Artist
Do Minh Tuan: Tôi băn khoăn mãi nhiều năm không
dám nghĩ mình đã "biết". Nhưng rồi nhớ câu cổ nhân: "Biết mà
không nói thì bất nhân, nói mà không hết thì bất nghĩa" nên cứ nói ra kẻo
đúng là mình "biết" thật thì mình lại bất nhân!Thà nhầm là mình
"biết"còn hơn là im lặng để vô tình thành bất nhân bất nghĩa. Nếu tôi
"làm" được tôi chăng nói làm gì! Nhưng ném cái biết lên bàn lúc
này cũng là một cách LÀM đấy!
Artist Do Minh Tuan
Kissinger bắt tay ông Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu.
Nhân Hội nghị TW 10 bàn chuyện tổng kết giai đoạn đổi mới từ
Đại hội 6 đến nay, chuẩn bị đưa ra Đại hội XII các vấn đề lớn liên quan đến Chiến
lược phát triển, Cải cách thể chế và Xây dựng Đảng, đồng thời trên FB cũng đang
bàn chuyện “tách Đảng” do TS Đỗ Xuân Thọ một đảng viên - cựu chiến binh tâm huyết
đưa ra, tôi xin kể lại cuộc nói chuyện với ông Lê Đức Thọ vào tháng 10 năm
1989, trong đó có nói về thực trạng “Đa nguyên bên trong” hay còn gọi là “Đa đảng
chui” theo cách nói dân dã để các bạn thấy rằng tôi ủng hộ phương án của Đỗ
Xuân Thọ là căn cứ trên những hiểu biết cụ thể về Đảng và quá trình nghiền ngẫm
suốt 25 năm nay để trả lời câu hỏi về lỗi hệ thống lớn nhất của Đảng CSVN.
“NGƯỜI ĐỜI” LÊ ĐỨC THỌ VÀ NHỮNG VIỆC GAI GÓC
Tự tin với ý tưởng cho rằng Đảng cần chấp nhận một thứ “dân
chủ xanh tươi” từ đời sống chứ không chỉ thoả mãn với một thứ “dân chủ đóng hộp”
qua các văn bản tổ chức tổng kết ý kiến nhân dân, trong thời gian hơn mười năm,
từ năm 1978 đến khi Lê Đức Thọ qua đời, tôi và nhà thơ Vĩnh Quang Lê lúc đó khoảng
25, 26 tuổi, công tác tại Viện Triết học UBKHXH đã có nhiều dịp tiếp xúc trò
chuyện với ông cũng như với nhiều lãnh đạo cao cấp khác với ý thức làm một thuyết
khách thời hiện đại để tư vấn nhiều ý tưởng về thể chế, về đường lối văn hoá
văn nghệ cho Đảng CSVN. 5 ý kiến trong kiến nghị của tôi đã được Lê Đức Thọ lấy
đưa vào Nghị quyết về đổi mới văn hoá văn nghệ và thông báo cho Bộ Văn hoá về
điều đó. Một số người chúng tôi giới thiệu cũng được ông đưa vào kênh của ông,
dần dần trở thành lãnh đạo cao cấp như Thứ Bộ trưởng, Uỷ viên TƯ, Uỷ viên BCT,
Chủ tịch nước.
Lê Đức Thọ từng tâm sự với chúng tôi rằng những việc gì gai
góc Đảng thường giao cho ông: Tổ chức guồng máy của Đảng, hoạt động ngoại giao
kết thúc chiến tranh, chỉ huy chiến tranh giải phóng Campuchia và sau đó là chỉ
đạo đổi mới văn hóa văn nghệ. Lê Đức Thọ nhiều lần nói người lãnh đạo “phải
nghe bằng bốn tai”. Không chỉ biết lắng nghe những ý kiến trái chiều từ nhiều cấp,
nhiều nguồn, nhiều quan điểm, Lê Đức Thọ còn thường xuyên đối thoại, tranh luận
rất cởi mở, cho dù người ngồi trước ông chỉ là một người bình thường nằm ngoài
guồng máy, thậm chí không phải đảng viên như tôi. Những ý tưởng mới mẻ, sắc sảo
được tuôn ra như bất tận. Không ít lần ông say sưa nói quá giờ, bác sỹ riêng
vào giục, ông xin bác sỹ thêm 5 phút rồi lại nói tiếp quá cả cái hạn xin thêm,
rồi lại xin thêm lần nữa…có khi vượt quá thời gian bác sỹ cho phép đến nửa giờ.
Lê Đức Thọ không phải là một biểu tượng và cũng không hề có
một thao tác cá nhân nào dính đến những kỹ năng tạo thành biểu tượng. Muốn
thành một biểu tượng thì phải có những hư chiêu để làm một “mẫu số chung tầm
thường” theo cách nói của nhà triết học Pháp Rudolf Carnap, hay một mẫu số
chung cao cả để đón nhận tình cảm tôn giáo hướng thượng của người đời, mặt
khác, phải xa lánh gián cách với quan hệ cụ thể, những ràng buộc cụ thể của
tình đời, thậm chí phải tỏ ra cô đơn yếu ớt và thất bại để thức dậy lòng trắc ẩn.
Lê Đức Thọ là một chính khách cụ thể, một NGƯỜI ĐỜI công khai, hoàn toàn ngược
với những phẩm chất của biểu tượng này. Người-Đời-Lê-Đức-Thọ không bao giờ tỏ
ra yếu ớt thất bại và cũng không bao giờ chạy trốn trách nhiệm bẩm sinh của con
người cụ thể. Ông quan tâm tới tất cả những người đã từng gắn bó với ông trong
công việc hay trong cuộc sống. Ông không thờ ơ bỏ rơi bất cứ ai mà ông từng
quan hệ hay cộng tác. Những người cùng ekip với ông trong các công việc ở
Paris, Campuchia sau đó đều trở thành lãnh đạo cấp cao. Ông rất nghiêm với những
người có biểu hiện ăn hối lộ: “Đi với bác bác không bao giờ để cho thiếu đói
hay cùng quẫn, vậy mà vẫn tham những cái nhỏ là không được!” Nhưng ngay cả những
người có lỗi, bị kỷ luật, ông cũng vẫn thương, giúp đỡ cho con cháu họ.
TỪ NỖI BUỒN TRONG THƠ ĐẾN VINH QUANG TRONG NGHỀ NGHIỆP
Khi quan hệ với ông tôi chỉ là một thanh niên 26 tuổi, một
nhà thơ, nghiên cứu viên của Viện Triết học, sau đó là anh sinh viên điện ảnh mới
ra trường, không phải đảng viên. Nhưng ông vẫn chân tình đối thoại, lắng nghe
và quan tâm thầm lặng. Khi gặp ông tôi chẳng nói gì về bản thân. Nhưng một hôm
ông Lưu Văn Lợi thư ký riêng của Lê Đức Thọ đi xe đạp đến nhà tôi ở Bách Khoa hỏi
tôi về cuộc sống và công việc. Thì ra Lê Đức Thọ đọc một bài thơ của tôi và bảo
ông: “Cậu hỏi xem công ăn việc làm của thằng Tuấn thế nào mà thơ nó có vẻ buồn
thế?”. Tôi trả lời chú Lợi: “Cháu xin về Hãng phim truyện Việt Nam gần một năm
nay mà chưa được”. Nghe thư ký báo cáo lại, Lê Đức Thọ nói: “Bảo thằng Thụ lấy
nó về”. Thế là ngay sau đó tôi được nhận về Hãng phim truyện Việt Nam. Nhờ cái
vía Nô Ben của ông nên các phim của tôi là “Ngọn đèn trong mơ”, “Dịch cười”,
“Vua bãi rác” và “Ký ức Điện Biên” ngay từ khi mới ra đều đã được hàng chục nước
trong đó có Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Asean mua và mời tham dự nhiều LHP quốc
tế. Phim “Vua bãi rác” cũng là phim đầu tiên của Việt nam được Bộ Văn hoá ra
quyết định gửi dự Oscar theo lời mời của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ. Quy định
tiêu chuẩn cho phim nói tiếng nước ngoài được dự Oscar trước đây rất ngặt
nghèo: Phim phải được chiếu bán vé ít nhất 7 ngày ở các rạp Hoa Kỳ để được dự
Oscar. “Vua bãi rác” là phim Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và
Ca-na-đa đã chiếu nhiều buổi trên thị trường chiếu bóng của Hoa Kỳ nên nên đủ
tiêu chuẩn. Sau này, họ bỏ quy định ngặt nghèo này nên các phim trong nước chỉ
cần được Hội đồng chọn phim quốc gia bình chọn là có thể được gửi dự Oscar. Vì
thế tôi luôn biết ơn Lê Đức Thọ vì ông đã chủ động quan tâm giúp đỡ cho sự nghiệp
điện ảnh của tôi.Xin xem thêm: http://www.thanhnien.com.vn/…/dien-anh-viet-mo-oscar-20700.…
Cuối năm 1989, tôi được Hội người Việt nam tại Pháp trực tiếp
là các anh Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hải Hạc và Bạch Thái Quốc mời sang thăm Pháp
hai tháng đồng thời tham dự 4 Liên hoan phim là Cannes, Nantes, Belfort, Màn ảnh
Tự do...với hai phim “Dịch cười”, “Ngọn đèn trong mơ” đã được các LHP này chọn.
Trước khi đi, Lê Đức Thọ gọi tôi lên để dặn dò nhiều điều tâm huyết và tôi cũng
nói thẳng với ông những tâm tư, suy nghĩ của mình về Đảng CSVN. Ông ghi những ý
cần nói với tôi vào một tờ giấy pơ-luya xanh.
Ông tâm sự về thực trạng phong trào CS hiện nay, lo lắng vô
cùng, cảm thấy có nhiều nguy cơ sụp đổ. Nếu sụp đổ thì điều đau nhất là mất đi
thế hệ trẻ. Cả đời đi làm cách mạng để rồi chẳng biết tương lai sẽ ra sao, thế
hệ trẻ có còn tin những điều mình tin, yêu những điều mình yêu và bảo vệ những
điều mình bảo vệ không? “Mất thế hệ thể thì chết không nhắm mắt được!”. Ông chê
TBT Nguyễn Văn Linh chỉ lo những việc vặt như không tặng hoa trong hội nghị,
không di xa la-da có điều hoà, không đi máy bay chuyên cơ. Lẽ ra, một TBT Đảng
phải nhìn về tương lai mà lo những cái lớn lao hơn, lâu dài hơn, số phận của Đảng
thế nào? Chủ nghĩa xã hội có còn không? Lớp trẻ sau này chúng sẽ theo ai? Từ
đó, ông nói về thái độ đứng ngài cuộc của tôi:
- Bác đã cho người vào Trường điện ảnh bảo họ giúp cho các cháu vào Đảng để cống hiến tốt hơn. Nhưng sau hỏi lại họ nói các cháu không làm đơn mà lại nói kiểu nửa đùa nửa thật là “Các anh phải viết thư mời bọn tôi vào để bọn tôi xem xét”. Dù là nói đùa cũng không được nói kiểu đó. Nó thể hiện thái độ không tôn trọng tổ chức. Con người mà không gắn với tổ chức, tự do vô kỷ luật lông bông thì không thể nào đóng góp được hết khả năng cho tổ quốc và cho cách mạng. Đòi tổ chức mời mình là vẫn còn kiêu ngạo vô lối. Muốn được tổ chức chấp nhận thì phải có thiện chí với tổ chức. Như anh Cù Huy Cận, khi anh Hoàng Minh Giám chuẩn bị nghỉ bác gọi lên hỏi anh ấy là ai có thể làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá, anh Cận nói rất chân thành: “Em dã làm Thứ trưởng mấy chục năm rồi, nếu anh không có gì giận thì cho em làm!” Đấy, phải chân thành như thế chứ!
- Bác đã cho người vào Trường điện ảnh bảo họ giúp cho các cháu vào Đảng để cống hiến tốt hơn. Nhưng sau hỏi lại họ nói các cháu không làm đơn mà lại nói kiểu nửa đùa nửa thật là “Các anh phải viết thư mời bọn tôi vào để bọn tôi xem xét”. Dù là nói đùa cũng không được nói kiểu đó. Nó thể hiện thái độ không tôn trọng tổ chức. Con người mà không gắn với tổ chức, tự do vô kỷ luật lông bông thì không thể nào đóng góp được hết khả năng cho tổ quốc và cho cách mạng. Đòi tổ chức mời mình là vẫn còn kiêu ngạo vô lối. Muốn được tổ chức chấp nhận thì phải có thiện chí với tổ chức. Như anh Cù Huy Cận, khi anh Hoàng Minh Giám chuẩn bị nghỉ bác gọi lên hỏi anh ấy là ai có thể làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá, anh Cận nói rất chân thành: “Em dã làm Thứ trưởng mấy chục năm rồi, nếu anh không có gì giận thì cho em làm!” Đấy, phải chân thành như thế chứ!
- Nhưng bác có cho bác ấy làm Bộ trưởng đâu!- Tôi nói.
- Chân thành là cần, nhưng chưa đủ. Đảng cần những người tự
nguyện đứng vào trong tổ chức, nhưng giao phó giữ các trọng trách thì phải có
nhiều yêu cầu khác nữa.
- Sao bác không cho ông Đình Quang thầy cháu làm Bộ trưởng.
Ông ấy vừa có trình độ văn hoá chung, vừa có đạo đức lại vừa có kỹ năng quản
lý.
- Có tài, có trình độ nhưng không đủ nhiệt tình đứng trong tổ
chức Đảng cũng không thể giao trọng trách. Anh Đình Quang các cháu giới thiệu
bác đã đưa vào danh sách dự Đại hội khoá 5, nhưng đến đại hội Đảng anh này toàn
nói theo giọng quân đội (Tức là giọng ông Trần Độ - ĐMT). Thế thì làm sao mà
cho vào TW được. Bác không định kiến, bác tin sự biến chuyển của con người nên
khi các cháu nhắc bác vẫn đưa anh ấy vào danh sách bầu TW khoá 6. Nhưng khi bị
Trần Hoàn phê về vụ chở cha Lý trên ô tô từ Thanh Hoá ra Hà nội thì anh này lại
nổi tự ái xin rút khỏi danh sách đại biểu Đại hội. Thế là non. Anh Hà Trọng Hoà
bị kiểm tra tư cách đại biểu loại ra, nhưng anh ấy không tự ái bỏ về mà vẫn xin
ở lại phục vụ, lo hậu cần cho Đại hội. Vì thế Đại hội thương, lại cho vào TW.
Phải vượt lên cái tự ái mới làm được việc lớn.
- Cháu nghĩ thầy Đình Quang cháu không phải là người kiêu ngạo,
thầy cháu là trí thức thuộc thế hệ cũ, rất sợ mang tiếng là người cơ hội.
- Vậy là thiếu bản lĩnh, định kiến cố chấp. Cơ hội còn hơn bảo
thủ. Cơ hội nó thấy cái mới đang thắng thế nó chuyển mình theo, làm cho lực lượng
ủng hộ cái mới đông hơn. Còn đám bảo thủ chỉ cản đường cách mạng. Cũng có nhiều
người nói với bác là Lê nó cơ hội, mang ảnh chụp với bác đi khoe. Bác không
quan trọng hoá việc đó, nhưng đừng để người ta nói rác tai bác.
- Chắc là người ta thấy Lê vừa được in Trường ca, người ta
nghĩ là Đảng tin dùng nên người ta nói thế! Bây giờ cháu được ra phim, được đi
dự các LHP quốc tế thì người ta cũng sẽ nói xấu cháu như nói Lê thôi!Và lúc ấy
bác lại nghĩ thằng Tuấn cũng hỏng rồi!
- Không phải là nói xấu hay không nói xấu. Bác phân biệt hai
đứa. Các cháu có những mặt mạnh mà bác phải dựa vào, nhưng các cháu có nhược điểm
chung là háo thắng!
- Thì chúng cháu từ bé đến lớn toàn được dạy những bài học
“Bách chiến bách thắng”, “Đã đi là thắng!”, “Tư thế người chiến thắng”, “Nụ cười
chiến thắng”...
- Nhưng háo thắng thì không làm được việc lớn!
NÓI CHUYỆN VỀ CHỐNG MAO-ÍT VÀ TBT LÊ DUẨN
Giọng hơi có vẻ bực của Lê Đức Thọ làm tôi chợt ngộ ra cái
lý lẽ của ông về phẩm chất của người làm việc lớn. Nhưng tôi vẫn chưa chịu
thua:
- Cháu là nghệ sỹ nên hồn nhiên bộc lộ bản thân, nghĩ gì nói nấy, thấy sai thì lên tiếng đấu tranh thì mọi người dễ nghĩ cháu háo thắng. Nhưng những người không tỏ ra háo thắng chưa chắc họ đã trung thực, có khi họ giả vờ khiêm tốn. Cháu nghe người ta kêu là bác làm tổ chức mà dùng nhiều người không tốt, cơ hội.
- Cháu là nghệ sỹ nên hồn nhiên bộc lộ bản thân, nghĩ gì nói nấy, thấy sai thì lên tiếng đấu tranh thì mọi người dễ nghĩ cháu háo thắng. Nhưng những người không tỏ ra háo thắng chưa chắc họ đã trung thực, có khi họ giả vờ khiêm tốn. Cháu nghe người ta kêu là bác làm tổ chức mà dùng nhiều người không tốt, cơ hội.
- Người ta nói cũng có thể đúng. Nhưng đúng đến đâu thì phải
tuỳ từng việc, từng người. Tiếng là bác phụ trách tổ chức, nhưng thực tế là bác
mất rất nhiều thời gian cho việc khác, mấy năm cho Hội nghị Paris, mấy năm cho
Cămpuchia, rồi lại mấy năm lao vào xây dựng nghị quyết về đổi mới văn hoá văn
nghệ. Cứ lĩnh vực nào gai góc là Ðảng lại cử bác vào. Thành ra chuyện tổ chức hầu
như anh Lê Văn Lương làm cả.
- Bác hay bác Lương cũng chỉ là một phần thôi! Nhiều người
nói với cháu và cháu cũng thấy đúng là Đảng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi,
hiện đang xuống dốc, đang bất lực, đang ngày càng tỏ ra đi ngược lại những
nguyên tắc mình vẫn rao giảng. Cháu nói thật, cháu không làm đơn xin vào đảng
cũng vì thế đấy! Thực lòng cháu cũng thấy guồng máy hiện hành do Đảng tạo ra vẫn
đầy chất maoism, phi dân chủ, chống trí thức, giả danh lý tưởng và kỳ thị với
những người trung thực và tâm huyết như chúng cháu. Chúng cháu đã đấu tranh với
những người maoist quyết liệt ở Viện Triết, chú Đậu Ngọc Xuân thư ký bác Duẩn
đánh xe đến tận nhà ông Viện trưởng Phạm Như Cương nói rằng: “Các anh viết sách
về con người mới dày thế này này, vậy mà các anh để cho cán bộ trù úm lớp trẻ,
phát ngôn linh tinh về lãnh đạo”. Nhưng rồi bác Duẩn vẫn cứ sa lầy trong sách
lược, cải lương, dung hoà với những người Maoist. Hai người mặc chung chiếc áo
đoàn kết rộng thùng thình thì đoàn kết thuộc về kẻ nào biết thò tay qua hai ống
tay áo để hành động. Thế nên mới bị cướp cờ đổi mới. Bác Lê Duẩn đưa ra lý thuyết
làm chủ tập thể, một kiểu nổi loạn tập thể dùng dân cải taọ đảng từ bên ngoài rất
hay, rất hiện sinh, chúng cháu làm theo, đấu tranh chống tiêu cực, chống Mao-ít
trong Đảng, nhưng chẳng có điểm tựa về tổ chức từ bên trong Đảng cả. Dân chỉ phối
hợp với Đảng thôi chứ dân làm thay đảng thế nào được trong vấn đề nội bộ. Cháu
phải bỏ Viện triết đi học điện ảnh lại may, có phim người ta mời đi đi đó đi
đây ra thế giới. Chứ cứ ở lại Viện Triết mà đấu tranh “làm chủ tập thể” thì có
khi bây giờ vẫn suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, mang cặp lồng cơm
ra ghế đá công viên Lý Tự Trọng vừa ăn vừa viết kiến nghị tư vấn, giới thiệu
nhân sự cho Đảng, chẳng bao giờ được đi mấy Liên hoan phim ở Pháp như bây giờ.
Đảng hỏng nặng rồi. Bác giải tán Đảng đi thì có khi dân biết ơn bác đấy!
- Không phải bác không biết là nhiều đứa trong Đảng chúng nó
ngu! Dạo mới chuyển hướng xây dựng liên minh chiến lược với Liên xô, bác đã cảnh
báo “Phải cẩn thận không có giáo điều mới!”. Thế là họ kêu ầm lên là anh Sáu bảo
thủ, vừa mới theo Liên xô đã bắt đầu chấn chỉnh. Y như rằng sau đó cái gì cũng
dập khuôn Liên xô, Liên xô. Bác đứng nói trước Hội nghị TW, họ phải cúi đầu! Đấy,
chúng nó ngu như vậy đấy, nhưng giải tán Đảng là các anh chết trước!
Ông dừng lại lấy cốc sâm uống một hơi rồi nói tiếp:
- Bác đã nói rất nhiều lần với các cháu về vấn đề phương
pháp cách mạng mà các cháu chưa để ý. Có mục tiêu đúng, có động lực mạnh mà
không có phương pháp cách mạng thì cũng khó thành công. Không thể có thái độ giản
đơn, một chiều, huỵch toẹt trong cách giải quyết những vấn đề phức tạp. Phải biết
lựa thế, biết chờ thời, thậm chí còn phải biết đi vòng, chờ đợi. Phải có phương
pháp cách mạng, thậm chí phải nghe bằng bốn tai chứ không phải chỉ bằng hai
tai. Cháu phê bình không phải là không đúng. Nhưng cháu nhìn vấn đề còn đơn giản,
một chiều, không thấy việc gì cũng phải có quá trình phức tạp. Mình phải vượt
lên cái cá nhân thì mới kiên nhẫn chờ đợi được! Phải chấp nhận cả bất công mới
làm được việc lớn. Ở ta có cái lối cứ dồn công cho một người, dồn tội cho một
người! Nếu cứ háo thắng đi đôi co để chứng minh công tội rạch ròi thì cả đời sa
lầy trong đó, làm được việc gì nữa! Chiến thắng trong chiến tranh rất khó,
nhưng kết thúc chiến tranh có khi còn khó hơn. Đảng giao cho bác làm tất cả mọi
việc để kết thúc chiến tranh, nhưng có mấy ai biết giá trị của công việc ấy
đâu!
- Họ không biết sao họ trao Nô-ben cho bác?! Bác không nhận
có phải vì không muốn đứng chung với Kít-xing-giơ?
- Bác thấy anh ta cũng bình thường. Nhưng không phải vì đứng
chung với Kít-xing-giơ mà bác không nhận giải. Có được chiến thắng ngoại giao
còn nhờ vào trí tuệ chung của Đảng và xương máu của quân đội, của nhân dân. Bác
không thể vơ hết vào làm công riêng của mình được.
- Lâu nay người ta vẫn coi bác với bác Lê Duẩn, chú Tố Hữu
là bộ ba “Xe Pháo Mã”. Nhưng gần đây cháu lại nghe bác có chuyện gì với bác Lê
Duẩn? Có lần chú Tố Hữu nói chuyện với cháu và Lê, chú ấy có vẻ có nhiều tâm sự
lắm. Chú ấy chỉ tay sang bên số 6 Hoàng Diệu và nói nửa đùa nửa thật: “Bên kia
mà sai thì nguy hiểm lắm!”.
- Chạm đến Hồ Chí Minh là không được.
Lê Đức Thọ chỉ nói ngắn gọn vậy. Biết chạm vào chuyện cụ thể
nhạy cảm, tôi tranh thủ lái ngay sang chuyện khác
NÓI CHUYỆN VỀ “ĐA NGUYÊN-ĐA ĐẢNG”
- Cháu nghĩ trong Đảng cũng có những quy định, cấm kỵ bất
thành văn. Hồi trước cháu nghe nói bác Trần Xuân Bách cũng vi phạm cấm kỵ bất
thành văn khi tự động nói ra ý tưởng đa nguyên của bác nên bị kỷ luật đúng
không? – Tôi hỏi.
- Bác không bảo riêng anh ấy chuyện gì cả!
- Sao mình lại sợ đa nguyên đa đảng nhỉ? Văn hoá của dân tộc
mình vốn là đa nguyên mà? Có lý có tình, có làng có nước...Tổ tiên còn đẻ ra bọc
trăm trứng nữa! Cháu thấy thực ra Đảng mình bây giờ cũng không hẳn là độc đảng.
Cháu có theo dõi các Đại hôị và hỏi chú Đậu Ngọc Xuân là tại sao trong các Nghị
quyết Đảng có nhiều mệnh đề trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau hoàn toàn về bản chất,
về định hướng lại nằm cạnh nhau như hai vế của một mệnh đề phức hợp. Chú Xuân bảo
là “Vì thời gian Đại hội ngắn quá, không đủ thời gian để tranh cãi ngã ngũ quan
điểm nào thắng, quan điểm nào thua nên cứ ghi cả hai quan điểm vào nghị quyết.
Khi ra thì anh nào làm theo ý anh ấy. Cả hai đều đúng nghị quyết”. Đấy là trường
hợp không có nghị quyết, hay nghị quyết giả, nghị quyết chết yểu khi đi vào cuộc
sống. Còn có trường hợp có nghị quyết nhất trí rồi, nhưng nhiều nơi vẫn công
khai không chịu thực hiện. Như Nghị quyết về Khoán, nhất trí hoàn toàn trong
Nghị quyết, không có hai vế nữa, khi đưa Nghị quyết vào cuộc sống, quân ông Trường
Chinh vẫn không chịu thực hiện, phải lấy chữ ký của ông vào từng bản in gửi tới
các nơi đó thì họ mới làm theo.
Lê Đức Thọ nghe tôi nói nhưng có vẻ nghĩ ngợi xa xăm. Tôi vẫn
nói tiếp:
- Hay trường hợp đổi tiền vừa rồi. Cháu đọc bản giải trình
trước quốc hội của ông Phó Thủ tướng Trần Phương mới biết là lúc ấy trong kho
không có đủ tiền để đổi, vì hợp đồng in tiền ký với Đức sang năm mới có đủ tiền.
Nhưng ông Trường Chinh đổi mới theo kiểu ý chí luận cứ quyết đòi phải đổi tiền
ngay, nên chú Tố Hữu miễn cưỡng làm, dùng chiêu đổi mười đồng lấy một đồng để
cho thấy ý chí luận cứ bắt tôi làm trong lúc không đủ tiền thì nó thế đấy. Rốt
cục chỉ khổ dân thôi! Nghị quyết giống như thoả ước giữa anh nông dân và con gấu
trong chuyện dân gian. Họ thống nhất người lấy ngọn người lấy gốc rất vui vẻ.Nhưng
khi con gấu đòi lấy gốc thì anh nông dân trồng lúa. Khi con gấu đổi mới đường lối
chuyển sang đòi lấy ngọn thì anh nông dân lại trồng khoai. Khi nghị quyết chung
chung, hình thức giả tạo và hời hợt thì người tổ chức thực hiện là Chính phủ,
là dân bao giờ cũng cụ thể hoá theo ý của mình, vẫn đúng với Nghị quyết, nhưng
có khi lại khác hoàn toàn với mong muốn của những người làm ra nghị quyết. Cháu
nghĩ bản chất của những việc ấy là câu chuyện nhất trí giả, đồng thuận giả, nghị
quyết giả của các lực lượng có định hướng tư tưởng khác xa nhau, có mục tiêu
chính trị xã hội rất khác nhau, có đường lối khác nhau một trời một vực, thậm
chí trái ngược nhau như hai đảng Dân chủ với cộng hoà ở Mỹ, nhưng lại nằm chung
trong một đảng. Mâu thuẫn giữa các định hướng đã vượt tầm mâu thuẫn phe nhóm
trong một đảng. Đấy là đa đảng bên trong, đa nguyên ngầm, đa đảng chui chứ đâu
phải là độc đảng? Giống như hai anh kinh doanh hai mặt hàng trái ngược nhau
nhưng lại ngoắc ngoặc với nhau dùng chung một giấy phép kinh doanh, một con dấu.
Để trốn thuế và trốn sự kiểm soát của xã hội.
Chờ tôi ngừng lời, bác sỹ vào giục lần thứ ba, Lê Đức Thọ lại
xin thêm mấy phút nữa rồi nói với giọng chân tình về một vấn đề chung chứ không
nói gì về vấn đề “đa đảng ngầm” mà tôi đã đặt ra:
- Các bác yêu nước nên đi làm cách mạng chứ có được học hành
gì đâu! Nên cứ phải vừa làm vừa học, sai đâu sửa đấy, thiếu đâu bổ sung đấy.
Hoàn thiện dần con người và tổ chức. Như một đứa trẻ mới chập chững bước đi, nó
bước tới để hái một bông hoa, nhưng bị vấp ngã. Nó không bỏ mục đích mà đứng dậy,
lại tiếp tục đi, lại bị ngã, lại đứng dậy đi, cuối cùng nó cũng hái được bông
hoa. Bác nghĩ nếu đứa trẻ lớn lên nó sẽ biết cần bỏ đi cái gì, cần thay đổi cái
gì, cần bổ sung cái gì để nó đạt mục tiêu. Nó hái hoa một tay hay hai tay, thậm
chí lúng túng tay nọ vướng tay kia, không thành vấn đề. Chỉ miễn sao sau mỗi lần
vấp ngã nó đừng có hoang mang dao động mà từ bỏ bông hoa, mục đích lớn của
mình! – Ông cầm tờ pơ lua xanh trên bàn vo tròn vứt vào thùng rác cạnh bàn rồi
bắt tay tôi - Thôi, cháu đi khoẻ, thành công nhé!
Tôi không ngờ đó là cuộc nói chuyện cuối cùng với ông.
25 NĂM TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO CÂU HỎI LỚN VỀ ĐẢNG CSVN
Hai tháng sau, khi tôi ở Paris, Đông Âu sụp đổ. Linh cảm của
Lê Đức Thọ đã đúng. Đêm Noel, tôi được mời đến dự bữa tiệc Giáng Sinh rất thịnh
soạn tại nhà anh Nguyễn Ngọc Giao, người đã từng phiên dịch cho Lê Đức Thọ trong
Hội nghị Paris và sau này cũng có nhiều tư vấn cho ông nhưng không được thực hiện.
Chúng tôi chạm cốc mừng sự kiện Đông Âu. Mọi người nói: “Mừng chế độ độc tài của
Việt Nam sắp kết thúc!” Nhưng tôi nói: “Không đâu các anh ơi! Cộng sản Việt Nam
họ linh hoạt lắm, họ chuyển đổi nhanh lắm, nên không có chuyện sắp sụp đổ
đâu!”. Mọi người quy luôn tiên đoán thành lập trường, cho rằng tôi “Đến giờ mà
vẫn tin tưởng vào Đảng CS!”. Có lẽ vì thế những lần sau tôi trở lại Paris, anh
Giao hầu như không gặp gỡ tôi thân tình như trước nữa. Trong khi đó, khi về nước
gặp lại Lê Đức Thọ trong bệnh viện 108 cùng Vĩnh Quang Lê, ông cũng tỏ ra hờ hững,
như thể chưa từng nói chuyện với tôi trước khi tôi đi Pháp. Ông chỉ hỏi Lê về
việc anh Bùi Công Hùng đã được chuyển sang Hội Việt Kiều chưa? Không biết ông
đã nhìn tôi khác đi sau buổi tôi nói về giải tán đảng hay có những thông tin gì
của an ninh báo về các quan hệ của tôi bên Pháp.
Thế nhưng, sự im lặng của ông khi tôi độc thoại về “đa
nguyên ngầm”, “đa đảng chui” và khi tôi gặp lại, cứ ám ảnh tôi. Tôi luôn thấy
hình ảnh bông hoa và hình ảnh đứa bé hái hoa ngã rồi lại đứng dậy đi tiếp hái
cho kỳ được bông hoa mơ ước. Giống như Đức Phật nâng lên một nhành hoa và Ca Diếp
mỉm cười được Phật tổ chứng quả, Lê Đức Thọ là người hiểu tôi trong im lặng, đọc
thơ tôi và nhìn ra cảnh ngộ của tôi để quan tâm giúp đỡ. Vậy thì cái im lặng thẳm
sâu mênh mang của ông trước câu hỏi dấy lên từ thẳm sâu đáy lòng tôi đó có thể
là một câu trả lời “Bất khả tư nghị” cho băn khoăn day dứt của tôi chăng? Và
cái im lặng như buồn giận, như bất lực lại như “không thể nghĩ bàn” ấy trở
thành một thứ keo dính chặt tôi vào vấn đề của Đảng CSVN, như con chuồn chuồn bị
dính chặt vào cái que gắn nhựa mít của đám trẻ thơ bẫy nó. Trong suốt 25 năm
qua, tôi luôn ám ảnh tìm lời giải cho câu hỏi đó: “Đảng CSVN là độc đảng hay đa
đảng bên trong như quả trứng sinh đôi? Cứ để thế hay cần làm gì đó hối thúc cho
nó, sưởi ấm cho chúng một ngày được tách vỏ chui ra?” .
Và suốt 25 năm qua, bên canh việc sáng tác văn học nghệ thuật,
tôi vẫn âm thầm tìm kiếm lời giải cho câu hỏi định mệnh ấy trong thái độ vừa hợp
tác vừa đấu tranh với Đảng và trong cảm hứng của người trí thức săn tìm chân
lý. Tôi đã tìm kiếm suy ngẫm và tiếp cận vấn đề này từ nhiều góc độ: Triết học,
văn hoá học, dân tộc học, phân tâm học, khoa học chính trị, các thể chế, các
tôn giáo, lý thuyết trò chơi...Và, cứ mỗi lần tưởng đã tìm ra câu trả lời, thực
tế cuộc sống lại bác bỏ, đòi tìm thêm hướng khác. Đến nay tôi muốn chia sẻ những
suy nghĩ của mình cùng xã hội để kiểm nghiệm, tìm phản biện. Vì thế tôi có kế
hoạch sẽ chia sẻ dần loạt bài viết về những suy ngẫm từ thực tế lịch sử, xã hội
để giải mã cấu trúc và vận động của Đảng CSVN từ góc độ hàn lâm. Từ đó, tôi hy
vọng sẽ gián tiếp tư vấn giúp cho Đảng có thêm cơ sở lý luận để có thể mạnh dạn
hơn trong những cải cách đúng tầm về thể chế và xây dựng Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét