Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

“THIỀN” VÀ ĐẤU GIÁ BỨC THƯ PHÁP “THIỀN” TUYỆT VỜI

 


Nhiều người nhắn tin yêu cầu lão PP chém chút về “Thiền”. Thiền là gì? Liệu cứ nhắm mắt ngồi yên một chỗ, không nói chuyện, không đánh rắm, tức là thiền?
Bồ đề đạt ma là Tổ thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích-ca Mâu-ni của Thiền tông Ấn Độ và là Bỉ tổ của Thiền tông Trung Quốc. Bồ đề đạt ma đến Trung Quốc năm 520 để truyền đạo, hồi ấy cũng gặp nhiều Trắc trở, bởi diện mạo của Ngài rất quái lạ, râu dài rậm, lông mày trùm mắt, tay dài quá gối. Ngài dùng 9 năm diện bích để thuyết phục đệ tử mình tin vào trí tuệ siêu phàm của phật pháp. 9 năm quay mặt vào vách không nói một câu tại rặng Tùng Sơn, ở Thiếu Lâm Tự, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Đây chính là Thiền, thiền một cách cao siêu chỉ có bậc Thánh mới thực hiện được.
Trong mấy chục năm bôn ba đó đây, lão vô tình bắt gặp hoặc được chứng kiến nhiều quái nhân giang hồ có thiền lực vượt quá mọi tưởng tượng cũng như lý luận được ghi chép từ xa xưa. Có lần đang thong dong ngắm chợ tại Khai Phong Phủ, Hà Nam. Ở ngay giữa khu chợ người xe đi lại ồn ào, một kẻ “ăn mày” đứng theo thế “kim kê độc lập” trên một hòn gạch dựng đứng, trước mặt trải một chiếc khăn rách để mọi người vứt tiền vào đó. Người này đội cái mũ tre xụp xuống mắt, quần áo vải thô nhiều chỗ rách chưa kịp vá nhìn rõ bắp thịt rắn chắc. Lão tò mò đứng xem và có ý chờ cho ông ta nghỉ giải lao thì hỏi ông ta vài điều. Chờ mãi gần tiếng, ông ta vẫn im phăng phắc, ruồi đậu vào mũi, vào tai như bâu vào một bức tượng vô tri vô giác. Mọi người xúm vào xem, vứt cho ít tiền lẻ rồi lại bỏ đi. Lão mới hỏi cụ bà bán bánh rán cạnh đấy xem ông ta đã đứng bao lâu? Bao giờ thôi đứng? Cụ bà cười xua tay:” 嘿,你不要等他了!” ( Thôi, cậu đừng chờ ông ấy), rồi kể rằng ông ta ở một ngọn núi phía kia kìa, bà chỉ tay về hướng có ngọn núi xa xa, mỗi tháng xuống núi một lần mua mắm muối trà đường...tiện thể “Thiền” ở đây cho mọi người xem. Lão hỏi lại:”禪?”(Thiền ?), bà gật đầu. Lão nghĩ mình quá dốt, chỉ tưởng thiền khi bế quan, ai ngờ thiền giữa chợ. Sau đó khi đến thăm Thiếu Lâm Tự, lão được Trụ Trì Thiếu Lâm Tự Phương trượng Thích Vĩnh Tâm mời trà, khai thông cho bộ óc còn mơ hồ về thiền. Khi một đại sư đã tới bến bờ thiền tông siêu nhiên, họ có thể thực hiện “bài tập” này bất kể lúc nào, chỗ nào. Có ông khoanh chân nhìn vách núi, nhìn biển, ngửa mặt đăm đăm nhìn mặt trời cho đến khi mặt trời chịu thua phải chui xuống núi, có ông nhờ người chôn mình dưới đất sau 49 ngày đào lên vẫn ngon lành cành đào, có ông thì trần truồng nhẩy mẹ xuống giếng ngồi như ếch ngồi đáy giếng 7 ngày 7 đêm trước đó dặn đệ tử ngồi trên trông coi cẩn thận, đừng cho thằng nào tương gạch xuống, có ông vắt chân lên cành cây treo ngược mình lên im lặng trải qua vài tháng, chim làm tổ trên người cũng mặc, y như một xác phơi nắng mưa gió rét ngoài trời mà không manh áo trên người, chỉ đóng mỗi cái khố ...Hồi lão lưu lạc lên Phó Bảng, Hà Giang cũng bắt gặp một cao thủ, ông này chỉ một nông dân bình thường chạy nạn từ Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống, ông ta có một vườn trồng cây Tam Thất, một hôm đi ngang qua vườn nhà ông ta thì thấy ông ấy đang “nghỉ trưa”, hai thùng gỗ đựng phân lợn vừa bón hết cho cây, một đòn gánh bắt ngang, cụ ta trồng chuối ở giữa đòn gánh, tức đầu đè đòn gánh, người cắm ngược lại còn chéo chân chứ không thẳng, hai tay khoanh trước ngực, mắt nhắm lim dim hưởng thụ...sau này mới hiểu rằng ông ta đang làm bài tập “禪定” (Thiền Định). Đi ra giang hồ mới trố mắt nhìn đời, mới bắt gặp cao thủ. Giống như ra biển cả thì mới gặp được cá voi, cá kình. Có ông suốt ngày ở ao ta, ruộng ta chắc chỉ thấy độc tôm tép cua ốc lại còn luôn tỏ vẻ ta đây là bậc thầy về thiền định, mở mồm dậy người thiền phải thế này, thế nọ...kkk
Theo lão thì ngồi thiền như gà mái ấp trứng, mọi chỗ mọi lúc, bất kỳ mưa rơi triền miên hay nắng soi dãi dầu, kiên trì mà ấp, ấp cho ra gà con mới thôi. Ngồi thiền mà không ngộ ra thì cả một mớ bòng bòng tạp niệm nó cuốn lấy bộ óc như cây tơ hồng bám chặt bờ bụi thở cũng khó khăn. Một khi khai thông thức tỉnh ngộ ra chân lý thì sáng cả vùng trời như mây đen đã tan, mặt trời mọc ra chói lọi.
Thiền là một phương pháp trí tuệ cho người tu hành, là một quá trình tu hành của các tín đồ phật giáo. Thông qua THIỀN, có thể đạt được mục tiêu ĐỊNH 定, bởi định mới có thể sinh SÔI 沸, có sôi thì mới VIÊN DUNG 圆融, có viên dung thì mới được TỰ TẠI, sau đấy mới thành PHẬT, đấy là cả một quá trình và ý nghĩa của thiền.
Trong một khuôn viên, một nhóm người, kẻ đứng người ngồi, nằm tựa nghiêng ngửa. Họ làm gì? Họ thiền! Họ im phăng phắc, im đến độ nghe thấy con tim mình đập, nghe thấy tiếng máu chảy trong luồng mạch, nghe tiếng nước dãi của người bên cạnh chảy xuống cổ họng, và thi thoảng tiếng pháp chuông báo giờ vang lên giòn tan gây lên một guồng xoáy trong không khí rồi lại im bặt. Họ tắt hết mọi luồng suy tư ngoài đời, họ liệu sinh thoát tử, họ đăm đăm nội quán (nhìn vào bên trong nội tâm của mình) để truy tìm cảnh giới khai ngộ mà trước đó hàng ngàn năm đã có biết bao tổ sư đại đức đã từng trải qua để thành Phật. Mùa đông đã đến, trời lạnh rồi, ngũ cốc cũng đã đến lúc quy xương (về kho), lúc này, nhân tâm của con người cũng dễ để thu vào, họ tập trung vào Thiền Đường để tham gia khoá “thiền thất” tức bảy bảy bốn chín ngày. Chúng ta thấy toàn bộ những khuôn mặt đình đám trong làng, này nhé, có ông Vụ chủ tiệm cao lâu Trung Tín, có ông Thìn giáo viên dạy chữ Nôm, ông Thọ chủ tiệm hòm, rồi thì ông Tuy chuyên nghề kèn trống đám ma, và các vị khác...
Theo như lời kể của Phương trượng Thích Vĩnh Tâm, sau khi ông lên nắm chức trụ trì Thiếu Lâm Tự thì ông cho sửa sang đàng hoàng thiền đường ở đây và chú tâm cho các đệ tử có cơ hội ngồi thiền. Đầu tiên, muốn ngồi “thiền thất” bản thân người đó phải có được sẵn tố chất tu luyện, phải có sức khỏe, cơ thể tốt, chân cẳng cứng cáp thì mới khoanh chân lại ngồi hàng chục giờ liên tục được, chứ mấy vị đái tháo đường, bệnh gút hay thấp khớp vào đấy chỉ để làm dáng, khoanh chân tọa thiền chưa đầy 5 phút đã đau nhức tái tê rồi nằm lăn ra đấy mà thở chứ được tích sự gì.
Nhập thiền ở Thiếu Lâm Tự là phải theo nội quy đã định, phải ký giấy sinh tử, chết thôi chứ không đùa. Vào bên trong là chỉ biết im lặng, không được nói chuyện, không được ngồi ngủ gật chứ chưa nói chuyện lăn ra ngáy khò khò như Lỗ Trí Thâm miệng phun ra toàn mùi rượu và thịt chó. Buổi sáng, dậy từ 3 giờ 5 phút, tối 11 giờ 15 đi ngủ, mỗi buổi chiều có 2 tiếng nghỉ ngơi. Nhà chùa phái một số sư anh, sư bác làm công việc hộ pháp, theo dõi tất cả mọi người và nhắc nhở mọi người chiểu theo quy chế khi thiền. Ông nào làm sai họ đều có quyền dùng gậy đánh thẳng thừng vào lưng hay mông. Ví dụ ông đang thiền, mệt quá lăn mẹ nó ra ngủ, đang mơ màng thấy con bé nhà bên chưa chồng nhưng thân thể đẫy đà gợi cảm đi đến bên ông rồi chuẩn bị cởi bỏ xiêm áo cùng ông bắt đầu làm chuyện mây mưa...bỗng một gậy phang như sét đánh đập mạnh vào mông, ông bật tỉnh dậy với cái mông đau điếng, dục vọng biến khỏi trong chớp nhoáng...kkk. Thiếu Lâm Tự sinh hoạt vô cùng khắc khổ, vào trong thiền đường còn khắc khổ hơn, nội quy trong thiền đường có hàng trăm điều lớn nhỏ. Ví dụ trong 5 tuần đầu gọi là “ngũ thất” đều không được rửa mặt, cạo râu, tắm rửa. Ngay cả đi đại tiểu tiện đều quy định ở một thời gian cho phép, một sự khống chế thân tâm tuyệt đối nghiêm ngặt.
Ngồi thiền quan trọng nhất là tư thế ngồi, hai chân khoanh lại, hoặc có thầy chỉ co một chân, có thầy lại duỗi mẹ hai chân buông thõng...tuỳ các vị thấy tư thế nào hợp với mình, nhưng tuyệt đối không được nằm...kkk. Nếu tư thế ngồi không chuẩn sẽ làm tắc các kinh mạch, khí mạch không lưu thông, năng lượng không lên được, thường gọi là tam mạch thất luân không mở ra được, não bộ thiếu oxy người sẽ thấy mệt mỏi bài hoài. Ngồi thẳng, hơi chúc về phía trước, mông đẩy ra sau một chút, đấy là tư thế chuẩn. Tại sao ta thường thấy nhiều vị hoà thượng càng tu hành thì da mặt càng vàng vọt như người bệnh? Đó là do năng lượng không vận lên được, kiểu ngồi của vị đấy tin rằng không chuẩn. Ngồi thẳng quá trọng lượng đè lên xương đốt cuối ở lưng, khí huyết không lên được, chỉ cần hơi ngả về đằng trước, đốt xương cuối sẽ thoát ra, người thả lỏng, thở đều thì khí vận hành, năng lượng từ sau lưng chuyển lên đầu, đỉnh đầu phát sáng( quang ). Tư thế điều chỉnh xong thì điều chỉnh hô hấp, điều chỉnh hô hấp xong điều chỉnh tiềm thức, đây gọi là “3 điều” trong thiền tông. Điều chỉnh hô hấp là phương thức thở hít sâu, trong giới khí công gọi là “nhả cũ nạp mới”, thông qua đó não bộ được nạp vào lượng oxy đầy đủ, không bị thiếu oxy, quang sẽ xuất hiện. Hô hấp thông rồi thì thân thể sẽ thả lỏng, hai vai sẽ thõng xuống, nếu hai tay dài, năng lượng đủ, thì chỉ cần ngửa tay đặt trên đùi là được. Tay ngắn, người yếu thì hai tay úp trên đùi. Thông thường nhiều vị thích kết “kim cương hàng ma ấn” trong lúc thiền, như vậy để được lâu. Ngoài ra còn một dấu tay hay được sử dụng là “Thiền định ấn”, hai tay ngửa trước rốn, hai ngón cái chạm nhau.
Bước tiếp theo là điều chỉnh tiềm thức, hình dung tiềm thức nằm ở giữa hai hàng lông mày, tại sao? Bởi làm vậy có thể đóng được lục ( 6 ) căn, đóng được 6 cánh cửa của cơ thể. Đóng lục căn phá vô minh là vậy. Khi nhắm mắt chỉ thấy một mảng đen tối. Lục căn đóng lại, năng lượng không bị rò rỉ, mới đột phá được màn đen tối trước mắt. Thiền Tông có câu:” Đóng lục căn chí môn, thì sẽ phá được vô minh, hiểu được sinh tử, ý thức để giữa hai hàng mày, sẽ rất nhẹ nhàng, tự nhiên nhìn phía trước”.
Sau đấy quán tưởng bản thân như một cành hoa sen dựng đứng, nếu như tư duy của bạn không hình dung ra nổi thì phải nhờ đến niệm chú, như vậy tinh thần tập trung lại, không bị tản loạn và đạt được ý muốn. Thiền Tông gọi là:” Nhất niệm thay vạn niệm”, đau đáu với một ý niệm để xoá đi vạn ý niệm khác là vậy. Có thể niệm phật, niệm chú, quán tưởng, đọc kinh...để giải tỏa tâm loạn. Vào thiền rồi mà ông còn ngồi suy nghĩ đến mọi chuyện ngoài đời là tuyệt nhiên sẽ thất bại. Vạn sự cho cháy thành tro bụi, tuyệt không đoái hoài. Cổ nhân nghĩ ra “ Tam tự minh” dùng trong trường hợp này là “ oṃ āḥ hūṃ “ đọc âm “ Úng, ha, hum”. Cách đọc như thế nào thì lão không giảng nữa, giảng kỹ quá các bạn đều thành thiền sư thì không còn người mà đọc bài của lão...kkk
Tam tự minh ( đừng nhầm với tam tự kinh ) là một câu chú cổ xưa nhất. Niệm chú và nhờ đến các thao tác trên đẫn đến khí lưu của cơ thể và âm sóng làm huyệt luân xa mở ra. (Luân xa theo tiếng phạn gọi là Charkar có ý nghĩa là điểm thu hút anh sáng. Con người có 7 luân xa nằm từ đỉnh đầu chạy dài trên xương sống xuống tới giũa hậu môn & bộ phận sinh dục. Các luân xa được miêu tả như là xếp thành một cột thẳng từ gốc của cột sống lên đến đỉnh đầu. Mỗi Luân xa liên quan tới một số chức năng tâm sinh lý, một khía cạnh của nhận thức, tâm linh, phong thủy)
Nếu phân tích kỹ càng sẽ mất nhiều ngôn từ, đại thể là tập trung, yên tĩnh, khai thông huyết mạch, thu năng lượng ( linh thể) lại thành một điểm như đầu đạn hạt nhân đặt trên một tên lửa tầm xa , khi cơ hội đến, tên lửa bắn ra khỏi đỉnh đầu về với vũ trụ huyền bí, từ đó mà đọc được sinh mệnh, sống chết, hiểu rõ chân lý con người, ngộ được nhiều điều, gặp gỡ được các “linh” của thánh thần ngàn xưa, được họ truyền năng lượng, truyền kiến thức, cuối cùng thì ĐẠO xuất hiện, một con đường mới trải dài...
Linh thể tại sao lại xuất thần bay vào vũ trụ? Bởi bản thân nó đến từ vũ trụ. Con người là một phần của vũ trụ, một giọt nước của vũ trụ chẳng qua bị thân xác phàm tục giam cầm, ngồi thiền để giải thoát linh thể khỏi cơ thể, hoà nhập với vũ trụ. Thử hình dung xem, khi linh hồn bay trong vũ trụ bao la, bạn sẽ thu thập được những điều gì? Năng lượng, kiến thức từ ngàn xưa tha hồ mà nạp vào một cách vô bến bờ. Lúc ấy bạn sẽ là người có bộ óc thông thái, thần tiên, đại trí tuệ, đại thành tựu, làm gì chẳng được, kể chi cái chuyện nhỏ như con tép - Cà phê Đạo!
Cuối cùng xin múa bút một chữ Thiền và chú vào đó nhiều năng lượng của lão. Vị nào tập thiền mà đằng sau có bức này thì tuyệt vời, giúp cho bạn tâm tĩnh, năng lượng tràn ngập, dễ đạt đến cảnh giới cao siêu.
Đấy, ”Thiền “ vốn chỉ đơn giản vậy, trong hang động, trên đỉnh núi, dưới sông, ngoài chợ, thậm chí uống trà... đều có thể thiền được. Vấn đề là công lực của bạn đã đạt đến mức độ nào?
Bức “Thiền” thư pháp định giá 5 triệu. Tùy các bạn trong 48 giờ đấu giá. Tức đến 8:30 chiều thứ Tư chốt hạ.

Không có nhận xét nào: