Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Nghĩ lung tung về Triết lý Giáo Dục của cụ Hồ


Có người so sánh Triết Lý Giáo Dục của cụ Hồ (được phát biểu vào năm 1949) với 4 trụ cột giáo dục được UNESCO nhìn nhận vào năm 1996.

Triết lý giáo dục của cụ Hồ: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, trang 684; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2004).

Triết lý giáo dục của UNESCO: “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”.


Các bạn thấy giống và khác nhau ở chỗ nào không? UNESCO xem mục tiêu quan trọng đầu tiên của học là để có kiến thức. Cụ Hồ không nói gì đến mục tiêu nầy. Có phải vì thiếu sót này, nên ngày nay giáo dục trong nước so với nước ngoài mới khác biệt quá xa?

Cả nước Việt Nam chưa có ai đạt được giải Nobel. Người duy nhất đoạt được giải Fields Toán học không được đào luyện ở các đại học Việt Nam. Chỉ riêng một trường MIT của Mỹ có 2 giải Fields, và trên 80 giải Nobel. Chỉ khác biệt có vài chữ "Học để có kiến thức" và không có mấy chữ này trong mục tiêu giáo dục quốc gia, đưa tới hậu quả xa như vậy đó các bạn.

Triết lý giáo dục của cụ Hồ có một số trụ cột UNESCO không có. Các bạn biết điều gì cụ Hồ chủ trương, thế giới thua cụ, không để vô 4 trụ cột giáo dục của UNESCO?
Cụ chủ trương "... Học để làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân..." Giáo dục Cộng Sản đào tạo những con người làm cán bộ tốt để phục vụ cho Cộng Sản. Họ phục vụ đoàn thể họ tốt quá, nên lãng quên nhiều khía cạnh khác của giáo dục là đào tạo những con người có thể chung sống với nhau được. Đứa trẻ do đó đuoc tuyên truyền chánh trị để trung thành với chế độ Cộng Sản, chủ nghĩa Cộng Sản, mặc dù trên thế giới này không còn ai theo Cộng Sản nữa cả.

Đứng ngoài nhìn vào giáo dục nước nhà, người ta có thể đặt câu hỏi, không biết Giáo Dục Việt Nam có đạt được hai chỉ tiêu cụ Hồ đặt ra từ năm 1949. Giáo dục để phục vụ giai cấp và nhân dân. Nhân danh công nhân và nông dân nghèo khổ, cụ Hồ đã nhận chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế sáng lập đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trên lý thuyết cuộc cách mạng Cộng Sản phải có lợi cho hai giai cấp nầy. Thực tế khác hẳn. Về thăm lại quê hương du lịch xuyên Việt hai lần, tôi không thấy hai giai cấp này có lợi, hưởng được mưa móc gì của chế độ Cộng Sản cả. Những người giàu xụ ngày nay thuộc Đảng và phe nhóm chia sẻ quyền lợi với Đảng. Đảng có quyền, do đó có tiền.

Cụ Hồ muốn người Cộng Sản phải "... cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Về điểm này Giáo Dục Cộng Sản hoàn toàn thất bại. Họ không đào tạo được một thế hệ người như thế này. Cứ đọc báo chí hàng ngày các bạn sẽ thấy rõ thế hệ Trẻ do Cộng Sản đào tạo ra sao. Họ hoàn toàn đi ngược lại với ước muốn của Cụ.

Thế hệ Cộng Sản ngày nay không có những đức tánh căn bản cụ Hồ muốn. Đảng Cộng Sản ngày nay giàu có và tham nhũng. Thỉnh thoảng một vài lãnh tụ cũng kêu gọi dẹp tham nhũng. Tuy nhiên đọc báo tôi thấy các nhà báo chống tham nhũng lần lượt đi tù, cho nên tôi cũng không hiểu thực tâm của Đảng muốn trong sạch đến mức nào.
Lịch sử cho thấy tham nhũng luôn luôn đi đôi với quyền hành tuyệt đối, nói trắng ra chế độ độc tài. Đảng lúc nào cũng muốn cũng cố quyền hành, ai không đồng ý là thế lực thù địch, muốn lật đổ chế độ. Muốn độc tài, và chống tham nhũng là chuyện không thể làm được. Trong một chế độ độc tài, những người được uỷ nhiệm chống tham nhũng thường được tham nhũng nuôi, để được yên thân làm ăn.

Do đó chúng ta ở trong vòng lẩn quẩn. Độc tài sanh tham nhũng. Muốn chống tham nhũng, Đảng cử người đứng ra chống tham nhũng. Tham nhũng phải kiếm nhiều tiền hơn nữa, để chia bớt, nuôi những người này. Do đó tham nhũng ăn nhiều hơn. Thật là vòng lẩn quẩn. Người có quyền sẽ được người có tiền mua chuộc, do đó mới có tham nhũng. Có ông nào đi ăn xin ngoài đường, mà tham nhũng được đâu?

Tham nhũng do quyền hành tuyệt đối tạo ra. Đảng vẫn nắm quyền hành tuyệt đối, nên không thể nào dẹp tham nhũng được. Dẹp tham nhũng ai làm việc đây. Có ai tự dẹp mình như Gorbachev không? Ở Việt Nam chưa thấy có dấu hiệu có một Gorbachev.
Chỉ một vài chữ trong Triết Lý Giáo Dục, mà đưa tới những hậu quả cụ thể, cả thế hệ người Việt Nam ngày nay phải gánh chịu. Triết Lý Giáo Dục quan trọng lắm các bạn ơi. Phải nghiêm túc suy nghĩ vấn đề này. Không thể coi nhẹ một vài chữ làm nền tảng cho tổ chức giáo dục quốc gia. Trồng người mà sai lầm có thể dẫn đến đào tạo một thế hệ "thù địch", ngăn cản bước tiến của dân tộc.

Thời nhà Nguyễn, trong lúc Nhật đổi mới và cải cách đất nước, triều đình Việt Nam dựa vào các Văn Miếu và Quốc Tử Giám đào tạo những con người văn chương lễ nghĩa theo Tàu, chống đối khoa học và văn minh Tây Phương, kết quả là một nước Việt Nam bị đô hổ cả trăm năm.

Thời hiện đại, nếu cứ khư khư ôm ông Tàu cả ngàn năm muốn rình rập cơ hội để chiếm Việt Nam làm thuộc địa, đào tạo một lớp người thân kẻ thù, coi kẻ thù là anh em môi hở răng lạnh, sẵn sàng chống lại nhân dân để được lòng Tàu, nền giáo dục này sẽ đưa tới hậu quả gì đây? Tương lai sẽ trả lời. 

Đọc báo thấy Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự ở Trường Sa, phi cơ có thể đe dọa Sài Gòn trong vòng một tiếng đồng hồ cất cánh, tôi nghĩ câu trả lời cũng sẽ tới sớm thôi, không lâu nữa đâu.

Lê Thanh Hoàng Dân (Facebooker)

Không có nhận xét nào: