Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

ĐẠI HỘI HỘI HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ 10


 

ĐẠI HỘI HỘI HỘI NHÀ VĂN LẦN THỨ 10
(Qua tường thuật của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ảnh nhà văn Nguyễn Văn Nghĩa)

+Sáng.Đâu chừng 10 giờ thì sân khách sạn La Thành bắt đầu ồn ào.
Xe Grap, tacxi nối đuôi nhau chui vô cổng.

+Các đại biểu từ bốn phương tám hướng cùng về.
Đại biểu ở ngay Hà Nội cũng tới để đón bạn bè, hóng hớt li ca phê, cốc bia.

+Lễ tân như hội chợ quê. Cười. Mắng. Bắt tay. Nói tục. Kéo va li, cắp nách túi xách, ngồi xổm kí tặng sách nhau, hớn hở.

+Mấy em lễ tân mồ hôi vã, có lẽ các cháu lần đầu thấy một đại hội mà hầu hết đều người già nhưng xí xa xí xớn như con trẻ, nói tục hơn cả lũ Teen bây giờ, những cái tên nhà văn, nhà thơ sáng loà mà nếu không có dịp này, các cháu còn lâu mới biết mặt.

+Quán ca phê sát cổng tràn ngập nhà văn.

Tôi bị cuốn vào một bàn.
Những cánh tay đưa ra:
-Ôi Lập đấy à, khoẻ không em?
-Ơ kìa thằng Lập.
-Em Vinh mà.
-Úi giời, ngồi xuống, Vinh hay Lập quan trọng đéo gì. Cho 1 bia em ơi.

Một Cụ nhà văn gầy nhom:
-Biết tình hình Trung ương bầu bán tới đây thằng nào với thằng nào chưa?

-Ông hâm, đại hội của ta không lo, lo tận Trung ương. Có tiếp tục bầu Hữu Thỉnh không?

-Không bầu lão, lấy đéo ai đọc diễn văn khi anh em mình tạ thế. Lão viết và đọc thôi rồi luôn. Hay lắm. Mày chưa có dịp nghe nhỉ?

-Ừ đúng đấy, Hội mình khoản viết và đọc điếu văn đéo ai qua Thỉnh. Bầu nhé. Tao đi dự đám nhiều, đám nào cũng có câu “ Anh mất đi là một thiệt thòi vô cùng to lớn, không gì bù đắp, không ai thay thế được, những tác phẩm anh để lại cho đời như ánh sáng của đức nhân văn…”

-Có thằng nào đọc của thằng nào đâu mà ánh sáng với nhân văn.

-Này, thế vừa rồi trao giải về biển đảo sao tao không biết nhỉ?

-Khổ, mấy ai biết để kịp gửi tác phẩm đâu, nghe nói quỹ tồn 1 tỉ thì trao gấp, giải ngân trước khi hết nhiệm kì, nên thằng nào kịp gửi tới là có giải tất, đủ 1 tỉ dừng.

-Này các bố, ngồi lâu thế, vào lấy phòng kìa.

Thế là vắng đi một lúc.
+Có một cậu trẻ ngồi im trước cái bàn ngả nghiên ly chén, cà phê có, bia có, còn gương mặt cậu trẻ nặng chịch.

-Mày không vào lấy phòng à? Đoàn tỉnh nào?

-Dạ em ở trong Nam ra.

-Rồi, sao buồn thế?

-Dạ…Các cô các chú kéo ghế lại đây, ngồi quây quần, bàn chuyện văn chương thế sự xong, các cô chú kéo đi, xong, còn cháu ở đây, giờ cũng xong luôn rồi…

-Là sao mày?

-Dạ…Sau khi bàn cãi sôi nổi về văn học, nhân sự đại hội, các cô chú kéo đi hết, còn cháu, mà cháu thì không đủ tiền trả. Ai cũng chúc cháu nhà văn trẻ. Cháu viết văn mà các cô các chú toàn khen thơ cháu hay. Xong, đi cả…

+Nhiều nhà văn cả tỉ năm mới gặp nhau. Dí mặt vào nhau nhìn rồi ù oà, cười, ôm nhau hân hoan cứ như ở thế giới khác mới về.

+Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cuốn lấy tay tôi:
-Vinh. Thằng chó này. Đứng yên đấy.

+Tôi đứng yên.
Anh Chiến chạy tới nơi để túi xách, rút ra cuốn sách, viết, kí, mang tới:
-Sách mới của tao. Có viết đến thời kì tao bị đi tù, hay lắm, vinh dự tự hào.

+Ăn cơm. Ăn cơm các ông các bà ơi.
Một dòng người tóc bạc, lưng còng rồng rắn kéo nhau vào phòng ăn.

-Chúng nó tệ nhỉ, xây cái phòng ăn mà lên tới mười mấy bậc, sức yếu, lên thế đéo nào được.

-Để em dìu bác.

-Tao cố. Đi thẳng thớm chúng nó thấy khoẻ, may ra còn bầu vào Ban chấp hành.

+Các nhân viên khách sạn tươi như hoa.

6 người một mâm nhưng các nhà văn thì thích ngồi đông hơn.

-Dạ thưa, một mâm 6 người thôi ạ.

-Vẽ. Tao đi ăn cỗ cưới và cỗ đám ma, một mâm 10 người quen rồi.

-Thức ăn được đấy chứ, nhỉ, toàn món mềm, răng yếu lắm rồi.

-5 năm 1 lần mới được Hội cho ăn chung, không có bia rượu nhạt mồm quá.

+Anh Hữu Phương gọi 3 cô nhà văn trẻ của đoàn Quảng Bình về ăn.
Tiếng cô nào trong điện thoại:

-Bọn em ăn ngoài rồi ạ, ăn với các chú, toàn nghe nói tục, sợ chết được.
Hữu Phương cười.

+Góc phòng ăn, một bà nhà thơ gọi tha thiết vào máy:

-Con dâu à, mẹ tới rồi, đang ăn với các nhà văn, nhà thơ, ừ, toàn nổi tiếng hết con ạ. Cái váy con cho mẹ mượn bó sát mông, lườn, ông nào cũng ngắm con ạ. Ừ. Nó hơi chật. Kệ đi. Chỉ có điều, đi đái hay bị vương vào váy, xấu hổ chết được.

+Chưa lúc nào sách được trân quý trao nhau, kí tặng nhau dồn dập như thế này.

Thơ nhiều vô tận.

Vừa tặng vừa đọc thơ vang trời.

+Nghe nói ở Mỹ dừng điều tra phiếu gian lận 2 ngày để dành thời gian theo dõi Đại hội Nhà văn Việt Nam lần này.

Hình ảnh có thể có: 4 người
N anh

6 nhận xét:

Chu Mộng Long nói...

LỖI KHÔNG PHẢI Ở NHÀ VĂN
Dư luận chửi rủa, đúng hơn là phỉ nhổ vào Hội Nhà văn. Lý do, nhiệm kỳ nào cũng như nhiệm kỳ nào, một đám lổn nhổn, lộn xộn, ồn ào, kể cả thô tục, mất vệ sinh.

Tôi thì thấy bình thường và rất vui. Tôi ghét những đại hội khoa trương khẩu hiệu, cờ hoa, và hình thức trang nghiêm. Những đại hội như vậy thì phải gọi là “đại lễ” chứ không phải “đại hội”. Lễ mới có chuyện báo cáo thành tích để vỗ tay và ngợi ca như ngợi ca thần thánh. Bất cứ sự trang nghiêm nào cũng chỉ là cái vỏ hình thức rỗng tuếch. Cho nên ta hiểu vì sao ở xứ sở gì cũng thần tượng hoá này, các đại hội thường nhạt toẹt, vô vị. Đại hội Hội Nhà văn đúng nghĩa là hội lớn, ngày hội về thế tục: hội được nói, được ăn, được chơi, được chịch và bầu ra chủ chịch. Nó phải vui như hội Carnaval của phương Tây mới là đại hội. Tiếc là các quan chức trong Hội Nhà văn vẫn trịnh trọng chào cờ, hát quốc ca và báo cáo thành tích, trong không khí vui nhộn ấy mọi thứ trang nghiêm thành thừa thãi, vì chẳng ai nghe.

Chu Mộng Long nói...

Sự bình thường mà tôi nói ở đây là... cái giống nhà văn nó thế! Đòi nhà văn có học, có văn hoá là bất khả. Bởi gốc nhà văn là vô học, vô văn hoá nếu hiểu đầy đủ văn hoá là kiến tạo phản tự nhiên. Nhà văn sống theo bản năng tự nhiên, cho nên thường hồn nhiên đến trần tục. Nhiều nhà văn không có học, thậm chí không cần học, nếu hiểu học là phải đặt chân đến học đường. Thì đấy, giới bình dân có học đâu mà có cả kho tàng văn chương đồ sộ? Đúng nghĩa bình dân phải là thô tục. Tôi dám chắc mảng văn học tục, gồm truyện tiếu lâm, câu đố, ca dao tục có sức sống mạnh mẽ hơn những thể loại trang nghiêm như thần thoại, ngụ ngôn, cổ tích, anh hùng ca. Đến lượt nhiều nhà văn tên tuổi cũng có học đâu? M. Gorki, Nguyên Hồng chỉ học ở trường đời. Trần Đăng Khoa làm thơ hay khi chưa đi học, sau đó do học ở Trường Viết văn Nguyễn Du hay Gorki mới làm thơ dở. Còn gọi là tệ nạn thì vô số. Dostoievsky mê cờ bạc và mắc nợ nần, Balzac thì mắc tội loạn luân, Nguyễn Công Trứ hiếp dâm gái quê, Nguyễn Bính bạc tình và nhiều nhà văn Việt Nam trước 1945 nghiện rượu, ma tuý, hát cô đầu và truỵ lạc ở các nhà chứa của phố Khâm Thiên...

Chu Mộng Long nói...

Không gì thuộc về con người xa lạ với nhà văn. Lỗi tại các giáo sư, tiến sỹ làm phê bình, do không có đủ tri thức về nhà văn nên cứ tôn vinh nhà văn thành thánh với đủ lời ngợi ca. Học trò và nhiều người tưởng thật, xem nhà văn như là tấm gương về văn hoá nên khi biết sự thật mới sốc. Nhớ năm trước, một giáo sư khoe một đứa học trò viết sách và tặng sách cho mình, rằng “thêm một người nữa bước vào đền thiêng văn học”. Tôi đọc đến cụm từ “đền thiêng văn học” mà bật cười. Giáo sư gọi văn học rồi phê bình văn học là cái “đền thiêng” để tự phong thánh cho nhà văn và cho mình thì đúng là bị ngáo. Theo tôi, thay vì chê cười Hội Nhà văn, dư luận nên cảm ơn Hội Nhà văn đã có một ngày hội lớn tưng bừng để phơi mọi thứ trần tục nhất mà hàng ngày nhà văn phải mang chiếc mặt nạ thần thánh để ăn cúng, thực chất là ăn xin…
Chu Mộng Long

Vũ Hữu Sự nói...

TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC !
HỘI NHÀ VĂN CHÍNH LÀ HỘI BƯNG BÔ ...

Thế là đại hội hội nhà văn Việt Nam khóa X đã “thành công rực rỡ”. ông “nhà nước vấn nuôi anh em chúng ta” về vườn, nhường ghế cho “kẻ ám sát cánh đồng”. Sự kiện này gợi cho tôi một vài suy nghĩ về cái hội mà tôi cũng có một chân trong đó.

Hồi mới lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, tôi là một thanh niên 24 tuổi còn Tạ Duy Anh 19 tuổi. Chúng tôi gặp nhau, quen nhau vì cùng có sự đam mê viết lách. Lúc đó, nhìn dòng chữ “hội nhà văn Việt Nam” in dưới tiêu đề tờ báo “Văn Nghệ”, chúng tôi thấy một cảm giác ngưỡng mộ, thiêng liêng dâng lên trong lòng. Và mỗi khi đọc một tác phẩm, thấy dưới tên tác giả chua thêm những chữ như nhà văn, nhà thơ, giáo sư, tiến sỹ, trong lòng chúng tôi đều có cái cảm giác ngưỡng mộ ấy. Hội nhà văn, khi ấy, với chúng tôi, là một tòa lâu đài của tri thức, của nhân cách và của lòng dũng cảm.

Vũ Hữu Sự nói...

Rồi thì vào năm 1993, sau khi học xong khóa IV của trường viết văn Nguyễn Du, chúng tôi cũng trở thành hội viên của cái hội mà trước đó trong mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ đến việc mình được gia nhập vào nó.

Nhưng rồi càng ngày, tôi càng nhận chân ra gương mặt của nó. Hơn một nghìn hội viên của cái hội được coi là sang trọng nhất nước này, tất cả đều cúc cung dưới cái gậy chỉ huy của ban tư tưởng trung ương, mà ngày nay là ban tuyên giáo trung ương. Toàn bộ nền văn học Việt Nam, kể từ tháng 8/1945 đến nay “mùa nào thức ấy” dưới cái gậy đó. Khi cải cách ruộng đất nổ ra, tiêu diệt thẳng thay hàng trăm ngàn người thuộc tầng lớp tinh hoa của nông thôn, thì có ngay “giết, giết nữa ,bàn tay không phút nghỉ/ cho ruộng đồng xanh tốt, thuế mau xong/ cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ thờ Stalin, thờ Mao Trạch Đông bất diệt” và “thắp đuốc cho tỏ sân đình/ thắp đuốc cho sáng đường làng đêm nay/ lôi cổ chúng nó ra đây/ đập đầu xuống đất, đọa đầy chết thôi”…thời chống Mỹ, có hàng nghìn tác phẩm trở thành thủ phạm khiến cho “trong một đêm, hai nghìn người xuống đồng bằng/ sáng hôm sau quay về, còn có ba mươi ”. Những tác phẩm được gọi là văn chương ấy thực ra không có văn, chúng chỉ là những tác phẩm minh họa, những tác phẩm bưng bô mà nói như GS Phạm Vĩnh Cư là “chúng rất giống tiểu thuyết, rất giống thơ”. Không chịu bưng bô ư ? hãy lấy những tấm gương Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán…mà soi.

Vũ Hữu Sự nói...

Thời kỳ đầu của “đổi mới (thực ra là quay trở về với cái cũ)”, tuy ông Nguyễn Minh Châu đã viết “lời ai điếu” cho thứ văn chương minh họa, bưng bô đó. Nhưng từ ngày có “lời ai điếu” đến nay, tình hình vẫn vậy. Bất công trong xã hội càng ngày càng chồng chất, án oan nhiều như lá rừng. Những vụ cưỡng chế đất tàn bạo như Thủ Thiêm, Văn Giang, Lộc Hưng…Không một nhà văn nào dám mở mồm. Chỉ riêng năm 2020 này, có hai sự kiện làm chấn động lương tâm xã hội. Đó là vụ tập kích vào làng Hoành xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, HN), một ngôi làng không có bất cứ một ai vi phạm pháp luật vào 3 giờ ngày 9/1/2020 để giết, phanh bụng một lão đảng viên 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng. Và thứ hai là vụ giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, với bản án giám đốc thẩm mất dạy, bất nhân, ngồi xổm lên pháp luật.

Với vụ án Hồ Duy Hải, trong hơn một nghìn hội viên hội nhà văn Việt Nam, những người được cho là đại diện cho lương tâm của dân tộc, chỉ lác đác có một vài người dám lên tiếng nói được một vài phần sự thật. Còn vụ Đồng Tâm, ngoài nhà văn Tạ Duy Anh ra, không có bất cứ một ai dám mở mồm. Tất cả đều trở thành những con hến.

Chao ôi, hội nhà văn của tôi. Một cái hội được sinh ra với mục đích để bưng bô, và nó đã bưng bô một cách hoàn hảo. Không những thế, nó còn cổ vũ, hô hào để cả triệu thanh niên “có thể biến thiên nhiên thành điện, thép” lao vào chỗ chết. Và đó cũng là tội ác./.

Vũ Hữu Sự.