Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

THƯỢNG ĐẲNG THẦN

 + Mượn chuyện xưa nói chuyện nay (NSGV) 

 + " Sứ mệnh " của người cầm bút nói riêng và giới trí thức nói chung trong xã hội, xưa nay người ta đã nói rất nhiều ...; khi thì bằng những bài chính luận gai góc khi chỉ là bút kí nhẹ nhàng dân dã...tất thảy đều vẽ ra sự thồng nhất trong mâu thuẫn tự cổ chí kim giữa Quân và Thần !

   Hôm nay đọc câu chuyện của Trần Chiến cảm thấy thật nhẹ nhàng thú vị. Có thể khẳng định mà không sợ sai rằng vấn đề này anh suy nghĩ rất nhiều, rất sâu...và hình như anh chưa nói hết, đến tận cùng của "nan đề " luôn mang tính thời sự này. Cũng dễ hiểu thôi, khi "nó" đụng đến bát cơm manh áo của vợ con anh, và xa hơn nữa, đụng đến vị thế, thậm chí sự tồn tại của bản thân anh .

  Cũng chính vì vậy mà ta được mục sở thi sự khéo léo - tài cao - của anh khi động đến câu chuyên nhạy cảm này. Văn phong thật nhuyễn, dân dã mà trí tuệ, thông minh, đầy tự tin trong từng con chữ, thậm chí đến từng dấu chấm dấu phảy! Mạch chuyện chảy đều, có sự thống nhất trước sau, bi hài tự nhiên không chút gượng ép ....tóm lại là " PRO " !!  - hadongtran


Thượng đẳng thần 

Truyện ngắn của Trần Chiến


Phạm Vĩnh Nhiên, người tổng Hào Hiệp, Sơn Nam Hạ, là con một bác phó cối. Nhiên hồi nhỏ hay đáo khăng, suốt ngày trèo cây bắt cá, lớn lên đốc chứng thích chữ nghĩa. Được cha gửi học các danh sư, mười tám tuổi Nhiên đã tiếng tăm thơm phức. Thi nhân đến nhà tha hồ đố chữ, khảo kinh, Nhiên trả lời rành rẽ, giải các tầng nghĩa nông sâu đâu ra đấy. Bèn đều cùng đoán một tương lai rõ ràng, phải nuôi dạy cho dày cả phần đức độ để rồi sáng danh thiên hạ.
Năm hai mươi tuổi, Nhiên thi Hương trúng thủ khoa. Lên thi Hội rồi vào kinh thi Đình, chàng làm một lèo tới á nguyên, mà năm ấy không có giải nguyên. Các chủ khảo dâng quyển của Nhiên lên Ngài Ngự, được khen rằng ý tứ đậm đà, hùng tráng mà sâu xa, lại không khiêm nhường vờ vĩnh, đúng là có chí trị quốc bình thiên hạ. Đặc biệt, văn phong như ẩn như hiện, có đấy mà lại không, không động đến cái gì mà lại cứ nhắc người ta phải nghĩ đến cái đó, huyền hoặc vô cùng. Vua Hiến Tông bảo thái sư: “Người này văn tài lai láng, nhưng chưa qua việc cụ thể”. Lời tâu lại: “Bẩm, nên bổ vào một chân sở tại cho quen việc hương xã, huyện nhậm đi. Mà phải luôn đổi chỗ, đi những thổ ngơi khác nhau mới vừa phong phú kiến văn, lại vừa tránh được thiên hướng phiêu phiêu phưởng phưởng rất có hại. Bây giờ nên cho một chức gì hèn hạ thôi, sau mươi năm mà không chìm đắm thì đúng là chân tài”.

Tháng ba năm sau, ăn Tết xong, Nhiên bái tạ cha mẹ, căn dặn các em rồi lên đường vào châu Sơn Đương mãi trong Hoan Ái, nhậm chân thư lại tại huyện đường. Nhiên không coi việc nhỏ đấy là phí tài mình, rất chăm chỉ ghi chép, cần mẫn sưu tập cả những huyền tích, phong tục từng làng xã, gia phả các dòng họ, khiến quan phụ mẫu ưng ý lắm. Ngày nọ, tri huyện gặp vụ kiện khó: hai chi họ Nguyễn ở làng Bá Đàm đâm nhau lòi ruột, ai cũng nhận mình là chi trên. Cùng một gốc đấy nhưng bây giờ mỗi anh mỗi bàn thờ, hương hoa bề bề bên cạnh, ra đình cứ chiếu trên đòi ngồi, đâm nhau đổ máu. Mà chẳng biết lấy đâu căn cứ để xem xét. Vĩnh Nhiên bèn giở những ghi chép riêng, biết cách đấy ngoài trăm năm, cụ cao tổ Nguyễn nhiều vợ đông con, sau này có một chi ly khai, lập bàn thờ riêng, viết lại gia sử. Chiếu theo biên khảo ấy thì phân ra chi nào dưới, chi nào trên rất dễ. Quan huyện cho người về Bá Đàm đọc gia phả, những hoành phi câu đối trong cả hai nhà thờ họ thì thấy lời Nhiên quá đúng, theo nhẽ ấy mà xử thì cả hai bên đều phải tâm phục. Ngài lại cao hứng, bảo Nhiên: “Thầy ngồi chân thư lại này phí tài, để ta biện lời nói với trên cho một chỗ khác”. Nhiên vâng dạ, ngày đêm lo việc phủ đường, đêm về chong đèn biên chép, khảo cứu các thư tịch đầy rẫy trong vùng. Việc nghiên cứu là một hứng thú chả bao giờ cạn.


Quá một năm ở Sơn Đương, Nhiên có trát đổi làm huyện lệnh Phác Hộ, một vùng cửa sông Cái. Chỗ ấy phù sa cuồn cuộn ra biển, dòng sông cứ bên lở bên bồi đổi hàng năm. Các vụ kiện của dân làng đôi bờ nhiều vô kể, vì bãi sông lúc thì nhập vào tả, lúc lại dời sang hữu ngạn. Vĩnh Nhiên bày cho hai làng cử người dời đồng ra giữa sông lập trại, hoa lợi hưởng chung. Sau này, trai gái hai bên lấy nhau, sinh thành đàn đống, hiềm thù chấm dứt. Thấy huyện lệnh được cả việc quan lẫn việc dân, quan tuần phủ bèn gả con gái yêu cho. Nhiên lấy được vợ sang nhưng băn khoăn, thưa với bố vợ: “Số con phải lênh đênh, trong mươi năm chưa đứng chỗ được, sợ là vợ con phải di chuyển vất vả”. Nhạc mẫu cười ha hả: “Biết thế là hiếu đễ, thơm thảo rồi. Còn chuyện gái theo chồng thì kể gì!”.


Hiến Tông là một vị vua anh minh, giữ kỷ cương, trọng hiền tài rất mực. Nhờ vậy mà dần dà giặc giã dẹp yên, dân chúng chỉ lo canh cửi cấy cày. Dù lụt bão mất mùa, dù đồng khô cháy hạn, lúc nào dân gian cũng một lòng tin tưởng vào người chăn dắt. Trên dưới đều chăm chỉ nên đất nước thịnh vượng, thanh thế dần dần vượt ra ngoài bờ cõi. Dăm bảy năm ấy cũng là thời gian Vĩnh Nhiên cùng vợ con chuyển hết từ huyện này sang phủ nọ. Chuyên cần, khiêm cẩn, ở đâu chàng cũng tròn việc quan, lại nhặt nhạnh được vốn kiến văn sung túc, chưng cất thành nhiều bộ sách quý. Chàng cả tiếng đến nỗi dù ở nơi sơn lâm cùng cốc, tết lễ nào cũng có người đến xin chữ, còn ngày thường phải chỉ giáo nhiều vô kể.

Bác phó cối ốm nặng, gọi Nhiên về bảo: “Con đã làm được nhiều việc cho đời, rồi sẽ đến lúc về Kinh ấm chỗ. Hành văn là nghiệp của con, nhưng nên nhớ nó rất gần chỗ khốn khó”. Nói rồi nhắm mắt xuôi tay.

Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì Nhiên được gọi về Kinh nhậm chức tham tri bộ Lễ, chuyên biên chép lịch sử. Những việc hàng ngày trước mắt, những sự cách mấy trăm năm chàng đều vào sổ, ngày ngày cần cù như con ong. Những đánh giá phân loại của chàng có lẽ có tình, đích đáng, ai nấy đều chịu. Đến nỗi nhà vua, một ngày thăm thư viện họ Phạm, đã ban cho hai chữ “Biệt Nhỡn” treo vách.

Về kinh được hơn năm, nhân khuyết chân ở bộ Lễ, Nhiên được cất thẳng lên thượng thư. Ba mươi sáu tuổi, học rộng tài cao, nên đồng liêu không mấy kẻ thắc mắc, đều cùng gọi là Phạm Công. Công được chức trọng mà không mảy may huênh hoang. Nhớ lời cha, chàng coi đó là nghiệp chứ không phải nguồn lộc. Nỗi buồn phiền duy nhất gặm nhấm chàng là muộn con, dẫu đã cùng phu nhân thuốc thang hết thày này sang thày khác.

***

Một Trung thu sáng đẹp, vua Hiến Tông mở tiệc thưởng trăng ngoài ngự uyển cùng thái sư đầu triều. Ngài vừa vi hành bốn cõi, thấy đâu đâu cũng sung túc kiện khang, bao nhiêu hoan hỷ tuôn tràn. Rồi một chốc, mặt rồng thoáng đăm chiêu: “Muôn dân no đủ, lễ hội mở ra liền liền, hết Nguyên Tiêu, Xá tội vong nhân lại tết cơm mới. Có điều quy củ chưa được chỉnh đốn lắm. Làng nào có thần làng ấy, nhưng nước chưa có đấng chung để thờ tự. Phải có các thượng đẳng thần để ai ai đều trông vào, cả nước chung một niềm tin”.

- Tâu hoàng thượng, đấy là việc của bộ Lễ – Thái sư kính cẩn tâu.

- Khanh mau tìm người, giao viết lại công tích những vị định chọn, tấu lên ta xem xét.

- Tâu hoàng thượng, thần đã nghĩ sự ấy từ lâu, thật vô cùng khó khăn. Định tội sai cho một người đã là có lỗi, mà viết công đức không đúng cho ai cũng tổn âm đức vô cùng. Việc này…

- Khanh cứ nói, nhà vua thúc giục.

- Phải tận tay thượng thư bộ Lễ tự làm.

- Trẫm cũng tin người ấy. Họ Phạm vô tư, chỉ biết chính đạo mà hành. Ngoài kiến văn vô cùng đầy đặn, thì đó là đức tính tối cần cho người dựng lên gương sáng cho cả bờ cõi trông vào, noi theo.

Nói rồi thảo ngay chỉ, truyền Phạm Vĩnh Nhiên thảo ra hệ thống thượng đẳng thần, đặng cả nước thờ tự.

Phạm Công về thư viện khảo các biên chép, đi lại những địa phương ngài đã biết, lục tung từng thần tích gia phả. Những làng dệt vải, những làng cày cấy, những làng đục chạm, làm thợ ngõa, Công đều đi tận nơi. Các thành hoàng rất nhiều công tích: tỉ như bắc hành học Lỗ Ban đục gỗ chí chát, ra Quan Lạn buôn bán với thương nhân Chà Và, hoặc giả chỉ mang giỏ đi khắp nơi chuyên cần nhặt phân trâu đem về bón ruộng. Lại chẳng ít nham nhở dở hơi: có công đấy nhưng tham bát bỏ mâm, dựng nghiệp rồi mà còn xơi con thầy vợ bạn, thậm chí dèm pha, dìm đồng sự trong đắm chìm…

Bao nhiêu lao tâm, bao nhiêu đăm chiêu, so bì, dằn vặt.

Cuối cùng thì được hai vị để tâu lên, trước hết với thái sư.

Một là Minh Quang Đại vương ở Lao Xá, tỉnh Đông. Gốc tích làm ruộng, thần lực tráng kiện vô kể, ngài đã dẫn đầu trai tráng trong vùng đuổi giặc Ngô phía Bắc, bình nhà Hầu phương Nam. Thế binh hùng mạnh, đến nỗi chẳng còn quan binh triều nào dám sang cướp đất ta nữa. Ngài chỉ gươm xuống đâu thì đấy là bờ cõi. Cương vực vững mạnh, đất ta có dân ta, dân ta có vua ta, sánh ngang với lân bang, chẳng ai coi thường được.

Hai là Linh Thảo Sơn Thần, xuất thân làng Đoài, tổng Phù Vân, Sơn Nam Hạ, nơi đất lầy thụt, ngập úng, chẳng trồng cấy gì được. Gặp năm đói kém, trời bắt mất đứa con, ngài giận bỏ nhà đi lang thang, học được phép đắp đê trị thủy. Ngài trở về dạy lại dân hàng tổng, cả nghìn người đổ ra chắn triền sông Cái. Cánh đồng bớt ướt át, có thể gieo được hạt thóc xuống. Rồi ngài đến các tổng lân cận, hai bên tả hữu ngạn, đâu đâu cũng hô hào đắp đê, thau chua rửa mặn.

Cây lúa nước mọc lên, thóc gạo ùn ùn chất về kho. Sự ấy làm thần sông Cái nổi giận, dâng nước đục thủng một khúc đê. Linh Thảo bèn chỉ huy cả vạn người vác đất đá ném xuống, chỗ nào sạt đắp chỗ ấy, nước hết đường xông vào phá hỏng ruộng bờ. Thần sông phải nén giận, lui xuống. Nhưng nhớ đến quyền lực cũ, năm nào cũng dâng nước lên. Thì chỗ nào cũng gặp phải con đê kiên cường che chở cho làng mạc thanh bình thịnh vượng.

Ngài ấy sau lên núi, tôn xưng Sơn Thần, chỗ nào cũng lập bàn thờ bái vọng, lấy bát cơm mới mà dâng. Cả một vùng dân cư trồng cấy lúa nước, tạo lập nên lời ăn, tiếng nói, câu hát, nền văn hiến chẳng giống ai.

Minh Quang Đại Vương và Linh Thảo Sơn Thần, một người dựng xây nước, một người giữ lấy nước, giang sơn gấm vóc từ đấy. Thử hỏi còn ai xứng đáng hơn.

Ba là…

Bốn là…

Phạm Công cũng nghĩ đến vài bốn vị có công tích khác, nhưng thảy đều chẳng hoàn toàn, đề lên làm Thượng đẳng thần nó không tề chỉnh thế nào. Nghĩ vậy, bèn dâng biểu lên thái sư. Ra vào, nghe ngóng, phấp phỏng. Đợi.

Chưa được dăm hôm, đã có lệnh truyền. Thái sư mặt mũi xầm xì, cho thi lễ xong rồi hỏi sõng:

- Thầy soạn hết chưa?

- Bẩm, hạ quan mới làm được hai vị, chưa nghĩ thêm được ai – Ngài thượng thư trả lời, rất áy náy về chữ “thầy”.

- Khi quân!

Tiếng thét của thái sư làm Phạm Công giật nẩy người, xuất hãn đầy mình. Bèn cúi đầu, chờ cơn thịnh nộ.

- Thầy có biết ai đẻ ra Ngài Ngự ta?

- Dạ, là Đức Đoan Tông.

- Thế ai đẻ ra Đức Đoan Tông?

- Là Thái Tổ khởi nghiệp.

- Làm sao mà thầy lại quên ơn Thái Tổ, không ghi vào hàng Thượng đẳng thần?

Quan thượng thư nhẹ cả người, từ tốn đáp:

- Bẩm, hạ quan có nghĩ đến chuyện ấy. Thái Tổ dẹp bỏ triều cũ thối nát, khởi nên nghiệp đế tới nay và cho mãi sau này. Đó là một công tích vĩ đại. Nhưng quả là có đôi tì vết. Một, là Đức Thái Tổ xuất thân lái bò không khỏi có lúc không thành khẩn. Hai, là khi đã thành nghiệp, do nghi kỵ, Người xuống tay giết oan năm khai quốc công thần. Ba, là…

Thái sư chạy thẳng từ trên án xuống bịt miệng Phạm Công. Mặt mũi thất sắc, ngài nhìn quanh, thấy không có ai mới khẽ nhủ: “Không ai sáng láng như thầy. Không ai thậm ngu như thầy. Đây là việc vua truyền, làm sao thiếu được những bậc sinh ra mình rồng”.

- Bẩm, thiết nghĩ…

- Không được cãi. Nghĩ như thầy đã đáng chém ngang thân. May là thầy nộp bảng văn cho ta trước chứ dâng thẳng lên hoàng thượng thì đã tru di tam tộc. Mà ta tiến cử ngươi, thử hỏi có tránh khỏi vạ lây…

Phạm Công tuy sợ hãi nhưng tấm tức, mặt hết đỏ dồn sang tái, cứ ngây ra mà chả biết bảo sao. Thái sư xem chừng đã xong chuyện, phẩy tay áo rộng loạt soạt: “Người chết rồi, phết phẩy vài nét thêm cho thơm tho mà cũng không biết đằng. Rõ là đổ hủ sinh!” Rồi hầm hầm đi vào.
Phạm Công về dinh thượng thư, mặt tái dại như phải cảm, vợ càng hỏi càng ú ớ. Được ba hôm dở cười dở khóc thì vùng trở dậy, nửa đêm mài mực viết. Viết rằng “…” Rồi lại khóc, lại nhăn nhó như táo bón rặn ị, cầm bút phết phẩy.

Quyển nộp lên. Thái sư xem những chỗ Phạm Công cho là “tì vết”, thấy sửa: một, Thái Tổ thời hàn vi là người cần lao, làm nhiều nghề bình dân, nhờ vậy biết rất rõ phong tục bách tính. Hai, những người đã cùng ngài vun trồng nghiệp đế, đến lúc bình thời chẳng may bạo bệnh chết cả. Ba,…

Thái sư bảo đem vuông lụa và mươi đĩnh bạc cho Phạm Công, phán: “Thầy theo hướng này là đúng, nhưng hãy làm cho văn chương thơm nức lên. Bằng không thì lấy vuông lụa mà tự xử”.

Lại về trầy trật mài mực, nhỏ thêm vào nghiên vài giọt nước thơm, rồi lấy hết sức bình sinh nhuận sắc.

Nộp. Duyệt. Trả lại. Nhuận sắc thêm.

Đến lần thứ ba thì vừa ý thái sư. Quyển văn được vua ưng chuẩn ngay, rằng chọn lựa chuẩn xác, hàm ý súc tích, văn chương sang trọng, xứng với công tích các vị ấy. Một đạo dụ thảo ra, các đình làng, miếu mạo đều đặt bàn thờ mới có bài vị tam vị Thượng đẳng tối linh thần. Thờ riêng, ở trên cùng. Còn những ông thành hoàng cũ tuốt lượt sắp từ trung đẳng trở xuống.

Thảng hoặc có phe giáp bướng bỉnh giữ nguyên Thượng đẳng thần cũ, thì quan quân về đấm đá đạp, cho cạch mặt.

Trật tự thờ cúng xếp đặt xong, thượng thư bộ Lễ được phong tước hầu. Công có những trang trại ở Hưng Hóa, Hoan Diễn, được thu thuế khu chợ vải, khu thuốc nam ở Kinh Bắc, lộc ăn đời đời không hết. Mùa nào thức ấy, người nhà hương cam Canh, vải thiều, nhãn lồng, chim ngói, sâm cầm, đem so với ngự thiện chẳng kém mấy nỗi. Nhưng ngài tính khiêm nhường, hay gọi bọn sĩ tử lại cùng thù tạc. Chúng thấy Công thật đáng trọng, chỉ thỉnh thoảng hơi ngây ngây như mất hồn. Hỏi, chẳng thấy nói sao.

(còn tiếp)


Ghi chú: Truyện đã được NXBVH đăng trong "Truyện ngắn hay 2004", trang 203.

Không có nhận xét nào: