Trường ĐHNN (ĐHHN, HANU) được thành lập năm 1959, lúc ấy là Trường Chuyên tu. Tôi về trường năm 1965, và đến 1966 thì thành lập ĐHNN.
Để cung cấp hành trang cho hoạt động đại học, ông Hiệu trưởng Phạm Đức Hóa và BGH quyết định mở một đợt học chuyên đề ngôn ngữ học và giáo dục học cho anh em trẻ chúng tôi. Bây giờ tôi không nhớ được chính xác thời gian của đợt học này.
Sáu mươi năm qua, cái đợt học này không thấy ai nhắc tới, nhưng với tôi nó là một chân trời. Tôi biết đến Charles Bally, nhà phong cách học trứ danh người Pháp, biết Noam Chomsky người Mỹ, người đề cập đến cấu trúc sâu, người đã từng, ngay trong chiến tranh chống Mỹ, sang thăm Việt Nam, biết đến Roman Jakobson người Nga, đi đầu trong ngôn ngữ học cấu trúc, biết đến Lê Văn Lý Phranxicô Xaviê, người đi tiên phong trong ngôn ngữ cấu trúc-chức năng tiếng Việt hiện đại...
Tôi vẫn nhớ các thày đến dạy. Có thày Đái Xuân Ninh mà chúng tôi hay đọc chệch đi là Đới Xuân Ninh, có các thày Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Kim Thản… Thày Nguyễn Tài Cẩn hay đi đường cổng sau từ Đại học Tổng hợp sang trường ta và hay ngồi hút thuốc lào ở đầu cổng.
Tôi nhớ, chuyện ngôn ngữ của thày Cẩn cứ như chuyện vui. Thày kể, thày dạy tiểu từ “ơi” ở Ba Lan. Thày giảng: “ơi” là tiểu từ dùng để gọi người từ xa tới. Thí dụ “Cô lái đò ơi!”. Mấy hôm sau một cô sinh viên bảo: “Thày sai rồi.” Trong tiểu thuyết có hai anh chị ngồi sát nhau trong công viên, mà anh bảo “Em ơi!”. Lại mấy hôm sau một cô bảo là thày sai rồi. Một chú bé bảo một ông già: “Ông ơi, nhặt cho cháu cái bút!” Ông gắt: “Cháu phải gọi là “Thưa ông!” Ông có bằng vai phải lứa với cháu đâu”. Vậy là “ơi” phải đảm bảo cả tính “khinh trọng” nữa.
Đã sáu mươi năm qua, bây giờ các thày ở những chân trời nào, và chữ nghĩa của các thày đã tan hòa vào những tâm hồn nào rồi?
Đó là kỷ niệm về trường, bây giờ là kỷ niệm về thơ của tôi.
Trong số các thày dạy đợt ấy có thày Nguyễn Phan Cảnh, chuyên gia hàng đầu về tu từ học và thi học. Thày chỉ dạy một bài thơ chữ Hán thời Thịnh Đường, bài Tây Thi thạch (phiến đá của Tây Thi) của Lâu Dĩnh (713-766).
Tây Thi tích nhật cán sa tân.
Thạch thượng thanh đài, tứ sát nhân.
Nhất khứ Cô Tô bất phục phản,
Ngạn bàng đào lý vị thùy xuân.
Dịch nghĩa:
Tây Thi hàng ngày ngồi giặt lụa,
Phiến đá cao rêu phong, ý giết người.
Một lần đi Cô Tô không trở lại,
Đào lý bên bờ xuân với ai.
*
*
Bản dịch của cụ Khương Hữu Dụng:
Ngày trước Tây Thi giặt bến này
Giờ rêu in đá, não người thay.
Cô Tô một chuyến đi, đi biệt,
Đào lý bên bờ xuân với ai.
*
Bản dịch của Vi Lang:
Chốn xưa Tây tử giặt the
Rêu in phiến đá, sầu tê tái lòng
Người đi mãi mãi Ngô cung
Bến xuân đào liễu tươi hồng với ai.
Thày Nguyễn Phan Cảnh giảng, đại ý thế này: bốn câu tưởng chừng không ăn nhập gì với nhau, như thế là “chữ” thì nổi lên, còn “nghĩa” thì chìm xuống, “nghĩa” nằm giữa các con chữ, chữ là của tác giả, còn nghĩa là do người đọc tự hiểu. Tóm lại, viết thơ và đọc thơ là hai con đường đối nhau. Người viết đi từ nghĩa đến chữ, còn người đọc thì ngược lại.
Tôi lần theo con đường của thày và thấy đầu mình sáng ra. Tôi hiểu bài thơ thế này:
Từ ngày Tây Thi bị đem cống cho vua Ngô, cái phiến đá kia không ai dám ngồi lên nữa, và nó đã xanh rêu. Cứ nhìn thấy và nghĩ đến phiến đá rêu xanh là lòng người đã chết. Cái phiến đá ấy thiêng liêng đến nỗi cây cỏ cũng chết vì còn đua xuân với ai. Như thế là một người ra đi mà muôn người chết theo và muôn vật chết theo. Cái phiến đá ấy là ngai vàng của sắc đẹp mà nữ hoàng là Tây Thi.
Từ ngày Tây Thi bị đem cống cho vua Ngô, cái phiến đá kia không ai dám ngồi lên nữa, và nó đã xanh rêu. Cứ nhìn thấy và nghĩ đến phiến đá rêu xanh là lòng người đã chết. Cái phiến đá ấy thiêng liêng đến nỗi cây cỏ cũng chết vì còn đua xuân với ai. Như thế là một người ra đi mà muôn người chết theo và muôn vật chết theo. Cái phiến đá ấy là ngai vàng của sắc đẹp mà nữ hoàng là Tây Thi.
Tôi thấy sáng ra cái thủ pháp nghệ thuật: vẻ đẹp Tây Thi thì viết cả ngàn trang không hết. Lâu Dĩnh bèn đem hòn đá ra mà tả, mà ngẫm. Và ông đã thành công.
Sau này tôi đọc và dịch thơ, tôi càng thấm thía. Một nhà thơ châu Phi mô tả cả một châu lục nghèo đói bằng cách tả một con chó, một chú bé và một nhà dân nấu ăn:
Giữa đường, một con chó lở lói,
Con chó giỡn đùa,
định đớp miếng mồi
làn khói.
Góc đường, một chú bé rách rưới,
Chú bé giỡn đùa,
định đớp miếng mồi
chó đói.
(Lê Đức Mẫn dịch)
Tôi cố làm theo như thế, chẳng biết có ra gì không. Thí dụ, trong bài “Tình bạn” tôi mô tả cả quá trình hình thành tình bạn thông qua xưng hô, từ sơ đến thân:
… một dạo “anh-tôi”, một thời “cậu-tớ”,
Lúc vui “mày-tao”, lúc đùa “chồng-vợ”…
Tôi mô tả cả tiến trình “tình yêu-hôn nhân” bằng quan hệ “đùa-thật”:
Lúc vui “mày-tao”, lúc đùa “chồng-vợ”
Tưởng đùa thế thôi, ngờ đâu… ngờ đâu…
Tôi muốn thâu tóm toàn bộ hoạt động giáo dục và dạy học bằng bốn chữ “cứ tưởng-hóa ra”:
Bài học cũng hay, thế mà cứ tưởng …
Biết bao chuyện đời … cứ tưởng … hóa ra …
Có phải thế không nhỉ? Ta tưởng mặt trời đi từ đông sang tây, khi được thày dạy mới biết là trái đất quay từ tây sang đông. Chuyện nào cũng vậy. Gần đây, trong bài thơ “Khóa học chúng mình” tôi cố nén toàn bộ cuộc chiến tranh trong hai câu:
Các bạn ta lên đường, có người về không kịp.
Nào ta cúi đầu cho một phút thêm thương.
Đấy, kỷ niệm của tôi về trường, về thày, về thơ là thế. Hành trang Hán học, thi học của tôi cũng chỉ có được bốn câu ấy thôi. Sau này tôi chơi với nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, một tối tôi đem bốn câu ấy ra khoe. Phải một năm sau anh Chiến mới quay lại nhà tôi. Anh ấy bảo: “Vì bác đọc bốn câu ấy em phải bỏ ra một năm để đọc thơ Đường”.
Còn về thày Nguyễn Phan Cảnh. Thày là con trai của đại danh họa Nguyễn Phan Chánh. Từ sau đợt học này tôi không được gặp lại thày, vả chăng thày cũng không biết tôi là ai. Sau được biết thày sang Tiệp Khắc sinh sống, rồi thày lại đi đâu nữa không biết.
Trong lòng tôi, thày giống như Tây Thi, sang đất Ngô rồi theo Phạm Lãi đi đâu nữa không biết. Và bốn câu thơ ấy lại là phiến đá rêu xanh của ông hoàng thi pháp Việt Nam trong tôi.
Duc Man Le
Ps:
Tây Thi (tiếng Trung: 西施; bính âm: xi shi), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).
Câu chuyện về Tây Thi phổ biến trong các nước văn hóa Đông Á. Nàng đã theo kế của Phạm Lãi, từ nước Việt đến nước Ngô để mê hoặc Ngô vương là Ngô Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, khiến nước Ngô hùng mạnh bị diệt vong. Câu chuyện đã trở thành huyền thoại về nhan sắc khuynh đảo, được nhắc đến nhiều trong các điển tích Trung Hoa.
Vẻ đẹp thiên tiên của nàng rất phổ biến rộng rãi trong thi ca cũng như dân gian, người ta thường dùng sắc đẹp của nàng để nói lên những người con gái tuyệt đẹp trong văn hóa Trung Hoa và một số nước chịu ảnh hưởng. Câu chuyện của nàng là một ví dụ điển hình cho hình tượng hồng nhan họa thủy trong thời phong kiến xưa, đặc thể hiện qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc và một số bài thơ của thi nhân nhà Đường là Lý Bạch và Vương Duy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét