Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

THƯ GIẢN VỀ ĐÀO (không có piano, không có phở)

 


Chú Bảo đã sang Paris từ lâu. Chú Bảo là thế hệ sang đây bằng nghiên cứu sinh rồi ở lại nên chú vẫn còn nguyên những ký ức thời xưa ở Hà Nội. Chú sinh ra trong một gia đình trí thức cũ, cụ ông là bác sỹ và cụ và cụ bà là thương gia. Nhiều lần chú về, tôi vẫn đưa chú đi vài vòng thành phố cổ. Chú không bao giờ đi khu mới, hỏi tại sao chú trả lời vui vẻ:
- Tao không có khái niệm và ký ức về mấy nơi đó, nên tao chỉ thích khu này.

Vậy cũng tốt cho tôi vì cũng khỏi phải đèo chú đi xa. Quanh quẩn phố phường Hoàn Kiếm và Ba Đình là coi như xong. Hà Nội thay đổi và đông dân hơn nhiều, nhưng có vẻ chú Bảo không quan tâm lắm đến những thay đổi đó. Chú có quán nước quen thuộc ở đầu phố Quán Sứ là chú vào. Đi ăn phở thì cũng là quán quen cạnh nhà thờ Lớn. Mấy lần tôi rủ chú đi ăn mấy cái lạ lạ thì chú cũng chỉ nói nhẹ nhàng:
- Thôi tao không đi đâu.

Chú Bảo là dân tổng hợp toán từ những khoá đầu. Mặc dù là một người xuất sắc trong bộ môn xác suất, chú Bảo cũng rất yêu thích âm nhạc. Tuy nhiên yêu thích không có nghiã là có năng khiếu! Chú kéo violon rất phô và không đủ khả năng chơi những bài có kỹ thuật. Chú hay đùa với tôi:
- Mày học nhạc viện nên maỳ còn đánh được tương đối. Tao học cụ Duyệt nên chỉ đến vậy thôi.

À cụ Duyệt ở Điện Biên Phủ! Cụ nổi tiếng dạy thập cẩm: violon, violoncelle, piano…: cái gì cụ cũng dạy hết. Cụ dạy chú Bảo cũng vài năm đấy mà rồi kéo Toselli cũng không xong. Nốt la thành nốt si. Sai hết! Vậy mà không hiểu sao chú lại cưa được một cô dân nhạc. Cô, cựu học sinh violon ở Moskva, hay thường đùa với tôi:
- Chú mày chuyên toán thôi chứ đừng đòi hỏi kéo violon. Chú cầm đàn là tra tấn cả nhà đấy…

Chú nghe xong chú cười thôi. Chú Bảo nhìn vậy mà may mắn: cô là nghệ sỹ tài ba, con nhà trí thức Hà Nội và nổi tiếng hoa khôi. Tôi vẫn thích nghe cô kéo Kreisler. Có lần tôi cũng đã đệm cả Vocalise của Rachmaninov cho cô! Chú Bảo cũng là người chịu khó. Hồi đầu mới sáng Pháp, chú rất chịu khó làm việc và sau khi quyết định ở lại, chú xin được cho cô sang rất nhanh. Hai vợ chồng chú cũng chỉ ba năm là phất lên có cuộc sống yên ổn ở đất mới.

Nhiều người cũng ngạc nhiên vì tốc độ hoà nhập của cô chú. Khi đổi cuộc đời thì có bao giờ dễ: tất cả mọi thứ gần như làm lại từ số không. Tiếng không thạo, quan hệ xã hội không có, nhà cửa không, giấy tờ không ổn định và tiền bạc thì ít. Trong trường hợp chú bảo, mỗi lần hỏi, chú lại trả lời rất vui vẻ:
- Cô chú tuy vậy vẫn còn có lợi thế đấy. Thời xưa học Sarraut ở Hà Nội tao và cô mày cũng có nền tảng tiếng Pháp vững vàng rồi.

Tôi rất phục cô chú. Hồi 2010, chú về Hà Nội mùa Xuân đúng dịp Tết. Chú lại gọi tôi ra đi vòng Hà Nội. Lần này tôi gợi ý chú đi vòng Hồ Tây cho thay đổi, chứ lởn vởn mãi trong phố tôi cũng thấy chán. Lạ là lần đó chú đồng ý. Ai bảo tuổi già là bảo thủ? Thế là tôi lấy Dream đưa chú đi lượn. Đến khu chợ đào thì chú bảo dừng lại cho chú ngắm. Rồi chú ngâm nga kể:
- Hồi đó chú mày suýt không hỏi được cô vì vụ đào này đấy.

Tôi hơi giật mình, tôi vẫn tưởng hai gia đình biết nhau từ trước. Chú kể tiếp:
- Lần đầu chú mày đến gặp mặt gia đình cô, cụ ông cụ bà bảo ở lại ăn trưa. Chắc cũng muốn kiểm tra cử chỉ ngồi ăn uống của chú ra sao. Người Hà Nội hay để ý đến cái đó. Trong bữa ăn thì ông cụ tán chuyện hỏi chú có thích đi xem Đào Tam Xuân không. Chú mày hồi đó dính phốt.
- Phốt gì vậy chú?
- Tao lỡ trả lời ông cụ là đã mua đào Tam Xuân ở trên... Hồ Tây. Chú không biết là gì, nói bừa. Lúc đó cả nhà bên đó nhìn nhau tủm tỉm cười.
- Vậy có sao không chú?

Chú Bảo lúc đó cười to:
- Sao gì đâu. Tao với cô cũng chung sống 40 năm rồi thì mày tự hiểu.

Không có nhận xét nào: