Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

PUTIN và TÀI PHIỆT NGA

 


VN sắp có Thủ tướng mới. Post lại Tút này, bởi nghe một số Đảng viên râm ran hy vọng: Nga đã có Putin Đại úy, Ta sắp có Putin Trung tướng!

PUTIN và TÀI PHIỆT NGA

Có hai cột mốc đáng chú ý trong lịch sử nước Nga đương đại. Thứ nhất: tháng 4-1985, Mikhail Gorbachev lần đầu tiên nói đến chính sách Perestroika (tái cấu trúc) và Glasnost (công khai). Hai chủ trương mang tính “cách mạng” này đã dẫn Liên Xô đến sự tan rã. Thứ hai: năm 1994 Anatoly Chubais tiến hành chương trình tư hữu hóa.

Sự kiện thứ hai là hậu quả trực tiếp của sự kiện thứ nhất và cả hai sự kiện đưa đến sự ra đời một nhóm tài phiệt, tạo ra cái mà báo chí phương Tây gọi là “Mafia đỏ”. Chỉ đến thời Putin, sự lũng đoạn của nhóm Oligarch (tập đoàn đầu sỏ chính trị - thuật ngữ chính trị học thời Hi Lạp cổ đại) mới bắt đầu bị hạn chế...

Năm 1989, ở Liên Xô chỉ có 2% người dân sống dưới mức nghèo khó, ở cấp độ 2 đô la/ ngày. 10 năm sau, con số này tăng lên tới ¼ đân số và hơn 40% người Nga sống với số tiền chưa tới 4 đô la/ngày. Công nghiệp Nga sản xuất ít hơn 60% sản phẩm so với 10 năm trước. Thậm chí số lượng gia súc cũng giảm một nửa. Và khoảng 70% GDP chảy qua tài khoản của các Đại gia xuất thân từ cấp thấp thời Liên Xô cũ.

Có 6 nhân vật không quen biết nhau nhưng đều có điểm chung: tận dụng kẽ hở thời Perestroika và Glasnost để chiếm quyền lực và tiền tài. Bốn người trong số đó - Smolensky, Khodorkovsky, Berezovsky và Gusinsky - đã trở thành trùm tài phiệt, làm giàu trong bóng tối với những quan hệ chính trị mờ ám và biến Boris Yeltsin thành công cụ của mình. Hai người còn lại - Luzhkov và Chubais - trở thành những chính khách quyền lực. Tại một ”nước Nga mới” thời Mikhail Gorbachev và sau đó là Boris Yeltsin, có quá nhiều khoảng trống - trong hệ thống chính trị lẫn kinh tế - để sáu nhân vật trên lợi dụng. Kẽ hở trong hệ thống chính trị là nơi lý tưởng cho các Mafia Đỏ khai thác vỉa mạch tài sản quốc gia. Giai đoạn này, Roman Abramovich- Ông chủ Chelsea sau này- chưa có “số má” gì để có thể bầu bạn của nhóm Berezovsky.

Làm ăn tại một môi trường luật pháp không rõ ràng và tham nhũng khá phổ biến như nước Nga thời mới cải cách là một cuộc chiến bí hiểm ghê rợn. Để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi người kinh doanh phải biết luồn lách và xác lập mối quan hệ với quyền lực chính trị. Điều này càng trở nên rõ nét hơn ở các nhà tài phiệt. Kỳ vọng các nhà đại tư bản Đỏ liên minh với các Đảng viên cao cấp, cộng lực thực hiện các chiến lược Vì Nước-Vì Dân là một ảo tưởng lớn.

Năm 2000, ông Vladimir Putin bước vào điện Kremlin với lời hứa với Boris Yeltsin - Lão tiền nhiệm nghiện rượu nhưng giỏi chọn người- : “Giữ gìn nước Nga” và “miển mọi trách nhiệm của Boris Yeltsin đối với tình hình tệ hại của đất nước”. Các trùm tài phiệt chia thành hai nhóm đối lập gay gắt. Roman Abramovich, Alisher Usmanov và Oleg Deripaska là những cánh chim đầu đàn của nhóm ủng hộ. Trong khi đó, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky và Gusinsky lại là hạt nhân của phe quyết tâm hạ bệ Putin và thay bằng một kẻ khác “dễ bảo”. Cuộc chiến giữa quyền lực chính trị và tài phiệt đã nổ ra. Tổng thống Nga không chỉ biết trừng trị các nhà tài phiệt lũng đoạn đất nước bằng “nắm đấm thép” mà còn khéo léo chìa “bàn tay nhung” cho những người nào thực tâm muốn phục vụ cho nhà nước và nhân dân như Roman Abramovich, Oleg Deripaska hay Alisher Usmanov. Ông cũng liên tục gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức tài chánh lớn như Hội đồng Do thái, một tổ chức đầy quyền lực và được kính trọng ở Nga cũng như trên toàn thế giới. Đây là một trong những nền tảng giúp Vladimir Putin mạnh tay thực hiện cải cách. Kết quả là nền kinh tế Nga vượt qua được khủng hoảng, niềm tin được khôi phục nhưng gây nên những thiệt hại to lớn cho các ông trùm.

Thao túng và lũng đoạn kinh tế quốc gia, các Đại gia có khả năng thọc sâu vào hệ thống quyền lực chính trị với sự chống lưng của các quan chức cao cấp, hình thành các nhóm lợi ích. Những bài học của nước Nga khi được soi rọi lại vào giai đoạn thập niên 1990 sẽ chẳng bao giờ cũ, càng không cũ với một số nước cũng đang vật lộn với cơ chế chuyển đổi và khi mà nền kinh tế quốc gia bắt đầu bị thâu tóm bởi những nhóm thế lực ngầm...

Dẩu khác xa về quy mô và độ phức hợp của nội hàm, phần lớn các Nhà Tài phiệt Đỏ Việt Nam hiện nay cũng đi lên từ các chiêu lũng đoạn chính sách Nhà nước hệt Mafia Đỏ Nga. Nhận diện họ không khó. Bạn chỉ cần quan sát lộ trình hình thành và triển khai chính sách của các quan chức Đảng đương quyền là thấy lâu đài Tài phiệt. Trọc phú và Quan tham thường thích đàn đúm cùng nhau. Bởi vậy, trong thời buổi này, đừng ngạc nhiên khi các Đại gia hảnh tiến tuyên bố với nhân dân như Lãnh tụ, như Bề trên, các Quan chức thì giải mã hiện tượng xã hội, giải thích chính sách như kẻ tâm thần phân liệt.

(NLT biên tập từ nhiều nguồn tư liệu).

Không có nhận xét nào: