Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

NGÔN TỪ, CÂU THƠ, BÀI THƠ TRẦN MẠNH HẢO NHẤT KHÔNG CÓ TRONG TUYỂN TẬP THƠ TRẦN MẠNH HẢO

 


PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Đọc văn xuôi, truyện, kí sự, ngay cả đọc lí luận Mikhail Bakhtin, Milan Kundera tôi có thể đọc một mạch cả tập sách dày. Nhưng mở tập thơ trước mắt, mỗi lần tôi chỉ đọc được hai, ba bài mới có thể nhận ra cảm hứng, ý tứ bài thơ, mới được sung sướng đến run lên khi nhận ra một từ quen thuộc, bình thường bỗng được tài năng nhà thơ mang lại một giá trị mới mẻ bất ngờ. Nhưng đọc liền một lúc đến bài thơ thứ tư, thứ năm, dù có đọc đến vài lần cũng chẳng hiểu đọc gì.
Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo, 480 trang khổ 16 X 24 cm, nặng tới 1, 2 kg, 563 bài thơ, có bài là cả một chương trường ca, 120 câu thơ, tôi đã nhấm nháp từ tuần này sang tuần khác trong tiết thu dịu dàng và bâng khuâng. Mỗi bài thơ đều dẫn tôi vào một ngóc ngách thế giới tâm hồn, đều có một phát hiện mới mẻ, bất ngờ về thế giới sâu kín, âm thầm và lung linh, đã mang lại cho tôi sự háo hức. Nhưng đọc gần hết Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo tôi bỗng thừ người ra như bỗng nhận ra vừa bị mất vật gì quí giá và không muốn đọc tiếp nữa.
Các nhà thơ đích thực đều rất tài hoa.
Như tài hoa Xuân Diệu ở thế hệ trước:
Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay đi đến người thương cách trùng
Dạ hương thơm nức lạ lùng
Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương.
Như tài hoa Đồng Đức Bốn thế hệ sau:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Lửa rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một cánh diều
Củ khoai nướng cả buổi chiều thành than.
Tôi phải viết rõ nhà thơ đích thực đều tài hoa vì hiện nay các hội văn chương lớn, hội văn chương nhỏ, hội nước, hội tỉnh, có hàng ngàn người tự xưng nhà thơ hoặc được hội văn chương lớn nhỏ phong danh nhà thơ, mỗi người đều có cả chục tập vè được gọi là tác phẩm thơ nhưng không tìm được một câu thơ thì không thể là nhà thơ đích thực, không thể là tài hoa.
Nhà thơ đích thực đều tài hoa. Nhưng rất ít nhà thơ có được sự sắc sảo triết luận, có được tầm khái quát tư duy như tư duy sắc sảo Chế Lan Viên:
Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt biển anh ơi
Tâm hồn anh là của đời một nửa
Một nửa kia cũng lại của đời.
Trần Mạnh Hảo là nhà thơ cùng trang lứa với tôi, cùng là lính đi qua suốt cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Một trang lứa bị lịch sử thí bỏ. Những đầu xanh tuổi trẻ đang học năm cuối trung học, năm đầu đại học đã bị ném vào ngọn lửa chiến tranh. Không được học hành đến nơi đến chốn mà Trần Mạnh Hảo lại có được cả hai đặc trưng của trí tuệ và tài năng hiếm hoi và quí giá: tài hoa và sắc sảo. Mà sắc sảo mới làm nên cái khác người, cái hơn người, cái Trần Mạnh Hảo nhất. Nhưng Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo lại loại bỏ mất những chữ, những câu, những bài thơ sắc sảo Trần Mạnh Hảo.
Trần Mạnh Hảo đọc tin về cái chết của nhà văn lừng lững tài năng, lừng lững lòng tự trọng và lừng lững cả nỗi khát khao tự do sáng tạo Nguyên Hồng, cùng với việc hàng ngày phải chứng kiến tận mắt những xác chết trương phềnh của những người dân đói khát tự do vượt biển đi tìm tự do bị bão biển, sóng vùi, xô dạt đến trước trại sáng tác văn chương mà Trần Mạnh Hảo đang hì hục sáng tác.
Cái chết của nhà văn đã viết hàng ngàn trang tiểu thuyết tái hiện đời sống xã hội, khái quát số phận nhân dân ở một thời lịch sử đau đớn, nhà văn lớn của một thời đại lớn mà báo Nhân Dân, tờ báo chính thống của đảng cầm quyền và nhà nước đương quyền đưa tin vô cùng ghẻ lạnh, hắt hủi, bạc bẽo. Nhà văn lừng lững Nguyên Hồng còn bị đối xử như vậy thì những linh hồn trôi dạt tấp vào bãi biển như những nhân vật khốn cùng trong trang sách Nguyên Hồng, những linh hồn nhân dân vô danh và cả linh hồn những nhà văn đang hì hục viết để định hình mình rồi sẽ ra sao? Lập tức cảm xúc mạnh mẽ và chân thực của Trần Mạnh Hảo tràn ra trang viết. Bài thơ Cho Một Nhà Văn Nằm Xuống (Khóc Nguyên Hồng) với lời đề tựa: Kính tặng hương hồn anh nguyên Hồng và hương hồn lũ chúng ta:
Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé
Báo đăng tin buồn:
Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất
Không có quê hương
Không một dòng sự nghiệp
Đưa tin về cái chết của nhà văn lớn của nhân dân, của văn học Việt Nam mà không quê hương, “không một dòng sự nghiệp” thì còn gì hắt hủi, nhẫn tâm hơn! Động lòng trắc ẩn, Trần Mạnh Hảo an ủi Nguyên Hồng cũng là tự an ủi mình:
Thôi thế là may
Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng.
Dù chỉ vài chữ sõng sượt, cho có, sơ sài, vô cảm, dù chỉ một góc bé xíu “bằng bàn tay đứa bé” nhưng vẫn là góc bé xíu trên báo đảng, vẫn còn được đảng nhìn nhận.
Cái tài hoa của Trần Mạnh Hảo là mở ra nội hàm mới mẻ, rộng lớn cho chữ “chôn” xưa cũ, nhẵn lì, hạn hẹp. Thời hiện đại, cái chết không phải chỉ chôn trong lòng đất mà còn phải có thủ tục chôn trên trang báo và chôn trên trang báo còn hệ trọng, cần thiết hơn cả chôn trong lòng đất. Vì chôn trên báo còn là sự xác nhận vị trí xã hội con người vừa đi qua cuộc đời. Chữ “chôn” trong “Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng” mở ra một khái niệm rộng lớn và nặng trĩu hồn người cho một từ cũ kĩ, trơ lì.
Cái sắc sảo của Trần Mạnh Hảo là ở chữ ‘báo đảng”. Báo đảng đưa tin về cái chết thì cái chết đó mới có sự nhìn nhận của đảng. Báo của tổ chức quần chúng đưa tin thì chỉ là sự nhìn nhận của quần chúng mà thôi, không phải là sự nhìn nhận của đảng, của chính thống, của nhà nước. Vì vậy mà đứa em Trần Mạnh Hảo vuốt mắt cho người Anh Nguyên Hồng:
Thôi thế là may
Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng.
Vào kho lưu trữ Google gõ tên bài thơ và tên người viết, màn hình laptop sẽ hiện lên rất nhiều văn bản bài thơ Khóc Nguyên Hồng đều có lời đề từ “Kính tặng hương hồn anh Nguyên Hồng và hương hồn lũ chúng ta” và câu thơ “Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng”. Nhưng trong Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo, có bài thơ Khóc Nguyên Hồng, Cho Một Nhà Văn Nằm Xuống nhưng không còn lời đề tặng “hương hồn lũ chúng ta” và cả từ “đảng” sắc sảo của Trần Mạnh Hảo, xác nhận sự nhìn nhận của đảng với nhà văn của tâm hồn Việt Nam, của văn hoá Việt Nam cũng không còn nữa.
Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé
Báo đăng tin buồn:
Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất
Không có quê hương
Không một dòng sự nghiệp
Thôi thế là may
Vẫn còn một chỗ chôn trên báo
Bỏ từ “đảng” không những bỏ đi sự sắc sảo và sự trung thực của Trần Mạnh Hảo, bỏ đi một sự thật mà còn bỏ đi cả sự nhìn nhận của đảng cầm quyền và nhà nước đương quyền với nhà văn Nguyên Hồng!
Không phải chỉ những câu, những chữ rất Trần Mạnh Hảo bị loại bỏ khỏi Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo. Nhiều bài thơ rất sắc sảo Trần Mạnh Hảo cũng không có trong tuyển tập đời thơ Trần Mạnh Hảo như bài thơ Bài Ca Sự Thật dưới đây. Một bài thơ rất hay, rất sắc sảo và có tầm trí tuệ, tầm thế sự rất lớn.
TRẦN MẠNH HẢO
BÀI CA SỰ THẬT
Sự thật của tôi
Sự thật của anh
Sự thật của chúng ta
Sự thật của mọi người
Nhân loại có bao thời
Sự thật bị thiêu trên giàn lửa
Bruno ơi trái đất vẫn tròn
Mà chân lí nghìn sau còn trả giá
Lịch sử quê hương tôi
Người nói thẳng đã có thời chết chém
Nhưng đất nước
Vẫn đi tìm sự thật
Trong câu hát có mồ hôi nước mắt
Có con nghê đá đầu đình cười cợt các triều vua
Có thằng Bờm chẳng tin lời hứa hão
Cái quạt mo không để phú ông lừa
Vua Hùng ơi, Người đi tìm sự thật
Bằng cách ngày đầu năm xuống ruộng cày bừa.
Bao triều đại vua đổ vì ưa nói dối
Muốn nói gian làm quan mà nói
Sự thật giấu trong nhà dân đen
Sự thật từng vật vờ đi ăn mày đầu đường xó chợ
Sự thật làm anh hề, chú mõ
Sự thật như nàng Thị Kính oan khiên
Sự thật trốn vào ngụ ngôn, ngạn ngữ, sấm truyền
Sự thật có khi mượn Xuý Vân mà giả dại
Sự thật chiếc lá bay qua bao thời đại
Bay về đây Trời nổi can qua . . .
Cám ơn đất nước tôi
Những ngày này Người đến trao sự thật
Vĩnh biệt chú Cuội
Vĩnh biệt thành tích ma, báo cáo láo thành thần
Bệnh hình thức gọi sai tên sự thật
Người đói phải nói lời no
Vị đắng sao lại kêu là mật?
Vĩnh biệt khái nệm quét vôi và tử giã nước sơn
Đạo đức dính trên đầu môi chót lưỡi
Xin vĩnh biệt những bóng ma cơ hội
Những cái đầu già cỗi tự bên trong
Những con mắt nhìn người bằng bóng tối
Có nhận ra tia nắng mới trong lòng?
Thời đại đổi và tư duy đã đổi
Hình thức với nội dung
Việc làm và lời nói
Niềm tin và chủ nghĩa xã hội
Sự thật ơi, sự thật vốn hai chiều.
Tôi là người tập yêu sự thật
Tập nghe nên có lúc ù tai
Tập nhìn nên chói mắt
Đất nước đổi thay
Cơn đau đẻ những dòng sông quằn quại!
Hạt thóc và hạt máu có bao giờ nói dối
Bốn nghìn năm dân tộc tôi
Đi từ bờ bên kia
Đến bờ bên này của sự thật
Để mỗi con người hôm nay trên mặt đất
Được cầm trong tay một tia nắng mặt trời
Sài Gòn 15.1.1987

Không có nhận xét nào: