Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

HAI HỌC SINH MIỀN NAM ĐẶC BIỆT

 


HAI HỌC SINH MIỀN NAM ĐẶC BIỆT
Lúc ấy, vì phải giữ bí mật nên rất ít người biết rõ gốc gác hai bé gái này. Chỉ biết, từ đó hai thiếu niên nước ngoài này đã có một phần đời gắn với cộng đồng học sinh miền Nam mà lịch sử mở ra từ sau năm 1954 và kết thúc vào năm 1975. Hai bé gái đó là Irène Quandíe và Monique Quandíe. Bài viết dưới đây là những trích đoạn trong cuốn sách Học sinh Miền Nam - tư liệu và kỷ niệm và những bài viết rải rác trên facebook của nhiều học sinh miền Nam liên quan đến Irène và Monique.
Nguồn gốc gia đình đặc biệt
Mãi nhiều năm sau, khi Irène và Monique đã rời xa Việt Nam sau năm 1975 để đi học đại học ở nước khác rồi sau đó gián đoạn với bạn bè học sinh miền Nam (HSMN) suốt hơn 40 năm, bạn bè Việt Nam mới tỏ tường về nguồn gốc gia đình của hai chị em thân thương và đặc biệt này.
Cha của Irène và Monique là Ernest Quandíe, một gương mặt lãnh đạo xuất sắc của Liên minh Nhân dân Cameroon (UPC) - tổ chức chính trị thành lập năm 1948 để lãnh đạo phong trào đòi quyền độc lập tự trị cho Cameroon từ tay chính quyền thực dân, một nửa thuộc Anh, một nửa thuộc Pháp.
Năm 1960, Ernest Quandíe trở thành Chủ tịch của UPC sau khi người tiền nhiệm qua đời. Vì nền chính trị của Cameroon, sau khi chấm dứt chế độ cai trị của thực dân Anh và Pháp, vẫn chưa đạt tới các giá trị tiến bộ nên Ernest Quandíe cùng lực lượng kháng chiến của mình tiếp tục cuộc đấu tranh cho một Cameroon thực sự độc lập, tự do, dân chủ, bất chấp sự truy lùng, săn đuổi của chính quyền đương thời mà người đứng đầu là đối thủ chính trị của Ernest Quandíe trong nhiều năm trước khi lên nắm quyền. Chính trong bối cảnh cả hai vợ chồng cùng dấn thân vào cuộc chiến đấu ngày càng nguy hiểm đó, Ernest Quandíe và vợ quyết định gửi hai cô con gái trong số năm người con của mình là Irène và Monique sang Việt Nam nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ nuôi nấng, dạy dỗ.
Việt Nam những năm 1960 là thành viên Phong trào Dân chủ thế giới. Đúng như dự đoán, do có kẻ phản bội chỉ điểm, Ernest Quandíe đã bị chính quyền toàn trị đương thời bắt vào cuối năm 1970 và bị kết án tử hình vào năm 1971 với lời buộc tội “kẻ phản loạn”. Thái độ trước tòa và trước pháp trường của Ernest Quandíe được giới báo chí đương thời mô tả “đúng là hình tượng kiêu hãnh của một nhà cách mạng can đảm và cứng rắn”.
21 năm sau ngày Ernest Quandíe bị hành hình, ngày 27.6.1991, Quốc hội Cameroon đã nhìn nhận lại giá trị đấu tranh của Ernest Quandíe và quyết định phục hồi danh dự cho ông. Ngày 16.12.1991, Quốc hội Cameroon cũng đã ban hành Đạo luật 91/022 truy phong Ernest Quandíe là anh hùng dân tộc Cameroon.
Những trang đời ở Việt Nam
Khi sang Việt Nam, Irène và Monique từng trải qua một giai đoạn hội nhập vô cùng khó khăn. Tuổi còn rất nhỏ đã phải tách khỏi mẹ cha để đến một xứ sở khác biệt về màu da, về tiếng nói và tập quán. Nhưng có lẽ cũng vì còn nhỏ nên khả năng vượt qua những khác biệt của hai bé gái Cameroon cũng rất nhanh.
Từ chỗ chỉ nói tiếng Pháp, hai bé gái đã nói rành tiếng Việt và có những người bạn mới, có những người mẹ mới, người bà mới yêu thương hai bé như con cháu mình. Đó là bà Nguyễn Thị Thập (thời đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam), bà Năm Ninh (Giám đốc Trại Nhi đồng miền Nam và là vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh).




Nguyễn Thị Thư, sinh năm 1956, một HSMN từng tốt nghiệp đại học ở nước Nga hiện sống tại TP.HCM, nhớ lại trong đoạn hồi ức của mình: “Khi hai chị em Irène và Monique vô Trại Nhi đồng miền Nam ở Hà Nội, tôi khoảng gần năm tuổi. Trong khi những đứa trẻ khác hay kéo cả đám đi theo sau hai chị em họ để nhìn ngó, tôi thường chỉ đứng từ xa quan sát. Trong sân có mấy cái xích đu, là đối tượng tranh giành kịch liệt của đám nhóc trong trại.
Một lần, đang chơi đu, tôi bỗng nhìn thấy Monique đứng ôm cây cột xích đu ngó tôi, chắc em muốn chơi. Tôi ngừng lại và nhường cái xích đu cho em. Em thích lắm, leo lên liền. Nhưng em không biết điều khiển nên cái đu cứ bị xoay vòng tròn. Tôi đã dạy em cách làm sao nhún để đu lên cao.
Từ đó mỗi lần ra sân chơi, gặp tôi em đều cười rất vui vẻ. Tôi và Việt Bình (con gái của dì Phan Thị Tốt - nguyên Thường vụ Thành ủy TP.HCM) có lần ngỏ ý với Monique muốn em cho rờ bộ tóc xoăn tít như bông gòn, đen nhánh trên đầu. Em rất hào hứng cho chúng tôi rờ thử ngay... Còn Irène thì bắt đầu học chung với tôi từ năm lớp 6 ở Bình Xuyên tới khi kết thúc lớp 10 ở Trường Học sinh miền Nam số 8 Vĩnh Phú.
Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau thời học trò nghịch ngợm và quậy phá. Và chúng tôi có những điểm rất giống nhau: phải xa cha mẹ khi còn rất nhỏ, thiếu một cuộc sống gia đình đúng nghĩa như những đứa trẻ bình thường khác. Không có gì cách biệt giữa chúng tôi, trừ màu da và cái dáng rất cao lớn của Irene.
Tôi nhớ vào khoảng mùa hè 1971, sau một lần đi Hà Nội, Irène trở lại trường với chiếc băng tang đen trên cánh tay. Hỏi ra mới biết Irène được các cô chú Việt Nam ở trung ương báo tin cha bạn vừa bị hành quyết ở Cameroon vì những hoạt động cho nền độc lập, tự do, dân chủ của dân tộc mình. Khi ấy chúng tôi chuẩn bị vào năm học lớp 9.
Kể từ đó, tôi nhận thấy Irène có những thay đổi khác lạ. Bạn học chăm chỉ hơn, giỏi hơn hẳn trước đó. Dáng vẻ của bạn cũng nghiêm nghị, thâm trầm hơn. Nỗi buồn và niềm kiêu hãnh pha lẫn trong đôi mắt to đen tuyền của bạn. Nỗi đau mất cha dường như đã biến đổi Irène thành một con người khác. Và điều đó chắc chắn đã góp phần định đoạt tương lai sau này của bạn khi theo đuổi việc học hành ở Cuba và trở thành một bác sĩ sản khoa giỏi.
Một thời ở cấp ba Irène khá thân với Hoàng Thị Thu Hà. Về sau, khi đã tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi tỏa đi học các trường đại học trong nước và nước ngoài. Tôi đi Nga, Hà đi Bungari, Irène đi Cuba... Chính trong khoảng thời gian xa nhau ấy, Irène vẫn giữ liên lạc với Thu Hà ở Bungari và còn nhờ Hà đan dùm cái áo len. Sau đó, vì những lý do nào đó mà cả Irène và Monique đều đứt hẳn liên lạc với bạn bè HSMN và cũng có thể nói là với Việt Nam”.
Tính ra, những hơn 40 năm vắng bặt nhau từ cuộc chia tay giữa Irène với Nguyễn Thị Thư, Huỳnh Xuân Thảo, Phạm Thu Hương, Phan Thu Hằng... trên sân ga Hàng Cỏ buổi chiều mùa hè năm 1974 ấy cho tới cuộc trùng phùng nhiều nước mắt, nụ cười với Monique vào đầu tháng 2.2017 tại TP.HCM. Chiếc áo len mà Thu Hà đan xong nhưng chưa kịp gửi cho Irène sau từng ấy năm đã được mang ra trong lần gặp lại Monique, tháng 2.2017 tại TP.HCM.
Đã tìm, đã gặp và sẽ còn nhớ mãi...
“Khi thực hiện dự án cuốn sách Học sinh Miền Nam - tư liệu và kỷ niệm, chúng tôi (Nguyễn Thị Thư và nhiều người khác) đã thống nhất cần nhắc đến hai HSMN đặc biệt là Irène và Monique. Và chúng tôi đã tìm đến Hoàng Thị Thu Hà để cùng xem lá thư Irène gửi cho Hà từ Cuba từ năm 1975”. Chẳng có mối mang gì chắc chắn để tìm hai người bạn HSMN đặc biệt ấy.
Qua kết quả tra cứu trên Wikipedia về ông Ernest Quandíe, Nguyễn Thị Thư tin chắc ông ấy là cha của Irène, Monique vì trong danh sách năm đứa con của ông có tên hai người bạn Cameroon thân thương của gia đình HSMN.
Và từ đó đã rộ lên một cuộc “truy tìm tình cảm” chưa từng có trong cộng đồng HSMN tham gia facebook. Có tìm là có thấy. Các facebooker có cùng nguồn cội là HSMN đã “bắt” được Monique Quandíe và qua đó mà biết về Irène (vốn rất kín tiếng).
Các cuộc trò chuyện qua lại trên facebook giữa Phạm Quốc Tâm, Châu Nhật Sinh, Trần Minh Việt, Trần Thu Thảo, Đông Xuân... và cả cuộc gặp gỡ của Monique với Đông Xuân ở Hungary đã là những viên gạch lát nên con đường trở lại Việt Nam với bạn bè HSMN của Irène và Monique.
Và cuộc gặp gỡ đã diễn ra như mong đợi của tất cả. Vì Irène giờ chót không thu xếp được công việc nên chỉ một mình Monique đã “về ngôi nhà Việt Nam” của hai chị em, đã ôm trọn tình yêu thương, sự chăm sóc ấm áp của các anh, các chị, các bạn HSMN.
Vẫn như ngày nào, như chưa hề có cuộc chia ly 40 năm giữa họ. Hội trường ngày 9.2.2017 và chiếc bánh sinh nhật bất ngờ dành cho Monique; các chuyến đi Bến Tre, Mũi Né, Campuchia; các cuộc họp mặt đầy kín lịch của người ở xa về; các buổi thăm thầy cô cũ, các bữa cơm tại gia với những món ăn thuần Việt... tất cả đã làm sống lại tươi rói trong người nữ bác sĩ nhi khoa quốc tịch Pháp gốc Phi sắp vào tuổi sáu mươi ấy chuỗi ký - ức - Việt - Nam - thời - thơ - ấu có chút gập ghềnh nhưng cũng ngập tràn dịu ngọt.
Xin mượn những dòng chia sẻ dưới đây trên facebook của Monique để kết lại câu chuyện chưa đầy đủ về hai HSMN đặc biệt: “Các bạn HSMN đã tìm ra chúng tôi trên Messenger của Facebook ngày 29.2.2016 sau 41 năm xa cách Việt Nam - đất nước ít nhiều đã là của chúng tôi. Tôi đã xúc động tận đáy lòng khi biết các bạn đã không ngừng tìm kiếm chúng tôi trong từng ấy năm. Đó là tinh hoa trong tình cảm HSMN. Đó là sự thủy chung, đoàn kết, hào hiệp. Chúng tôi đã được giáo dục trong một hoàn cảnh đặc biệt: trong chiến tranh.
Tôi vẫn nhớ các bạn HSMN không cha không mẹ, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, cái đói và mọi thứ thiếu thốn. 41 năm xa cách Việt Nam đã làm chúng tôi quên đi một ít tiếng Việt nhưng không làm giảm tình cảm HSMN sâu đậm trong chúng tôi. Sự trưởng thành trong cuộc đời chúng tôi bắt nguồn từ ngôi trường ấy, từ thời kỳ ấy. Sau đám tang của mẹ chúng tôi, em trai tôi là UM đã hỏi Irène rằng, ngoài việc sinh ra, cha mẹ có cho chị ấy điều gì đáng giá hơn không. Chị Irène của tôi đã trả lời: đó là việc cha mẹ đã gửi chị ấy và tôi sang Việt Nam và đã được là HSMN”.
THANH NGUYỄN
(ảnh màu) - Các bạn HSMN vui mừng gặp lại Monique sau 41 năm xa cách, tháng 2 - 2017 tại TP.HCM

Cảm ơn bạn về bài viết! Tôi học cùng lớp với Mô Níc những năm 1960 tại trại nhi đồng Miền Nam, Gò Đống Đa đi vào, Iren học lớp trên, hồi đó còn có Sa Vẳn con Chủ Tịch Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào. Người Phụ Nữ trong ảnh bạn cung cấp chính là Cô Sáu Ninh hiệu trưởng nhà trường, sau này đúng năm Luật Sư Nguyễn Văn Hiếu ra thăm Miền Bắc và trại Nhi Đồng, chúng tôi được đón Bác Hồ về thăm.

Không có nhận xét nào: