Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

CHỚ THẤY SÓNG CẢ MÀ NGÃ TAY CHÈO!


 

("Người yêu nước phải thông hiểu những sự tích nước mình")
1/ Cuốn "Việt Nam Sử Lược" của sử gia Trần Trọng Kim (1883-1953) từ năm 2000 trở lại đây, mỗi năm có ít nhứt một lần tái bản trước nhu cầu của công chúng trong nước cần tìm hiểu sự thực lịch sử.
NHƯNG, quí bạn có biết trước kia, trong ròng rã cả nửa thế kỷ cụ Trần Trọng Kim liên tục bị kết án đến rợn người hay không?
Những "quan sử" (quan làm nghề viết sử) ngoài Hà Nội, như Trần Huy Liệu viện trưởng Viện Sử học vào năm 1955 chỉ đạo: "Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim", hoặc như Văn Tạo viện trưởng Viện Sử học vào năm 1981 chửi rủa: "Bọn bồi bút thực dân biên soạn, mà tiêu biểu là cuốn Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim"!
2/ Cuốn "Việt Nam Sử Lược" làm gì mà bị kết án?
Việt Nam Sử Lược là cuốn biên khảo lịch sử ĐẦU TIÊN BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ.
So với sách giáo khoa đưa vào nhà trường giảng dạy như một pháp lệnh, "Việt Nam Sử lược" của cụ Trần Trọng Kim đã phạm ... ít nhứt hai vấn đề "cấm kỵ":
a/ Đề cao công trạng hợp nhứt lãnh thổ của Hoàng đế Gia Long;
b/ Công nhận nhà Triệu của Triệu Đà là triều đại chính thức trong lịch sử nước Việt, với quốc hiệu "Nam Việt" rộng lớn (không chỉ có Nghệ An trở ra đồng bằng sông Hồng, mà còn gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây). Trong khi đó, sách giáo khoa "pháp lệnh" thì loại bỏ nước Nam Việt & Triệu Đà ra khỏi lịch sử VN.
Quí bạn có biết, trong áng văn hào hùng "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đã tôn vinh: "Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời dựng Đế một phương", Triệu ở đây là Triệu Võ Đế, tức Triệu Đà.
3/ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!
Thời may cũng có những người nhận ra sự thực, bày tỏ ý kiến ngược dòng với các "quan sử" quen thói gắp lửa bỏ tay người.
Năm 2004, trên tạp chí Xưa & Nay, Hà Vinh viết bài ca ngợi "Việt Nam Sử Lược là một sử phẩm có giá trị". Cũng trên Xưa & Nay, năm 2009, Mai Khắc Ứng viết bài nhận định Trần Trọng Kim là "một người viết sử rạch ròi, phân minh".
Trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, năm 2007, Tạ Ngọc Liễn cho rằng cuốn Việt Nam Sử lược "vững chắc trong học thuật", "ngoài thái độ cẩn mật, nghiêm túc ra, tác giả (tức Trần Trọng Kim) còn nêu cao tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử"!
Vậy nên, trong số Xuân Bính Thân 2016 của Xưa & Nay, Trần Văn Chánh viết bài ngưỡng mộ cụ Trần Trọng Kim là "TIẾNG NÓI CỦA LƯƠNG TRI NHÀ SỬ HỌC".
Một số bạn trẻ thời nay cũng nên tự đặt câu hỏi: tại sao giáo khoa nhà trường hiện nay chỉ trich/miệt thị vua Gia Long, mà các thế hệ tiền nhân nơi đất phương Nam, Nam Kỳ thuở trước đều ủng hộ vua Gia Long, vẫn dành đạo lý "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" cho vị vua sáng lập Nhà Nguyễn?
Cuốn "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim liên tục được tái bản, nói nào ngay, đó cũng là một cách bỏ phiếu thầm lặng cho cuộc VỀ NGUỒN LỊCH SỬ.



Không có nhận xét nào: