Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tâm sự của người chuyên viết điếu văn

     "Chớ ca ngợi kẻ ác đang sống để nối giáo cho giặc. Chẳng cần gợi lại nhiều tội ác của kẻ đã chết. Đó cũng là lòng đại lượng, đức vị tha để mọi giới tâm linh đều hướng về cái thiện. Đó là điều cốt lõi ở cái chân cái mỹ…"

Ông Hoàng, ở trong ban hòa giải của khối phố tôi, nổi tiếng là người viết điếu văn thượng hạng. Chỉ cần đọc qua vài dòng tiểu sử hay lướt qua bản sơ yếu lý lịch của người quá cố mươi phút, nửa giờ sau, ông đã có ngay một bài điếu văn đủ lâm ly, thống thiết.

   
Tiếng lành đồn xa, có đám tang, cách 20 cây số cũng cử người tìm ông, nhờ viết giúp bài điếu văn cho thật giống một bản tuyên dương công trạng và nhân cách người đã mất. Ngay cả những kẻ khi còn sống, dân lương thiện đều kiềng, nhưng lúc sắp xuống mồ cũng muốn được tôn vinh công đức.

Ông chủ khách sạn Hoàng Kim, chuyên làm nghề chứa gái mại dâm, lại là chủ đường dây buôn bán chất ma túy, cầm đầu một lũ chân tay, rặt những tên đầu trâu mặt ngựa. Ông ta còn nổi tiếng tàn bạo và keo bẩn… lúc trăng trối với vợ con, cũng đòi mời bằng được ông Hoàng vào ban tang lễ để xin bài điếu văn sám hối. 
Lạ thay, đến tên chủ băng cướp Rồng Xanh, trước ngày nhận án tử hình cũng di chúc cho bọn đàn em: “Cố ép lão già, cho tao cái điếu văn kêu kêu một tý. Không đọc được lúc tao bị hành quyết thì xướng cho tao sau lúc chúng đem tao hạ huyệt, cho sướng cái lỗ tai. Lão đòi giá bao nhiêu, chúng mày đừng bủn xỉn”.

Ông Hoàng viết điếu văn để giúp người lương thiện ra đi cho thanh thản, giúp cho gia quyến họ tuy có mất mát, đau thương, song cũng có điều an ủi, tự hào về người đã khuất, âu cũng là điều thiện. Hoặc hẳn như ông không biết thật kỹ về con người mà ông xướng điếu văn nên đã xưng tụng họ quá lời, cũng có thể cho qua. Nhưng có đám tang, ông biết rất rõ, kẻ xuống mồ kia chính là kẻ ác, mà lời lẽ trong điếu văn vẫn cứ thống thiết, lâm ly, tỏ ra nhớ thương, luyến tiếc… Hỏi ông có phải là kẻ tòng phạm với cái ác hay không? Nhiều lời bình phẩm và chuyện đó cũng đến tai ông, nhưng ông chỉ mỉm cười ý nhị, không muốn luận bàn … 

Cạnh nhà ông Hoàng, có một gã nghiện rượu nặng lại kiêm nghề đạo chích. Nhiều đêm, dậy đâm tiết lợn, nhưng thấy trời còn quá sớm, gã đút luôn con dao sát thủ vào cái bao gai cùng mươi khoanh dây điện, rồi lẻn sang hàng xóm. Nhà nào sơ hở, có cái nồi, cái chậu để ở sân, ở bếp gã tống vào bao luôn. Nếu gần chuồng lợn nạn gia có ổ cắm điện thì con lợn sẽ êm ro, nằm vào bao của gã. 

Gã có tật, cứ nốc rượu vào là gã hát ông ổng cả đêm. Nhà ai có đám tang, gã đến ngồi dai như chão, vừa uống rượu, lão vừa ông ổng hát cho đến tận khuya. Nhà có đám cưới, càng lo hơn. Gã đem toàn chuyện tục, đêm tân hôn của gã ngày xưa ra kể, khiến cả cô dâu, chú rể và khách khứa ngượng tím cả mặt.
Đã vậy, gã còn tự tiện mở hàng két bia, ép mọi người “một hơi xong béng”. Uống căng bụng rồi, cần giải tỏa đầu ra, gã cứ việc đứng ngay trên hè mà trút xuống sân xè xè, hoặc vừa đi vừa vẽ rồng, vẽ rắn ngay trước cửa nhà người ta, vô tư… Cả đời, gã chẳng cho ai thứ gì, nhưng đến đâu chơi, bao giờ gã cũng cuỗm được một thứ mang về.

Bà con ta nghèo, nhưng mấy ai nỡ từ chối kẻ cố đấm ăn xôi? Vả lại, với gã, thứ gì thó được là gã thó. Thứ không thó được thì gã xin đểu. Xin đểu không cho, gã gây sự. Gã xin nhà hàng xóm vài thước đất để nới thêm cái lò đâm tiết lợn. Chủ đất không cho, vì cái lò mổ của gã mở rộng ra sẽ che khuất khuôn cửa sổ buồng ngủ người hàng xóm.
Hàng ngày, mùi phân, mùi nước tiểu, tiếng lợn bị chọc tiết rú lúc 4 giờ sáng… sẽ xộc thẳng vào căn buồng, còn hơn bị tra tấn… Xin không được, gã làm luôn cái hố xí trần ở cạnh cửa sổ buồng người ta. Khu phố đến hòa giải, gã uống rượu say, tay chai rượu, tay dao bầu, gã hoa lên thách thức:
“Đất tao, tao làm gì cũng được. Thằng nào muốn sạch, muốn thơm, đi mẹ mày nơi khác mà ở”. Tổ hòa giải đành báo cáo lên phường. Phường trình lên thành phố. Thành phố thấy việc nhỏ, gây với gã cũng phiền… cho qua. Gã càng được thể … 

Vừa qua, trời phạt gã. Sau một bữa rượu say, gã nằm sân hóng gió và không may đột tử.
Đám ma gã không đông, song những người ở cùng khối phố với gã cũng không mấy ai nỡ vắng mặt. Nghĩa tử là nghĩa tận, kia mà.
Lúc nghe ông Hoàng đọc điếu văn, đưa gã xuống mồ, vợ con gã cũng gào lên vật vã. Hàng xóm cũng có mấy người rơm rớm nước mắt. 

Buổi tối, sau đám ma gã, con trai cả ông Hoàng từ tốn bảo bố:
 - Bố ạ! Có người nói, bố đã cải hóa cho gã, trở thành vị thánh sống. Trong điếu văn bố đọc, có câu: “Ông ra đi, vợ con ông mất một người ruột thịt thân thương, từ nay tắt lửa, tối đèn, đâu thấy người thấy bóng. Hàng xóm tôi mất đi một người bà con vui nhộn, mai mốt lặn trăng đứng gió, thôi vắng tiếng vắng hình…”. Bố lại còn: “Mong ông đi, được mồ yên mả đẹp, phù hộ vợ con… Cơm dẻo, rượu ngon, ô hô tận hưởng…”. Sống ác thế, mà chết vẫn được tiếc thương thì kẻ ác còn sống, yên tâm mà ác…

Ông Hoàng để cho con nói hết, mới ý nhị trả lời:
- Anh thấy trong điếu văn, có chỗ nào, bố viết sai không, từ tên tuổi, địa chỉ, đến nghề nghiệp người quá cố?
- Vâng, nhưng gã làm nghề mổ lợn mà bố lại viết: Sinh ư nghệ, tử ư nghệ, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ông đã hết lòng vì nhân dân phục vụ! Thế chẳng nói quá là gì?

Ông Hoàng cười khà khà:
- Anh vụng hiểu đấy thôi. Làm nghề mổ lợn, càng tinh thì càng sát sinh nhiều. Có tinh thì mới giỏi ăn trộm lợn, giết lợn ngay trong chuồng nhà chủ mà nhà chủ không biết. Còn chữ Nhất thân vinh là ý nói, chỉ cái thân gã tự cảm thấy vinh, chứ có phải mọi người bảo gã vinh đâu? Nhiều kẻ ác, lắm mưu ma chước quỷ, lắm thủ đoạn gian hiểm, độc ác, nhưng đã chẳng vỗ ngực tự hào là đa mưu túc kế đấy thôi? Giết lợn, bán thịt, không mời chào, cầm áo, kéo tay van xin, ép uổng người ta mua cho thì sao bán được thịt. Nói theo cách mỉa mai, thế chẳng phải hết lòng vì nhân dân phục vụ là gì? Còn với ai thì gã sống hay chết cũng chẳng can hệ mấy, nhưng với vợ, con gã thì gối chăn ân ái, máu mủ ruột rà nên khi tắt lửa, lúc tối đèn, vắng hình bóng gã, họ cũng thương cũng nhớ.
Gã còn sống, ba bốn giờ sáng, hàng xóm đã dậy vì tiếng lợn bị chọc tiết hồng hộc, cùng với tiếng thớt băm, cối giã, náo loạn đã quen. Nay lão đi rồi, hàng xóm cũng vắng.
Nhà có đám ma, không có gã đến hát ông ổng. Nhà có đám cưới, không còn thấy gã đến bông phèng cho đám trẻ con cười hô hố, chẳng phải cũng kém phần vui nhộn là gì. Ngày gã còn sống, những lúc lặn trăng, đứng gió, khuya khoắt đêm hôm, gã mò mẫm đi ăn sương, chạm nồi, động cửa, bà con xóm phố luôn luôn thấp thỏm vì hình dáng gã ẩn hiện trong đầu.
Gã chết rồi, xóm phố không ai còn phải thấp thỏm bóng hình gã trong giấc ngủ nữa. Thế chả mai mốt lặn trăng đứng gió, thôi vắng tiếng vắng hình đó sao?

Anh con trưởng ông Hoàng vỗ tay đen đét:
- Thế thì con hiểu!
- Anh mới hiểu cái điều nông nổi đó thôi. - Ông Hoàng cười đại lượng – Cái nhân, cái cốt trong khi viết điếu văn, anh chưa hiểu hết đâu. Kẻ đang sống quanh ta, nhất là kẻ có quyền có thế mà ác, nếu ta ca ngợi nó, mới là thông đồng với nó, khuyến khích kẻ ác càng ác thêm. Còn vạch ra cái ác nó đang làm, không phải ai cũng dám.


Kẻ xấu, kẻ ác chết rồi, mới dám vạch ra cái xấu cái ác của nó thì cũng chẳng can đảm gì hơn việc ca ngợi, tôn vinh kẻ ác đang sống. Kẻ xấu khuất núi rồi, có tôn vinh hắn, hẵn cũng không nghe thấy để dấn sâu vào tội ác nữa, nhưng lại có tác dụng cho người đời chiêm nghiệm: ừ thì ra, lúc còn sống, tuy xấu, nhưng trong con người hắn vẫn le lói một cái gì lương thiện, nên khi hắn chết, vẫn còn người tha thứ, tỏ ra thương tiếc hắn. Vì thế, mọi người khi còn sống, chớ làm điều gì đến táng tận lương tâm, để lúc chết, không được ai tha thứ. Còn với kẻ xấu đã chết, đồng loạt tỏ ý vị tha, vong linh hắn sẽ càng thêm hổ thẹn. Đó cũng là hình phạt tâm linh.

Chớ ca ngợi kẻ ác đang sống để nối giáo cho giặc. Chẳng cần gợi lại nhiều tội ác của kẻ đã chết. Đó cũng là lòng đại lượng, đức vị tha để mọi giới tâm linh đều hướng về cái thiện. Đó là điều cốt lõi ở cái chân cái mỹ…

Anh con trai ông Hoàng tâm đắc:
- Vâng vâng … con hiểu. Ông cha mình quả là thâm thúy. Người đang sống, phải sống sao để lúc ra đi, vong linh không phải hổ thẹn khi nghe người ta đọc điếu văn để vĩnh biệt mình.

 Tạ Kim Hùng

Không có nhận xét nào: