Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY - “Mưa chiều Tây Sơn Thượng”


 

 Mình thích thơ và hay đọc thơ. Nhiều bài thơ trong sách giáo khoa hồi học cấp 1-2 những năm 1957 - 1963 giờ vẫn còn trong trí nhớ. Khi học cấp 3 thì toàn thơ CM, mãi sau này mới biết đến Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Bính … , những bài thơ tiền chiến.

 

Vừa rồi được đọc một bài thơ của Phạm Văn Phương, bài “Mưa chiều Tây Sơn Thượng” - một bài thơ hay, nhiều nỗi niềm, hay từ nhạc điệu, ngôn từ đến tình ý, nghe quặn thắt … Lâu lắm mới được đọc một bài thơ như thế này, rất thích, đọc đi đọc lại mấy lần.

 

Một dĩ vãng chìm khuất trong mưa mù, bụi khói, sương mờ vùng Tây Sơn Thượng, mười lăm năm … bỗng chốc cháy bùng lên:

 

“Mà ta đâu biết em như gió

Thổi bung ngọn cỏ buổi ta về

Mà ta đâu biết em như lửa

Cháy bùng một ngọn giữa đêm khuya”

 

Theo lời chia sẻ của tác giả, bài thơ này anh viết khá lâu, nhưng là một trong những bài thơ anh có nhiều kỷ niệm nhất!

Bài thơ viết về một mối tình khắc cốt ghi tâm. Mời mọi người đọc nhé.

 

MƯA CHIỀU TÂY SƠN THƯỢNG

 

Ta chẳng còn ta ngày tháng cũ

Mười lăm năm một dịp quay về

Em chẳng còn em thời thiếu nữ

Đôi bờ sương đục đã phân chia

 

Mười lăm năm lẻ về An Túc

Song thưa, nghe lọt gió tư bề

Mưa trút một trời Tây Sơn Thượng

Mơ màng ly rượu sánh trăng quê

 

Mơ màng một dáng em như liễu

Môi mắt xinh tươi dưới cội đào

Mơ màng con sẻ bay ngoài dậu

Đôi tà áo lụa trắng chiêm bao

 

Mơ màng ta thấy ta như cỏ

Bâng quơ vướng víu dưới chân người

Ta thấy em buồn như bữa nọ

Mà ta khờ khạo mãi rong chơi

 

Mà ta đâu biết em như gió

Thổi bung ngọn cỏ buổi ta về

Mà ta đâu biết em như lửa

Cháy bùng một ngọn giữa đêm khuya

 

Mười lăm năm lẻ ta về lại

Em chẳng còn em thuở ban đầu

Ta chẳng còn ta ngày tháng cũ

Đôi bờ sương đục dưới thung sâu

 

Quái lạ, mà sao ta cứ nhớ

Chiêm bao áo lụa trắng đôi tà

Ta thấy ta buồn hơn lá cỏ

Em buồn bữa nọ có hơn ta?

 

Ta buồn, em hỡi - ta buồn lắm

Mười lăm năm trước cũng lâu rồi

Gió thổi ngút một trời An Túc

Mà lòng hồ dễ đã xa xôi ?

 

Tác giả: Phạm Văn Phương

 

LỜI BÌNH “LOẠN”:

Bài thơ hay từ nhạc điệu, ngôn từ đến tình ý, cho ta những cảm xúc rất đẹp mà bài thơ đem lại.

Có bạn đọc khuyên, sao không đổi chữ ‘ta’ trong bài, nghe “bàng bạc“ lắm. Thử đổi thành ‘tôi’ xem sao, có xích lại gần em chút nào không! Biết đâu em sẽ “khóc” sau khi đọc thơ.


“Ta buồn, ừ nhỉ, ta buồn lắm

Mười lăm năm trước cũng lâu rồi …”

 

“Chẳng phải là nỗi buồn sâu lắng đó sao? Cứ tưởng là bàng bạc, nhưng nó là độ rung được bật lên từ tận cùng trái tim của một thằng đàn ông sau mười lăm năm gặp lại người con gái mình yêu. Biết làm sao được, bởi đó là cảm xúc của trái tim riêng của một con người dành riêng cho một con người.” - P.V.P.

 

Theo tôi tác giả dùng đại từ nhân xưng “ta” trong toàn bài thơ thật thấu tình đạt ý.

Cặp đại từ xưng hô ta – mình là là cặp từ xưng hô quen thuộc trong những câu ca dao, dân ca, mang sắc điệu trữ tình, đằm thắm, mặn nồng của tình cảm mà những đôi lứa yêu nhau dành cho nhau.

 

Từ ta là ngôi thứ nhất, chỉ người phát ngôn, nhưng có khi ta chỉ chúng ta.

 Ở bài thơ “Mưa chiều Tây Sơn Thượng”, tác giả sử dụng cặp đại từ “ta – em” trong bài thơ không chỉ một lần mà nó trở thành một điệp khúc trở đi trở lại, luyến láy hết sức ý nhi, mang sắc điệu trữ tình, đằm thắm, mặn nồng của tình cảm mà những đôi lứa yêu nhau nhưng không đến được với nhau dành cho nhau. Nếu tác giả dùng cặp từ “tôi – em” thì hơi thô, khách sáo, mà “anh - em” thì lại hơi sàm sỡ, bởi ta và em đã chẳng còn như “ngày tháng cũ”.

- “Mưa chiều Tây Sơn Thượng” có một chút Hữu Loan trong “Màu tím hoa sim”, một chút Quang Dũng trong “Đôi mắt người Sơn Tây”, một chút Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vỹ Dạ” … nhưng toàn bài là của người Tây Sơn Thượng. “Gặp nhau” trong thi văn vẫn là chuyện thường. Tính chân thật ở đây là An Túc sau mười lăm năm lẻ trở lại.


“Mười lăm năm lẻ về An Túc

Song thưa, nghe lọt gió tư bề

Mưa trút một trời Tây Sơn Thượng

Mơ màng ly rượu sánh trăng quê “


Từ “sánh” ở đây thật đắt. Ly rượu sóng sánh dưới ánh trăng trong khi ‘Mưa trút một trời Tây Sơn Thượng‘, hay lòng người sóng sánh bởi gặp lại cố nhân.


- “Ta thấy ta buồn hơn lá cỏ

Em buồn bữa nọ có hơn ta?

Gió thổi ngút một trời An Túc

Mà lòng hồ dễ đã xa xôi ? “


 Những câu hỏi tu từ “Em buồn bữa nọ có hơn ta?” hay “Mà lòng hồ dễ đã xa xôi ? “ là lời nhân vật trữ tình vừa là để hỏi người và vừa để hỏi mình, vừa gần gũi vừa xa xăm, vừa hoài nghi vừa như giận hờn, trách móc, làm cho ý thơ thêm chát ngất nỗi buồn, bật lên niềm da diết … của hai kẻ yêu nhau mà không đến được với nhau.

- Bài thơ hay do trải bày cảm xúc thật bùng lên của chính người viết. Cho nên có ai đó đã nói - “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dỡ …”, chứ đã “vẹn câu thề” thì phải chung tay lo tiếp chuyện “cơm áo gạo tiền” - mất vui.


- Bồn câu thơ sau thật thơ mộng - “Người trong mộng” của 15 năm trước.


Mơ màng một dáng em như liễu

Môi mắt xinh tươi dưới cội đào

Mơ màng con sẻ bay ngoài dậu

Đôi tà áo lụa trắng chiêm bao“


- Tác giả mơ màng hình bóng của người con gái năm xưa, mơ được trở về “ngày tháng cũ”. Nhưng rồi giấc mơ ấy như nhòa đi: “Đôi tà áo lụa trắng chiêm bao” “Chiêm bao áo lụa trắng đôi tà”. Ở đây ta có thể thấy tác giả mơ màng về vóc dáng một người con gái, nhưng trong chiêm bao chỉ có thể thấy màu “áo trắng” chứ không nhớ giấc chiêm bao. Chỉ biết đây là một hình ảnh rất đỗi gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Gần gũi vì nó đã trở thành một hoài niệm thường trực, còn xa xôi là vì khoảng cách thời gian, không gian.


 Câu thơ còn có nét đặc sắc riêng khi nhắc đến chiếc áo trắng gợi cho ta nhớ đến những nữ sinh mặc áo dài. Nét thanh khiết này làm ta hình dung rõ hơn về cô gái trong mộng tưởng.

 Đọc 2 câu thơ này ta lại nhớ đến câu thơ “Áo em trắng quá nhìn không ra” của Hàn Mặc Tử trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.

*

- “Ta chẳng còn ta ngày tháng cũ

Mười lăm năm một dịp quay về

Em chẳng còn em thời thiếu nữ

Đôi bờ sương đục đã phân chia”

 

Ý thơ hay ! Ngôn từ đẹp ! … Mênh mang hoài niệm một thời đã xa-đã qua …

Bài thơ giàu nhạc điệu lắm PVP ơi !

Mười lăm năm đã trôi qua, “Ta chẳng còn ta”, “Em chẳng còn em” . Đôi bờ đã phân chia bởi “sương đục”, như ta và em đã chẳng còn như “ngày tháng cũ” bởi thời gian.

Lời thơ tha thiết làm sao! Nghe thấy lòng khắc khoải nhớ, tiếc …

 Lời bình : Nguyen Hong Long 

 

Tác giả thơ: Phạm Văn Phương:

Sinh năm 1958 tại An Nhơn-Bình Định

Cử nhân Khoa học.

Hội viên Hội VHNT-Bình Định

Dạy học tại Bình Định

ảnh: không rõ tác giả

Không có nhận xét nào: