Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

NAM BỘ

 


NAM BỘ
Nam Bộ của Việt Nam giờ trở thành miền đất trù phú, giàu tiềm năng, giữ vai trò nòng cốt cả trong thời kỳ nông nghiệp đói ăn và thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay.

Đất Nam Bộ đối với Việt Nam còn rất trẻ (trên 300 năm), nhưng đối với người Khmer và Đế quốc Khmer thì đó là vùng đất rất lâu đời của họ (trước TK17).

Lịch sử khai phá, xâm lấn, thôn tính đất Nam Bộ của người Việt gắn với lịch sử phát triển, di cư, định cư của 3 dân tộc: Việt (kinh), Khmer và Hoa (người Minh Hương từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây di cư vào Nam Bộ sau khi Nhà Thanh nắm quyền).

Nếu bạn đi hết các tỉnh Miền Tây, đặc biệt là những vùng đất cao định cư lâu đời như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, bạn sẽ thấy công lao khai phá đất đai ban đầu, phát triển thành các làng mạc, xây dựng các nhà chùa (phái tiểu thừa) thuộc về người Khmer bản địa, định cư từ rất lâu trên mảnh đất này.

Nếu bạn đi thăm các vùng đô thị buôn bán, đánh cá và làng nghề ven sông, ven biển như Thủ Đầu Một, Biên Hòa (cù lao Phố), Chợ Lớn, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tiên… , bạn sẽ thấy công lao của người Minh Hương lớn lao biết nhường nào trong khai phá, phát triển xứ sở. Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch là 3 vị thủ lĩnh từ các vùng Lôi Châu, Quảng Châu, Phúc Kiến, Quảng Tây dẫn hàng chục nghìn người (đa số dàn ông) chạy trốn nhà Thanh và xin định cư trên đất khách dười sự bảo trợ của Chúa Nguyễn (sau là nhà Nguyễn). Họ mang theo ý chí lập nghiệp, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, tay nghề đến vùng đất mới cùng với cư dân bản địa phát triển các ngành nghề rất thành công.

Người Việt thực ra ban đầu có vai trò rất thứ yếu trong khai phá đất Nam Bộ. Tuy nhiên, do ưu thế về số đông càng ngày càng nhiều dân di cư từ Miền Trung, Miền Bắc vào; do ưu thế về ý chí và chính sách mở mang bờ cõi của các đời Chúa – Vua Nguyễn; cộng với sự khôn khéo của người Việt trong cả cuộc sống đời thường, cả trong chính sách đối ngoại, đụng binh với Đế quốc Khmer và Đế quốc Xiêm La, cả trong sự tài ba, khéo léo của một vị công chúa nhà Nguyễn làm vợ Vua Khmer (Chân lạp – Cao Miên)… dần dần, vùng đất Nam Bộ như biên giới hiện nay trở thành đất của Việt Nam một cách chính danh.

Sử liệu viết về các yếu tố khác nhiều rồi, tôi chỉ chua thêm công lao của công chúa Ngọc Vạn (1605-1658, Hoàng hậu vua Chey Chattha II)

“Thời bấy giờ quân Xiêm thường hay xâm lấn Cao Miên nên vua Chey Chattha II xin cưới một người con gái của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) làm hoàng hậu để được chúa Nguyễn ủng hộ và bảo trợ về quân sự. Bà hoàng hậu rất xinh đẹp, thông minh và có nhiều đức tính tốt, được vua Cao Miên rất yêu quý. Bà đã góp nhiều ý kiến hữu ích vào công việc trị nước của vua Chey Chettha II. Nhờ ảnh hưởng của hoàng hậu mà vua Cao Miên chấp thuận khi bà xin cho người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Cao Miên cũng như cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán khu vực Sài Gòn – Đồng Nai ngày nay.

Chúa Nguyễn khuyến khích người Việt di cư đến để làm ăn. Vì vậy trong một thời gian ngắn người Việt đến định cư rất đông dọc theo sông Sài Gòn, Đồng Nai. Người Miên vì không muốn sống chung với người khác văn hóa và mạnh hơn nên hễ người Việt đến sống gần họ thì họ dần kiếm cách lánh đi nơi khác”.






Giai đoạn quyết định về lãnh thổ (Đầu TK 19) Nhà Nguyễn cho đào kênh Vĩnh Tế (nối Trấn Châu Đốc mới mở với Trấn Hà Tiên do dòng họ Mạc dâng hiến) để, liên kết các vùng chủ quyền mở theo các nhánh sông, phân định biên giới với Campuchia và đồng thời sáp nhập các vùng lõm như Trà Vinh, Sóc Trăng vào đất Việt.

Nếu bạn đến Kế Sách, có rất nhiều làng hiện nay họ nói với nhau bằng một ngôn ngữ rất lạ, pha trộn tiếng Việt với tiếng Khmer và Quảng Đông mà chỉ họ hiểu được nhau.

KẾT LUẬN

Nói chuyện lịch sử để mọi người Việt Nam cần hiểu rõ đất nước ta có được như ngày nay là công lao khái phá, mở mang bờ cõi và thống nhất của nhiều dân tộc anh em cùng sống trên mảnh đất này. Muốn sống thịnh vượng và bền vững cần phải tiếp tục phát huy những giá trị của quá khứ, đó là sự hòa hợp, bình đẳng và bác ái. Nếu chia rẽ dân tộc hoặc thực hiện chính sách hại dân, vùng đất Nam bộ sẽ có nguy cơ trở thành Nagorno - Karabach không biết chừng.

Không có nhận xét nào: