Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 6, cuối, đáng đọc nhất, ai bỏ lỡ ráng chịu)

Một người bị quy là địa chủ tại một cuộc đấu tố
 

Ở miền Bắc những năm trước 1975, học sinh cấp 3 và sinh viên đại học đứa nào cũng biết thuật ngữ “ai thắng ai?” nói về cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Những giờ học chính trị và triết học Mác - Lê Nin, các thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột phe tư bản, thực dân, đế quốc, bóc lột đang giãy chết, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh. Bọn tư sản tư bản mà giai đoạn tột cùng là đế quốc ngày càng cùng đường, chó dại cắn càn, gây chiến tranh, nhưng sẽ không tránh khỏi bị diệt vong. Cuối bài, bao giờ các thầy hoặc báo cáo viên cũng kết luận “Sức ta là sức thanh niên/Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là hiện thực và tương lai nhân loại, vô sản sẽ lãnh đạo toàn thế giới..., cả thầy lẫn trò đều hỉ hả.

Sự dối trá ấy bị xé toạc khi những người ở thiên đường miền Bắc sau tháng 4.1975 được tận mắt chứng kiến cuộc sống và nền kinh tế miền Nam. Người cộng sản không nghĩ rằng đồng thời với việc họ “giải phóng” được miền Nam thì chính miền Nam cũng giải phóng đầu óc u mê cho hàng triệu người Bắc, nhất là về kinh tế. Dân chúng ngoài vĩ tuyến 17 tận mắt thấy chủ nghĩa tư bản ở miền Nam đã xây dựng một nền kinh tế hàng hóa dồi dào tới mức những người quen sống trong chế độ bao cấp có nằm mơ cũng không dám nghĩ.

Tháng 4.1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, chỉ một thời gian ngắn hiểu rằng những gì mình được trang bị về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản bị sụp đổ hoàn toàn, hay nói chính xác hơn là đảo ngược 180 độ. Những chuyến hàng hóa, một dạng chiến lợi phẩm, ùn ùn chảy ra bắc; từ xe cộ, tivi, tủ lạnh, quạt máy, đồng hồ, vải vóc, cục xà phòng, cây kem đánh răng, quả pin, hộp sữa, gói mì chính tới cái kim sợi chỉ đều lên đường ngược bắc, đủ chứng minh cho cuộc nhận thức lại. Chả biết miền Nam “nhận họ” thì được cái gì, chứ miền Bắc “nhận hàng” không chỉ làm thay đổi cuộc sống vốn nghèo khó bền vững mà còn đổi cả nhận thức cho con người.

Rất tiếc là, tầng lớp lãnh đạo đất nước sau năm 1975 hoặc không nhận ra điều đó bởi họ quá say chiến thắng hoặc cố tình lờ đi để củng cố quyền lực. Họ thừa hiểu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể đưa đất nước, dân tộc đến bến hạnh phúc; thừa hiểu phương thức sản xuất tư bản, xã hội tư bản có bao nhiêu đều tốt đẹp cần phải tận dụng và phát huy, nhưng đối với họ thay đổi đồng nghĩa với tự sát nên cứ nhắm mắt lao vào đường hầm, tự đánh lừa chính mình và lừa nhân dân. Họ say sưa tự lừa dối chính mình/trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh. Quang vinh, quang vinh, rực rỡ, “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”…

Nếu thực sự tôn trọng doanh nhân, doanh nghiệp, tư sản ngoài quốc doanh, ghi nhận đóng góp của họ, tạo điều kiện cho họ phát triển, để họ tin tưởng làm ăn, thì việc cụ thể nhất là hãy cắt phụp cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Đó chính là thứ sản phẩm chắp vá, dở hơi của tư duy cố chấp, cùn mòn, tăm tối. Chính nó thành chiếc cùm, cái khóa, cái còng trói buộc, đe dọa, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, của làm ăn cá thể, tư sản. Suốt bao năm dài ở đất nước này, do chế độ cầm quyền coi thường, khủng bố doanh nhân, người tài nên cuộc sống đã thực sự lụn bại, xuống dốc thê thảm. Những thay đổi gần đây bởi nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là con người, trong đó có doanh nhân, đã phần nào được tôn trọng, cởi trói để được sáng tạo, làm ăn, phát huy tài năng, sức lực làm giàu cho mình và cho đất nước. Chỉ có điều, lưỡi dao bén "định hướng xã hội chủ nghĩa" treo lơ lửng trên đầu kia có thể trảm doanh nhân bất cứ lúc nào, hoặc biến tư sản, dù tư sản đỏ, thành quả cam để vắt kiệt và rục vỏ vào thùng rác. Không ai có thể yên tâm làm ăn trong cái cơ chế mưu mẹo ấy.

Xử bắn “địa chủ”, phá đình phá chùa, tàn hại công thần, bỏ tù văn nghệ sĩ, truất phế doanh nhân, đi ngược thời đại… cũng từ chuyên chính vô sản mà ra cả.
Nguyễn Thông


Không có nhận xét nào: