Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Nhìn bàn thờ tổ tiên mà ngẫm lại thân phận của người Lục Tỉnh

 


Nhìn bàn thờ tổ tiên mà ngẫm lại thân phận của người Lục Tỉnh.
Người Việt mình phần đông thờ ông bà tổ tiên, vì có nguồn có cội mới có ta. Thành ra nhà nào cũng có bàn thờ giữa nhà.
Cùng thờ tổ tiên, song người Việt khác Tàu.
Tàu thì quan niệm hồn vía tổ tiên nằm ở ngoài mả, ngoài nhị tì, có lễ lộc cúng vái mới về nhà, Tàu đi tảo mộ thì cúng linh đình ngoài mả vì vong hồn của tổ tiên sống ở đó.
Việt thì luôn dạy con cháu là cái bàn thờ là chổ của ông bà đã khuất, ông bà sống cùng cháu con, Việt tảo mộ là làm cỏ, quét dọn, dẫy mả thôi chứ cúng kiếng sơ sịa ngoài mả, về nhà mới cúng lớn.
Thành ra người Tàu nào về nhà của người Việt cũng sợ vì bàn thờ bự chảng nằm giữa nhà, họ nói người Việt sống chung với ma là vậy.
Người Nam Kỳ cũng thờ ông bà, song cái bàn thờ của người Nam cũng khác người Bắc.
Bàn thờ người Bắc thường là bàn nghi như của người Nam, nhưng nay phần đông Bắc Kỳ lấy tủ búp phê mà họ kêu là tủ chè làm bàn thờ.
Người Nam Kỳ hồi xưa lấy ngay cái giường của người chết lúc còn sống làm giường thờ, trước giường thờ kê cái bàn cao hơn phủ vải kín mít, cái bàn này kêu là bàn nghi hay bàn độc.
Kêu bàn nghi, chữ nghi(儀) có nghĩa là nghi lễ, nghi thức.
Kêu bàn độc, chữ độc (讀)có nghĩa là học, bàn độc là bàn học, tức là lấy cái bàn hoc kê trước giường thờ.
Người Pháp đi qua chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, họ vác qua cái tủ kiểu tủ đựng chén thời Louis XVI cao hơn cái bàn nghi mà thấp hơn cái tủ đứng.
Thợ mộc Thủ Dầu Một, rồi Gò Công nhìn tủ hay hay nên đã chế biến thành cái tủ thờ của Nam Kỳ.
Thợ mộc bít hai cánh cửa phía trước, đem hai cánh cửa qua bên hông làm thành cái tủ thờ.
Nhà giàu, nhà xưa rộng thì kê cái bàn nghi, bàn độc sát vách rồi kê cái tủ thờ phía ngoài. Nay nhà hẹp, chật chội bức bối thì có cái tủ thờ thôi.
Nhà Nam Kỳ có cái tủ thờ ở giữa, hai bên mé chái tả hữu là hai bộ ván (bộ ngựa), giữa nhà là cái bàn dài có chừng 10 cái ghế dựa, khách tới nhà thường được gia chủ mời ngủ ở hai bộ ngựa này.
Chuyện ngủ bộ ngựa này cũng vui vui, nằm trên bộ ngựa ngước lên bàn thờ thấy hình bự chảng, người chết như nhìn người sống, khách ở xa teo bugi vào ban đêm.
Vô nhà, nhìn tủ thờ sẽ biết nhà giàu hay nghèo. Nhà giàu thì xài tủ thờ cây danh mộc chạm trổ, đánh sơn mài như cây gõ đỏ, cây trắc, cây san đá, cây căm xe, nhà trung lưu thì bàn thờ thao lao, nhà nghèo thì bàn thờ cây dầu, cây tạp không chạm trỗ.
Người Lục Tỉnh chưng trên tủ thờ có bộ tam sự gồm hai chưn đèn, cái đỉnh trầm vuông trái đào, cái lư hương (vùa hương), bên trái là cái bình bông, bên phải là bàn thang chưng trái cây, giữa ngay cái vùa hương là ba chung nước, để cái đèn hột vịt nhỏ xíu hoặc sau này có thêm cây đèn điện màu đỏ để suốt ngày đêm.
Cái đỉnh xưa là để đốt trầm hương.
"Hoàng Thiên chứng chiếu tâm thành
Mùi hương lư ngọc khinh thanh chín từng"
Sơn Nam nói đó là “thuần phong mỹ tục”, nôm na là ăn ở “lịch sự” kiểu người Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Còn cái cao cao ba nấc để cái lư là gì?
Đó là cái “Kỷ tam sơn”, đế cao chánh giữa có phần nhô lên dành cho cái lư cắm nhang.
Người Nam Kỳ xưa luôn chưng lư đồng hình vuông (Hình 1 là bộ lư vuông cổ của một gia đình gốc điền chủ ở Long An). Người Bắc thường thích lư đồng hình tròn trịa, bầu bĩnh hơn.
Người Nam Kỳ còn có thói quen chưng trên bàn thờ một tấm tranh kiếng. Tranh kiếng họa hình mây núi sông nước, thường có hai câu đối chữ nho ca ngợi ân đức tổ tiên, công cha nghĩa mẹ. Dưới tranh kiếng là hình ông bà tổ tiên.
Dân Nam Kỳ đặt bàn thờ ở nơi trang trọng nhứt của ngôi nhà là gian giữa.
Nhà nghèo thì gom chung thờ một bàn thờ ở giữa, nhưng nhà giàu kiểu cách lắm khi tới ba cái bàn thờ.
Ba bàn đó thờ ai?
Bàn giữa thờ tổ tiên thuộc dạng "cửu huyền thất tổ", ông bà cố, nội, ngoại.
Bàn bên trái nhìn từ ngoài vô là thờ hai đấng sanh thành ra gia chủ.
Bàn bên phải thờ hai vợ chồng gia chủ là người đã tạo dựng ra ngôi nhà này.
"Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có cha mẹ trước rồi sau có mình"
Trong nhà người Nam Kỳ hay đề chữ 九 玄 七 祖 Cửu Huyền Thất Tổ trên bàn thờ.
Cửu huyền là chín đời máu huyết, là cửu tộc, có nhiều tư liệu khác nhau, nhưng tạm coi gồm: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền.
Có nghĩa trên mình bốn bực là: ông Sơ, ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực nữa là: Con, Cháu, Chắt, Chít.
Thất Tổ là tổ tiên bảy đời, tính từ ông nội của mình đi ngược lên sáu đời nữa.
Thực tế dân Nam Kỳ không trọng và bày ra dòng tộc như Bắc Kỳ.
Theo nguyên tắc người Nam Kỳ chỉ thờ và làm đám giỗ trên bàn thờ có 4 đời thôi. Qua hết ông bà sơ.
Có câu “Ngũ đại mai thần chủ”, tức đời thứ 5 là đốt bài vị không giỗ nữa.
Nhưng thực tế dân Nam Kỳ cúng tới ông bà cố thôi, mà cúng rất nhỏ. Tới ông bà sơ là hết cúng.
Người Nam Kỳ không lập gia phả, không họ tộc, không có khái niệm nhà thờ tổ, nhưng Nam Kỳ mặc định nhà thằng "út" là nhà thờ tổ, tức là nhà nào mà cha mẹ, ông bà chết và thờ là nhà tổ.
Ông nào giữ hương hỏa có nghĩa vụ làm đám giỗ, không có quyền chỉ trỏ, ra lịnh này nọ nghĩa vụ với con cháu như tộc trưởng ngoài Bắc.
Con cháu trong Nam sướng là vậy, cứ về ăn đám giỗ, giàu mua đồ nhiều, nghèo mua đồ ít, không ai dám nói.
Với bản chất trọng người sống, kỉnh người chết ở mức tượng trưng, việc cúng kiếng Nam Kỳ cũng khác Bắc Kỳ.
Cái hồn trên bàn thờ tổ tiên từ đâu ra?
Cái hồn đó không ở bộ lư có những chưn nhang tàn, nó không ở cái bài vị hay cái hình thờ, cái hồn đó nằm trong lòng con cháu, nhìn vật nhớ người, tưởng mất như còn.
Cúng đặng làm chi?
Chết là hết, chết tắt thở rồi còn ăn uống chi được.
Còn nhỏ cứ nghĩ là hồn vía ông bà về và "hửi" hết thảy đồ cúng, xong rồi đi, trên bàn thờ có cái đèn hột vịt lu lu để ông bà thấy đường mà ăn.
Nhưng lớn lên hiểu là, chết hết rồi, ăn uống hửi cái giống gì đặng, cúng là cúng ruồi thiệt.
Nhưng phải cúng, nhứt là hưởng của cải ông bà thì phải cúng, không là mang tội bất hiếu.
Cúng cũng là cách nhắc nhở con cháu về cái đạo từ đường, để con cháu có dịp ngồi lại nhắc về cái xưa, thắt tình thân tộc, ngồi không lẽ nhìn nhau không, phải có gì ăn, bày ra mấy mâm cúng là trúng rồi.
Đốt ba cây nhang khói hương nghi ngút, nhìn lên bàn thờ thấy ông bà cười với mình, cũng là tưởng tượng ra thôi, lại là cái hồn tự trong lòng ta.
Thờ tổ tiên ông bà của người Việt thành cái luân lý, cái đạo luôn, không bỏ, không bao giờ bỏ dù có những gian nan thời cuộc.
Nhìn lịch sử thấy bên Công Giáo lanh quanh mấy trăm năm trong truyền đạo ở VN ta cũng vì vướng cái bàn thờ, trong khi thành công rực rỡ ở bên Phi Luật Tân.
Người Nam Kỳ rất mở, không như Bắc Kỳ tổ này tổ nọ, rồi nhóm họ, nhà thờ họ.
Nam Kỳ chỉ thờ tới ông cố là xong, không thờ ông sơ, từ đời con, cháu, chắt, chít, nghe chít thì quá xa rồi, cháu sơ nó có thấy có biết ông bà sơ đâu, không hình dung ra nổi ông bà sơ nó là ra làm sao, vậy thì "hồn" đâu có mà cúng.
Có người cãi rống lên, chết là hết, linh hồn không có, vậy cúng làm gì, chết là dẹp bàn thờ.
Không cần chứng minh
Cứ cho chết là "sanh ký tử quy" và không ai biết có linh hồn hay không, nhưng đành đoạn dẹp bàn thơ là một nổi đau trong lòng người còn lại.
Người chết an thân, nhưng những ray rứt trong lòng người sống mới là cái quan trọng. Người ta sống có lý trí là biết đặng trước sau, cho nên thờ cúng là một biện pháp an tâm, xoa dịu lòng người còn sống vậy.
Trong những dịp giỗ quảy, nói chung “quan hôn tang tế” của dân Nam Kỳ thì trên bàn thờ luôn có bình rượu đế ngon nhứt.
Rượu phải là rượu đế vì tổ tiên không biết rượu Tây, rượu Tàu, Rượu Gò Đen, rượu Phú Lễ hiện diện trong đời sống của người Nam Kỳ từ hồi còn đi mở xứ.
“Chén ngà sánh giọng quỳnh tương
Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào”
Dân Nam Kỳ thứ thiệt thì phải biết uống rượu đế.
Dân Bắc Kỳ nhậu thì trong mâm mỗi người được phân một chung riêng, rượu rót đầy ai muốn uống sao thì tùy ý thích.
Riêng dân Nam Kỳ không bao giờ uống rượu cách đó, cả mâm nhậu dùng chung một cái chung mà thôi. Bàn rượu có ông “chủ xị” là người cầm chai rót vô chung đầu tiên và chuyền theo vòng kêu là xây chuyền. Chủ xị rót cho đủ, chuyền cho đủ vòng và không được quên ai, không ăn gian.
Cái chung rượu “nghĩa tâm giao” thể hiện ai cũng như ai, già hay trẻ, chú hay bác, con hay cháu, giàu hay nghèo đã vô mâm là như nhau, không ai ít chẳng ai nhiều. Đó là tinh thần dân chủ vậy.
(Nhưng có một chung xây chuyền hoài thì ... không vệ sinh lắm)
Quán nhậu Nam Kỳ xưa rất xập xệ, quán lá, quán tạm bợ, quán ven đường, trong hốc xóm. Quán chỉ có bàn thấp ghế lùn, mưa gió khách có thể cảm nhận được.
Tánh dân Nam Kỳ hề hà lắm, đời đã tạm bợ thì không cần quán sang, ngồi chồm hổm hết cho bình đẳng.
“Uống chớ đại huynh ! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị. Xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ, mượn chén rượu ngày xưa cho tròn vẹn thâm ... tình “.
Ngồi vô bàn nhậu rồi thì đừng nói tới kiểu cách. Uống rượu kêu cái ót, miệng khè một cái thiệt sướng, tay bốc cục mồi lủm liền, có mấy cha già còn vỗ đùi cái bạch, đen đét thích thú.
Văn hóa Đông khác Tây, Đông uống rượu phải hồng hộc, tu rượu như nước lã, nó không thô lỗ mà là ... hào sảng đó nha.
“Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chuếnh choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu”
Người Nam Kỳ còn có tật nhậu sương sương, cửng cửng là lôi đờn ra tăng tẳng ca hát vang trời.
Đờn ca tài tử là một bộ môn chỉ có ở Nam Kỳ.
Tài tử 才子 là học trò giỏi, nghĩa rộng ra là những người có máu cầm kỳ thi họa, tánh lãng tử, kỳ tài nghệ sĩ.
Dân Nam Kỳ không những nói ngay mà hay nói lớn tiếng, thiếu trau chuốt, đôi lúc bỗ bã.
Không lập gia phả, nhưng con cháu sống làm sao phải ra dáng con người, sống không làm tủi nhục tổ tiên, sống thẳng, sống có ích, sống không để tiếng nhơ cho tổ tiên, dòng họ.
Người Nam Kỳ dạy con cháu cũng theo kiểu mở, sống biết nhìn người khác, biết yêu thương đồng loại, biết chạnh lòng.
Nhưng thời cuộc làm người ta mượn rượu quên sầu, nó lại là cái tệ
Nhậu cũng vài ba chục loại, tùy tâm trạng. Có nhậu sương sương, nhậu để tỉnh và nhậu quắc cần câu, nhậu để quên.
“Đêm nay nằm ngủ ngoài hiên
Quanh ta có mảnh trăng hiền
Ta ôm lòng đất vào tim
Say trong giấc ngủ
Cho quên đi kiếp làm người”
Ngày nay dân Nam Kỳ nổi tiếng là dân bỏ tiền ra nuôi chế độ bằng thuế bia rượu.
Đó là bi kịch sau 1975, người Nam Kỳ bị mất phương hướng, bị tha phương ngay trên chính quê hương của mình.
Trăng Phương Nam lu mờ, người Phương Nam buồn chán, chìm trong men rượu tìm quên, quên đi kiếp làm người.
Nam Kỳ buồn lắm em ơi!

Không có nhận xét nào: