Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

BIỂU TƯỢNG TRI ÂN GIÁO SĨ FRANCISCO DE PINA ĐANG TRÊN ĐƯỜNG TỪ ĐÀ NẴNG ĐẾN BỒ ĐÀO NHA


 

Một nhóm các thân hữu người Việt hiện đang chuẩn bị lên đường đến Bồ Đào Nha để tham dự buổi lễ dựng biểu tượng điêu khắc tri ân giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina (1585–1625), một trong những người sáng lập chữ Quốc ngữ, sẽ diễn ra vào ngày 26-11-2023 tại thành phố Guarda, phía bắc Bồ Đào Nha - nơi sinh trưởng của giáo sĩ. Đây là ngày do Tòa thị chính chọn, cũng là ngày lễ hội quan trọng nhất trong năm của thành phố này. Đây là một vinh dự cho Quỹ Tôn vinh tiếng Việt và Chữ quốc ngữ (Điện Bàn, Quảng Nam) - tổ chức đã đưa ra sáng kiến này và theo dõi tiến trình thực hiện.

Đoàn sẽ do GS Nguyễn Đăng Hưng, một Việt kiều Bỉ đã đóng góp công sức cho ngành giáo dục VN trong nhiều năm qua, dẫn đầu với sự tham dự của đông đảo các thân hữu ở TP.HCM và một số ở nước ngoài như Ý, Đức, Bỉ, Pháp, Anh… Tháng tám vừa qua, GS Hưng đã đi tiền trạm gặp gỡ thị trưởng TP Guarda để lo sắp xếp việc tổ chức buổi lễ dựng biểu tượng tự nguyện của người Việt. Công việc này mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn của người Việt đối với vị giáo sĩ đã góp công sức lớn lao cho việc sáng tạo chữ quốc ngữ trong thời gian giáo sĩ giảng đạo tại xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ 17. Buổi họp với GS Hưng có sự cộng tác của GS sử học Antonio Morgado (đang sống và giảng dạy tại Guarda) có ông thị trưởng thành phố Sérgo Costa, bà phó thị trưởng và các nhân viên văn hóa, kỹ thuật của Tòa thị chính. Ông thị trưởng TP vui vẻ, nhiệt tình ủng hộ các bạn Việt Nam và hứa sẽ tổ chức thành công buổi lễ sắp tới.
Cùng với đoàn khách du lịch là biểu tượng điêu khắc bằng đồng do nghệ nhân và điêu khắc gia Huy Anh ở Tam Kỳ, Quảng Nam tạo tác tại cơ sở sản xuất Thanh Chiêm. Các nghệ nhân đã làm việc nhiều tháng trước đó để có một biểu tượng xứng đáng cho chuyến đi. Biểu tượng là hình ảnh chiếc thuyền có cánh buồm bằng đồng cao 3m, rộng 1,5m, bên cạnh cánh buồm là cuốn sách có ghi các nốt nhạc phỏng theo bản thảo của giáo sĩ De Pina, một người rất giỏi về âm nhạc. Chiếc thuyền nổi trên những sóng nước và được dựng trên một bệ bê tông có mặt đá granit. Hiện biểu tượng đã được gửi đi bằng tàu thủy từ Đà Nẵng đến TP Guarda. TP sẽ nhận biểu tượng tại cảng biển và sẽ chuyên chở về vườn hoa Thư viện TP, nơi sẽ đặt biểu tượng. Tòa thị chính tình nguyện trả chi phí chuyên chở này.

Được biết, biểu tượng có giá khoảng 700 triệu đồng. Hiện Quỹ đã trả phần lớn số tiền cho điêu khắc gia, cũng là người rất tâm huyết với món quà tri ân này nên còn cho GS Hưng nợ khoảng 250 triệu đồng. GS đang kêu gọi các thành viên và mạnh thường quân tùy lòng hảo tâm ủng hộ Quỹ để trả hết món nợ đầy tình nghĩa này. GS Hưng tuổi cao, vừa trải qua cơn mổ tim, sức khỏe đang hồi phục nhưng đã cố gắng hoàn thành công việc đáng quý này. GS sẽ lên đường đi Bồ Đào Nha ngày 22-11 để kiểm tra công việc dựng tượng tại Guarda. Hiện danh sách đoàn bước đầu có các anh chị: Nguyen Dang Hung, Nguyen Thi Bich Thuy, Duong Ngoc Tien, Nguyen Thi Thu Ha, Le Hien Phuong, Phan Thi Bich Dao, Nguyen Cong Phuc, Le Thi Cuong, Hoang Minh Tuong, Nguyen Van Tam, Ho Nguyet Thu, Tran Ba Hoc, Nguyen Kim Toan, Dao Nguyen Hai Yen, Hoang Kim Oanh, Nguyen Hoai Nam, Nguyen Thi Thu Huong, Ma Lam…

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên một một nhóm 20 người Việt do GS Hưng dẫn đầu đến viếng mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes trên đất Iran. Đoàn gồm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà khảo cổ học, hướng dẫn viên du lịch... đã sang TP Isfahan, Iran và đến làm lễ đặt bia tri ân trên mộ phần giáo sĩ. Dòng chữ khắc trên bia đá: “Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh”, được viết bằng 4 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và Iran.








Chuyến đi lần trước và lần này mang ý nghĩa bày tỏ lòng tri ân của các thế hệ người Việt đối với những giáo sĩ đã bỏ công sức trong nhiều năm để sáng tạo nên một thứ chữ viết cho người bản địa tại một vùng đất xa xôi. Họ từng bị ghét bỏ, bị truy đuổi, đã từng bỏ mình trên đất nước này như trường hợp giáo sĩ Francisco de Pina (mất khi thuyền bị lật ở vịnh Đà Nẵng), khi thực hiện sứ mệnh tôn giáo của mình và để lại di sản chữ viết cho chúng ta. Mãi mãi truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc luôn được ghi nhớ trong lòng hàng triệu triệu người Việt chúng ta hiện nay và mai sau.
N.P.Y.

Không có nhận xét nào: