Bát Phố đi giang hồ là lẽ thường, thơ đi bát phố, thơ đi phượt giang hồ là hiếm. Thơ phượt là loại thơ đi vào lòng dân từ hang cùng ngõ hẻm, từ bộ chính trị cho đến thảo dân, mọi nơi mọi lúc đều có mặt.
“Sở lởi thì được trời cho
Anh còn mặc cả tiền bo làm gì
Mó mân từ bướm tới ti
Nghìn vàng chẳng tiếc, tiếc gì tiền bo”
Mọi người cho rằng như thế là nhục nhã nhưng với Bát phố lại thấy rất tự hào:
''NGHE PHÒ ĐỌC THUỘC THƠ TA
SƯỚNG HƠN ĐƯỢC GIẢI GỌI LÀ NOBEL''
Nhiều người coi được giải thưởng là vinh dự còn Thơ Bát phố thì ngược lại:
" MUỐN ĐUỔI KHÁCH RA KHỎI NHÀ
ĐỌC THƠ ĐƯỢC GIẢI HỌ RA TỨC THÌ"
Một lần, tôi và Vương Minh Đức - làm ở Bộ Lao động và Thương binh xã hội ở Nguyễn Trường Tộ, đi xe máy lên Quảng Ninh thăm Hùng thịt chó ở phố Hải Quan, Hòn Gai, Đức sững sờ thấy tập thơ Huyền Thi đặt trên bàn thờ để hàng ngày đèn nhang cúng bái.
Ông Toàn tốt nghiệp đại học bên Nga, nhà trước cửa chợ Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mỗi lần đi đâu đều mang tập thơ Huyền Thi ra bói. Nói thật lòng, Bát Phố cũng cho chuyện này là mê tín dị đoan nên chỉ kể cho vui.
Bác sĩ thú ý nổi tiếng Hoàng Ngọc Báu ở số nhà 50, phố Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội khi mổ sống cánh tay bị chó cắn, không dùng thuốc mê, chỉ dở sách Huyền Thi ra đọc như Quan Vân Trường mổ cánh tay bị thương, dao cạo xương sồn sột vẫn ngồi chơi cờ một cách điềm tĩnh.
Khi đi chữa bệnh cho chó ở trại tù Thanh Hoá, Hoàng Ngọc Báu đọc thơ Huyền Thi:
“Thà rằng ở với thằng tù
Còn hơn ở với thằng tu giả vờ”
Cả trại tù thi nhau chép câu này, có người vừa nghe đọc xong nhớ luôn.
“Làm thơ được tử tù khen
Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu rùa”
Khi dự triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng - học trò của giáo sư, hoạ sĩ Lê Huy Tiếp - viện sĩ Viện Nguyên tử duy nhất người Việt Nam ở Nhật, con Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Đăng bảo Bát Phố:
- Em đã trích vào sách xuất bản bên Nhật nhiều thơ của bác mà không xin phép, mong bác thông cảm.
Tôi bảo:
- Thơ Bát Phố là thơ dân gian, coi như không có tác giả.
Bà Bình bảo:
- Thơ bác Sinh ngay đến Bộ Chính trị cũng nhiều người thuộc lắm. Đồng chí Nông Đức Mạnh thường đọc thơ của bác cho Nguyễn Tấn Dũng nghe.
Tôi bảo:
- Tôi chưa bao giờ trò chuyện được với ban chính trị và tôi cũng không có nhu cầu này, vì tôi là loại bát phố vô sở cầu. Nhưng tôi muốn biết các vị trong bộ chính trị hay đọc những câu thơ nào? Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bảo:
- Các vị thường đọc những câu thơ này:
“Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng bằng mười tự do”
“Làm hàng giả tù mọt gông
Làm lịch sử giả lại không việc gì”
“Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông”
Giáo sư Ngô Bảo Châu trò chuyện cùng giáo sư Hà Huy Khoái – viện trưởng viện Toán học, Châu bảo nền toán học Việt Nam toàn ảo tưởng như lời cụ Bảo Sinh: “Tự do sướng nhất trên đời, tự lừa lại sướng bằng mười tự do”.
Nhà sử học Lê Văn Lan thường trích thơ Bát Phố để minh chứng luận thuyết lịch sử:
“Lịch sử toàn chuyện ồn ào
Sự thật im lặng đi vào lãng quên
Lịch sử bày chữ đặt tên
Khe chữ chân lý lặng yên ra vào”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại chủng viện thánh Jesus Hà Nội thường dùng tài liệu Huyền Thi để thuyết giảng.
“Khi đi qua cửa nhà thờ
Hãy đi như đứa trẻ thơ về nhà”
Cháu ngoại Bát Phố khi bé mẹ bảo lớn lên làm thơ giống ông ngoại đã đập đầu vào tường đến rớm máu, khóc bảo nếu phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn. Nhưng khi đi học thạc sĩ ở Mỹ, có mấy cậu bạn học ở Đại học Harvard tổ chức mừng sinh nhật đã đọc thơ của Bát Phố. Cháu ngoại Bát Phố bảo là thơ của ông mình. Mọi người cho là thấy người sang bắt quàng làm họ. Cháu Bát Phố phải tìm mọi cách mới chứng minh được vinh dự là cháu nhà thơ nổi tiếng Bát Phố.
Thơ đi bát phố giang hồ nghĩa là không ai biết tên tác giả, vô danh như ca dao, tục ngữ, có chăng nữa thì chỉ mình tác giả và may ra một vài người bạn thân thiết biết thôi. Chính vì bị mất quyền tác giả nên rất nhiều người ngộ nhận thơ Bát Phố là của họ. Nhiều bạn bè báo cho Bát Phố biết, Bát Phố thanh thản nghĩ:
“Gặp kẻ ăn cắp thơ ta
Hoá ra người ấy lại là tri âm”
Những thi sĩ cầm quyền gạt Bát Phố ra khỏi cuộc chơi:
“Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp nó chưa cho vào”
Nhưng Bát Phố vô sở cầu, không lưu tâm tới việc này:
“Huyền Thi có phép lạ đời
Ai thích thì đọc ghét thời thì thôi
Còn hơn ối thứ trên đời
Cứ in cứ bắt mọi người phải xem”
Không ghi được vào bia đá cung đình, Bát Phố ghi vào bia miệng thế gian. “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
“Họ chiếm núi cao
Ta về biển rộng
Chân lý hai chiều
Biết thua là thắng”
Biển rộng là lòng dân, núi cao là cung đình.
“Biết bao thi sĩ vô danh
Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao
Biết bao thi sĩ ngôi sao
Suốt đời đếch để câu nào cho ai”
Một nghìn người biết tên Trần Đăng Khoa mới có một người biết tên Bát Phố. Một nghìn người thuộc thơ Bát Phố mới có một người thuộc thơ Trần Đăng Khoa. Luật bù trừ mà.
Thơ đi giang hồ nhiều khi cũng ê chề lắm. Những nhà thơ cầm quyền coi thơ giang hồ là loại thơ tục tĩu, đầu đường xó chợ (nôm na là cha mách qué) ra khỏi sân chơi cung đình.
HỘI THẰNG THƠ DỞ XƯA NAY
QUYẾT KHÔNG ĐỂ KẺ THƠ HAY LỌT VÀO
Hồng Đăng - Tổng biên tập hội nhạc sĩ Việt Nam bảo giáo sư, tiến sĩ Chu Mạnh Khoa đi chơi với Bát Phố có sợ ảnh hưởng tới con đường công danh, sự nghiệp không?
“Có bao nhiêu kẻ yêu ta
Kẻ ghét đếm đủ cũng là bấy nhiêu
Khi biết ghét cũng là yêu
Ân oán sẽ hết mọi điều sáng trong”
Ảnh: (Từ trái qua phải) Lê Huy Tiếp, Nguyễn Đình Đăng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bảo Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét