Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

LÀNG TÔI - LÀNG CÓT

Cây si cổ thụ cùng bệ thờ trước Miếu Chợ (ảnh chụp năm 1950)
 

Nguyễn Minh Vũ


Làng tôi

Thời xưa

Làng tôi có tên nôm là Làng Cót

Nằm trải dài bên hữu ngạn sông Tô.

Đất địa linh nhân kiệt tự ngàn xưa

Là một trong tứ danh hương nổi tiếng

.

Làng tôi xưa gọi là Kẻ Cót, là một trong những làng cổ, cùng nhiều làng cổ khác, nằm bao quanh đất Kinh Kỳ, được gọi là Kẻ Chợ. Ngoài Kẻ Cót, còn Kẻ Bưởi, Kẻ Noi, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc…Tháng 3 – 1978, khi nạo vét sông Tô Lịch, đào được ở địa phận làng Cót một quan tài làm bằng cả một đoạn cây to khoét rỗng, các nhà khảo cổ đoán định có tuổi khoảng đầu Công Nguyên. Rồi có truyền thuyết vào thời nhà Tiền Lý (544 – 578), nhà vua đã cho lập thành lũy bên bờ sông Tô để chống quân nhà Lương, chứng tích còn lại là miếu Quan Hoa và miếu Xóm Hậu thờ 2 công chúa con vua Lý Nam Đế là Vạn Phúc phu nhân và Tứ Nàng Phu nhân. Làng trải dài bên bờ sông Tô Lịch, bên kia sông là làng Láng có ngôi chùa lớn, cổ kính, được xây dựng từ thời nhà Hậu Lý. Sông Tô, chùa Láng gắn liền với truyền thuyết nhà sư Đại Điên đã cắm chiếc gậy xuống dòng sông, bắt nó chạy ngược dòng về phiá chùa Láng để đấu phép với nhà sư Từ Đạo Hạnh. Một minh chứng nữa nói lên làng tôi được lập muộn nhất là từ thời nhà Lý, thời của “tam giáo đồng lưu”, nghĩa là thời nhà vua coi trọng cả 3 đạo (Đạo Nho, Đạo Phật, Đạo Lão), là ở làng tôi có cả đình, chùa, Văn chỉ và miếu, những 3 miếu, trong đó Miếu Chợ ở ngay đầu làng thờ đức Cao Sơn Hiển ứng đại vương, một trong bốn vị thần trấn thành Thăng Long. Theo tài liệu của họ Nguyễn được Unesco công nhận, thần húy là Nguyễn Hiển, là một danh tướng thời Hùng Vương thứ 18, là anh em họ với thần Tản Viên, húy là Nguyễn Tuấn.

Phía trước miếu, xế về bên trái, ngay cạnh bờ sông Tô, một cấy si cổ thụ hàng mấy trăm năm tuổi đứng soi mình bên dòng nước. Hàng mấy chục rễ phụ to tày bắp vế cắm sâu xuống đất giúp cho cây càng thêm vững chãi. Một bàn thờ bằng gạch xây gần sát gốc cây trên đặt chiếc bát hương không mấy khi tắt khói bay quấn quýt. Quanh thân cây, bao chiếc bình vôi nhỏ được đặt trên bàn thờ, được treo trên cây, khiến cho cây mang một vẻ thiêng liêng huyền bí. Tuần rằm mùng một, hoặc mỗi khi gặp điều khổ não, các bà, các chị thường ra đây thắp hương khấn vái. Sát gốc cây có dăm bậc gạch được xây không biết tự bao giờ, vài ba bậc được ngâm ngay dưới dòng nước, được gọi là “Cầu gạch”. Thường ngày, kẻ qua người lại, hay rẽ xuống cầu rửa chân cho mát, vừa rửa vừa trao đổi chuyện trò. Những buổi chiều hè nóng nực, bọn trẻ Xóm Chợ thường rủ nhau ra sông tắm, một số đứa nghịch ngợm trèo lên cây, rồi nhảy ùm xuống nước bơi đuổi nhau hoặc té nước vào nhau, tiếng la hét, reo cười vang động cả một khúc sông.

Con đường đất phía trước miếu chỉ rộng chừng 3, 4 mét, bên trái đường cho đến bờ sông là một bãi đất hoang, cỏ mọc lơ thơ, bên phải là dăm bảy nhà ở với hàng rào cây, có nhà trồng dâm bụt, có nhà trồng ô-rô, có nhà trồng duối; cấy duối có quả nhỏ như hạt ngô, khi chín vàng có vị ngọt ngọt chua chua. Một ngõ nhỏ ngăn cách mấy nhà này với trường học hàng xã (École communale) có khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông. Trường là một ngôi nhà ngói hai gian rộng rãi, nền cao, phía trước có hiên nhìn ra một chiếc sân rộng, giữa sân có trồng hai cây bàng. Bàng có tán rộng, che mát những ngày hè, lại có quả, khi chín, bọn học sinh nhỏ hay tranh nhau nhặt ăn; nhưng bàng lại có nhiều sâu róm, khi sâu rơi vào người, chỗ tiếp xúc sẽ bị hàng chục chiếc lông mảnh cắm vào, gây cảm giác nóng rát, rất khó chịu. Đằng sau trường là một bãi đất trống, nơi bọn học sinh thỉnh thoảng tổ chức đá bóng. Trường không có tường quây, chỉ có một hàng rào cây lúp xúp; riêng ở hai bên cổng trường có mấy cây táo, mấy cây cọ. Kỳ thi hương cuối cùng được tổ chức năm 1919, thì năm 1923 trường hàng xã làng tôi được xây. Gọi là trường hàng xã (École communale) chứ không gọi là trường kiêm bị (École primaire) vì trường chỉ có 3 lớp là lớp Đồng ấu (cours Enfantin), lớp Dự bị (cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (cours Elémentaire), như bây giờ thì sẽ được gọi là trường tiểu học bán cấp.

Năm 1937, khi tôi theo học, trường có 3 lớp như nói trên với tổng số khoảng bốn năm chục học sinh, song chỉ có một thầy giáo là thầy Thơm, người làng Hà Trì, thuộc Hà Đông cũ, dạy kiêm cả 3 lớp. Thầy Thơm dáng đậm người, tứ thời chỉ có chiếc áo thâm, chiếc quần cháo lòng, đeo kính lão; song thầy hiền lành tốt tính, không bao giờ phạt học trò, lại có giọng giảng bài ấm áp, nên học trò rất thương và quý thầy. Sáng nào thầy cũng đạp chiếc xe cũ đến trường, trưa ở lại trường, chiều lại đạp xe về nhà. Buổi trưa, lớp Sơ đẳng cử một học sinh ra chợ đem về cho thầy một xuất cơm đã được đặt trước, kèm cút rượu, bìa đậu phụ, đĩa mắm tôm.

Trước Cách mạng chỉ một trường

Ba lớp học ghép, ăn lương một thầy.

Tôi còn nhớ trong chương trình học lớp Sơ đẳng có bài thơ “Viếng cụ nghè Vân Đình” của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khóc bạn là cụ nghè Dương Khuê, người xã Vân Đình:

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

……

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan

Khi giảng bài này, nước mắt thầy rơi lã chã, giọng đứt đoạn, nức nở từng cơn khiến cả lớp chúng tôi cũng nức nở theo thầy.

Gần như đối diện với trường hàng xã, phía bên kia đường là dinh cơ của 2 gia đình, giáp với bãi đất hoang đã nói ở trên. Hai dinh cơ này khá bề thế, một của gia đình ông Cai Kham, một của gia đình ông Tham Khách với đặc điểm là có căn nhà gác mái bằng, quét vôi màu đỏ gạch. Những năm 30 - 40 thế kỷ trước, xây nhà gác phải là gia đình rất giầu có, có lẽ ông Tham Khách là người đầu tiên ở làng Cót xây nhà gác; sau ông ít lâu là gia đình ông Hai Chú và gia đình ông Hai Thọ. Trước CM Tháng Tám đó là 3 căn nhà gác duy nhất của cả làng.

Không rõ ngày xưa có cổng làng hay không, nhưng đến những năm 30 thế kỷ trước, gần sát Miếu Chợ, ở hai bên con đường dẫn vào làng vẫn còn 2 cột trụ cao, có lẽ là dấu tích còn sót lại của cổng làng, mãi sau này mới bị phá bỏ. Con đường trục xuyên qua làng hầu như vẫn ngoằn ngoèo, vẫn chỉ rộng cỡ 5 , 6 mét như ngày nay, có khác chăng là ngày trước phần giữa đường được lát gạch nghiêng, chỉ rộng hơn 1 mét, 2 bên là đất, cỏ mọc lưa thưa, sát lề đường là rãnh thoát nước rêu phong từng đám, ruồi muỗi hàng đàn. Quả là cảnh bùn lầy nước đọng. Theo phong tục xưa, mỗi cô gái làng lấy chồng thiên hạ phải nộp cho làng vài trăm đến một ngàn viên gạch chỉ để lát đường. Hai bên đường trục này là khu chợ có mái che, kéo dài khoảng 20 mét, có các quầy hàng bán thịt, bán hàng khô, bán rau quả tươi, lại có cả quầy bán các loại quà như bún ốc, bánh cuốn đậu rán… Bánh cuốn đậu rán của bà Cả Đương rất thơm, rất ngon, những ngày nghỉ dân thành phố hay rủ nhau về ăn. Đậu phụ được xắt nghiêng thành miếng dài, thả vào một chảo mỡ đầy, nở phồng lên, vàng ươm, được vớt ra đặt trên vỉ cho ráo mỡ, rồi được gắp vào đĩa có rắc hành hoa thái nhỏ, đặt bên cạnh đĩa bánh cuốn mỡ màng và bát nước chấm được pha chế, có nêm đường, tỏi, ớt. Riêng phiên chợ Tết hằng năm vào ngày 24 tháng chạp âm lịch, thì được họp ở bãi đất hoang đầu làng, ven sông Tô. Dân tứ xứ đem hàng về bán rất đông, lá dong, đỗ xanh, gạo nếp, tranh Đông Hồ, khánh đất nung, bùa ngũ sắc... Dọc theo đường trục đi sâu vào làng khoảng 300 mét, bên trái có nhà thờ họ Nguyễn Vân Sơn, kế đến nhà thờ họ Hoàng; đi quá một chút, bên phải đường là một căn nhà thấp lợp ngói ta - nhà Hội đồng xã - nơi hội họp, làm việc của chính quyền xã, gồm lý trưởng, phó lý, trưởng bạ, thủ quỹ, trương tuần và của Hội đồng kỳ mục gồm chánh phó hội cùng các ông nhiêu, ông xã. Hiện nay căn nhà này đã bị phá, lấy đất xây nhà cao tầng, do Hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Gần cuối làng, cạnh đường trục có một giếng khơi, có hàng chục bậc gạch từ trên bờ đến sát miệng giếng, ngày trước quá nửa làng ăn nước của giếng này; bên kia giếng là chùa làng, tên là chùa Ngọc Quán,

có quả chuông lớn được đúc từ thời Cảnh Thịnh (1800), cạnh giếng là Miếu Chùa thờ đức Mộc Đức Tinh quân đại vương. Tục truyền Mộc Đức Tinh quân đại vương vốn là một cây gỗ hóa thần, được dân làng xây miếu thờ; điều này cũng nói lên rằng làng đã được lập từ lâu lắm, từ thời dân còn có tục thờ vật tổ như gốc cây, tảng đá…

Miếu Chùa sau trùng tu

Miếu Chùa cũng là nơi thờ đức Tràng Hán Anh linh Đại tướng quân. Người là dân bản thổ, húy là Nguyễn Phúc Trường, sinh vào cuối đời Cảnh Hưng, tương truyền có sức khỏe phi thường. Giỗ ngài nhằm ngày 5 – 5 âm lịch, trùng với tết Đoan ngọ. Đường trục làng kết thúc bên một bãi tha ma gọi là bãi Mả Cẵng; từ đây nối vào đường Đồng Bông nằm xuyên qua đồng, dẫn đến các làng Đình Thôn, Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Phú Đô…đến tận Đại Mỗ.

Đi từ đầu làng vào, gần đến nhà thờ họ Nguyễn Vân Sơn, có một ngõ rẽ bên trái, cũng được lát gạch nghiêng, ngõ này dẫn đến đình làng, nơi thờ Đức Thành hoàng, đồng thời cũng là nơi bàn việc làng, bổ thuế, thu thuế, phạt vạ…Đặc biệt, Thành Hoàng làng Cót gồm tất cả các thần thờ ở các miếu, những 3 miếu. Hằng năm cứ đến ngày 12 – 2 âm lịch, ngày Hội làng, lại có lễ rước bài vị các thần từ miếu về đình; đến hôm 15, rã hội, lại rước các bài vị trở về các miếu. Trong mấy ngày hội, có lễ tế thần, hát cửa đình, hát chèo, có tổ chức các trò chơi dân gian ở sân đình như chọi gà, thả chim…các trò cờ bạc như tổ tôm, thò lò, xóc đĩa, chẵn lẻ…Sau này các trò cờ bạc bị cấm, sau lễ tế thần Ban tổ chức lễ hội thêm vào màn lễ dâng hương của Hội Phụ nữ , của các dòng họ.

Đình làng Cót mới trùng tu năm 2009

Gần đình còn có Văn Chỉ, nơi thờ đức Khổng tử, ông tổ đạo Nho, cạnh Văn Chỉ là Miếu Cả. Miếu Cả thờ đức Diêm La Anh Đoán đại vương và đức Hoàng Cung Chinh thục Phu nhân (vốn người họ Doãn, giỗ ngày 23 – 4 âm lịch) tiếp giáp với Bãi Tre, vốn là một bãi đất hoang rộng mấp mô. Phía tây Bãi Tre là một ao lớn, tên là Ao Cầu, với một cầu gạch; trên bờ ao có xây một gian nhà nhỏ cho đám thợ cầy, thợ cấy vào đó nghỉ ngơi, sau khi đã xuống cầu gạch rửa mặt mũi chân tay cho sạch và mát. Cạnh Ao Cầu là Ao Cậy, rộng không kém, là ao thả cá có thả chông chà để chống bắt trộm cá; một dải đất trồng tre, rộng cỡ 2, 3 mét ngăn cách hai ao. Ao Cầu là ao hàng xã, còn Ao Cậy là ao của cụ Huyện Tiên. Vào những năm 30 thế kỷ trước, làng Cót có 2 quan huyện là quan huyện Tiên (Tiên Du, Bắc Ninh), húy là Hoàng Tài, và quan huyện Thủy (Thủy Nguyên, Hải Phòng), húy là Hoàng Văn Hanh. Gần 2 ao có ngôi mộ lớn, thường được gọi là Mả Vua, chính là mộ đức Hoàng cung Chinh thục Phu nhân. Hiện cả 2 ao đều đã bị lấp, không còn dấu vết, còn Mả Vua được họ Doãn trùng tu, xây tường bao quanh, xây bệ thờ, hằng năm cúng tế. Bốn họ đến định cư sớm nhất, lập nên Làng Cót xưa, là các họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn. Về sau, có thêm nhiều họ khác như các họ Kim, họ Trần, họ Viết, họ Công…Có điều lạ là con trai các họ Kim, họ Viết, họ Công lại ghi tên là Nguyễn Kim…, Nguyễn Viết…, Nguyễn Công…ví dụ Nguyễn Công Căng; còn con gái thì lại ghi là Kim thị…, Viết thị…, Công thị…, ví dụ Công thị Nhớn.

Thời xưa, làng khá hẹp. Phía Nam, đi hết trường hàng xã là đã đến ven làng. Một con đường đất ngoằn ngoèo bò đến sát mặt tiền của Đình làng, Văn Chỉ, Miếu Cả, đến Bãi Tre, Ao Cầu…làm ranh giới phía Nam. Đường ven sau Chùa, sau nhà ông Cả Dương kéo đến bãi tha ma Mả Cẵng là ranh giới phía Tây. Cũng một con đường đất nhỏ bé, ngoằn ngoèo gần như trùng với phố Hoa Bằng hiện nay là ranh giới phía Bắc. Ranh giới phía Đông chính là con đường đất ven sông Tô Lịch. Các con đường đất ven làng xưa đều nhỏ hẹp, quanh co, bẩn thỉu. Đặc biệt con đường Sau Chùa và con đường sát cánh đồng Mỏ Quang là 2 cái chuồng xí khổng lồ. Ngày xưa không hề có nhà xí gia đình, dân làng tất thảy đều mò ra ven đồng phía Tây và phía Bắc để “xả nỗi lòng”. Trước CM, dân số chỉ khoảng dăm ngàn, chính quyền hàng xã chỉ dăm người gồm lý trưởng, phó lý, trưởng bạ, thủ quỹ, trương tuần. Hội đồng kỳ mục gồm chánh hội, phó hội và các ông nhiêu, ông xã.; các ông này bỏ tiền ra mua lấy chức nhiêu, xã để khỏi làm chân bạch đinh, khỏi phải chịu cảnh phu phen, tạp dịch quanh năm. Ruộng làng chủ yếu là ruộng tư của các gia đình, người nhiều ruộng nhất cũng chỉ có khoảng chục mẫu, còn lại là ruộng công của xã và ruộng của các dòng họ.

Từ xưa, làng tôi vốn nhiều ruộng ở nhiều cánh đồng khác nhau, gần làng như Đồng Bông, Cửa Hàng, Mỏ Quang, xa hơn như Đìa Lơ, Đồng Thuyền, Gúm…Nhiều giống lúa ngon đã được trồng như nếp cái hoa vàng, tám thơm, di hương; đáng tiếc là giống ngon thì sản lượng lại thấp, nên cho đến nay hầu như các giống lúa ngon đã bị tuyệt chủng hay bị lai tạp. Ngày xưa, nhà tôi hễ nấu cơm gạo tám ở dưới bếp cách nhà trên một sân gạch rộng, khi cơm chín, ngồi ở nhà trên cũng ngửi thấy mùi thơm nức mũi, khác hẳn các loại gạo tám thơm ngày nay, đứng ở cửa bếp cũng chẳng ngửi thấy mùi thơm. Ngày mùa lúa chín được quảy về kìn kìn, xếp kín một góc sân gạch; ăn cơm tối xong mới bắt đầu đập lúa; đập xong thóc được vun vào giữa sân, còn rơm được rải đều quanh sân cho trâu kéo con lăn, trục lấy nốt những hạt thóc còn dính ở rơm, thóc này lép, thường chỉ dùng nuôi gà vịt. Hôm sau, một bộ phận ra đồng gặt tiếp, một bộ phận ở nhà tãi thóc, tãi rơm ra phơi cho khô. Cứ khoảng từ nửa giờ đến một giờ, lại phải dùng bàn trang đảo thóc, dùng sào gảy rơm, cho khô đều. Thóc khô được đổ vào cót quây tròn đặt trong buồng để ăn dần, một số được chọn đổ vào kiệu làm thóc giống dùng cho vụ sau. Còn rơm khô được đánh thành đống ở cuối vườn, phần để đun, phần để cho trâu ăn khi vào mùa đông hiếm cỏ. Rơm lúa nếp màu xanh xanh, thơm mùi lúa mới, thường được dùng bện chổi, gọi là chổi lúa; lại còn được dùng trải ổ rơm thay đệm chống rét những đêm đông lạnh lẽo.

Làng tôi vốn có truyền thống hiếu học, có xây Văn Chỉ thờ Đức thánh Khổng và các bậc tiên hiền, có mấy mẫu ruộng gọi là “học điền” dành cấp cho các gia đình có con học giỏi đỗ cao. Ngày xưa cảnh vợ vất vả cầy cấy nuôi chồng đèn sách học hành không hiếm; sử sách đã ghi Làng Cót có 11 tiến sĩ tên tuổi được khắc trên bia đá ở Văn Miếu. Cụ Hoàng Quán Chi là người khai khoa cho cả huyện, đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) đời vua Trần Thuận Tông, sau đó có cụ Nguyễn Như Uyên cũng đỗ tiến sĩ, khai khoa cho họ Nguyễn Như, còn số cử nhân có hàng mấy chục người. Vì thế, Làng Cót mới vinh dự được xếp là một trong 5 Làng khoa bảng, một trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót), 4 làng có truyền thống hiếu học của Thăng Long – Hà Nội xưa. Khi thực dân Pháp sang đô hộ nước ta, chữ Nho suy tàn được thay thế dần bằng chữ quốc ngữ, trong cả nước hình thành “lớp người chuyển tiếp”, bỏ chữ Nho học chữ quốc ngữ, thành danh nhờ chữ quốc ngữ, điển hình là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký…rồi đến Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm, Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ). Làng Cót cũng có một “lớp người chuyển tiếp”, tiêu biểu là Hoàng Tạo (Hóa Dân), Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng), Nguyễn Hữu Văn (Giản Chi). Các cụ đều có những công trình biên khảo, những sáng tác văn học giá trị lưu lại cho hậu thế, nên tên một số cụ đã được chọn để đặt tên phố, như phố Nguyễn Văn Ngọc, phố Phan Kế Bính, phố Dương Quảng Hàm…đặc biệt cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm được đánh giá là nhà văn hóa lớn, tên được chọn để đặt tên cho một phố của phường Yên Hòa ngày nay là phố Hoa Bằng.

Bên cạnh nghề chính là nghề làm ruộng, làng còn có thêm nghề làm vàng thoi, vàng lá và nghề hàng xáo. Làm vàng thoi phải mua nứa, đem về ngâm xuống ao cho ngấm nước, cưa thành từng ống dài cỡ 8cm, rồi chẻ thành nan, từng nan được đưa vào khuôn bẻ thành thoi. Giấy bản nhuộm vàng bằng hoa hòe được cắt thành từng tờ hình vuông, đặt chéo thoi nan vào giữa tờ giấy, gấp tứ phía, dùng hồ dán chặt giấy vào thoi. Xếp 100 thoi vàng sát nhau, lấy lạt buộc chặt lại, được 1 thếp vàng; lại xếp 10 thếp sát nhau thành chồng, buộc chặt, được một cây vàng (1000 thoi vàng) thường có dán thêm hoa văn bằng giấy trang kim, để bán. Làm vàng lá thì khác. Đi chợ Bưởi mua giấy bản có khổ rộng cỡ 25cm – 25cm, đến nhà chú khách ở Cầu Giấy, bên bờ sông Tô Lịch, mua giấy thiếc mỏng khổ nhỏ 5cm – 5cm (chú khách này độc quyền chế tác loại giấy thiếc này, nhà ở của chú ở ven sông Tô, gần đầu cầu, trên Đường Láng, nay đã biến mất hoàn toàn không còn chút dấu vết nào) đem về dán mỗi tờ giấy thiếc vào chính giữa một tờ giấy bản; một số tờ giấy bản có dán giấy thiếc này được quét thêm một lớp nước hoa hòe màu vàng, được gọi là “tờ áo”; mỗi “chỉ vàng lá” gồm 9 tờ giấy bản có dán giấy thiếc và 1 tờ có quét nước hoa hòe màu vàng đặt bên trên. Làm hàng mã, ví dụ làm con ngựa giấy, thì trước hết phải chẻ nứa làm nan, đan phôi hình ngựa, rồi dùng giấy màu và giấy trang kim dán lên phôi cho kín, dán thêm mắt, tai, đuôi. Đồ hàng mã tiêu thụ quanh năm, song mạnh nhất là vào ngày rầm tháng bảy âm lịch, ngày “xá tội vong nhân”. Còn làm nghề hàng xáo thì phải đong lúa, đem về phơi khô quạt sạch, xay, giã lấy gạo và tấm, cám đem bán; tóm lại là đong lúa bán gạo và tấm cám, lấy tiền chênh lệch làm lãi. Ba nghề này lờ lãi ít, vất vả mà cũng khó đủ ăn.

Khoảng từ những năm 30 thế kỷ trước, bên cạnh các nghề trên, làng Cót có thêm nghề nhuộm giấy màu thuê.Giấy mộc trắng được nhập từ Pháp về Hà Nội thành từng súc 500 tờ, gọi là một ram giấy, diện tích thường là 65cm – 100cm, phẩm nhuộm các màu cũng được nhập từ Pháp. Người nhuộm thuê nhận giấy mộc và phẩm nhuộm đem về nhuộm thành giấy màu, rồi đem trả, lấy công nhuộm. Muốn nhuộm giấy phải đắp lò than dài cỡ 1,2 mét, rộng cỡ 0,8 mét, phía trên úp một tấm tôn hoa được gọi là “mui lò”. Giấy mộc trắng được nhúng vào bồn chứa phẩm màu hòa với nước, sau đó tờ giấy được kéo đều trên mặt một ống xiết để gạt bớt nước phẩm lại cho đều - đây là động tác kỹ thuật khó nhất - rồi mới đặt tờ giấy đã nhuộm lên mặt cái mui vài giây cho khô, nhặt bỏ ra. Mỗi lò cần 2 người, một thợ chính đứng kéo giấy, một thợ phụ đứng chờ giấy khô, nhặt bỏ ra. Thợ phụ còn có nhiệm vụ chọc lò thêm than khi lò bị nguội. Tối đến, giấy đã nhuộm được xếp ngay ngắn, rồi được bó thành từng bó, sẵn sàng để sáng hôm sau thuê người đem xe bò đưa ra phố trả, lấy công, đồng thời lĩnh giấy mộc và phẩm nhuộm mới. Nhuộm giấy như vậy cũng vất vả, đứng bên lò than cả ngày rất nóng, lại hít phải khí than độc hại, song lờ lãi rất khá, hơn hẳn các nghề khác. Không rõ nghề này xuất xứ từ đâu, song nhập vào Làng Cót khoảng năm 1930, có mấy gia đình làm nghề náy là gia đình ông Cửu Chu, ông Phó Vận, ông Hai Chú, ông Hai Thọ, bà Trưởng Đức…Gia đình tôi cũng làm thêm nghề này bên cạnh nghề làm ruộng, nhờ đó cải thiện được đời sống, tậu thêm ruộng đất, xây thêm nhà cửa.

Còn một nghề nữa lãi cao hơn song ít người dám làm vì nguy hiểm là nghề nấu rượu lậu. Thời Pháp thuộc, nhà nước bảo hộ độc quyền kinh doanh nấu rượu, gọi là rượu ty. Theo quy định, mỗi xã phải nhận một lượng rượu ty về bán cho dân, số lượng tính theo đầu người, do lý trưởng chịu trách nhiệm. Do dân chê rượu ty nhạt và “sóc”, lại đắt, thích rượu lậu rẻ mà êm, nên nghề nấu rượu lậu vẫn sống dai dẳng, mặc dù biết nấu rượu lậu là nguy hiểm. Luật định ai nấu rượu lậu bị phạt rất nặng, đến khuynh gia bại sản, lại bị bỏ tù nữa, còn ai biết có người nấu rượu lậu, đi báo quan, sẽ được thưởng, cho nên có những gia đình thù nhau, lén bỏ bã rượu vào vườn nhà nhau rồi đi báo quan, vừa báo được thù, vừa được lĩnh thưởng. Lại một nghề nữa, nghề ăn trộm. Trước Cách Mạng Tháng Tám, trong làng chỉ có 2 người hành nghề này, ai cũng biết, song không ai dám báo quan vì không có chứng cớ, vả lại cũng sợ bị họ trả thù, nên họ vẫn sống thong dong.

Thời xưa chưa có ngân hàng, cần vốn để cầy cấy, buôn bán thì phải đi vay lãi.Theo truyền tụng, làng chỉ có 2 cụ bà làm nghề cho vay lãi, làm giầu nhờ nghề này, tậu ruộng tậu đất, dựng nhà ngói cây mít. Đến khoảng những năm 40 thế kỷ trước thêm nghề cầm cái họ (miền Namgọi là chơi hụi). Nhà cái phải là người có gia sản đảm bảo, có tín nhiệm cao trong làng xã. Nhà cái chọn những người làm ăn đúng đắn mà cần vốn, rủ chơi họ, ví dụ rủ 10 người chơi một bát họ 1000 đồng trong 10 tháng. Mỗi tháng họp họ 1 lần, ai cần tiền thì mua họ, giá mua phải thấp hơn 1000 đồng, ai mua giá thấp nhất thì được mua tháng ấy, ví dụ 950 đồng; như vậy lãi chung là 50 đồng, chia đều cho các nhà, mỗi nhà được lãi 5 đồng; nhà cái phải dùng tiền riêng trả ngay 950 đồng cho người mua được; sau đó phải đến từng nhà thu tiền họ, mỗi người 100 đồng trừ lãi còn 95 đồng. Riêng nhà cái thì không phải đóng tiền họ, bù lại phải vất vả hàng tháng đi thu tiền họ, mời họp họ, lo thết đãi chè nước, xôi chè hoặc cháo gà…Tháng sau lại họp, lại có người khác cần tiền, mua họ, cứ thế cho đến lúc kết họ sau 10 tháng. Quan trọng nhất là phải biết chọn người đúng đắn, có máu mặt, mời chơi họ; nếu chọn nhầm, gặp phải kẻ chầy bửa, mua họ sớm rồi chạy làng, thì nhà cái phải bỏ tiền túi ra đền họ. Không may, gặp dăm kẻ chạy làng thì vỡ họ (vỡ hụi). Chơi họ thực chất cũng là một cách giúp nhau có vốn làm ăn mà chỉ chịu lãi nhẹ.

Như vậy, trước CM Tháng Tám, làng Cót là một làng văn hiến, trọng việc học, có Văn chỉ, có cả trường học lại cũng trọng nghề nông. Làng tương đối giầu có, nhiều ruộng, ngoài nghề chính là nghề nông còn có nhiều nghề phụ, như trên đã kể. Sau này do thời thế đổi thay, nhất là từ khi làng đổi thành phường, nhiều nghề phụ cũ bị mai một, nhiều ngành nghề kinh doanh mới được hình thành và phát triển, trong đó nghề phụ cũ duy nhất còn sót lại phát triển mạnh là nghề làm vàng mã, đến mức làng Cót mang danh là “làng vàng mã”!

Thời tạm chiếm

(1946 – 1954)

Cuối thế kỷ 19, nước ta bị đế quốc Pháp xâm lược, chia cắt nước ta thành 3 “Kỳ” với các chế độ cai trị khác nhau. Liên tiếp xuất hiện các phong trào yêu nước, nổ ra các cuộc khởi nghĩa hô hào, tập hợp nhân dân nổi dậy chống ách đô hộ của thực dân Pháp, song đều thất bại. Khởi đầu là phong trào Văn Thân (Phan đình Phùng ở Trung kỳ, Nguyễn thiện Thuật ở Bắc kỳ…), phong trào Đông Du (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…), phong trào Đông Kinh Nghĩa thục (cụ Lương văn Can làm thục trưởng), khởi nghĩa Yên Thế với Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Thái Nguyên với Đội Cấn, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng với Nguyễn Thái Học…Năm 1939 xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đức xâm chiếm Pháp; ở Việt Nam, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp (9 – 3 – 1945). Lợi dụng thời cơ thuận lợi, Đảng CS tập hợp quần chúng, làm cuộc cách mạng dân tộc (CM Tháng Tám, 19 – 8 – 1945), giành độc lập cho đất nước.

Lúc này lực lượng Đảng CS còn non yếu, trên cả nước mới có khoảng 5 nghìn đảng viên; mặt khác thế giới còn kỳ thị với chủ nghĩa cộng sản, nên Đảng CS tạm rút vào bí mật, lấy tên là “Đảng Lao Động”, đưa ra khẩu hiệu Đại đoàn kết toàn dân, kêu gọi các nhân sĩ trí thức cùng chung tay lo việc nước, sớm tiến hành tổng tuyển cử. Nhân dân cũng như các nhân sĩ thí thức đang hân hoan vui sướng được làm dân một nước độc lập, sẵn sàng hưởng ứng. Ngày 19 – 8 – 1945 cách mạng thành công ở Hà Nội, thì ngày 2 – 9 chính phủ lâm thời ra mắt ở quảng trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam �Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Lâm thời được thành lập, bao gồm các nhân sĩ trí thức yêu nước của cả 3 miền, như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Vũ Văn Hiền…Ngày 6 – 1 – 1946, tổ chức tổng tuyển cử, cuộc bầu cử đầu tiên cũng là cuộc bầu cử thực sự duy nhất được toàn dân thật lòng nhiệt liệt hưởng ứng, hồ hởi đi bầu, sau đó thành lập Chính phủ Liên hiệp, bên cạnh các đảng viên CS và các nhân sĩ trí thức, còn có một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng và đảng Đại Việt (Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh…), theo chân quân Tầu vào giải giáp quân Nhật ở miền Bắc, đe dọa đến mưu đồ độc chiếm quyền bính của Đảng CS, nên chỉ trong vòng dăm tháng năm 1946, các cơ sở của các đảng này bị triệt phá, hầu hết các lãnh tụ của các đảng này bị tiêu diệt, vài người sống sót trốn chạy sang Tầu sống lưu vong cho đến lúc chết, còn ở miền Nam là quân Anh; quân Pháp núp theo sau, tiến vào với dã tâm muốn trở lại đô hộ nước ta, buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp suốt 9 năm (1946 – 1954).

Ở làng Cót, sau CM Tháng Tám, một nhân sĩ là ông Hoàng Tạo (tục danh ông Giáo Bịu) được mời ra làm chủ tịch Ủy ban Hành chính, đã tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động do chính phủ đề ra là tăng gia sản xuất, lập Hũ gạo tiết kiệm để chống giặc đói, mở các lớp Bình dân học vụ để chống giặc dốt, thành lập các đơn vị tự vệ, lập trường võ bị Trần Quốc Tuấn để chống giặc ngoại xâm, mở Tuần lễ vàng để quyên góp vàng lập quỹ cho chính phủ chi dùng. Nhiều gia đình tư sản cúng hàng trăm lạng vàng như gia đình ông Trịnh Văn Bô, ông Ngô Tử Hạ ở Hà Nội, gia đình bà Nguyễn thị Năm tức Cát Hanh Long, ông Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng. Khi nổ ra toàn quốc kháng chiến (19 – 12 – 1946) chống thực dân Pháp, chính phủ ta bỏ Hà Nội lánh lên Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ thực hiện “vườn không nhà trống”, nhiều gia đình đã tự tay châm lửa đốt nhà trước khi đi tản cư, gia đình tôi cũng vậy. Một thời gian sau, do túng đói, nhiều nhà buộc phải hồi cư, song những kỷ niệm đẹp đẽ về những ngày hào hùng được sống trong không khí độc lập vẫn còn in đậm trong tâm trí. Pháp lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, rồi lập tề ở các làng ven nội, tung bọn chỉ điểm đi dò la tin tức, tung quân đi chiếm đóng một số tỉnh và thành phố khác. Cũng như nhiều làng khác, làng Cót cũng lập đội Biệt Động, diệt tề trừ gian, tiến tới lập chính quyền kháng chiến ngay trong lòng địch, lập thế“ngày địch đêm ta”. Cũng lại một nhân sĩ khác, ông Nguyễn Trọng Mai (thường gọi ông Giáo Mai), được mời làm chủ tịch Ủy ban Hành chính – Kháng chiến của xã Song Yên, gồm 2 làng Yên Hòa và Yên Quyết. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà cách mạng ở nước ta là những nhà giáo vì các nhà giáo thường giầu lòng yêu nước, lại có tri thức, có tiết tháo. Nên nhớ rằng chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân đều là các nhà giáo. Các trường học dần dần được mở cửa, các nghề truyền thống được phục hồi: làm ruộng, làm hàng xáo, làm vàng mã, nhuộm giấy màu…cuộc sống dần ổn định. Tuy nhiên do sống trong cảnh “ngày địch đêm ta” nên dân chúng luôn nơm nớp lo âu, kinh tế chậm phát triển. Báo chí ngày nào cũng đăng tin tức chiến tranh với các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Trung du, chiến dịch Đồng bằng. Người ta rỉ tai nhau những tin tức bí mật về những chiến tích của“Hùm xám Đường 4”Đặng Văn Việt, nỗi kinh hoàng của quân Pháp, về chiến thắng biên giới, binh đoàn Charton – Le Page bị tiêu diệt, về các chiến dịch Trung du, chiến dịch Đồng bằng nhổ nhiều đồn bốt Pháp…về những cuộc càn quét của quân đội Pháp, những cuộc vây bắt của cảnh sát. Chủ tịch Nguyễn Trọng Mai bị bắt giam ở Nhà Tiền…xã ủy của làng Cót và quận trưởng quận Hoàn Long lần lượt bị đội Biệt Động trừ khử, trên ngực có ghim bản cáo trạng, kết tội là Việt gian bán nước…Rồi báo chí đưa tin Pháp lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Navarre lên tiếng thách thức tướng Giáp tấn công ĐBP. Từ tháng 3 đến tháng 5 – 1954, báo chí liên tục đưa tin về ĐBP…lần lượt đồn Him Lam, đồn Độc Lập, đồn Bản Kéo bị hạ…sân bay Hồng Cúm bị chiếm. Máy bay Pháp ngày nào cũng cất cánh, chở đồ tiếp tế cho quân của đại tá De Castriesở Mường Thanh. Để khích lệ quan quân, chính phủ Pháp thăng chức cho De Castries làm thiếu tướng, thả dù mang theo quân hàm cấp tướng cho De Castries, không may dù lạc, bay sang trận địa ta. Cuối cùng, ngày 7 – 5 – 1954, quân Pháp kéo cờ trắng, lũ lượt kéo nhau ra hàng, dẫn đầu là tướng De Castries! Các bài hát Qua miền Tây Bắc, Chiến thắng Điện Biên…lập tức được truyền về làng, người ta bí mật dạy nhau hát, bí mật loan tin cho nhau về hội nghị Genève. Rồi hiệp định Genève được ký kết không phản ánh đúng cục diện cuôc chiến lúc ấy. Các nước lớn (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc) đã mật đàm với nhau sau lưng ta, buộc ta phải tuân theo ý họ. Nước ta bị tạm thời chia cắt làm 2 miền, phái đoàn ta đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm ranh giới, song họ buộc ta phải chấp nhận vĩ tuyến 17; sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do nhằm thống nhất đất nước. Thỏa thuận này rất hợp ý Liên Xô, nhất là Trung Quốc, họ muốn miền Bắc nước ta trở thành khu đệm giữa 2 phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, như thường được gọi sau này là “tiền đồn” của phe xã hội chủ nghĩa ở phương Đông, còn ở phương Tây là Đông Đức. Chẳng ai ngờ rằng phải 21 năm, sau khi đã tiến hành một cuộc chiến tranh được gọi là “chống Mỹ cứu nước”, thực chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 phe, với bao mất mát đau thương nước ta mới được thống nhất, trong khi người dân Đức chẳng cần đánh nhau mà nước Đức vẫn đi đến thống nhất, và ngày nay trở thành một quốc gia hùng mạnh. Thực tế cho thấy nước Mỹ không hề có dã tâm xâm chiếm, họ chỉ đến giúp đỡ các nước khôi phục kinh tế sau chiến tranh rồi đặt quan hệ ngoại giao, thương mại, như họ đã giúp các nước Tây Âu, giúp nước Nhật sau Thế chiến II (1939 – 1945). Họ ở lại Nhật, đến miền Nam nước ta chỉ nhằm ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa Cộng Sản. Đảng CSVN phát động chiến tranh vì sợ để 2 miền phát triển kinh tế, kiến thiết xã hội trong hòa bình, ắt nhân dân sẽ so sánh chế độ xã hội ở 2 miền, thấy rõ ở đâu có dân chủ, có tự do, dẫn đến hậu quả nguy hiểm.

Ở miền Bắc, đa số dân chúng vui mừng, hồ hởi chờ đón ngày quân Pháp lên tầu biển rút đi hết, trong khi một bộ phận băn khoăn cân nhắc giữa ở và đi, rồi cuối cùng quyết tâm rời bỏ làng xã, xuống tầu há mồm theo chân quân Pháp di tản vào miền Nam. Những người ra đi chủ yếu là công chức, trí thức sợ Cộng sản, là người công giáo “đi theo Chúa” vì bị tuyên truyền là Chúa đã bỏ vào Nam. Đây là một cuộc chia ly rất đau lòng, nhiều cuộc tình bị dang dở; nhiều gia đình bị chia cắt, nhưng khổ tâm nhất là về sau nhiều trường hợp biến thành những người đứng ở 2 chiến tuyến đối địch, đối địch về tư tưởng, về ý thức hệ, không sao hàn gắn được. Ở làng Cót cũng vậy, điển hình là ông phán Nguyễn Hữu Văn, ông giáo Doãn Quốc Sỹ


Không có nhận xét nào: