THÌ THỬ XEM SAO
(Đúng mười năm trước, năm 2011, tôi đã được can dự vào một cuộc bầu cử đại biếu Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân Tp Hà Nội. Tôi quyết định can dự để xem sự bầu cử này nó trò hề đến đâu. Nay lại đến cuộc bầu cử mới sau mười năm, sau hai khóa Quốc Hội. Tôi đưa lại những bài viết của mình sau cuộc bầu cử mười năm trước để thấy trò hề mười năm sau vẫn không thay đổi.)
*
Ngày bầu cử đã qua. Giờ là lúc nói chuyện bầu cử được rồi.
Tôi là người được ứng cử, khác với người tự ứng cử.
Đầu tháng 3/2011, tôi đang ở Hà Tĩnh quê nhà cùng báo Tuổi Trẻ của Thành đoàn TP HCM làm một sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn TNCS HCM. Một cuộc gọi từ văn phòng Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội báo tin tôi, với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn HN, được Ban chấp hành của Hội giới thiệu ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016. Bất ngờ, đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi được báo tin. Từ khi biết cầm lá phiều đi bầu cử các cấp chính quyền tôi không hề nghĩ mình sẽ dự vào một cấp nào, và khi ra đời hoạt động văn học nghệ thuật tôi biết mình không bao giờ là diện được sắp xếp cho một cấp nào. Tự nhiên nay có một giới thiệu như vậy, tôi bất ngờ. Tôi hỏi lại người báo tin là cùng tôi còn có ai được giới thiệu nữa thì biết là Hội liên hiệp VHNT thành phố được bổ ba suất giới thiệu và cùng tôi còn có thêm một chị chủ tịch Hội Mỹ thuật HN và một anh chủ tịch Hội Nhiếp ảnh HN. Sau sự bất ngờ và một thoáng phân vân, tôi trả lời đồng ý, nghĩa là chấp nhận sự giới thiệu của Hội liên hiệp ra ứng cử vào HĐND thành phố HN. Thì thử xem sao! Tôi quyết định với ý nghĩ như vậy.
Khi từ quê ra lại thủ đô, tôi đã nhận một túi hồ sơ gồm các giấy tờ phải làm cho việc đăng ký ứng cử viên. Nhận về và để đó, chưa khai gì. Thì một hôm văn phòng Hội liên hiệp lại báo tin là tôi được “nâng cấp” giới thiệu, không phải ra ứng cử HĐND thành phố mà ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Số là Hội đồng bầu cử thành phố lại phân cho đoàn thể của giới văn học nghệ thuật thủ đô hai suất giới thiệu người của mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban chấp hành Hội liên hiệp, mà cụ thể là nhà thơ Bằng Việt chủ tịch, đã quyết định đôn tôi lên, giới thiệu vào cương vị này. Còn một suất nữa theo quy định là nữ thì BCH chọn nhà biên kịch điện ảnh Bành Mai Phương. Nhưng chị Phương xin không nhận. Đành phải tìm một người nữ khác trong giới nghệ sĩ. Thời gian kết thúc việc nhận hồ sơ các ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử vào Quốc hội khóa XIII sẽ kết thúc vào hồi 17h ngày 18/3/2011 theo quy định. Sau khi tôi làm xong các giấy tờ, Hội liên hiệp đưa sang cơ quan chủ quản của tôi là Viện Văn học lấy ý kiến. Đó là trưa 17/3/2011, các cán bộ trong Viện sau khi dự buổi thuyết trình của các giáo sư từ Harvard-Yenshing (Mỹ) sang thì được yêu cầu ở lại họp đột xuất. Khi nghe rõ lý do cuộc họp mọi người ồ lên ngạc nhiên và nhất trí một trăm phần trăm đồng ý việc giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này. Tin này lan nhanh từ Hà Nội vào tới Sài Gòn và được bàn luận sôi nổi. Anh em trong văn giới và nhiều người quen biết đều ngạc nhiên, phấn khởi, bảo là Hà Nội chơi hay thật, dám giới thiệu PXN ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Tôi thì không để tâm đến mọi chuyện quy trình (vì có định tham gia gì đâu), chỉ biết bảo sao làm vậy, coi như đã xong cái khâu thủ tục của mình và cơ quan chủ quản, còn tiếp nữa thế nào thì để bên Hội liên hiệp lo. (Cái thời hạn nộp hồ sơ tôi nói ở trên là mãi khi sự việc xảy ra tôi mới được biết).
Hơn năm giờ chiều 18/3/2011, khi đang ngồi vui cùng bạn bè trong bữa liên hoan của đoàn giáo viên khoa Văn học và Ngôn ngữ (Đại học KHXH & NV TPHCM) ra Hà Nội dự hội thảo quốc tế do Viện Văn học tổ chức thì tôi có một cuộc điện thoại gọi đến. Từ đầu dây bên kia, cô nhân viên văn phòng Hội liên hiệp báo tôi hay là hồ sơ chiều nay đưa nộp lên hội đồng bầu cử thành phố đã bị chậm khoảng mươi, mươi lăm phút, khi đã khóa sổ và niêm phong, do vậy hồ sơ của tôi không được nhận nữa. Có nghĩa tôi không được dự vào việc ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIII. Cô nhân viên văn phòng giọng đầy ân hận và nuối tiếc, bảo chúng em vừa đi về buồn hết cả người, có cả anh Bằng Việt cũng đang ngồi đây buồn lắm, vì tất cả đều đồng lòng cho anh, hy vọng anh thành đại biểu quốc hội, vậy mà chỉ chậm ít phút đã hỏng cả cơ sự. Sau đó nhà thơ Bằng Việt nói qua điện thoại với tôi, chia sẻ nỗi niềm day dứt của mình. Tôi cám ơn anh vì biết chính anh đã đề xuất tôi trong BCH và cùng BCH hoàn toàn nhất trí giới thiệu tôi ra ứng cử cả hai cấp, nay việc đã thế thì cũng là xong một việc, tôi bảo nhà thơ chủ tịch chẳng nên nghĩ ngợi gì lắm nữa chuyện này. Dứt cú điện thoại, mọi người trong bữa tiệc chừng như nghe giọng nói đã đoán biết có trục trặc nên hỏi, và tôi nói lại tất cả sự tình. Tôi nghĩ đơn giản đây là một sự cố kỹ thuật, tôi “hụt” ứng cử quốc hội chỉ là do sự chậm trễ thường tình của người đi nộp hồ sơ. Dân văn nghệ thường là vậy, chuyện người khác cho là quan trọng thì họ coi nhỏ, còn chuyện nhỏ trong mắt người khác với họ lại là to. Nhưng mọi người chiều đó cho tôi là ngây thơ, họ nghĩ tôi đã bị đánh trượt ngay từ nhà gửi xe. Sự việc lại được bàn tán, bình luận. Và tin PXN thành “nghị hụt” cũng bay nhanh như tin PXN được giới thiệu ứng cử làm “ông nghị”. Giáo sư văn học Huỳnh Như Phương nói vào tai tôi, mình đang nghĩ việc Nguyên được giới thiệu ra ứng cử quốc hội là chuyện động trời, Nguyên mà trúng cử nữa thì càng động trời, nhưng đó là tín hiệu mừng, vậy mà chưa chi đã đổ bể, thì buồn không phải cho Nguyên.
Hôm sau nhà thơ Bằng Việt rủ tôi đi nhậu để phân trần. Anh nói tôi có tin mừng là vợ vừa đẻ đứa con trai thứ hai nặng 3,8kg chưa kịp vui thì cái việc xảy ra với ông khiến tôi buồn quá, càng nghĩ càng tiếc. Diễn tiến sự việc anh cho tôi biết là thế này. Sau khi nhà biên kịch Bành Mai Phương rút lui đề cử, Hội liên hiệp cố gắng tìm một người nữ khác để khỏi bỏ phí một suất giới thiệu. Cuối cùng người được đưa ra là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả bức tranh ghép gốm sứ ven sông Hồng. Chị Thủy thuộc quản lý của báo Hà Nội Mới mà ông tổng biên tập đi công tác Sài Gòn chiều 18/3/2011 mới bay ra Hà Nội. Đợi được sếp báo ra, họp cán bộ công nhân viên trong báo, ý kiến lại không thuận ngay như bên cơ quan tôi. Lo không kịp thời gian, nhà thơ Bằng Việt đã điện cho văn phòng cứ đưa hồ sơ của tôi đi nộp trước, còn của cô Thủy xong sẽ mang đi ngay. Nhưng văn phòng cứ chờ và khi đã có đủ hai bộ hồ sơ mang đi thì trời mưa, đường đông, hạn giờ đã cận kề. Và lúc đầu hồ sơ được đưa lên Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố HN, nhưng chỗ nộp lại phải là Sở nội vụ thành phố. Kết cục là cả hai hồ sơ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và của tôi đều không kịp giờ để vào danh sách ứng cử đại biểu quốc hội khóa VIII. Nhà thơ Bằng Việt tỏ ý nhận lỗi về mình chuyện này và động viên tôi, thôi thì không làm ông nghị cả nước, ông cứ ra làm ông nghị thủ đô cũng được, chờ khóa quốc hội sau biết đâu ông vào thì có thêm kinh nghiệm nghị trường.
Thì thử xem sao! Tôi lại nhận giới thiệu của Hội liên hiệp VHNTHN ra ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016. Giáo sư Huỳnh Như Phương nghe tin thay đổi này, lập tức nhắn vào điện thoại tôi câu ca “Chúc mừng chủ tịch Xuân Nguyên / Kỳ này ứng cử nghị viên Hà thành”. Hồ sơ chỉ việc thay từ ứng cử đại biểu quốc hội thành ứng cử đại biểu HĐND thành phố và lần này được nộp đúng hạn, trước ngày khóa sổ 23/3/2011. Sau ba vòng hiệp thương tôi có tên trong danh sách bầu. Vậy là lần đầu tiên trong đời tôi mon men làm người đại biểu của dân. Thì thử xem sao!
Tôi được phân về đơn vị bầu cử số 4 quận Hai Bà Trưng cùng 5 ứng viên khác. Danh sách 6 người là: Đặng Văn Chính, quận ủy viên quận ủy HBT, bí thư đảng ủy, giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn; Nguyễn Lan Hương, thành ủy viên, bí thư quận ủy HBT; Hồ Quang Lợi, ủy viên ban thường vụ thành ủy, trưởng ban tuyên giáo thành ủy HN; Nguyễn Hoài Nam, phó trưởng ban chuyên trách ban pháp chế HĐND thành phố, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND thành phố, bí thư chi bộ; Phạm Xuân Nguyên, trưởng phòng nghiên cứu văn học so sánh (Viện Văn học), chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội; Nguyễn Hoàng Yến, phó giám đốc trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình quận HBT. Tổng số người ứng cử là 6, số đại biểu được bầu là 4. Khi danh sách được công bố trên báo Hà Nội Mới, một người bạn đã réo gọi tôi: mày quân xanh rồi Nguyên ơi, mày trượt rồi Nguyên ơi, họ rất khôn tìm được cách ghép tên theo bảng chữ cái để tên mày đứng thứ năm từ trên xuống, lại đứng dưới mấy vị chưa bầu nhưng đã biết là chắc chắn trúng, mà dân ta đi bầu thì quen rồi cái lệ bầu cho xong, cứ theo danh sách mà gạch khỏi nghĩ gì mất công, có nghĩ cũng rứa thôi. Tôi cười, sắp xếp tên họ ngẫu nhiên hay tất nhiên là chuyện ngoài mình, vả lại dân ta bây giờ cũng khác trước lắm rồi, mình chỉ cố gắng nhân dịp này nói được với dân và tin ở dân, trúng hay trật mình vẫn phục vụ dân nước bằng cái nghiệp văn chương báo chí của mình. Quả là khi xuống quận, gặp gỡ các lãnh đạo quận, trong sáu ứng viên thì tôi như người “đá lạc đội hình” vì họ chung một ngạch chính trị, tôi là dân văn chương.
Nhưng thì cứ thử xem sao, mất gì của bọ!
Đoàn ứng viên và mặt trận tổ quốc quận HBT thống nhất sẽ có hai cuộc tiếp xúc cử tri. Chiều ngày 7/5/2011 gặp đại diện mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của quận. Bài phát biểu tranh cử của tôi thưa “các bà các ông, các chị các anh” với tiêu đề “Vì một Hà Nội thủ đô sang trọng hơn, văn hóa hơn”. Trong đó tôi đưa ra lời hứa: “Khi trúng cử, việc đầu tiên tôi làm trên cương vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố là lắng nghe lãnh đạo và nhân dân quận chúng ta trao đổi và đề xuất “những việc cần làm ngay” cho đời sống văn hóa của quận Hai Bà Trưng.” Sáng ngày 12/5/2011 gặp đại diện các tầng lớp nhân dân trong quận. Tôi là người duy nhất có bài phát biểu thứ hai (năm người còn lại đọc lại bài cũ) mang tiêu đề “Tôi muốn làm miệng và tai” với câu mở đầu “thưa bà con”. Lần này tôi đưa ra lời hứa thứ hai trước cử tri: “Rồi đây nếu tôi trúng cử vào HĐND thành phố, thì với tư cách là một đại biểu được bà con cử tri quận Hai Bà Trưng bầu lên, tôi sẽ coi việc xây dựng công viên TTTĐ là một chủ điểm trong chương trình nghị sự của mình.” Trong cả hai bài phát biểu tôi đều có nói là ngay cả không trúng cử thì tôi vẫn sẽ cố gắng trong phạm vi và khả năng của mình cùng người dân giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Tôi cung cấp số điện thoại và email của mình để mọi người biết liên hệ. Trên báo Hà Nội Mới, trong khuôn khổ cho phép các ứng viên nêu tóm tắt “chương trình hành động” của mình, tôi đã trích đoạn cuối bài phát biểu thứ hai: “Đại biểu hội đồng nhân dân ở cấp nào cũng là người được dân bầu làm đại diện của mình ở cơ quan quyền lực cao nhất của cấp đấy. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, đại biểu được dân bầu vào hội đồng nhân dân các cấp, cho đến cấp cao nhất là Quốc Hội, để làm đúng chức năng của mình thì đều phải tự mình trở thành miệng và tai. Miệng của nhân dân và tai của chính quyền. Khi đại biểu đến với dân là mang đôi tai của chính quyền để nghe dân nói hết, nói thật mọi điều bức xúc của cuộc sống mà dân muốn phản ánh, đề đạt tới chính quyền. Khi đại biểu họp hội đồng là dùng cái miệng của dân để nói thật, nói hết mọi điều mình đã nghe dân nói cho các cấp chính quyền nghe. Gần đây, hoạt động của Quốc Hội và hội đồng nhân dân các cấp đã dân chủ hơn, đã có những đại biểu thực sự làm được là tai của chính quyền và miệng của nhân dân. Tôi khi được bầu vào hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết tâm làm một đại biểu thẳng thắn, trung thực như vậy. Bà con nếu bầu cho tôi thì sẽ được một cái tai biết nghe điều phải, điều thật, và một cái miệng biết nói điều đúng, điều thực. Tôi sẽ lắng nghe các nhà văn nhà thơ Hà Nội và người dân ở thành phố, ở quận Hai Bà Trưng nói và tôi sẽ thay mặt họ nói lại những ý kiến đó trên diễn đàn HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 khi tôi là một đại biểu được dân bầu. Nếu tôi không được bầu thì tai vẫn nghe với tư cách khác và miệng vẫn nói ở các diễn đàn khác, nhưng bà con sẽ thiếu đi một tai nghe và một miệng nói của tôi với tư cách đại biểu của bà con ở cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố. Đơn giản vậy thôi, cử tri hãy cân nhắc.”
Ở cả hai cuộc tiếp xúc, các cử tri bày tỏ nhiều thắc mắc, kiến nghị về nhiều lĩnh vực cuộc sống, nhất là kinh tế, giao thông, xây dựng và giáo dục. Tại cuộc thứ hai tôi có ba điều đáng nhớ. Một là có một cử tri đã nhân bài thơ Trịnh Hoài Giang tôi dẫn ra trong bài phát biểu để đọc thêm mấy câu cũng có nội dung cảm thán trước quá trình đô thị hóa đang làm mất đi nhiều cảnh quan truyền thống. Hai là, một cử tri rất hoan nghênh việc tôi nêu ra bức xúc về công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô chậm trễ hoàn thành, nhưng ông bảo tôi sai khi tính ngày bắt đầu công viên này vào năm 1998. Nó được làm từ lâu lắm rồi, ông nói, cái thời chiến tranh anh nào đi bộ đội mà đảo ngũ “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay” thì đã bị đưa ra đó để lao động cải tạo. Ba là, một cử tri bảo tôi “vô lễ”, chỉ thưa gửi “bà con” thì đàn ông chúng tôi để đâu. Tôi đáp lại ý kiến này ngắn gọn: vào đầu bài viết tôi đã có xin phép được xưng hô với các cử tri là “bà con”, đến giờ chỉ có một mình bác là phản đối thế nghĩa là tôi không được bác cho phép gọi thế, vậy tôi xin lỗi bác, còn như tiếng Việt nói “bà con” thì không chỉ có đàn bà mà không có đàn ông, nhân đây xin đọc tặng toàn thể bà con trong hội trường này hai câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ “Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá / Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Khi tan cuộc, một người chuyển cho tôi mảnh giấy đề:
Tặng ông: Phạm Xuân Nguyên
Ai cũng hiểu, ít người không hiểu
Nghĩ làm chi, cho bận tấm lòng
Bởi thơ, văn, lĩnh vực riêng tầm
Ai cũng hiểu, ít người không hiểu
(Phạm Thị Chúc, số 5 Quang Trung)
Tôi đã gặp chị Chúc cám ơn chị đã chia sẻ và tặng chị bài viết “Tôi muốn thành miệng và tai”.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét