Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

BIẾT KHÓC CHO TRÂU

Đài Tử sĩ (Monument aux Morts), nhằm tưởng niệm binh sĩ 
Pháp- Việt chết trận trong cuộc chiến.
Doduc
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thuộc lớp đàn anh của thế hệ nhà văn hiện nay đã từng có tiểu thuyết mang tựa đề “Con trâu”. Tiểu thuyết từng được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa. Đọc nó mới biết con trâu thời kháng chiến được bảo vệ như thế nào. Như sinh mạng người!
Thành ngữ Việt thì nói “con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Đời một con người có ba việc lớn phải làm mới thành được là: làm nhà/ cưới vợ / tậu trâu. Không có trâu khó nên cơ nghiệp!
Đi cày, bố không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cày ăn cỏ, mình ăn cơm với thịt. Trâu ăn giả làm thật, nó gúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chí có điều không biết nói thôi.
Nửa thế kỉ trước, nhà bán con trâu tháu, bố tôi cầm bọc tiền xong còn đứng nói chuyện với nó dặn dò trâu như nói chuyện với con cái. Đông tác chia ly cuối cùng là vuốt nhẹ má trâu rồi xoay người vỗ vào mông nó ba cái trước khi người mua dắt trâu đi.
Tôi còn nhớ cái thời kháng chiến, xã tôi có tên là xã Vinh Hòa, sau đổi là Hùng Cường,và bây giờ là Bản ngoại … Con dấu Ủy ban có hình chủ nhât đóng mực đen. Thời ấy trâu được kính trọng như người.
Đừng nói chuyện thịt trâu dễ dàng như hôm nay nhá. Một ông trâu ra đi là đầy thủ tục. Người ta chỉ có thể được phép thịt trâu ngã nước chết, trâu chết rét hoặc thụt đầm lầy không lên được, trâu già yếu đi không vững, không còn khả năng làm việc. Một con trâu ra đi phải có người của Ủy ban xã khám nghiệm hiện trạng, lập biên bản kết luận và cho phép giết thịt vì hết khả năng làm việc và cấp giấy “ sát sinh” có con dấu vuông mới hợp lệ. Còn phải nộp thuế má hẳn hoi!. Không có chuyện hối lộ đưa tiền để được giết thịt.
Thịt một con trâu mất bao nhiêu thủ tục. Còn người giết thịt cũng lặng lẽ xót thương. Khi phang dao và con trâu già hấp hối, người ta không dám nhìn vào mặt trâu…Đi nhẹ nói khẽ trong lúc mổ thịt như đưa tiễn một sinh linh.
Hình ảnh con trâu trong tôi đến giờ vẫn thiêng liêng.
Hôm trước về quê có việc hiếu thấy trong mâm cơm có đĩa thịt nâu xào rau cần. Cậu lái xe bảo chắc thịt bò vì trâu thì phải đen hơn. Chú em tôi lắc đầu bảo thịt trâu đấy. Bây giờ ở đây ngày nào người ta cũng giết thịt trâu. Trâu nào cũng thịt, chẳng cứ trâu già. Bây giờ người ta hay thịt trâu tháu. Trâu tháu thịt mềm nhưng nhạt hơn thịt trâu già một tí. Người ăn thịt giờ nhiều. Thịt trâu giá đắt hơn bò, nên trâu chưa kịp già đã thịt. Hạ sát một con trâu bây giờ dễ như mổ gà giết lợn. Vị thế con trâu bây giờ không còn được như cách đây nửa thế kỉ nữa. Khi có máy cày tay thay sức trâu là người ta trở mặt ngay với trâu. Mí lại khi nhiều ngành nghề mở ra, làm nông không phải việc duy nhất. Rồi rưộng đất ít đi , việc canh tác thu lại, vai trò sức kéo của trâu mờ nhạt dần. Bây giờ trâu sống nhàn hơn, nhưng tuổi thọ thì ngắn xuống còn một nửa. Cụ Huân già có tuổi một thế kỉ vẫn sống lập lòe đầu xóm, mỗi khi thấy một con trâu khỏe mạnh bị giết thịt, ông phều phào buồn bã bảo: con người là giống vô ơn bạc ác cậu ạ! Ông chỉ nói được đến đấy rồi chảy nước mắt. Dòng nước mắt khô hạn của người thợ cày mướn trong làng giờ như nước rỉ sắt. có một tí mà như có máu trộn ở trong.
Ở Tam Nông Phú Thọ vào sau tết, không biết ai nghĩ ra thứ lễ hội dã man, cột trâu rồi cho trai tráng lấy vồ thay nhau đập cho đến chết để cầu phúc cầu may. Chọi trâu ở Bắc Ninh thấy có một phóng viên viết trên tờ báo nọ khen thịt trâu năm nay mềm ngọt. Những đám người hôm nay nhăn nhở làm cái việc hãm hại con trâu kia một thời cha ông họ đã ngắm đít trâu để sống vậy mà … Không biết sự bạc ác đến với họ tự bao giờ.
Làng tôi giờ hình như chỉ còn mỗi ông lão Huân, người thợ cày mướn già là còn biết khóc cho trâu!
10/3/2015
vĩ thanh
Nước ta tượng đài to nhất đáng phải là con trâu và người nông dân với bó lúa. Tại Hà Nội, tượng đài người nông dân và con trâu tại vườn hoa Canh nông bị đập bỏ sau cách mạng. Và bây giờ chỗ đó là tượng Lênin. Ai dạy cho chính quyền mình thói vô ơn đó?
*
ảnh: Đài Tử sĩ (Monument aux Morts), nhằm tưởng niệm binh sĩ Pháp- Việt chết trận trong cuộc chiến. Phía dưới là bốn bức tượng “Sĩ, Nông, Công, Thương” quây quanh, đại diện cho bốn tầng lớp cơ bản của xứ An Nam hồi đó. bức tượng “Nông” nằm ở mặt chính diện, dễ thấy nhất. Và theo thói quen hình tượng hóa, người dân Hà Nội gọi luôn Đài Tử sĩ là tượng đài Canh Nông. Công viên Robin cũng được gọi luôn là vườn hoa Canh Nông.

Không có nhận xét nào: