Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

THÀNH NGỮ MỚI: NGĂN SÔNG CẤM CHỢ

 

Ảnh: Một thanh niên để tóc dài bị lực lượng quân quản giữ lại, cắt tóc ngay trên đường phố ở khu Chợ Lớn năm 1975 (ảnh tư liệu, internet)

Có mấy bạn trên phây búc nhắc tôi, bác ơi, bác hứa sẽ bốt (post) lại bài "Ngăn sông cấm chợ" lên kia mà, bác có phải là cán bộ, lãnh đạo, đảng viên đâu mà hứa nhưng không làm như người ta.

Khổ, lúc bức xúc thì hò hẹn vậy, chứ đăng đi đăng lại ngại lắm cơ, nhất là thế lực thù địch hoặc dư luận viên lại được dịp quy cho mình tội câu viu (view), khát lai (like), đánh bóng. Già rồi, thèm chi mấy thứ ấy. Trót lỡ miệng nên phải đưa thôi.
Gọi là mới, nhưng thực ra cũng mấy chục năm rồi. Tình trạng cấm đoán, ngăn trở đã ra đời cùng với chủ nghĩa xã hội, đâu phải chỉ trong đời sống kinh tế, giao thương. Nhưng chuyển hóa thành từ ngữ thì về sau mới có. Cụm từ "ngăn sông cấm chợ" này được sinh sau năm 1975, đầu tiên phổ biến ở miền Nam, rồi lan ra miền Bắc. Cũng phải thôi, bởi chung một gầm trời chế độ. Tôi đã cố công tìm hiểu, thấy có lẽ tình trạng ngăn sông cấm chợ hình như chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cũng may nó chỉ tác oai tác quái gần 2 chục năm, nếu kéo dài thêm chút nữa, cả dân tộc và xứ này sẽ rơi xuống địa ngục.

Người cộng sản VN luôn tự hào thông minh, tư duy đổi mới, biết "áp dụng sáng tạo" những thứ du nhập từ nước ngoài vào hoàn cảnh Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin chẳng hạn, tên lửa SAM1, SAM2 chẳng hạn. Có những thứ thành công, như tên lửa SAM. Nhiều thứ thất bại, mà chủ nghĩa Mác-Lênin là điển hình. Thời còn Liên Xô, cứ Liên Xô có cái gì là họ bê nguyên xi về, nhất là tư duy kinh tế. Một nền kinh tế bao cấp, nhất cử nhất động theo chỉ đạo máy móc từ trung ương đã giết chết sức sản xuất và thị trường. Cả nước sống chủ yếu dựa vào bầu sữa viện trợ, đến khi bị cắt, giật mình nhìn lại, dường như chả tự làm được thứ gì ra hồn.

Chết ở chỗ, họ rất kiêu ngạo, đắc thắng. Nghĩ mình đã đánh thắng được cả hai đế quốc to thì việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chỉ là chuyện nhỏ. Năm 1975, ông Lê Duẩn vui mừng từ nay đất nước ta vĩnh viễn sạch bóng quân thù, rộng đường tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản. Chả riêng gì ông Duẩn, nhiều ông bà trong phát biểu cũng nói câu thể hiện cái ý ấy, giống hệt câu thơ của ông Tố Hữu, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Họ ngổ ngáo nói liều tới mức cho rằng chỉ 5, 10 năm nữa là sẽ đuổi kịp Nhật, còn bọn Hàn Quốc hoặc ASEAN có chạy xịt khói cũng chỉ xách dép cho ta. Họ làm cho dân chúng rơi vào cơn mê, lên đồng, chủ nghĩa cộng sản về đến ngõ rồi, chỉ cần long trọng ra rước vào nhà thôi. Họ say sưa tự lừa dối chính mình, trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh.

Say quá nên họ làm càn, bất chấp tất cả quy luật. Không chịu nghe những lời phải trái, cứ quyết là làm. Tất cả chỉ có đúng, bởi đầu họ luôn nghĩ cộng sản không bao giờ sai. Nền kinh tế miền Nam đang huy hoàng, phát triển vượt bực vậy, chỉ vài nhát quét bằng chủ trương, chiến dịch này nọ, họ mau chóng đưa về tầm ngang bằng miền Bắc để cùng nhau thụt lùi, đói nghèo bình đẳng. Kinh tế bao cấp và chính sách "ngăn sông cấm chợ" là ví dụ điển hình, đã kìm hãm đất nước, dân tộc này gần hai chục năm, nhưng tai hại là nó kéo lùi Việt Nam cả mấy chục năm so với nước khác, để giờ đây không thể nào đuổi kịp.

Bọn trẻ bây giờ không biết ngăn sông cấm chợ là như thế nào. Đại khái, nôm na vầy cho dễ hiểu: Những năm sau "giải phóng", kinh tế, sản xuất ngày càng khó khăn. Mỹ cấm vận, bầu vú sữa Liên Xô, Trung Quốc ngày càng teo tóp, tâm lý sống dựa dẫm đã ăn sâu vào cả cán bộ lẫn dân chúng, bộ máy đảng và chính quyền sống nhờ vào ngân sách ngày càng phình to, nhiều thiết chế chính trị, xã hội, kinh tế... siết người dân đến ngạt thở, tất cả khiến cuộc sống lao dốc không phanh.

Không những không nhận ra sự thực ấy, nhà cầm quyền đang đắc thắng còn gây ra biết bao phiền toái, vô lý. Họ dựng lên những rào cản kìm hãm sức sản xuất, phá hoại thị trường. Họ cấm tiệt sự tự do lưu thông phân phối. Tất cả mọi sản phẩm đều được coi là hàng hóa và phải quy về sự điều tiết, phân phối theo kế hoạch của nhà nước, kể từ hạt lúa, mét vải, cái kim sợi chỉ, cuốn tập học trò, chiếc xe đạp, điếu thuốc lá, cái bát ăn cơm, con gà con lợn... Ai tự động lưu thông những thứ do mình sản xuất được hoặc mua được đều vi phạm luật của nhà nước. Nơi trồng lúa gạo không biết bán cho ai, bán đi đâu; còn nơi thiếu gạo cứ ráng chịu đựng, dù có thể chết đói. Mọi thứ đều thành hàng cấm, mọi hành vi lưu thông phân phối ngoài quy định nhà nước đều là buôn lậu. Nơi thừa, nơi thiếu, dân kêu nhưng nhà nước mặc kệ. Họ còn bận, mải bàn tính việc tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. "Chiến lợi phẩm" vật chất miền Nam lọt vào cái miệng cá ngão xã hội chủ nghĩa thì biết bao nhiêu cho đủ. Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Hàng hóa ùn ùn chảy ra miền Bắc nghèo đói. Xài hơn năm thì cạn. Các kho hàng trống rỗng. Quầy bách hóa lèo tèo vài mặt hàng chất lượng thấp bán phân phối cho cán bộ công nhân viên. Dù có tiền cũng không thể mua được những món đồ thiết yếu. Phải có giấy giới thiệu mới mua được hộp sữa hoặc nửa ký đường. Bà đẻ mới được phát tem phiếu mua vài ký đường, vài hộp sữa. Dân gian xuất hiện câu: "Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải giấy. Đả đảo Thiệu Kỳ, muốn cái gì cũng có".

Tôi còn nhớ những năm từ 1977 (lúc tôi vào Sài Gòn) đến khoảng 1992-1994 có 2 trạm kiểm soát cực kỳ nổi tiếng về sự tàn bạo của nó: trạm Tân Hương trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ, đặt ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; trạm kia là trạm Suối Sâu trên quốc lộ 21 từ Sài Gòn đi Tây Ninh, đặt ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Không biết bao nhiêu oan ức, đau khổ, bi kịch của người dân đã sinh ra từ 2 trạm này. Lúc ấy lực lượng kiểm soát là những ông trời con, bất cứ thứ gì của người dân đưa qua trạm cũng bị lục soát, khám xét, tịch thu, kể cả gạo, đường tán, cá thịt, thuốc lá, vải vóc... Dưới danh nghĩa chống buôn lậu, ổn định thị trường, họ cướp hết. Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Trường tôi có lần tổ chức cho giáo viên về thị xã Mỹ Tho mua gạo cứu đói, mỗi người chỉ dám mua 15-20kg, vậy mà qua trạm Tân Hương vẫn bị tịch thu hết, có lần còn bị đám nhân viên trạm vác AR15 ra bắn đuổi theo, đến giờ nhớ lại còn phát khiếp. Nhớ khuôn mặt khiếp đảm của ông Thi già lái chiếc xe Reo sau khi thoát nạn. Một lần tôi đi Tây Ninh thăm cậu em họ, lúc về y làm quà cho 2kg đường tán (màu vàng, viên to bằng 2 đốt tay) và 3 gói thuốc lá Samit, qua trạm Suối Sâu mặc dù tôi đã giấu khá kỹ nhưng có lẽ do mình theo nghề dạy học, khờ với đời, không quen làm điều gì mờ ám nên chúng nhìn mặt là nhận ra ngay, khám liền và tịch thu hết. Từ đó sợ, mấy năm sau không dám đi Tây Ninh nữa.

Bây giờ, cứ nhắc lại thời kinh hoàng ấy, người ta thường nhớ đến ông Đỗ Mười. Ông ta là gã thiên lôi của chế độ cộng sản, đã “có công” phá nát nền kinh tế miền Bắc sau 1954 bằng công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, sau lại được đảng trọng dụng đem thứ kinh nghiệm chứa đầy nước mắt ấy vào phá nát kinh tế miền Nam với tên gọi cải tạo tư bản tư doanh. Sau này lịch sử cần viết lại cho rõ ràng để đánh giá công tội những vị đó, không thể ù xọe mãi được. Cũng như cái gọi là công cuộc đổi mới, họ tự nhận công lao của họ nhưng thử hỏi ai gây ra những cản trở, trì trệ, lạc hậu, rào cản, cũ kỹ, bất nhân... để rồi phải đổi mới làm lại từ đầu. Dân đã tha không hỏi tội thì thôi, đừng có lu loa đánh tráo lịch sử.

Ngăn sông cấm chợ, kìm hãm đất nước nhưng chính những kẻ chủ mưu lại được đồng đảng tôn vinh, ca ngợi, quốc tang, đặt tên đường, hội nghị hội thảo khen nức nở, réo rắt trên tivi, báo đài. Cứ như tất cả mọi tội lỗi, sai lầm do dân gây ra, nhờ có họ uốn nắn, lãnh đạo, đổi mới nên mới có được "cơ đồ như ngày hôm nay".

Nhớ lại một thời ngăn sông cấm chợ, để thấy rằng dân chịu đựng được chừng ấy năm là quá giỏi.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: