Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

ĐẶNG VĂN VIỆT: MỘT HUYỀN THOẠI & MỘT BI KỊCH



“Có loại người chết thực, mặc dù không có tang lễ linh đình, nhưng tiếng thơm để lại muôn đời. Những người chết ấy, vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân nước họ, có khi cho cả nhân loại, vì những cống hiến, những công tích của họ với đất nước, với nhân loại. Họ là những con người bất tử” - Đặng Văn Việt

***

Nhìn tờ cáo phó cụ Đặng Văn Việt - huyền thoại cuối cùng của QĐND Việt Nam - mới thấy, Tổng Cục Chính trị Việt Nam đã không còn ai biết làm chính trị (trừ khi họ không biết gì về lịch sử QĐND Việt Nam). Họ đã lạnh lùng, đối xử với cụ Đặng Văn Việt một cách hành chánh theo cấp bậc Trung tá thay vì đối xử với vị "Trung đoàn trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam".

Nếu trong Quân đội còn có những người biết làm chính trị và hiểu biết lịch sử Quân đội, chắc chắn Tang lễ của cụ Đặng Văn Việt sẽ được tổ chức như một sự kiện trang trọng hơn phần lớn các tang lễ sau Lễ tang Tướng Giáp.

Thay vì phó thác cho Gia đình, Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã rất đúng khi đứng ra tổ chức Lễ tang cho Cụ Đặng Văn Việt [1920-2021, sinh tại làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An].

Lễ viếng vào lúc 7:30, ngày 27-9-2021 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Lễ truy điệu và đưa tang vào lúc 8:45 cùng ngày. Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội làm Trưởng ban Lễ tang.

Truong Huy San

 

***


HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ 4

Cách đây mấy năm, tôi đã mong muốn rằng có một nhà báo nào đó yêu lịch sử sẽ làm một cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Việt. Cuộc phỏng vấn sẽ ở khía cạnh thu thập những thông tin lịch sử một cách chân thực. Và ngay cả khi những thông tin của cuộc phỏng vấn sẽ được tạm chưa công bố vì “thời điểm chưa thích hợp”, thì một cuộc phỏng vấn như vậy vẫn nên làm. Vì ông Đặng Văn Việt thuộc loại duy nhất của thế hệ cũ còn lại cho tới ngày hôm nay. Ông Đặng Văn Việt hẳn là biết rất nhiều chuyện, và ông ấy dường như còn minh mẫn cho tới cuối đời. Tiếc thay, điều đó không thực hiện được. Trung đoàn trưởng Cao Bắc Lạng đã ra đi ở tuổi 102 vào lúc 0h55’ sáng ngày 25 tháng 9 năm 2021 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.

Nay xin đăng lại bài viết này của 5 năm trước. Ngay cả trước đây và sắp tới sẽ có rất nhiều bài viết về Con Hùm Xám Đường Số 4. Nhưng coi như qua mỗi bài viết của nhiều người, độc giả sẽ thu thập được một vài thông tin khác nhau, để hiểu và biết rõ hơn về nhân vật lịch sử này.

=== *** ===

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, mở màn trận Đông Khê để đánh chiếm thị xã Cao Bằng. Sử sách có thể coi đây là trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận chiến này kết thúc ngày 7 tháng 10 năm 1950, tiêu diệt hai binh đoàn Pháp đi lạc đường trong khu vực Cốc Xá. Trong trận này, tướng Giáp đã dẫn một đội lính 10.000 quân để đánh nhau với 260 lính Pháp. Kết quả phía Việt Nam bị thương vong tới 500 lính mới chiếm được Đông Khê.

Tuy nhiên trước đó, ngày 25 tháng 5 năm 1950, đã có một chiến thắng Đông Khê nhưng không được sử sách nhắc tới. Điều này đã gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu quân sự quốc tế. Trận chiến này xác nhận sự xuất hiện của một nhân tài quân sự của Việt Nam : Trung đoàn trưởng trung đoàn Cao Bắc Lạng (Trung đoàn 174) Đặng Văn Việt.

Sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Cha ông là Đặng Văn Hướng, tổng đốc Nghệ An của chính phủ Trần Trọng Kim.

Thuở nhỏ, khi theo cha sang Pháp công tác, Đặng Văn Việt học 4 năm tại trường Lycée de la Providence. Khi về nước, ông học thêm 4 năm nữa tại trường Trung học Khải Định. Sau khi đỗ tú tài toàn phần năm 1942, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.

Mùng 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, trường Y khoa phải đóng cửa, ông cùng một số bạn hữu trở về Huế, tham gia khóa huấn luyện của Đoàn Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh.

Ngày 21 tháng 8 năm 1945, ông cùng bạn học Cao Pha được giao nhiệm vụ trèo lên treo cờ Việt Minh ở cửa Ngọ Môn, Đại nội Huế. Mấy hôm sau, trong buổi lễ Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời, ông nghe viên chỉ huy đội cận vệ Hoàng gia kể lại, ngày 21-8, khi ông và đồng đội đang trên kỳ đài treo cờ, nhóm lính Hoàng gia từ nơi mai phục đã sẵn sàng nổ súng sát hại hai người, cũng may Bảo Đại kịp phát hiện và ngăn lại.

Năm 1947, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4.

Năm 1948, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Ông đã chỉ huy quân đội Việt Minh hoạt động dọc tuyến đường số 4. Và do những chiến tích lẫy lừng trên con đường này, đặc biệt với các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe cơ giới quân sự Pháp, nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng ông là "Đệ tứ lộ Đại vương", còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như "Hùm xám đường số 4" (le Tigre gris de la RC4), "tiểu tướng Napoléon" (mon petit Napoléon).

Khi Trung đoàn 174 chủ lực được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1949, trên cơ sở hợp nhất lực lượng của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 72 (Bắc Cạn), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn); ông được cử làm Trung đoàn trưởng đầu tiên và Chu Huy Mân làm chính ủy đầu tiên.

Sau chiến thắng Đông Khê 1950, không may cho Đặng Văn Việt là sau đó Việt Minh cho phép quân Pháp được đưa máy bay lên sân bay Thất Khê để tản thương một số thương binh của họ trong trận Cao Bằng. Đại tá quân y Pháp Huard, trưởng đoàn đón thương binh, bước xuống sân bay Thất Khê trong bộ đồ dân sự. Trước kia, ông Huard có dạy cho sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Vì thế khi trông thấy ông thì một số bác sĩ quân y của Việt Minh trước kia từng là học trò của Huard, hiện đang chăm sóc các thương binh Pháp đang nằm chờ tại sân bay, đã ùa tới chào hỏi ông thầy. Sau đó họ kéo một người học trò cũ đến giới thiệu với Huard rằng đó là cựu sinh viên Y khoa đang giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 174. Huard vui vẻ rủ người học trò cũ theo trực thăng tản thương về Hà Nội thăm lại phố phường, rồi sáng hôm sau sẽ theo đoàn trực thăng tản thương trở lại Thất Khê. Người Tiểu đoàn trưởng bảo rằng anh ta chỉ về với điều kiện mặc nguyên bộ đồ bộ đội và được công khai dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm. Huard chấp thuận. Thế là anh ta xin phép Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt rồi nhảy lên phi cơ trước sự đùa vui của bạn bè. Sáng hôm sau anh ta trở lại Thất Khê.

Nhưng sau đó Chu Huy Mân báo cáo chuyện này cho Tướng Giáp. Võ Nguyên Giáp báo lại cho Hồ Chí Minh, và Hồ Chí Minh ra lệnh xử bắn ngay vì tội mất lập trường. Lệnh xử bắn do Chu Huy Mân thi hành và toán xử bắn là quân lính của Đặng Văn Việt. Sau khi bắn xong thì toán hành quyết buông súng, chạy tới ôm thây vị chỉ huy của mình khóc thảm thiết. Riêng Đặng Văn Việt bị cách chức Trung đoàn trưởng và bị cho đi cải tạo chỉnh huấn. Từ đó tên tuổi Đặng Văn Việt biến mất trong các tài liệu quân sử của Việt Nam.

Do “chủ nghĩa thành phần”, cuộc đời Đặng Văn Việt phải chịu nhiều thiệt thòi. Ông đã phải rời quân ngũ trước chiến dịch Điện Biên và mãi đeo lon trung tá, sống trong căn phòng diện tích 15m2. Trong khi viên Chính uỷ Trung đoàn 174 (Chu Huy Mân) của ông lên tới chức Đại tướng, Phó Chủ tịch nước!

Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện Quốc phòng, năm 2001, phát biểu: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia, mặc dầu anh chỉ là Trung tá. Anh còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng. Tôi xin ngả mũ trước cuộc đời yêu nước, oan khiên của cụ Đặng Văn Hướng và cuộc đời anh”. Nhiều cơ quan đã đề nghị Chủ tịch nước phong Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông. Đặc biệt, Đại tá anh hùng La Văn Cầu đã gửi thư đề nghị, có đoạn: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần”!!

Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, cũng vì vụ kỷ luật mà Đặng Văn Việt bị đưa ra khỏi nhiệm vụ chỉ huy, sau đó cho ra khỏi quân đội. Nhờ vậy mà ông thoát chết trong vụ xử các sĩ quan chỉ huy vào năm 1953. Nếu Đặng Văn Việt còn chỉ huy quân đội thì chắc chắn bị xử tử vì ông là sĩ quan tốt nghiệp Khóa 1 trường Lục quân Trần Quốc Tuấn của Đại Việt Quốc Dân Đảng (Theo tùy bút của Trương Đăng Đệ); lại là con của Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng. Năm 1953, gia đình của Đặng Văn Việt bị quy là “Đại địa chủ, cường hào gian ác”, ông Đặng Văn Hướng bị đấu tố cho đến chết (Hồi ký của Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành). Lúc đó nếu Đặng Văn Việt còn giữ chức vụ chỉ huy trong quân đội, ông sẽ bị xử vì tội là kẻ thù của giai cấp mà lại tìm cách leo cao, luồn sâu trong Đảng để phá hoại(!)

Nguyễn Mạnh Hiệp  · 




 

 Phan Lặng Yên:

Trong Đại Thanh Trừng, Stalin loại bỏ 13/15 chỉ huy tập đoàn quân, 50/57 quân đoàn trưởng, 154/186 sư đoàn trưởng.

Vắt chanh bỏ vỏ, buổi đầu các chỉ huy phần lớn đều con nhà gia thế, chí ít cũng tầm trung, và ít nhiều có chút tư duy/tri thức, nên chắc chắn là kẻ thù hay kẻ thù tiềm năng của chế độ. Nên "dùng xong" bị thanh trừng một cách Có Hệ Thống - làm theo đúng cẩm nang, dưới sự chỉ đạo của ông hay nước mắt và các tòng zhì bên kia biên giới, đơn giản vậy thôi.

Trước đó thì thanh niên "yêu nước" Hà Nội (vốn hiểu biết hơn dân tỉnh lẻ) cũng được gom lại thành đoàn Tây Tiến, lên rừng đánh nhau với muỗi (Pháp nào trên đó) để sốt rét chết tuốt hết.

 

 


4 nhận xét:

Sơn Vũ nói...

Không thể tin nổi, họ lại táng tận lương tâm đến như thế!
"Anh Hùng - con trai cụ và chị Hồng - con dâu cụ cách đây một ngày đã nước mắt ngắn dài kể lại: anh chị đề nghị Tổ dân phố đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mình thì bị từ chối; gặp Hội Cựu chiến binh, cũng bị lắc đầu… Rồi ở nhà tang lễ BQP, họ đòi hỏi phải có các giấy tờ cần thiết, thì không tìm thấy…" trích trong stt.
Té ra, cái gọi là "uống nước nhớ nguồn" hay "ăn quả nhớ người trồng cây" với Họ chỉ là, và luôn là sáo ngữ, là giả dối!

Nguyễn Anh Tuấn nói...

THỬ THÁCH CUỐI CÙNG ĐỐI VỚI CỤ ĐẶNG VĂN VIỆT

Tang lễ “vị tướng của lòng dân” Đặng Văn Việt đã diễn ra một cách long trọng và ấm cúng, vào sáng 27/9/2021 tại nhà tang lễ Bộ QP 5 Trần Thánh Tông.
Nhưng, chắc ít người biết, khi đã quy tiên, cụ Việt còn gặp một “thử thách” không ngờ. Anh Hùng - con trai cụ và chị Hồng - con dâu cụ cách đây một ngày đã nước mắt ngắn dài kể lại: anh chị đề nghị Tổ dân phố đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mình thì bị từ chối; gặp Hội Cựu chiến binh, cũng bị lắc đầu… Rồi ở nhà tang lễ BQP, họ đòi hỏi phải có các giấy tờ cần thiết, thì không tìm thấy… Chị Hồng than khóc cả đêm: “Bố tôi sao khổ thế, chết rồi còn khổ…” Cũng may, anh chị đã sực nhớ tới những người làm sách “Việt Nam - Bản hùng ca giữ nước” của Trung tâm văn hóa Tràng An - nơi đã có quan hệ nhiều năm với cụ, nhờ họ giúp… May sao, năm trước, khi mời cụ Việt đi Huế, chúng tôi đã giữ giấy tờ của cụ để mua vé tàu - trong đó có giấy chứng nhận 65 năm tuổi Đảng… Anh em Văn hóa Tràng An đã viết điếu văn cho cụ, chuẩn bị lễ tang, chuẩn bị sách của cụ tặng những người tới viếng… Và sát nút ngày giờ tang lễ, Trung đoàn 174, Sư 316, Hội đồng hương Nghệ An cũng kịp thời liên hệ với những người tổ chức tang lễ…
Công Ty TNHH ứng dụng khoa học giáo dục khởi nghiệp - đơn vị đồng tổ chức xuất bản và phát hành cuốn sách lớn cuối đời của cụ: “Việt Nam - Bản hùng ca giữ nước” đã có nhã ý tặng Tang lễ 500 cuốn sách này. Và có lẽ, đây là tang lễ duy nhất từ trước tới nay có tổ chức tặng sách quý của người đã mất cho khách viếng ngay tại lễ tang!
Dưới suối vàng, chắc hẳn cụ Việt cũng đang mỉm cười!

Menras André nói...

Menras André

Texte en français suit.
Tôi thật đau buồn được tin cụ Đặng Văn Việt từ trần. Người bạn quý ấy, mỗi lần ghé Hà Nội tôi đều đến thăm. Lần chót chúng tôi gặp nhau là ngày 19 tháng hai 2018. Dưới đây, tôi xin trích lại những dòng ghi chép của tôi sau cuộc hội ngộ cuối cùng ấy.
« Vẫn ngổ ngáo và niềm nở như mọi khi. Ông cưỡi cái xe ba bánh che bạt chạy bằng điện quà tặng của bạn bè. Bộ quần áo xám nhạt, hoen ố, gắn huy hiệu Võ Nguyên Giáp, mũ cát két xanh sẫm.
Chúng tôi ôm nhau. « Menras, năm nay tôi trăm tuổi rồi đấy ! ».
Nhà 125 phố Minh Khai, Hà Nội. Cuối ngõ nhỏ, một cái sân bao quanh bởi mấy chung cư xập xệ. Ông đậu cái xe ba bánh ở dưới sân, nhiều khi để luôn cả cái cặp đựng tài liệu trên xe, dẫn tôi leo cầu thang, dọc theo những bức tường cũ ký loang lổ, lên lầu ba, tới tấm cửa sắt của « BT 205 » (BT là… Biệt Thự đấy !). Hai căn phòng nhỏ ở cuối một hành lang hẹp.
Ông pha trà. Rót rươu vào một chén nhỏ.
Năm năm liền, ông viết một cuốn sách về lịch sử quân sự Việt Nam, nhưng việc xuất bản gặp phải những chướng ngại hành chính và chính trị. Viện Lịch sử Quân sự vừa xuất bản bộ Quân sử 15 tập. Một công dân cá thể không thể công bố một bộ sử như vậy được, đó là công việc của một viện, của Đảng… ». Một nữ bác sĩ đã hứa đóng góp tài chính để xuất bản cuốn sách của ông, và nói chỉ cần chỉnh sửa đôi chút là cuốn sách có thể nhận được một giải thưởng quốc tế. Ông cũng tin chắc như vậy. Đến giờ ăn, chúng tôi thận trọng từng bậc bước xuống cầu thang, đợi taxi đến đón chúng tôi tới tiệm ăn mà ông gọi là « bít tết Napoléon ». Tôi mượn cửa hàng bên kia đường một cái ghế nhựa để ông ngồi đợi. Ông ngồi chờ ở góc phố, đợi mãi taxi vẫn chưa tới, ông đứng dậy, leo lên ngồi trên cái xe mô tô đậu gần đó. Quán Napoléon đóng cửa nghỉ tết.

Menras André nói...

Tới quán Lục Thủy gần hồ Gươm, chúng tôi ngồi bàn ngoài hè. Ông nhận xét « Việt Nam đang phát triển ». Vào bữa, ông làm một đĩa « T bone steak » nhập từ New Zealand và kiên trì chiến đấu tới cùng, chỉ ngừng vài lần để cụng ly rượu vang đỏ Chilê. Chúng tôi kết thúc bữa ăn bằng ly kem và một cốc « Irish Coffee ». Người chiến sĩ mang đầy thương tích trên người ấy có thể đọ sức với mọi tướng lĩnh bụng phệ trên thế gian này. Ông cụ mạnh khỏe, khang kiện về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần.
« Khác với chúng nó, 70 năm tuổi Đảng tôi chưa hề ăn cắp một xu nào của nhân dân ». Thời khóa biểu hàng ngày của ông ? « Sáng dậy, một giờ thể dục. Sau đó đi nhảy và ăn sáng, một giờ rưỡi… Cả ngày viết sách, rồi một giờ học tiếng Anh ».
« Cảm ơn chú đã mời tôi tham gia cuốn phim của Đào Thanh Tùng « André Menras : một người Việt ». Thế là hình ảnh tôi được lưu trữ trong kho của Quân đội », ông cả cười. « Đảng này đang cản trở sự phát triển của đất nước. Khuất phục Trung Quốc. Tôi là một người lính bị bỏ quên. Không phải nhân dân, mà là lãnh đạo bỏ quên ».