Phiên tòa xử sơ thẩm vụ án AVG kết thúc khá êm. Có vẻ số người
hài lòng với kết quả phiên tòa nhiều hơn số người thất vọng. Riêng bản thân tôi
thấy phiên tòa này khá thú vị vì nó cung cấp nhiều chất liệu để chúng ta suy
nghĩ về thời mình đang sống.
Căn cứ vào những gì đã xẩy ra, tôi nói phiên tòa này trên thực
tế được xử theo "Luật Đảng".
"Luật Đảng" không phải chữ tôi nghĩ ra, mà là một
người bạn nói với tôi. Người bạn tôi được xem là người thông minh, sắc sảo, mạnh
mẽ...; anh tham gia chính trường khá sớm, có mặt trong 5 khóa Tỉnh ủy viên và 2
khóa Thường vụ. Khi đang làm Bí thư Thành ủy một thành phố cấp tỉnh, anh kể với
tôi: "Mình muốn can thiệp vào một vụ án nhưng tay chánh án không chịu. Anh
ta nói: "Án tại hồ sơ, phải xử theo hồ sơ chứ!". Mình hỏi lại:
"Anh có phải là đảng viên không?". Anh ta: "Tại sao anh hỏi thế?
Tôi không những là đảng viên, mà còn là Thành ủy viên!". Vậy anh xử theo
chỉ đạo của Bí thư Thành ủy! Ngoài Bộ Luật hình sự ra, ta còn Luật Đảng nữa mà.
Anh là đảng viên, anh xử theo Luật Đảng. Còn nếu anh muốn xử theo ý của mình
thì làm đơn ra khỏi Đảng đi!". Đương nhiên, là tay chánh án phải xử theo ý
mình...".
Chuyện của người bạn "găm" vào đầu tôi từ ngày đó
và đến nay thì tôi đã kiểm nghiệm và thấy đúng. Trên thực tế, đường hướng xử vụ
AVG đã được TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra từ tháng 7/2019, trong phiên họp thứ 16
của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương.
Theo dõi những gì diễn ra trong những ngày xử án, tôi thấy thế
mạnh những phiên họp của Ban Kiểm tra Trung ương lấn át công lý của những phiên
tòa được tuyên bố "Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam".
Tôi chưa nói (chưa nghiên cứu kỹ) là xử theo "Luật Đảng"
tốt hơn hay xử theo Nhà nước tốt hơn. Tôi chỉ nói là nếu cứ xử theo "Luật
Đảng" mãi thì quá trình hội nhập của Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn; và
điều quan trọng nhất cái kết luận: "Không một cá nhân nào, không một tổ chức
nào được đứng trên pháp luật" liệu có hiện thực hay không?
Kết quả của phiên tòa AVG khiến nhiều người hoan hỷ cho cả những
quan tòa vì họ được ông Trần Quốc Vượng khen. Riêng tôi thì thấy hơi ngậm ngùi
cho các chuyên gia tư pháp của nước ta. Họ vẫn đang phải làm việc trong những
điều kiện khá khó khăn, thiếu sự rõ ràng về chuyên môn do luật của chúng ta chất
lượng còn kém. Tôi không hài lòng với hai tội danh được xử trong vụ án này là
1."Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm
trọng”; 2. "Hối lộ". Tên gọi tội danh thứ nhất lằng nhằng và không
toát lên vẻ thâm nghiêm của luật pháp. Tội danh thứ hai không có trong vụ án
(Vũ không dùng tiền của mình để đưa cho quan chức; đưa tiền xong Vũ cũng không
đòi hỏi gì ở họ cả) nhưng vẫn mang ra xử. Nếu tội danh của vụ án nà là "Tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước với khối lượng lớn" thì thuyết phục
hơn.
Điều mà nhiều người lo lắng, buồn phiền nhất cũng đã bộc lộ
trong vụ án này. Đó là thói đạo đức giả của một bộ phận không nhỏ quan chức.
Thói đạo đức giả hiển hiện khắp nơi trong cuộc sống hiện nay nhưng để chỉ ra rõ
ràng là không hề dễ. Nhưng với việc cựu bộ trưởng Son, cựu bộ trưởng Tuấn đã
làm thì thói đạo đức giả hiện ra không thể rõ ràng, đầy đủ hơn: Hai phạm nhân
"cộm cán" với án từ rất nặng lại là những người đã từng rao giảng về
đạo đức, về cách "chống diễn biến, chống chuyển hóa", thậm chí là dạy
cả cách làm người nữa. Bây giờ, bất kỳ quan chức nào lên rao giảng về những điều
này đều bị dân chúng nghi ngờ.
Điều nhiều người có lẽ đã cảm thấy, đang đòi hỏi nhưng chưa
được đáp ứng là muốn được làm rõ vấn đề: Liệu có những người có cương vị lớn
hơn các vị bộ trưởng "nhúng" vào vụ tham nhũng này không? Nếu có thì
khi nào được xử lý? Mà hình như nếu xử lý được như vậy thì mấy cái chữ 'không
có vùng cấm" mới thực sự đúng với ý nghĩa của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét