trạng bi đát với thế giới từ rất sớm. Đây cũng là điều khác lạ, vì các nhà độc tài không bao giờ tuyên bố như vậy mà họ luôn nói ngược lại. Việc tuyên bố của ông Tập cũng hết sức nghiêm túc là ông dùng văn bản Thông cáo của Bộ chính trị Trung quốc chứ không phải phát biểu miệng để thông báo tình hình kinh tế tồi tệ của Trung quốc khi chiến tranh thương mại mới xảy ra vài tháng.
3. Ngoài những phản ứng của truyền thông hay quan chức cấp thấp thì ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao rất hiếm khi chỉ trích Mỹ một cách cứng rắn và thẳng thắn như nhiều nhà độc tài khác. Thỉnh thoảng nếu cần nói thì ông chỉ nói bóng gió, ví dụ như nói “Không ai có thể bắt Trung quốc phải làm việc gì”. Điều này cũng khác các nhà độc tài.
4. Ông Tập Cận Bình yêu cầu 27 Ủy viên Bộ chính trị phải thề trung thành với đường lối của ông bằng 1 cuộc học tập kéo dài nhiều ngày với nội dung hoàn toàn không tiết lộ. Nếu ông đi theo con đường cứng rắn chống lại Mỹ thì có cần phải có những thao tác này hay không? Tôi cho rằng chỉ khi nào ông “bẻ lái” thì mới cần làm những chuyện như thế này.
5. Ông nhanh chóng huỷ bỏ các mục tiêu lớn lao như “Made in China 2025”. Điều này khó xảy ra với một nhà độc tài.
6. Một số hoạt động vô cùng cởi mở ở Trung quốc diễn ra, chẳng hạn như mời Tổng thống Đức đến Đại học Tứ Xuyên nói chuyện về tác hại của Chủ nghĩa Marx…
Tất cả những dấu hiệu đó khiến tôi đi đến giả thuyết rằng ông Tập Cận Bình đang trong tiến trình dân chủ hoá Trung quốc như Gorbachov, tuy có khác về xuất phát điểm, ông Gorbachov là sự tự nhận thức còn ông Tập Cận Bình là thay đổi nhận thức khi có tác động của ngoại cảnh bên ngoài là sức ép từ Mỹ.
Mời các bạn tranh luận. 

Không có nhận xét nào: