Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

DÂN CHỦ: Vài chuyện nhỏ chung quanh một vấn đề lớn

22/11/2010


DÂN CHỦ: Vài chuyện nhỏ chung quanh một vấn đề lớn

Hồ Cương Quyết, André Menras, Công dân Việt Nam

   Tôi rất tâm đắc với bài viết của ông Lê Hiếu Đằng đăng trên mạng BVN ngày 15 tháng 11. Phải nói là, ngoại trừ một vài điều tiểu dị, từ lâu tôi đã chia sẻ quan điểm của bài viết.


   Vụ Cù Huy Hà Vũ, đáng buồn thay, chứng tỏ các cơ quan an ninh theo dõi rất kỹ các trang mạng Bauxite Việt Nam và sử dụng những trang mạng để quy chụp nhân danh điều thứ 88 Bộ luật hình sự. Vì thế, trước khi vào đề, tôi xin nói rõ vài điều. Tôi không có ý khiêu khích các thế lực đáng ngại của “lề phải” chính trị - xã hội, song tôi cũng không muốn các vị ấy không biết tôi nhận định ra sao về tình hình Việt Nam như tôi đang trải nghiệm. Nói lên những lo âu của mình, tôi nghĩ đó là một bổn phận. Tôi xin làm điều đó, một cách an nhiên, trong tư thế độc lập về chính trị, tinh thần và tài chính. Tôi không nằm trong một mạng lưới quan hệ nào, cũng không nuôi dưỡng tham vọng gì trong một việc làm chỉ có thể gây ra phiền nhiễu, làm sứt mẻ tình cảm của những nhà lãnh đạo mà riêng tôi rất quý mến, thậm chí có thể nguy hại cho tôi và bạn bè của tôi. Giữ im lặng, tôi có thể giữ được sự đánh giá tốt của giới quan phương, có lẽ cả những tiện nghi vật chất nữa. Nhưng nhìn lại quá khứ, tôi không thể không lên tiếng.

   Một điều bức thiết
   Tôi xin nói thẳng: ở thời điểm hiện nay, đất nước Việt Nam không thể phát triển mà vẫn đóng cửa đối với dân chủ, khóa chặt các quyền tự do tập thể và cá nhân. Làm sao có thể đổi mới một xã hội nếu ta bóp nghẹt mọi động thái, mọi sáng kiến chủ động không xuất phát từ nhóm lãnh đạo, nếu ta trấn áp mọi phê bình, làm như đó là âm mưu của kẻ địch (một kẻ địch hơi khó xác định)? Đi theo định hướng đó là tự dành cho riêng mình quyền quyết định mà không có sự kiểm soát của người khác trên những sự chọn lựa quan yếu nhất, ảnh hưởng tới nhân dân trong hiện tại và các thế hệ tương lai. Nói không ngoa, điều đó khác nào chiếm đoạt di sản của toàn dân, biến nhân dân thành một thứ con tin. Thậm chí có thể dẫn tới bán rẻ nền độc lập, hơn thế nữa hủy hoại cả bản sắc dân tộc. Chắc chắn như vậy sẽ đưa đất nước vào một tình thế khốn đốn, một thảm họa văn hóa và tinh thần ghê gớm hơn cả sự cùng khổ vật chất. Vâng, tình hình hiện nay thật khẩn cấp: sự vận hành của chính thể Việt Nam cần phải mở cửa cho dân chủ chính trị, xã hội và kinh tế.
  Không ngại đi ra ngoài đề, vấn đề dân chủ cốt tử mà nhiều khía cạnh đã được nêu ra ngày càng thường xuyên và thẳng thắn ở Quốc hội, cũng như trong giới trí thức, tại các xí nghiệp cũng như trên đồng ruộng, ngoài đường phố cũng như trong nội bộ hàng ngũ ĐCSVN làm cho tôi nghĩ tới một trải nghiệm cá nhân, khiến cho tôi càng tâm đắc với câu nói của ông Lê Hiếu Đằng: “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước”.


Cái xô nước
   Tháng mười năm 1973, vừa mới thoát khỏi ngục tù của chế độ Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tôi được mời làm đại biểu tham gia Đại hội hòa bình thế giới ở Moskva. Nhiệm vụ của tôi là làm chứng tại Tiểu ban các quyền con người về số phận các đồng chí Việt Nam vẫn còn bị cầm tù, vi phạm Hiệp định Paris về Việt Nam. Đó là thời kỳ mà ở Moskva cũng như ở mọi nơi trên đất nước Liên Xô rộng lớn mênh mông, người ta hay phát tán những chuyện tiếu lâm, ngay các đảng viên cũng ưa kể:


“Một cậu bé trở về nhà sau tiết học chính trị ở trường. Cậu hỏi cha mình: “Ba ơi, Tập trung dân chủ là gì, Ba giải thích giùm con đi Ba.” Người cha bối rối không biết nói thế nào cho con hiểu, vì thế ông phải nhờ đến tiết mục giáo dục trực quan. Ông trả lời con trai: “Con à, tập trung dân chủ có nghĩa là Tập trung và Dân chủ. Trước hết, Ba sẽ giải thích cho con hiểu thế nào là Tập trung nhé ”. Ông bảo con đi múc một xô nước đầy. “Nào, con đứng ngay dưới chân cầu thang và nhìn Ba nhé”. Rồi ông xách xô nước bước lên cầu thang. Khi đến tầng một, ông gọi con: “Nhìn Ba cho kỹ nè, không được nhúc nhích nghe chưa!”. “Vâng, thưa Ba”. Rồi ông bố ụp cả xô nước xuống đầu thằng bé và nói: “Đó, tập trung là như vậy đó con!”. Thằng bé vừa ướt từ đầu đến chân vừa bị sốc. Vài giây sau hoàn hồn trở lại, nó hỏi cha: “Còn Dân chủ thì như thế nào hả Ba?”. Cha nó đáp: “Lấy cái xô xách cho Ba xô nước nữa, rồi đứng dưới chân cầu thang chờ Ba. Con sẵn sàng chưa? Đã hứng nước đầy xô chưa?”- “Rồi, thưa Ba”. “Nhìn Ba cho kỹ nè. Con có thấy Ba đứng trên cao không?” “Dạ có, thưa Ba”.- “Nào, bây giờ thì con xối nước lên người Ba đi!”. Thằng bé cố hắt nước lên cao bằng mọi cách, nhưng bao nhiêu nước hắt lên đều rơi ngược xuống người nó. Nó lại ướt như chuột lột, nhưng giờ thì nó đã hiểu rất thấu suốt bài học chính trị ở trường. Tập trung dân chủ là như vậy đó: người ở dưới bao giờ cũng lãnh đủ!”.
    Câu chuyện tiếu lâm ấy, người phiên dịch hồi ấy đã kể lại cho tôi nghe, nửa cười nửa mếu, một hình thức mỉa mai đề kháng làm cho tôi nhớ tới thái độ tương tự của một số nhà báo Sài Gòn đối lập với chế độ độc tài tàn ác của Nguyễn Văn Thiệu: chế nhạo thân phận hẩm hiu của mình, lên án chế độ mà không phải gọi tên chỉ mặt ai cả.


Tập trung hóa dân chủ hay dân chủ hóa tập trung?
   Tất nhiên, tình hình Việt Nam hiện nay khác lắm. Tôi không có ý so sánh, mặc dầu tôi bắt đầu nghe kể những chuyện tiếu lâm tương tự. Bởi vì nội dung dân chủ vẫn là vấn đề đặt ra, và nước “Việt Nam ở dưới” đã “lãnh đủ” quá nhiều rồi, hất hết xô nước này đến xô nước khác, mà vẫn “vũ như cẫn”, trong khi giếng nước đang cạn dần. Tình hình bức xúc đến mức mà ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo, đã giải thích như sau cho một nhà báo Sài Gòn giải phóng (ngày 03.11.2010) về khái niệm dân chủ tập trung: “Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ công tác tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của Đảng, là căn cứ phân biệt Đảng Cộng sản chân chính với các đảng khác.” Ông còn nói thêm: “Trong hoạt động tư tưởng - lý luận của Đảng, có lúc, có nơi thực hiện chưa đúng giữa tự do tư tưởng với nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc này. Những biểu hiện đó trái với bản chất của Đảng.”
 Vai trò lãnh đạo của Đảng
 Đôi khi phép biện chứng cũng là một nguyên lí nhờ đó những con mèo chính trị ở mọi nước khi rơi từ trên cao xuống, bao giờ cũng chạm chân vào mặt đất. Báo Quân đội Nhân dân (07.11.2010) giải thích bằng một câu xanh rờn: “… đảng tiến bộ và cách mạng lãnh đạo thì xã hội ổn định, đất nước phát triển, trong khó khăn vẫn tìm được lối thoát cho cả dân tộc; ngược lại, nếu đảng hỏng, đảng sai lầm thì đất nước lầm than, tao loạn.” (Có nên xét kỹ cái tình huống “ngược lại” này không khi ta nghiên cứu những dự án hoành tráng như bauxite, đường sắt cao tốc, và những cuộc phá sản hoành tráng không kém như vụ


 Vinashin, với những hệ luận không thể trốn tránh về trách nhiệm cá nhân ở cấp cao nhất?).
  Bất luận thế nào, sơ đồ “tập trung dân chủ” dựa trên trí tuệ vô cùng và quyền hành vô hạn của một nhóm nhỏ: nhân dân (như người ta vẫn thường nói, “rất tốt”) đầy tin tưởng hay chưa đủ trưởng thành (“dân trí ta còn thấp” mà), đặt số phận của mình trong bàn tay của Đảng, với hi vọng là đảng sẽ là người lãnh đạo anh minh, nếu không thì mình tiếp tục lãnh đủ xô nước, và lãnh đạo vẫn khô ráo, yên tâm tiếp tục lãnh đạo. Song gần đây, một hiện tượng mới đã xuất hiện trong xã hội Việt Nam: những cán bộ cộng sản có tinh thần trách nhiệm và sáng suốt đến “gõ” vào cánh cửa bụi bặm của chủ nghĩa tập trung với những phản biện dân chủ cơ bản và thực chất. Thí dụ như đại biểu Quốc hội Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị nên chăng áp dụng nguyên tắc “dân chủ tập trung” thay vì “tập trung dân chủ”, và nói thêm: “… chỉ dựa vào cái tập trung thì không sáng tạo, rất dễ dẫn đến áp đặt, và thực tế đã chứng minh nhiều sự áp đặt thất bại”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) gián tiếp đụng tới điều 4 Hiến pháp về ưu quyền tuyệt đối của ĐCS trên đời sống của toàn bộ xã hội: “Đến bao giờ Đảng thôi làm thay nhà nước?”. Ông mô tả cơ chế ấy như sau: “… đã là ý tưởng do bí thư đưa ra thì cứ thế mà thực hiện, dẫn đến tình trạng lãnh đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Vai trò lãnh đạo là cái gì phải tạo dựng, thử thách, xác định qua công việc, từng ngày. Trong suốt cuộc đấu tranh cam go chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, rõ ràng là ĐCS đã tỏ ra xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình. Thế thì tại sao, ba mươi lăm năm sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước, lại phải sắc dụ vai trò lãnh đạo ấy như một thứ ưu quyền thừa hưởng từ quá khứ, cho dù đó là quá khứ vinh quang tới đâu?


 Bóng ma âm mưu kẻ địch bên ngoài
 Trong cuộc vận động xã hội đang rõ nét, xu hướng bảo thủ co cụm thường mang bóng ma âm mưu kẻ địch bên ngoài lợi dụng dân chủ ra hù dọa. Lời hù dọa ấy ngày càng mất hiệu quả thuyết phục nếu muốn nói tới các nước tư bản vì một khi hội nhập vào kinh tế thị trường, Việt Nam ngày càng gắn kết với các nước ấy. Nhất là khi giới kinh doanh bản địa đôi khi còn “hăng hái” hơn cả những nước tư bản. Mặt khác, hàng tỉ đô la viện trợ quốc tế hàng năm được mời gọi và được đưa tới Việt Nam cho thấy con đường tiền bạc thường rất lãnh cảm đối với những quan tâm về dân chủ. Đứng trước lợi nhuận, tư bản không biết phức tâm, bứt rứt là gì. Lô gic của nó là tích lũy cho nhanh cho nhiều. Mục đích của nó không phải là lật đổ những chế độ chấp nhận lô gic ấy. Cũng như mafia, nó cần có sự ổn định, bất luận với giá nào: “Business, do not disturb” (Chúng tôi đang bận làm ăn, xin đừng quấy rầy).


  Nếu có âm mưu từ bên ngoài, phải nói là nguy cơ thực sự là từ phương Bắc, với sức ép chạy đua trong cuộc đàn áp dân chủ. Những sự việc diễn ra gần đây cho thấy Bắc Kinh muốn dạy cho lãnh đạo Việt Nam những bài học về việc kiểm soát chặt chẽ cái mà một nhật báo Trung Quốc gọi là “đám phản biện”. Đi theo con đường Bắc Kinh thúc ép là tự cô lập và cách nhanh nhất để tạo ra mất ổn định. Con đường ấy sẽ gây ra sự phân hóa, chia rẽ, tạo thời cơ thuận lợi cho những cuộc xâm lược. Không! Những tiếng nói dân chủ hiện nay – phần nổi của tảng băng sơn xã hội – không xuất phát từ bên ngoài, mà chủ yếu từ bên trong. Đó là tiếng nói dân tộc và yêu nước. Có thể những người lên tiếng đã biết nắm bắt những mâu thuẫn và tranh đua nhân dịp chuẩn bị Đại hội XI của Đảng, lợi dụng những kẽ hở mà nhóm này hé mở để làm suy yếu nhóm kia, nhưng những kiến nghị và quan tâm của họ là trung thực. Xuất phát từ ngòi bút của giới trí thức, của những nhà cách mạng lão thành hay những nhân vật quen biết khác, tiếng nói ấy thực ra là đòi hỏi dân chủ của nhân dân đã trưởng thành, là khát vọng được thông cảm, thông tin và tham gia. Của cả một tuổi trẻ đang vươn lên, không gì ngăn cản được bước tiến.


 Khẩu hiệu không che khuất được hiện thực nghiệm sinh


   Đối với đại đa số dân chúng, những diễn từ xào đi nấu lại và những biểu ngữ phất phới trên đường phố xen kẽ với bảng quảng cáo om sòm của các ngân hàng và thương hiệu đã từ lâu trở thành vô nghĩa. Sáng ngày mồng một tháng 11 này, tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn trong thấy một băng-rôn quảng cáo xe hơi cao ngạo giăng ngang mặt tiền của Cung Thống Nhất! Đối với nhiều người, những từ ngữ cũ rích, biết rồi khổ lắm nói mãi, đôi khi đã trở thành trò cười vì nó tương phản với hiện thực nhãn tiền. Chế độ mang tên gọi là gì, điều đó không mấy quan trọng: người dân đánh giá chế độ trên thành quả của nó, trên cách hành xử hàng ngày của nó. Họ đánh giá cụ thể, căn cứ vào cuộc sống hiện thực của mình. Người nghèo thì ngày càng khó khăn, hố sâu ngăn cách người nghèo với những người giàu sang cứ giàu sang thêm mãi ngày càng sâu rộng. Nhu cầu thông thoáng về mặt trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo ngày càng trở nên bức thiết trong một xã hội dễ thẩm thấu và biến đổi, được mở cửa ra thế giới kinh doanh, nhưng vẫn bị nhốt trong hộp kín đối với thời đại và tiến bộ con người.


Đàn áp không thể xóa bỏ nhu cầu về dân chủ
   Chọn lá bài bạo lực và khiếp sợ để đẩy lùi thời hiệu dân chủ chỉ làm tăng cao áp lực, gây thêm đau khổ và củng cố khát vọng thay đổi bằng mọi giá. Kể cả cái giá có lợi cho những nhà độc tài ngụy trang thành đấng cứu tinh. Bắt bớ những người viết blog, dùng tin tặc để phá hoại trang mạng, ép buộc nhà báo làm văn nô cho Đảng, hà hiếp những luật sư đòi hỏi Nhà nước pháp quyền, ngăn cản không cho sinh viên đứng lên phản đối Trung Quốc cưỡng đoạt hải đảo Biển Đông, tất cả những việc ấy không làm ai quên những đất đai đã chiếm dụng phi pháp của nông dân và một số thị dân, những đất đai (đôi khi ở vị trí chiến lược) được cho thuê liền mấy chục năm cho những người hàng xóm cồng kềnh sang sinh sôi lập nghiệp trong khi người dân bản địa thì càng cùng quẫn; những sân golf xây cho người giàu xây trên ruộng đồng của người nghèo; những sinh viên nghèo phải bán thận để có tiền ăn học; hàng ngàn cô gái và phụ nữ nghèo bị mafia đưa ra nước ngoài hay phải bán dâm ở các thành phố dưới sự bảo kê của một số cán bộ tán tận lương tâm; những công dân bình thường bị công an hành hạ, làm tiền hay đánh đập đến chết trong đồn hay ngoài phố; những trẻ em sơ sinh được đem bán ở ngay ngoài cổng bệnh viện; công nghệ bằng giả nội-ngoại phục vụ cho việc bổ sung hồ sơ trong cuộc thi đua “đấu thầu” cán bộ; những người dân đáng thương đi “mót” cà phê, làm mồi ngon cho đàn chó giữ của những chủ trang trại được công an bảo vệ; sự phung phí những tài nguyên quốc gia được rao bán không một chút minh bạch; nạn ô nhiễm, nguồn gốc của những lợi nhuận kếch sù cho những doanh chủ côn đồ thường được nhà cầm quyền bênh vực, và cũng là nguồn cơn những khổ cực vô biên của dân chúng…


  Có nhà lãnh đạo nào dám nói thật là mình không hề biết sự thực ấy? Đã ký tên vào hai bản kiến nghị yêu cầu ngừng dự án tai hại khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi có thể tiếp tục liệt kê dài dài mà tuyệt nhiên không nói một tí gì sai sự thật. Vâng, xã hội này, đất nước này đang cần ánh sáng, khí trời, đang cần có sự tham gia thực sự của người công dân.


Đàn áp không phải là dấu hiệu của sức mạnh
   Cố nhiên xã hội nào cũng có mặt xấu của mình, và các xã hội gọi là dân chủ đúng là có nhiều tự do hình thức nhưng nói chung không có đủ tư cách dạy những bài học cho Việt Nam. Tại những nước ấy, tỉ lệ bần cùng hóa tiếp tục tăng cao theo các cuộc khủng hoảng trong khi những nhà tỉ phú trong giới đại nghiệp chủ và ngân hàng vẫn tiếp tục được vỗ béo. Những vụ tham nhũng được phát hiện ở cấp cao nhất trong bộ máy Nhà nước, trở thành chuyện bình thường. Chính quyền ngày càng vô cảm trước cảnh khốn cùng của những người nghèo khó. Mọi người đều cảm nhận rằng bạo lực tiếp tục dâng cao. Còn xã hội Trung Quốc thì khác nào là mô hình của một chế độ phản dân chủ, không cần bàn tới.


   Phải nói rằng Việt Nam phải xây dựng trên những vết thương sâu sắc vẫn chưa lành, những vết thương mà trách nhiệm không phải của Việt Nam. Đó là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đúng thế. Sống sát nách một nước khổng lồ tham lam vô độ là vị trí địa lý không dễ xử lý, đúng thế. Nhưng với những người đang muốn dấy lên một làn sóng của chủ nghĩa MacCarthy ở Việt Nam, tôi xin nói như thế này: xin quý vị đừng nã đạn vào cái xe cấp cứu! Quý vị hãy giữ một chút lương thiện, kính trọng và tinh thần trách nhiệm tối thiểu. Quý vị hãy chấm dứt việc chụp mũ, hăm dọa, bắt giam, bôi nhọ danh dự, chà đạp cuộc sống gia đình và đời sống tư của những người đối lập đang chống lại những tiêu cực, những người đã gây ra tiêu cực. Đó là những con người đã có gan bảo vệ đất nước! Các biện pháp đàn áp không phải là dấu hiệu của sức mạnh và quyền uy. Ngược lại, chúng biểu lộ sự sợ hãi. Đó không phải là cái sợ của người dân, nhưng quan sát những hành động thậm vô lý và tàn nhẫn mà nó gây ra, có thể nghĩ rằng cái sợ ấy lớn hơn ta tưởng. Nó đi ngược mọi giải pháp ích nước lợi dân. Như ông Bùi Đức Lại đã viết trên mạng VietnamNet ngày 04.05.2010: “ … thế lực chống đối chỉ có thể "lợi dụng dân chủ" nếu thực sự có mất dân chủ. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện mất dân chủ là biện pháp có hiệu quả nhất chống lại việc "lợi dụng dân chủ"”. Và tôi rất đồng ý với kết luận của bài viết: “Rõ ràng, không kiên trì thực hành dân chủ thì không tránh khỏi nhiều tai họa lâu dài.”


   Đấu tranh cũng có thể làm nên phép lạ
   Để kết thúc bài viết này một cách nhẹ nhàng, và vẫn để hưởng ứng ông Lê Hiếu Đằng khi ông nói tới việc cần thiết phải đấu tranh, tôi xin đưa các bạn trở lại Đại hội hòa bình thế giới năm 1973 tại Moskva. Tại đây, tôi học thêm được một điều là đôi khi đấu tranh có thể làm nên phép lạ: nó có thể biến xe hơi thành ô tô buýt. Tôi xin kể câu chuyện mà tôi chưa hề kể lại cho ai cả.


    Với tác phong của một giáo viên cần mẫn, tôi đã chuẩn bị khá kỹ bài tham luận của tôi về tù nhân chính trị của chế độ Sài Gòn. Đặc biệt tôi có trong tay nhiều lá thư, rất cảm động, của tù nhân mà Chính phủ cách mạng lâm thời đã chuyển tới Paris cho tôi. Tôi đã dịch những lá thư đó sang tiếng Pháp, tiếng Anh, và muốn nhờ in rô-nê-ô ra nhiều bản để phân phát cho đại biểu các nước ở Tiểu ban nhân quyền và cho các nhà báo có mặt ở Đại hội. Tôi nhờ trưởng đoàn tôi chuyển yêu cầu này tới ban tổ chức Liên Xô. Lúc đầu không có hồi âm, sau đó là từ chối với lí do: không có xe đi tới nơi có máy in rô-nê-ô. Cũng nên nhắc lại lúc đó các nhà lãnh đạo Liên Xô và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau. Tại Đại hội, cụm từ “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” cũng bị loại trừ khỏi ngôn ngữ chính thức. Chỉ có đại biểu các nước tư bản mới nói tới đế quốc Mĩ. Tôi có cảm tưởng là sau khi Hiệp định Paris được ký kết, người Liên Xô đã chuyển sang vấn đề khác, bỏ mặc những người bạn tù của tôi trong tình trạng nguy ngập dưới nanh vuốt của chế độ miền Nam Việt Nam đang bước vào giai đoạn tiêu vong. Tôi không muốn bài tham luận báo động về tình hình các bạn tù lại bị giảm tác dụng chỉ vì “lí do tổ chức” như vậy. Tôi bèn yêu cầu trưởng đoàn của tôi chuyển tới ban tổ chức lời nhắn như thế này: “Nếu tôi không in được và không phát được thư tù nhân, nếu sau khi tham luận, không có được một cái bàn và một cái ghế ở cuối phòng để tôi phát những bản in, thì trong thời gian 10 phút tham luận, tôi sẽ dành 5 phút để giải thích cho các đại biểu và cho các nhà báo có mặt ở hội trường là do ban tổ chức Liên Xô của Đại hội viện dẫn lí do không có máy in rô-nê-ô, các bạn không có được những tài liệu khẩn cấp, độc nhất vô nhị”.
   Một giờ sau, một cái xe buýt hãm phanh ngoài cửa gian phòng chúng tôi đang dùng bữa trưa, và người phiên dịch vui mừng mời tôi lên xe để đi in “bao nhiêu bản cũng được”. Thế là mặc phong phanh cái áo sơ mi, tôi không cảm thấy cái lạnh của 17° âm. Và khi đến phiên tôi phát biểu, mặc dầu đồng chí Elie Mignot, ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp, trưởng đoàn của chúng tôi đồng thời là người hướng dẫn thảo luận của Tiểu ban, không ngừng lừ mắt nhìn tôi, tôi đã “cướp” của đẳng cấp quan liêu Liên Xô thêm 10 phút, nghĩa là đã nói về tình trạng, về sinh mạng các bạn tù của tôi trong tổng cộng 20 phút, gấp đôi thời lượng quy định.


   Đúng thế, tôi đồng ý với ông Lê Hiếu Đằng: dân chủ ít khi được ai ban phát, dân chủ chỉ có qua đấu tranh!
  Để kết thúc đóng góp nhỏ bé này vào cuộc thảo luận hiện nay, tôi xin nói rằng, cho đến nay, các đảng cộng sản trên thế giới, ngày nào còn hoạt động trong tình trạng bị đàn áp vẫn luôn luôn thâm nhập quần chúng, bắt rễ trong nhân dân, sẵn sàng tham gia và hy sinh chịu đựng trong các cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhưng đến khi giành được chính quyền rồi, thì chưa có đảng nào đáp ứng lâu bền được kỳ vọng của nhân dân ước mong xây dựng một xã hội tự do và đã đưa đảng lên vị trí lãnh đạo. Ngược lại, kinh nghiệm cho thấy càng nắm độc quyền thì họ càng xa rời gốc rễ, họ tạo ra cho mình một hình ảnh rất tiêu cực, đôi khi kinh hoàng, làm hoen ố lý tưởng của mình. Với quá khứ rực rỡ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có sẽ trở thành một ngoại lệ, phủ nhận cái “quy luật” đáng buồn nói trên? Liệu Đảng có đủ dũng cảm, trí tuệ, óc sáng tạo, tinh thần nhân bản để đổi mới dân chủ? Để lại một hình ảnh thoái hóa suy đồi, hay để lại sự ngưỡng mộ, biết ơn và tự hào, đó là cả vấn đề.





H. C. Q.



Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: