Ngày 8/3/1949, sau hai năm đàm phán với Pháp thể theo lời thỉnh cầu của quốc dân trong nhiều tỉnh thành và lời kêu gọi của các tổ chức, đoàn thể, đảng phái phi cộng sản ở trong nước, Cựu hoàng Bảo Đại đã chính thức trao đổi văn thư với Tổng thống Pháp Auriol tại điện Elysée. Từ đây Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, đồng ý từ bỏ quy chế nhượng địa cùng với các ưu đãi đặc biệt cho Pháp tại ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, cũng như sáp nhập Nam Kỳ trở lại lãnh thổ Việt Nam, trong sự phản đối của Cao Miên, bằng các thủ tục hợp hiến với hiến pháp của Pháp. Hoàng Sa và Côn Đảo cũng trở về với Việt Nam sau đó.
Đất nước lại tái thống nhất, cựu hoàng Bảo Đại đã trả được một phần món nợ mà tổ tiên ngài để lại, dù còn phải đàm phán thêm 5 năm nữa đến ngày 4/6/1954 thì ông mới lấy lại được độc lập, bình đẳng hoàn toàn từ tay người Pháp.
Ở phía bên kia, mặc dù từng ký kết Hiệp định Sơ Bộ ngày 6/3/1946 đồng ý cho Pháp đem quân ra miền Bắc với chủ trương "lợi dụng thời gian hòa hoãn với Pháp mà diệt bọn phản động" (trong khi nhân dân và các đảng phái ở Nam Bộ đang kháng Pháp), cũng như đã từng gửi thư nghị hòa chỉ bốn tháng sau khi cuộc chiến với Pháp bùng nổ ở miền Bắc cuối năm 1946, và theo đuổi khẩu hiệu "Đòi độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp" một thời gian dài trong suốt cuộc kháng chiến, Việt Minh nói nền độc lập và thống nhất của Hiệp định Elysée là "giả dối", và gọi ông Bảo Đại là "bán nước", "trơ tráo", "phản động", và thề "đánh mãi" để tiêu diệt quân cướp nước và bọn bán nước buôn dân.
Và rồi ông Hồ Chí Minh cải trang bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô. Từ đây cuộc chiến bước sang một chương mới, bị quốc tế hóa với sự can dự của các cường quốc đối chỏi nhau về ý thức hệ. Hai phía của Việt Nam không còn hòa hợp với nhau được nữa.
Tuy nhiên ít ai biết rằng Cựu hoàng Bảo Đại và ông Hồ Chí Minh từng có một mối quan hệ rất tốt, và người Việt Nam ở cả hai bên đều cùng chung một mục tiêu giành độc lập cho đất nước. Chỉ vì đi khác con đường, có cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu đó, mà sinh ra đối nghịch.
Bài viết dưới đây đăng trên báo Tinh Thần tháng 3/1949 của ông Phạm Văn Bính, thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, từng theo cựu hoàng sau khi ông ra hải ngoại năm 1946, có thể cho ta một cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này.
=============================
Những Mối Liên Lạc Giữa Cựu Hoàng Bảo Đại và Ông Hồ Chí Minh
Từ khi Cựu Hoàng đặt chân lên đất Đà Lạt, thuộc lãnh thổ nước Việt Nam, dư luận trong nước xôn xao bàn tán. Rất nhiều giả thuyết được mang ra, hoặc để tuyên truyền phản động, hoặc để nâng cao giá trị sự thắng lợi trong công cuộc điều đình Việt - Pháp vừa qua, do Cựu Hoàng lĩnh đạo.
Lấy tư cách là người được gần gũi Cựu Hoàng từ năm 1946, ngay sau khi chính phủ Hồ Chí Minh yêu cầu tối cao cố vấn Vĩnh Thụy đi công tác ngoại giao tại Trùng Khánh với Tưởng Giới Thạch và Đại tướng Marshall, tôi cảm thấy đã đến lúc cần phải đưa ra một vài tài liệu để thanh minh cùng đồng bào về hành vi của Cựu Hoàng trong mấy năm gần đây.
Tôi xin nói trước tôi không phải là một phát ngôn nhân của Cựu Hoàng. Nhưng những tài liệu tôi mang ra cống hiến các bạn chỉ do một tấm lòng ngay thẳng, tôn trọng sự thật để các bạn tự ý suy xét. Ngoài ra, không có một ý gì khác, cả đến ý định làm quảng cáo cho một người mà tôi biết rất ghét những sự phỉnh phờ, và buồn bã khó chịu hết sức khi thấy ai làm.
Đối với vấn đề kháng chiến và anh em chiến sĩ kháng chiến, quan niệm của Cựu Hoàng ra sao?
Tôi xin trả lời câu hỏi đó một cách rành rọt.
Thủy chung, sau khi ra ngoại quốc, Cựu Hoàng lúc nào cũng quan tâm, lo lắng đến vấn đề kháng chiến. Hồi ở Côn Minh, Hồ Chủ tịch thường phái người đi lại thăm nom Cựu Hoàng, thơ đi thơ về rất nhiều, trong đó toàn bàn đến những vấn đề quốc sự quan trọng. Chính tôi là người được coi thơ của Hồ Chủ tịch gửi cho Cựu Hoàng, cũng như chính tôi là người được lãnh trách nhiệm mang thơ của Cựu Hoàng về trao lại cho Hồ Chủ tịch. Tiếc thay những bức thơ chính do tay Hồ Chủ tịch viết lấy gửi cho Cựu Hoàng, sau khi bị anh em Việt Minh cầm giữ tại Bắc Kạn, tôi không còn dịp trở lại Tỉnh Đảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Vân Nam để sưu tầm những tài liệu rất quý báu và rất cần thiết đó cho các sử gia cận đại nước nhà.
Tuy nhiên, tôi còn nhớ rõ hồi ấy, vào khoảng tháng 4 năm 1946, Hồ Chủ tịch đã dự tính với Cựu Hoàng một cuộc trường kỳ kháng chiến. Mặc dầu bắt tay với Sainteny và các đảng cực tả bên Pháp, Hồ Chủ tịch vẫn nơm nớp lo người Pháp không thành thực, cả đến những người Pháp hiện lúc đó đang giơ nắm tay hô lớn Hồ Chí Minh muôn năm.
Hồ Chủ tịch liền mật nhờ Cựu Hoàng điều đình với Tưởng Giới Thạch và đại tướng Marshall giúp võ khí để sẵn sàng đối phó với thời cuộc. Cựu Hoàng giao cho tôi trách nhiệm liên lạc với đại tướng Ngô Thiết Thành, Đảng trưởng Quốc dân Đảng Trung Hoa để nhờ họ Ngô làm môi giới giữa Hồ Chí Minh và Tưởng Giới Thạch cùng đại tướng Marshall.
Khi nghe tôi giải bầy tâm sự trong hơn một tiếng đồng hồ về thời cuộc Việt Nam có liên can với Trung Hoa như thế nào, họ Ngô trả lời tôi:
"Ông nói cho Cựu Hoàng biết không ai hiểu rõ Hồ Chí Minh hơn tôi. Chính tôi đã cầm tù ông ta vì tôi biết rõ ông ta là tay sai của Borodine và có nhiệm vụ nhuộm đỏ nước Tàu. Lúc này tôi có bằng chứng hẳn hoi là ông ta vẫn liên lạc mật thiết với bọn Diên An (chú thích: ĐCS TQ). Nếu chính phủ Trùng Khánh cấp khí giới cho Hồ Chí Minh, khác nào lấy súng đạn của mình để mà tự tử. Ông tưởng nước Mỹ và chúng tôi lại khờ khạo đến nước ấy hay sao?"
Cựu Hoàng liền viết thư giao tôi cầm về đưa Hồ Chủ tịch. Thư đó vắn tắt như sau:
"Việc Cụ giao cho tôi đã hoàn toàn thất bại. Bọn Tưởng Giới Thạch, Ngô Thiết Thành, và Marshall vẫn còn nghi Cụ là người của Nga-Sô nên không chịu giúp võ khí. Tôi tưởng lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta có bổn phận để Tổ quốc lên trên đảng phái và phải biết lựa gió phất cờ mới mong củng cố được Độc lập cho nước nhà. Chúng ta phải tỏ cho các cường quốc biết rõ chúng ta chỉ là quốc-gia thuần túy, không thiên Mỹ, cũng không thiên Nga.
Chúng ta cần trừ tuyệt ngay những mầm nội chiến, bãi bỏ những cuộc khủng bố, nồi da sáo thịt để toàn thể đồng bào được yên tâm hướng vào một mục đích: chống ngoại xâm. Có thế mới giữ vững được Độc lập, mới thực hiện được thống nhất. Mong Cụ hiểu rõ lòng thành thực của tôi".
Khi Cựu Hoàng về Hồng Kông, Hồ Chủ tịch vẫn luôn chính thức giao dịch với Cựu Hoàng, và một lần Phạm Ngọc Thạch qua Hồng Kông cũng tỏ rõ ý kiến Hồ Chủ tịch lúc nào cũng tin tưởng ở lòng cao thượng yêu nước thương nòi của Cựu Hoàng. Một lần nữa, anh em kháng chiến phái người đến Hương Cảng mời Cựu Hoàng về chiến khu để hợp tác với Hồ Chủ tịch trong công cuộc kháng chiến, Cựu Hoàng liền trả lời như sau:
"Cụ Hồ kháng chiến ở bưng biềng, sở dĩ được anh em chiến sĩ ủng hộ cũng chỉ vì Cụ tuyên bố kháng chiến để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Tôi tranh thủ ở hải ngoại bằng chánh trị cũng không ngoài mục đích. Sở dĩ hoàn cầu biết đến nước Việt Nam cũng vì tinh thần hy sinh của dân tộc Việt Nam. Sau này, trong hai người, Cụ Hồ hay tôi, có thành công chẳng qua cũng nhờ ở sự hi sinh đó. Khi nào tôi quên được những sự cực khổ nhẫn nại của toàn thể đồng bào đã đồng tâm nhất trí hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp giúp tôi trong giai đoạn khó khăn này. Vậy thì tranh thủ bằng súng đạn hay bằng ngoại giao cũng là tranh đấu cho Tổ quốc Việt Nam cả, hà tất phải coi nhiệm vụ thiêng liêng ấy như một thứ độc quyền của một cá nhân hay một đảng phái nào!"
Đó thưa các bạn, quan niệm của Cựu Hoàng đối với vấn đề kháng chiến, với anh em chiến sĩ kháng chiến.
Gần đây khi cựu Hoàng vừa ký hiệp ước với Tổng thống Auriol tại điện Elysée, vài tờ báo hữu bên pháp nêu tin Cựu Hoàng yêu cầu Chính phủ Pháp gửi thêm quân đội viễn chinh sang Đông Dương để tiểu trừ Việt Minh.
Văn phòng Cựu Hoàng liền được lệnh cực lực cải chính tin đồn nhảm đó trên khắp các báo ở Paris. Ngoài ra Cựu Hoàng còn tuyên bố với một phóng viên báo Mỹ đến phỏng vấn về vấn đề này:
"Nếu thực ra tôi muốn dùng quân đội ngoại quốc để đàn áp đồng bào thì tôi đã thuận cho quân đội Nhật thẳng tay tiểu trừ phong trào Việt Minh từ năm 1945, trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Lúc nào tôi cũng quí xương máu đồng bào hơn địa vị riêng của tôi, kể cả ngai vàng bệ ngọc nữa".
Đã đến lúc tôi phải kết luận bài này.
Trong vài tuần sắp tới đây, khi Quốc hội Pháp đã duyệt y bản thỉnh cầu sáp nhập Nam phần vào đất Việt Nam, tất nhiên Cựu Hoàng sẽ lần lượt tuyên bố ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội những ý nguyện của Cựu Hoàng và những công việc mà Cựu Hoàng đã thay mặt quốc dân tranh thủ trong bốn năm qua. Cựu Hoàng sẽ không ngại ngùng gì mà không tuyên bố một cách rành rọt: Nếu hiệp ước ký ngày mồng 8 tháng 3 1949 tại Pháp là một thắng lợi thì thắng lợi đó là thắng lợi chung của hai mươi triệu đồng bào, và kết quả tự nhiên của tinh thần hy sinh của dân tộc Việt Nam.
Trước khi từ biệt Cựu Hoàng ở Đà Lạt để xuống Sài Gòn, Cựu Hoàng còn bảo tôi:
"Trong hai mươi năm làm vua, kẻ đau khổ hơn hết đâu có phải là hai mươi triệu đồng bào an cư lạc nghiệp, vui sống trong cảnh gia đình êm ấm, mà chính là tôi. Có mắt không được trông, có tai không được nghe, muốn gần gũi đồng bào, người ta sợ mình có cảm tình với dân chúng để trở thành một sức mạnh. Tới nay còn có kẻ mơ hồ tưởng tôi tham quyền cố vị hí hửng muốn đóng một vai tuồng chánh trị bù nhìn. Họ có biết đâu tôi sẵn sàng mang cả kho vàng của thế giới để đổi lấy một đời sống thảnh thơi, tự do. Hiện giờ tôi trở lại quê hương chẳng qua muốn làm tròn phận sự một người công dân Việt Nam, không lẽ khoanh tay trước cảnh điêu tàn của đất nước. Tôi mong hết thảy người Việt Nam bỏ hết tư tưởng đảng phái hiềm khích nhỏ nhen, cùng tôi tìm một phương pháp chấm dứt chiến tranh một cách êm dịu đặng giữ vững độc lập, thống nhứt cho nước nhà. Những mầm chia rẽ và đảng tranh sẽ là những mầm nô lệ đang đợi chờ chúng ta tại con đường rẽ lịch sử hiện tại".
Tôi xin tâm thành mượn mấy câu tâm sự của Cựu Hoàng để kết luận bài này.
(Trích báo Tinh Thần số 40).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét