Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “lược” quy định
về bản chất, nền tưởng tư tưởng của Đảng, đặt yêu cầu lực lượng vũ trang tuyệt
đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân lên trước Đảng… Đó là những phương án mới
về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Với hơn
26 triệu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Hiến pháp sửa
đổi được tập hợp, tất cả những nội dung cơ bản cũng như chi tiết, từ Lời nói
đầu tới các chương, từng điều khoản cụ thể đã được UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 nghiên cứu, tiếp thu và giải trình cặn kẽ. Tinh thần dân chủ thể hiện rõ
nét, gần như là nguyên tắc “tối thượng” khi bản dự thảo Hiến pháp mới được soạn
lại với nhiều phương án khác nhau trên cơ sở tiếp thu những ý kiến góp ý, những
vấn đề được đưa ra tranh luận sôi nổi thời gian qua, bên cạnh phương án cơ bản
giữ nguyên như bản dự thảo đã được công bố để lấy ý kiến hơn 3 tháng trước.
Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đối với chương I – quy định về
chế độ chính trị, nội dung quy định về tên nước tại Điều 1 được người dân quan
tâm góp nhiều ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục quy định tên nước
là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .
Đây là tên gọi đã được sử dụng
ổn định từ tháng 7/1976 đến nay. UB Dự thảo lập luận, tên gọi này đã trở nên
quen thuộc với người dân và bạn bè quốc tế, thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu về
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc giữ tên nước, theo đó, có mặt lợi là
tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng… đồng thời giữ được tính ổn định,
tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu...
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị lấy
lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì tên này gắn liền với sự ra đời của
chính thể cộng hòa đầu tiên, được long trọng công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập
của Bác, được thể hiện qua 2 bản Hiến pháp (1946 và 1980).
Tên gọi này cũng được cho là
phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù
hợp với tính chất của nền kinh tế định hướng XHCN. Tên gọi này có khả năng lôi
cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng
thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới…
Việc lựa chọn tên nước theo
phương án này, UB dự thảo nhận định, không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát
triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của
nhà nước cũng như bản thân các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục
tiêu này. Thực tế, trong giai đoạn từ 1954 đến 1976, với tên gọi Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, nhà nước vẫn khẳng định và thực hiện công cuộc xây dựng CNXH.
Từ những lập luận đó, UB Dự
thảo thể hiện lại Điều 1 để làm rõ hơn hình thức chính thể và chủ quyền của Nhà
nước, đồng thời đề xuất phương án quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa.
Điều 2, nội dung xác định nền
tảng quyền lực nhà nước trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai
cấp nông dân và đội ngũ trí thức” cũng có rất nhiều ý kiến góp ý khác nhau.
Ngoài đề xuất giữ nguyên có nhiều ý kiến đề nghị xác định nền tảng này là khối
đại đoàn kết toàn dân tộc để đảm bảo bản chất của nhà nước pháp quyền và đề
xuất chỉ quy định một cách tổng quát “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân
dân”, không thể hiện về “nền tảng”.
Tiếp thu nội dung này, UB Dự
thảo đưa ra dự kiến 2 phương án giữ nguyên như dự thảo cũ và đổi quy định “nền
tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Cô đọng quy định về Đảng
Về Điều 4, báo cáo tiếp thu
giải trình nêu rõ, tuyệt đại đa số ý kiến người dân tán thành việc khẳng định
vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy
định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu sự
lãnh đạo của nhân dân về sự lãnh đạo của mình.
Các ý kiến góp ý tập trung
nhiều về cách thể hiện khoản 1 của Điều này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy
định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời
là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giải cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân
tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị viết
lại một cách khái quát, cô đọng, chỉ cần khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo
nhà nước, lãnh đạo xã hội. Phương án mới được UB Dự thảo đưa ra là viết khái
quát theo hướng này.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm
rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách
nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Ý kiến này đề nghị cần có
luật về Đảng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của
mình đối với nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo
cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và Đảng viên.
Vấn đề này, UB Dự thảo nhận
định, Đảng là lãnh đạo về mặt chính trị thông qua cương lĩnh, chiến lược, các
định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức, nội dung lãnh đạo
cần có sự uyển chuyển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời
kỳ. Hiện tại, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang
được tổng kết, nghiên cứu. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, Đảng viên
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một bảo đảm quan trọng để
nhân dân có điều kiện giám sát Đảng. Vì vậy, cơ quan biên tập không đưa vấn đề
ban hành luật về Đảng vào Hiến pháp.
Trong chương này, Điều 9 quy
định về MTTQ Việt Nam, cũng có 2 phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất, bổ
sung Điều 9 quy định “Đại đoàn kết dân tộc là động lực phát triển của Nhà nước
và xã hội”; sửa khoản 2 quy định về MTTQ theo đề xuất của UB TƯ MTTQ và bổ sung
khoản 3 quy định về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội và các thành viên
khác của mặt trận. Nếu chấp nhận phương án này, Điều 10 về vai trò của tổ chức
Công đoàn được bãi bỏ.
Phương án
thứ 2, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng tương tự nhưng không bổ sung khoản 3.
Theo phương án này, dự thảo luật vấn duy trì Điều 10.
Chương IV về bảo vệ tổ quốc, vấn đề quy định “lực lượng vũ
trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng” có 2 loại ý kiến. Có ý kiến thành hướng sửa đổi của dự thảo được xây dựng 3 tháng trước nhưng đề nghị đảo
cụm từ “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân”
lên trước. Ý kiến này cho rằng, lực lượng vũ trang của Việt Nam do Đảng
thành lập và rèn luyện. Do đó, để khẳng định bản chất của lực lượng vũ trang,
cần quy định rõ trong Hiến pháp nghĩa vụ trung thành với Đảng của lực lượng vũ
trang.
Nhiều ý kiến khác lại đề nghị thể hiện nội dung điều khoản
này như Hiến pháp hiện hành, không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối
trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam ”. Ý kiến này cho rằng, qua trải
nghiệm thực tế cho thấy vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện với lực
lượng vũ trang.
UB
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xây dựng 2 phương án theo các hướng kiến nghị trên để
trình UB Thường vụ QH.
P.Thảo (theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét